Văn hóa truyền thống

Khổng Tử coi thường phụ nữ? 2 quan niệm sai lầm phổ biến về Nho giáo

08/06/21, 18:03
Khổng Tử coi thường phụ nữ? 2 quan niệm sai lầm phổ biến về Nho giáo
Người thời nay đã hiểu sai nhiều câu nói của Khổng Tử (ảnh NTDVN)

Trong sách “Luận Ngữ” chỉ có một lần duy nhất Khổng Tử nói về phụ nữ, đó là “Duy phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy bảo, gần thì vô lễ, xa thì oán hận”. Chính vì câu nói này mà người đời sau cho rằng Khổng Tử coi thường phụ nữ; nhưng câu này rất có thể là đã bị hiểu sai đi…

‘Vạn thế sư biểu’ Khổng Tử

Khổng Tử họ Khổng tên Khâu, tên chữ là Trọng Ni, là người nước Lỗ; mất năm 479 TCN, thọ 73 tuổi. Ông là nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông. Người đời xưng tụng ông là “Vạn thế sư biểu” – Bậc thầy của muôn đời sau.

Thế nhưng giống như Khổng Tử nói “Thời gian trôi đi như nước chảy thế này đây; đêm ngày không ngừng nghỉ”. 2500 năm đã trôi qua, những lời dạy của Khổng Tử do các đệ tử ghi chép lại nay đã mai một đi ít nhiều; thậm chí còn bị hiểu sai đi nguyên nghĩa gốc.

Khổng Tử nói về phụ nữ với ý khinh thường?

Trong “Luận Ngữ” có một câu duy nhất mà Khổng Tử nói về phụ nữ: Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã; cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán”. Nghĩa là “Duy phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy bảo, gần thì vô lễ, xa thì oán hận”. 

Thế là Khổng Tử bị cho là coi thường phụ nữ; thậm chí còn bị coi là người tiên phong trọng nam khinh nữ. Nhưng dựa vào các kinh điển của Nho giáo thì lại thấy Khổng Tử không hề có tư tưởng tiêu cực khi nói về phụ nữ. 

khổng tử là ai; khổng tử tinh hoa; khổng tử gặp lão tử
Khổng Tử không hề có tư tưởng tiêu cực khi nói về phụ nữ (ảnh Sohu)

Ví dụ như khi giảng về đạo làm con, ông dạy rằng con cái phải đối với cha mẹ bằng tình yêu thương trìu mến. Trong “Thiên tự văn”, cuốn sách ghi chép về các giáo lý chính thống của Nho giáo có chép rằng: “Ngoại thụ phó huấn; nhập phụng mẫu nghi”, nghĩa là khi ra ngoài thì nghe lời thầy, khi về nhà thì nhớ lời mẹ.

Hay như Âu Dương Tu – thi sĩ nổi tiếng thời nhà Tống, khi mới học chữ thì cũng là do mẹ dạy. Đại văn hào Tô Đông Pha (Tô Thức) cũng là do mẹ dạy đọc “Hán Thư”. Văn học gia Chu Tất Đại thuở nhỏ cũng được mẹ “trực tiếp đốc thúc đọc sách; thường thức tới nửa đêm… lại dạy làm thơ”. Sự thành danh của họ cũng phải kể đến một phần dạy dỗ của những người mẹ. Như vậy thì các bậc mẫu thân ngày xưa cũng rất trí tuệ chứ đâu đến nỗi là bị coi thường?

Hiểu như thế nào cho đúng câu Khổng Tử nói về phụ nữ?

Đã là như vậy thì người ta phải đặt ra nghi ngờ về cách hiểu câu “Duy phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy bảo; gần thì vô lễ, xa thì oán hận”; rất có thể là câu này đã bị hiểu sai đi.

Hiện có 2 cách giải thích khác nhau về câu này như sau:

Có người cho rằng, trong câu “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã; cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán”, thì chữ “dữ” trong “Thuyết văn giải tự” giải thích rằng: “Dữ, tứ dữ dã”, từ “dã” trong ý “giá” (gả) ở đây là “giá dã” (gả cho ai đó). Vậy nên câu này là phản ánh quan điểm chọn rể của Khổng Tử. 

