Văn hóa truyền thống

Lai lịch truyền kỳ của hai đại danh thần phò tá Hoàng đế Khang Hi

01/03/24, 16:05
Lai lịch truyền kỳ của hai đại danh thần phò tá Hoàng đế Khang Hi
Hoàng đế Khang Hi là vị Hoàng đế tài ba lỗi lạc bậc nhất của nhà Thanh (ảnh: Kknew)

Thời Hoàng đế Khang Hi có hai đại danh thần nổi tiếng là Lý Úy và Trương Anh, cả hai đều là những cánh tay đắc lực phò tá Thanh Thánh tổ. Tương truyền hai vị này đều có lai lịch truyền kỳ.

Kiếp trước là nho sinh, kiếp sau là thần đồng 

Theo Lý Uý kể lại, kiếp trước ông là một lão nho sinh, tinh thông kinh sử; tuy tài năng và học thức đầy đủ, nhưng lại không có mệnh khoa cử, thi mãi không đỗ. 

Một lần, ông tình cờ đi ngang qua nhà họ Lý, thấy ngôi nhà nguy nga tráng lệ, trong lòng cảm thấy ngưỡng mộ.

Một hôm, ông chợt nhận ra cơ thể mình trở nên nhẹ nhàng, sau đó liền bước nhanh vào trong nhà họ Lý, thấy một đám tì nữ đang chăm sóc một sản phụ. Ông cảm thấy thân thể mình trở nên nhẹ một cách dị thường, bèn trèo lên xà nhà để quan sát.

lai lịch bất phàm; lai lịch phi phàm; thân thế phi phàm
Trong nhà họ Lý đang có một sản phụ sắp sinh, xung quanh có các tỳ nữ vây quanh chăm sóc (ảnh minh họa: Sohu)

Lúc này bỗng nhiên có người đẩy ông một cái, nhất thời ông bị ngã vào vào lòng người sản phụ. Tới khi tỉnh lại thì phát hiện thân thể mình chỉ còn dài hơn một thước, tay chân đều biến thành bộ dạng một đứa trẻ, được cuộn lại trong tã đặt trên giường. 

Lúc ấy trời mùa đông giá rét, tuyết rơi bên ngoài cửa sổ. Sản phụ hỏi tỳ nữ bên ngoài là có tiếng gì thế. Tiểu Lý (đứa bé) nằm ở trên giường lên tiếng đáp: “Là tuyết”.

Mọi người đều kinh ngạc, hoảng hốt. Đứa trẻ mới sinh lại biết nói chuyện, ai cũng đều cho rằng đó là yêu quái, chuẩn bị mang đi dìm chết; may mắn thay cha của đứa bé kiên quyết phản đối.

Vì mang theo ký ức của kiếp truớc, nên Tiểu Lý đi học giống như thần đồng, biểu hiện thông minh phi phàm. Mười sáu tuổi đỗ kỳ thi hương, sau này Lý Úy làm quan, trở thành đại danh thần phò tá Hoàng đế Khang Hi, làm tới chức Hộ bộ thượng thư kiêm Bảo Hòa điện Đại học sĩ. 

Lý Uý lần lượt hiệu chỉnh luật lệ nhà Thanh, sửa lại “Thái Tông thực lục”, lại đảm nhiệm chức tổng tài biên soạn “Thế tổ thực lục”.

Sau khi biên soạn trùng tu sử sách xong, Khang Hi đế vô cùng hài lòng, ban thưởng hậu hĩnh. Ông còn hai lần được tấn phong làm Thái phó thái tử, và Thái sư thái tử (dạy học và cố vấn cho thái tử)

Lý Uý là người ngay thẳng, tín nghĩa và dày dặn kinh nghiệm; ở chốn quan trường luôn giữ mình thanh bạch. Nghe nói rằng đây đều là vì ông có thể nhớ được kiếp trước.

Người mặc áo giáp vàng tới xin được đầu thai làm con

Một vị khác là đại danh thần Trương Anh, làm tới chức Lễ bộ thượng thư, kiêm Văn Hoa điện Đại học sĩ, cha là danh thần Trương Đình Ngọc. Trương Anh tự là Đôn Phục, ông có lai lịch khá truyền kỳ. 

Năm Sùng Trinh thời nhà Minh, trước khi ông được sinh ra, cha ông đã nằm mộng thấy một người mặc áo giáp vàng, tự xưng là Vương Đôn thời Đông Tấn, muốn thác sinh vào Trương gia làm con.

Vương Đôn là loạn thần thời Đông Tấn, nên cha của Trương Anh lập tức khước từ. Người mặc giáp vàng kia lại nói: 

“Không phải chuyện như vậy. Năm đó Vương thất nhà Tấn vô cùng suy bại, ta được Thiên Thượng an bài chuyển sinh tới đó, ứng với thiên thời mà sinh ra làm nghịch thần. Hiện giờ thiên hạ sắp thanh bình, ta lại thừa lệnh thiên thượng thuận theo thiên thời mà chuyển sinh, làm lương thần phò tá Thánh chủ”.

Sau đó, quả nhiên Trương gia có thêm con trai, nhưng không lâu sau thì bị chết yểu. Qua vài năm, Trương phụ lại mộng thấy Vương Đôn tới muốn đầu thai. Trương phụ liền trách cứ: “Ngươi dám khi dễ ta, ngươi quả thật gian trá! Nói là thác sinh vào nhà ta nhưng ngươi lại vội vàng rời đi, khiến Trương gia ta phải chịu một trận bi thương. Hiện giờ ta không cần ngươi tới nữa”.

Vương Đôn nói: “Ta đã đi thăm rất nhiều gia đình ở Giang Nam, phát hiện không nhà nào có phúc trạch bằng Trương gia, nên lại tới thác sinh. Lần này nhất định sẽ không rời đi như vậy nữa”.

Không lâu sau, Trương gia quả nhiên có thêm một người con trai nữa. Trương phụ vì vậy mà gọi là Trương Anh, vì lần mộng thứ hai nên đặt tự là Đôn Phục. 

lai lịch bất phàm; lai lịch phi phàm; thân thế phi phàm
Không lâu sau, nhà họ Trương lại sinh một đứa con trai, Trương phụ liền đặt tên là Trương Anh, tự là Đôn Phục (ảnh minh họa: Sohu)

Khang Hi bổ nhiệm Trương Anh là Viện trưởng viện Hàn lâm học sĩ vì thấy ông là người đôn hậu, cẩn trọng; thậm chí còn từng khen trước triều rằng: “Trương Anh là người trước sau kính cẩn, có phong thái của bậc đại thần cổ xưa”.

Gia tộc họ Trương sáu đời đều giữ chức ở hàn lâm, dòng dõi vinh quang, thiên hạ hiếm có. Con cháu Trương gia ai cũng tích cực phò tá Khang Hi, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, Đồng Trị. Trong đó, Trương Anh và Trương Đình ngọc, hai cha con được ca tụng là  “Phụ tử song học sĩ, lão tiểu nhị tể tướng” .

Phúc trạch của Trương gia quả thực giống như trong mộng Vương Đôn đã nói, khắp Giang Nam không ai sánh bằng. 

Trương Anh và Lý Uý đều là những bậc danh thần có phẩm đức cao thượng, tài năng xuất chúng; phò tá cho Khang Hi Đại đế thực như hổ thêm cánh. Cả hai đều vì thiên mệnh mà tới nên đều có lai lịch truyền kỳ. 

Theo Vision Times

x