Nhân sinh cảm ngộ

Không nên xem thường những người ít nói

11/10/23, 17:49
Không nên xem thường những người ít nói
Người xưa nói: "Tĩnh thủy lưu thâm", người tu dưỡng càng cao thì càng trầm tĩnh (ảnh minh họa Pinterest)

Người xưa nói: “Tĩnh thủy lưu thâm”, ý chỉ nước chảy sâu sẽ không phát ra tiếng động, cũng như người trầm tĩnh, ít nói thường có sự tu dưỡng sâu dày.

Tuân Tử nói: “Ngôn nhi đương, tri dã, mặc nhi đương, diệc tri dã”, có nghĩa là ngôn ngữ có thể bộc lộ cá tính của một con người, biết cách nói chuyện là một loại trí tuệ, mà đôi khi trầm mặc cũng là trí tuệ.

Nói chuyện thỏa đáng, khúc chiết ngọn ngành, dí dỏm hài hước cũng là một loại năng lực. Trầm mặc đúng lúc, kiệm lời, ít nói và giữ im lặng cũng là một loại trí tuệ.  Đừng bao giờ xem thường những người ít nói, người càng trầm mặc trong đám đông thì càng có sức mạnh.

1. Không tranh giành là một loại cảnh giới

Người xưa có câu: “Nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí”, có ý rằng những người có góc nhìn khác nhau, lập trường khác nhau thì có quan điểm khác nhau đối với cùng một sự vật.  

Những người có cảnh giới thấp luôn muốn tranh giành thắng thua và cố gắng thuyết phục đối phương thay đổi. Còn những người có cảnh giới cao đã sớm nhìn rõ sự thật, im lặng không tranh giành mà chỉ tập trung chuyên chú vào việc của mình. 

Không nên xem thường những người ít nói
Không cần tranh luận với người khác, chỉ cần tập trung vào việc của bản thân (ảnh minh họa Yahoo)

Trong “Trang Tử” có một câu chuyện như vậy:

Một người tên Sĩ Thành Ỷ nghe mọi người tôn sùng Lão Tử, nên mới tìm đến để thăm hỏi.

Thấy tướng mạo của Lão Tử xấu xí, nhà cửa bừa bộn, Sĩ Thành Ỷ nói: “Người khác nói ông là Thánh nhân, nhưng tôi thấy ông trông giống một con chuột”.

Lão Tử ngẩng đầu nhìn anh ta, không nói một lời, rồi cúi đầu tiếp tục đọc sách của mình.

Sĩ Thành Ỷ thất vọng chán nản rời đi, sau khi tự xét lại, cảm thấy mình đã quá đáng, ngày hôm sau liền đến xin lỗi. 

Lão Tử bình tĩnh nói: “Nếu ta có tư cách trở thành Thánh, dù anh nói ta là bò hay là ngựa, đối với ta cũng không có bất kỳ ảnh hưởng gì.” 

Trong “Đạo Đức Kinh” có viết: “Phu duy bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”, có ý nói rằng khi không tranh giành thì khắp thiên hạ không ai tranh giành với mình.

Nếu người khác nói vài câu liền tức giận, vội vàng tranh luận thì có thể là do cảnh giới của họ không đủ cao và tầm nhìn của họ không đủ rộng.

Những người chiến thắng thực sự trong cuộc sống là những người không tranh không giành, nội tâm kiên định, tin tưởng chắc chắn vào niềm tin của mình, làm những việc nên làm và không ngừng nỗ lực tiến về phía trước.

2. Không biện luận là thể hiện sự trưởng thành

“Cách ngôn liên bích” có viết: “Dữ kì năng biện, bất như năng dung”, ý nói rằng thà bao dung còn hơn tranh cãi với đối phương. 

Trong cuộc sống, chúng ta thường sẽ ngưỡng mộ những người có tài hùng biện và ăn nói lưu loát. Nhưng trên thực tế, nếu bạn không nhẫn chịu được ý muốn phản bác, tranh luận không ngừng với đối phương thì bạn sẽ chỉ tự chuốc lấy phiền toái mà thôi.

Điều này không chỉ làm lãng phí thời gian và tinh lực cho những người tầm thường và những việc không đáng, mà còn khiến người khác trở nên thiếu tôn trọng và tránh xa chúng ta.

Không nên xem thường những người ít nói
Tranh biện không bằng bao dung (ảnh minh họa Phunutoday)

Có thể bao dung lời nói, việc làm và con người, tu dưỡng thân tâm trong trầm tĩnh mới là sự trưởng thành lớn nhất của một người.

Phú Bật là một tể tướng nổi tiếng thời Bắc Tống, ông nổi tiếng với tài biện luận và có ít đối thủ ngay cả trong triều đình.

Nhưng khi tuổi tác ngày càng lớn và trải đời nhiều hơn, lòng dạ ông trở nên khoáng đạt hơn, ông đã có thể dễ dàng từ chối tranh luận với người khác. 

Một tú tài nghèo từng chặn ông lại trên đường và nói: “Nghe nói ngài có tài hùng biện. Nếu có người không kiêng nể gì mà nhục mạ ngài thì ngài sẽ phản ứng thế nào?” 