Ý nghĩa chân chính của câu này có thể là: Nếu mà gả con gái cho kẻ tiểu nhân thì sẽ khó mà dạy dỗ được nữa; gần con thì con vô phép, xa con thì con oán hận. Sự biến đổi ngôn ngữ và tách khỏi văn cảnh đã khiến người đời sau hiểu sai nghĩa câu này.

khổng tử thế gia; Nho giáo của Khổng Tử; nho giáo việt nam
Các bậc mẫu thân ngày xưa cũng rất trí tuệ và còn có thể dạy cho con học (ảnh Sohu)

Câu nói này không có ý nói về phụ nữ?

Còn có một cách giải thích khác cho rằng, “Người dương tính gọi là nam, người âm tính gọi là nữ”; chữ “nữ” ở đây thực ra là một tính từ, nghĩa là “âm tính”; tổ hợp thành “nữ tử” thì có nghĩa mở rộng là “người nội tâm âm hiểm xảo trá”.

Như vậy thì câu Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” có nghĩa là: những người nội tâm âm hiểm xảo trá, nhân cách bỉ ổi là người khó chung sống nhất; gần gũi họ thì họ sẽ vô lễ, xa cách họ thì họ sẽ oán hận. Vậy nên nghĩa gốc của câu này không có liên quan đến phụ nữ.

Nho giáo là vô Thần?

Chỉ vì trong “Luận Ngữ” có câu: “Tử bất ngữ: quái, lực, loạn, thần”, nghĩa là Khổng Tử không nói về bốn điều: Quái dị, dũng lực, phản loạn, quỷ thần; mà nhiều người cho rằng Khổng Tử không tin quỷ Thần; thậm chí còn cho rằng Khổng Tử có tư tưởng bài xích tôn giáo. 

nho giáo và đạo giáo; nho giáo thờ ai; khổng tử nói về giáo dục
Khổng Tử diện kiến Lão Tử (ảnh Facebook)

Thế nhưng trong sách “Luận Ngữ” cũng có đoạn viết “Phi kỳ quỷ nhi tế chi, siểm dã” – nghĩa là Không phải quỷ (ma) nhà mình mà tế lễ thì đó là xiểm nịnh. Hay như câu “Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ Thần nhi viễn chi, khả vị trí hĩ” – nghĩa là dốc sức khiến người dân thực hiện đạo nghĩa; tôn kính quỷ Thần và không được quá thân cận; như thế có thể gọi là có trí tuệ rồi.

Vậy là Khổng Tử tin rằng có quỷ Thần chứ đâu phải là không có quỷ Thần; thế thì tại sao Khổng Tử lại nói rằng “Tử bất ngữ: quái, lực, loạn, thần”?

‘Tu khẩu’ để tránh gây họa

nho giáo thờ ai; khổng tử nói về giáo dục; khổng tử nói về đạo đức
Nhà Phật cho rằng những điều nhìn thấy trong khi ngồi thiền đều là ma huyễn (ảnh Kknews)

Việc này cũng giống như trong Phật giáo, Đức Phật nói với các đệ tử rằng, tất cả những gì nhìn thấy trong khi ngồi thiền thì đều là ma huyễn, không thật; dù có nhìn thấy gì thì cũng không cần bận tâm. 

Rất nhiều người tu Phật khi định đến một mức nào đó rồi thì có thể nhìn thấy các cảnh tượng trong không gian khác; có thể nhìn thấy cả Thần Phật, Bồ Tát, nhìn thấy các thế giới mỹ diệu vô cùng. Lúc đó có người không giữ được mình mà lạc ở trong đó không chịu thoát ra; hoặc trí huệ chưa đủ để phân biệt Phật thật hay giả, có thể nghe theo lời dẫn dụ của ma quỷ mà tu lầm đường lạc lối. Đây là lý do Đức Phật nói các đệ tử coi tất cả mọi thứ đó đều là ma huyễn.

Khổng Tử cũng vậy, ngài là bậc thánh nhân, cũng nhìn thấy và thấu hiểu nhiều điều. Ngài hiểu rằng đối với những sự việc siêu nhiên ngoài tầm mắt của con người như ‘quái loạn quỷ Thần’ thì tốt nhất là không nói đến; để tránh trong lúc sơ sót nói năng không cẩn thận mà tự gây họa cho bản thân.

Tổng hợp

x