Nhân sinh cảm ngộ

Không nên tranh cãi với người không cùng cảnh giới

20/06/23, 07:23
Không nên tranh cãi với người không cùng cảnh giới
Không nên tranh cãi với người không cùng cảnh giới (ảnh minh họa Pinterest)

Tranh cãi với người không cùng cảnh giới chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi mà vấn đề thì không thể giải quyết được, quả thực là tốn công vô ích.

Trong “Đạo đức kinh” có giảng: “Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi. Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn, nhược vong. Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi”. Nghĩa là: Bậc thượng sĩ nghe được Đạo thì cố gắng mà theo, bậc trung sĩ nghe được Đạo thì lúc nhớ lúc quên, kẻ hạ sĩ nghe được Đạo thì cười lớn.

Bạn có bao giờ nói những lời bản thân rất tâm đắc mà đối phương lại cười lớn cho là luyên thuyên chưa? Đó có thể là do sự khác biệt về cảnh giới. 

Thế nên trong đời này, sẽ có những người khiến bạn cảm thấy hối tiếc vì gặp nhau quá trễ, có người sẽ khiến bạn cảm thấy như đàn gảy tai trâu, những tình huống này phần nhiều đều là vì cảnh giới bất đồng, tầng thứ khác nhau.

Tầng thứ bất đồng, không cần tranh biện

Có câu nói rằng: “Thà tranh cao thấp với người cùng chí hướng, còn hơn là luận bàn ngắn dài với kẻ ngốc”. Nếu tầng thứ bất đồng thì nói bất cứ điều gì cũng đều phí công vô ích.

Có một câu chuyện như sau, một vị tú tài nọ đã tranh cãi với một ông lão nông dân và cuối cùng cả hai kéo nhau lên công đường của huyện.  

Ông lão nói: “Ba nhân bảy bằng hai mươi bốn”.

Vị tú tài nói: “Ba nhân bảy bằng hai mươi mốt”.

Hai người nhờ quan huyện phân xử cho họ.

Sau khi nghe điều này, quan huyện đã cho đánh vị tú tài 20 gậy và thả cho ông lão nông dân đi về. Vị tú tài không phục, quan huyện mới nói rằng: “Ba nhân bảy bằng hai mươi mốt không có sai, cái sai ở đây là đường đường một vị tú tài lại đi cãi nhau với một lão nông nửa chữ bẻ đôi cũng không biết”.

Trong “Đạo đức kinh” có giảng: “Đại trực nhược khuất, đại xảo nhược chuyết, đại biện nhược nột”. Nghĩa là: Thẳng băng mà ngỡ như cong; tuyệt khéo mà như vụng về; rất hùng biện, mà như là ấp úng. 

Không cùng cảnh giới; Không cùng cảnh giới không thể tranh luận
(ảnh minh họa Pinterest)

Có một số việc, tự mình biết là được rồi, người khác nghe không hiểu cũng không cần phải đi giải thích; lại càng không nên đi tranh luận. Biết co biết duỗi là đại trượng phu, biết cách giả ngốc mới là người thông minh thực sự.

Chí hướng khác nhau, không nên quen thân

Trong “Luận Ngữ. Vệ Linh Công” viết: “Đạo bất đồng bất tương vi mưu”, nghĩa là những người không cùng con đường, không cùng chí hướng thì không thể cùng nhau mưu tính sự nghiệp được.

Vào thời Tam Quốc, Quản Ninh và Hoa Hâm là bạn tốt của nhau. Một ngày nọ, họ trong lúc cùng nhau làm vườn thì đào lên được một cục vàng. Quản Ninh không để ý đến, cũng không muốn nhìn, Hoa Hâm thì lại nhặt cục vàng lên nhìn ngắm hồi lâu.

Không nên tranh cãi với người không cùng cảnh giới
(ảnh minh họa Pinterest)

Lại một hôm khác, họ cùng nhau đọc sách, ngoài cửa có đoàn xe của Vương hầu đi qua. Quản Ninh không nghe không hỏi, còn Hoa Hâm thì để sách xuống chạy ra ngoài xem náo nhiệt.

Quản Ninh vì vậy mà cắt chiếc chiếu làm đôi, từ đó tuyệt giao với Hoa Hâm. Quản Ninh nhận thấy chí hướng và tư tưởng của Hoa Hâm quá khác so với mình nên không muốn làm bạn với Hoa Hâm nữa.        

Trong “Kinh dịch” viết: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tức là: Cùng thanh âm thì ứng đáp, cùng tính khí thì tìm nhau. Người cùng chí hướng, dù cách xa nhau, nhưng cuối cùng cũng tìm đến với nhau; người bằng mặt mà không bằng lòng, dù sát kề bên, nhưng cuối cùng cũng đường ai nấy đi.

Cảnh giới bất đồng, không cần so đo

Trong truyện của Kim Dung có một nhân vật tên là Phong Ba Ác, đây là một cao thủ võ lâm. Một lần nọ, anh đi qua một cây cầu độc mộc, đang đi tới thì gặp một nông phu gánh phân đi ngược lại. Cây cầu độc mộc này mỗi lần chỉ có thể cho một người đi qua, dưới cầu là con sông nước chảy rất xiết.

Hai người không ai chịu nhường ai, trong lúc tức giận, người nông phu liền múc một gáo phân hắt vào mặt Phong Ba Ác. Phong Ba Ác định động thủ với người nông phu, nhưng đột nhiên cười lớn ha ha, rồi ung dung bỏ đi.     

Phong Ba Ác vốn chỉ cần một ngón tay cũng đủ để đánh ngã người nông phu xuống sông, nhưng đã không làm vậy vì cảm thấy thực sự không đáng.

Không nên tranh cãi với người không cùng cảnh giới
(ảnh minh họa Pinterest)

Đỗ Phủ có câu thơ rằng: “Hội đương lăng tuyệt đính, nhất lãm chúng sơn tiểu”. Dịch nghĩa: Ðược dịp lên tận đỉnh cao chót vót, ngắm nhìn mới thấy núi non chung quanh đều nhỏ bé.

Nâng cao cảnh giới rồi mới thấy có rất nhiều điều đều là không đáng để đi so đo, tranh chấp; chuyện trước đây cho là rất lớn, nhưng sau lại thấy nhỏ bé, không đáng gì.   

Theo Zhbaike

x