Phú Bật trả lời: “Ta sẽ giả vờ như không nghe thấy và cười cho qua”.

Người kia nghe xong liền cười nhạo ông, vì cảm thấy ông chỉ là kẻ hư danh và hèn nhát, nên quay người bỏ đi. 

Người hầu bên cạnh cảm thấy khó hiểu, lẩm bẩm: “Bình thường lão gia rất biết ăn nói, nhưng sao hôm nay lại không thể phản bác một câu hỏi đơn giản như vậy?”

Phú Bật cười nói: “Anh ta đến với sự tức giận và phù phiếm. Cho dù ta có thắng thì anh ta cũng sẽ khẩu phục nhưng tâm không phục, vậy thì lãng phí thời gian để làm gì.” 

Trong Kinh Phật viết: “Bất tranh thị phi, đắc đại tự tại”, có ý rằng không tranh giành đúng sai phải trái thì sẽ có được tự tại, thanh thản. 

Nếu bạn tranh luận đúng sai với người tâm địa bất chính, càng huyên thuyên không ngừng thì càng gây ra rắc rối cho bản thân.

3. Không khoe khoang là một loại sức mạnh

Người xưa có câu: “Thiển thủy huyên hoa, tĩnh thủy lưu thâm”, có nghĩa là nước chảy nông thì ồn ào, nước chảy sâu sẽ không phát ra tiếng.

Ở một khía cạnh nào đó, việc im lặng và ít nói, không khoe khoang hay cao ngạo là một loại biểu tượng của sức mạnh. 

Người ít nói; Người ít nói có tốt không
Người Không khoe khoang và biết ẩn mình là một loại sức mạnh (ảnh minh họa Buonduyendang)

Khi Vương An Thạch ẩn cư ở Kim Lăng, một ngày nọ, ông mặc quần áo bình dân và chống gậy một mình đến thăm ngôi chùa trên núi. 

Trên đường đi, ông gặp một số thư sinh nói chuyện về văn học và lịch sử, không ngừng khoe khoang kiến ​​thức và hiểu biết của họ. 

Lúc ấy, ông đang nghỉ ngơi gần đó, khi có người chú ý đến ông, họ khinh thường hỏi: “Ông cũng biết văn thư à?”

Vương An Thạch gật đầu, người kia ngạo mạn hỏi: “Ông tên là gì?” 

Ông chắp tay cung kính đáp: “Tôi họ Vương, tên là An Thạch.” 

Nghe xong lời này, những thư sinh cảm thấy xấu hổ và nhanh chóng rời đi, ai có thể ngờ rằng ông già kiệm lời ít nói này lại là một vị quan và học giả nổi tiếng nhất đương triều.

Một người thực sự có sức mạnh sẽ không bao giờ khoe khoang thành tích hay phô trương khả năng của mình. 

Họ không quan tâm đến cách nhìn ​​​​của người khác và không mong cầu sự công nhận từ bên ngoài, họ cân nhắc kỹ lưỡng, tự tin, ung dung, quyết đoán và điềm tĩnh.

4. Không phán xét là một loại tu dưỡng

Mạnh Tử nói: “Nhân chi hoạn, tại hảo vi nhân sư”, tai họa của con người là ở chỗ thích làm thầy thiên hạ.

Trong cuộc sống, có nhiều người thích chỉ trích và tùy tiện bình phẩm người khác. 

Họ tưởng mình ưu việt hơn người khác, nhưng thực ra họ chỉ là khuyết thiếu sự tu dưỡng và đồng cảm mà thôi. 

Không bình luận, không nói thị phi, học cách tôn trọng và học cách im lặng mới là sự tu dưỡng khó có được nhất trong bản tính của một người.

Khi Tô Thức bị giáng chức ở Hàng Châu, trong lòng cảm thấy buồn bực, nên thường cùng bạn bè đi du ngoạn, vui với điền viên cây cỏ.

Một ngày nọ, họ nhìn thấy một người nông dân già đang gánh nước từ sông về tưới ruộng, nhưng rõ ràng gần đó có vài cái giếng. 

Một người bạn thấy vậy liền bình luận: “Thật là ngu ngốc. Rõ ràng có một phương pháp tiết kiệm thời gian và tốn ít sức lực hơn nhưng lại không làm”. 

Lúc này, người nông dân già đi tới, ngồi trên bờ ruộng nghỉ ngơi, nói với họ: “Đừng thấy tôi lúc này mệt mỏi. Nếu như một ngày nước giếng dùng cạn rồi, đến khi thời tiết khô hạn thì mùa màng sẽ bị ảnh hưởng”.

Sau khi nghe điều này, cả hai đều ngưỡng mộ tầm nhìn xa của người nông dân, còn người bạn vừa nói liền lập tức đỏ mặt và cảm thấy xấu hổ. 

Nước chảy sâu sẽ không phát ra tiếng, những người có phẩm hạnh tốt đẹp cũng giống vậy. Những người có thể được người khác tôn trọng và đạt đến địa vị cao thì luôn là những người cẩn ngôn, trầm lặng, ít nói và điềm tĩnh.

 Theo 360doc

x