Văn hóa truyền thống

Không đủ kiên nhẫn dễ mắc sai lầm – câu chuyện về chiếc chuông đồng

02/05/23, 07:32
Không đủ kiên nhẫn dễ mắc sai lầm - câu chuyện về chiếc chuông đồng
Phàm nhân không đủ kiên nhẫn đã làm giảm tác dụng của chiếc chuông đồng (ảnh minh họa Nippon)

Bên ngoài thành Khai Phong (Trung Quốc), có một chiếc chuông đồng cổ ở Thập Phương Viện, và đằng sau nó là một câu chuyện thú vị.

“Chiếc chuông 45 dặm” tại Thập Phương Viện

Tương truyền rằng Thập Phương Viện trong quá khứ cũng là một khu rừng thiền rộng lớn, được xây dựng bởi một vị trụ trì có đạo hạnh cao thâm. Ngay sau khi hoàn thành, nơi đây khói hương nghi ngút, thiện nam tín nữ đi lễ cúng Phật vô cùng thành kính. Không cần phải nói, người thắp hương xin quẻ đông đúc chen chúc nhau, nối liền không dứt. Ngay cả những tu sĩ vân du bốn phương, cũng vì ngưỡng mộ danh tiếng mà từ ngàn dặm xa xôi cũng đến đây dừng chân trú ngụ.

Không đủ kiên nhẫn dễ mắc sai lầm - câu chuyện về chiếc chuông đồng
Thập Phương Viện (ảnh: Gujianchina)

Trong Thập Phương Viện này, mọi thứ đều bố trí đầy đủ, chỉ là thiếu một tiếng chuông ngân vang. Ai cũng thắc mắc tại sao thiền viện không có chuông? Chẳng lẽ lão hòa thượng đạo đức cao thượng này có dụng ý khác? Nhưng không ai đoán được. 

Về sau, có một người đã không nhịn được nên ba lần bảy lượt hỏi lại lão hòa thượng, nhưng ông đều ôn hòa trả lời: “Có gì gấp sao? Thời cơ chưa tới, không nên gấp”.

Một thời gian sau, lão hòa thượng sai người mời một người thợ đồng tài nghệ cao siêu đến đúc chuông. Vào ngày hoàn thành, ông gửi lời mời đến các quan lại, thân sĩ và một số người có tiếng tăm từ khắp nơi trong thành phố, và nói với họ: 

“Lão nạp trước kia không có làm chuông, thực là bởi vì không có thợ giỏi. Hiện tại thợ giỏi đã có, chuông đã được đúc xong, lão nạp cũng đã hoàn thành tâm nguyện của mình, mấy ngày tới lão nạp sẽ đi vào núi ẩn cư. Hôm nay mời khách chính là để nói lời tạm biệt với mọi người. Từ nay, non xanh còn mãi, nước biếc chảy hoài, ngày tháng hữu duyên, sẽ lại tái ngộ”.

“Bất quá, tôi còn có vài lời muốn nói với mọi người, chính là, mọi người trước mắt không được đụng vào cái chuông này, đợi 7 ngày sau khi lão nạp vào núi, thì hãy đụng vào nó, như thế liền có thể khiến nó vang danh khắp thiên hạ”. Vừa dứt lời, lão hòa thượng ung dung rời đi.

Nhưng sau 3 ngày, các hòa thượng không kiên nhẫn được nữa liền dùng sức đánh mạnh vào chuông. Lúc này, lão hòa thượng vừa mới đi đến Chu Tiên Trấn. Chu Tiên Trấn cách Khai Phong 45 dặm, vì vậy chiếc chuông này được gọi là “Chiếc chuông 45 dặm”. Bây giờ, người đứng cách xa 45 dặm vẫn nghe được tiếng chuông! Nhưng đi xa hơn thì không nghe thấy nữa.

Chiếc chuông tại thành phố Côn Minh 

Cũng có một chuyện như sau liên quan đến tiếng chuông: 

Tương truyền rằng bên cạnh phía nam thành phố Côn Minh có một tháp chuông cổ được xây dựng trên tường thành. Tháp rộng khoảng 2 trượng vuông vắn, bên trong treo một chiếc chuông đồng lớn, xung quanh chỉ đủ chỗ cho một người đi lại.

Chiếc chuông này cho đến nay vẫn có tác dụng rất lớn. Mỗi khi trong thành phố có hỏa hoạn lớn thì chiếc chuông này lại được đánh lên. Âm thanh của nó rất to và du dương, có thể giúp mọi người trong thành phố đều có thể nghe thấy. Những người nghe nó cảm thấy như thể họ được khai sáng và có thể khiến người ta tỉnh ngộ.

Không đủ kiên nhẫn dễ mắc sai lầm - câu chuyện về chiếc chuông đồng
(ảnh minh họa Alamy)

Nguồn gốc của chiếc chuông không rõ ràng. Nhưng người ta nói rằng khi tháp chuông được xây dựng, vì chuông quá lớn, nên không có xà ngang nào có thể chống đỡ được nó. Nhiều thợ đã cố gắng hết sức để treo nó lên nhưng đều không được. Lúc này, có một đạo nhân đến, ông dùng mùn cưa và nước để làm thành một ván khuôn dầm, rồi nhẹ nhàng treo chiếc chuông lên, từ đó nó không bị gãy nữa. 

Sau đó ông quay người nói với mọi người xung quanh: “Mọi người không được đánh chuông ngay, phải đợi 3 ngày sau khi tôi rời đi mới được đánh”. Nói xong, ông quay người rời đi. 

Nhưng những người này không đợi đến ngày thứ 3, sáng hôm sau liền đánh chuông thật mạnh. Lúc này, đạo nhân mới đi ra khỏi một nơi gọi là “Đại Bản Kiều” cách thành phố 40 dặm, khi nghe thấy tiếng chuông, ông tức giận thở dài: 

“Chao ôi! Tiếng chuông này vốn dĩ cách xa 300 dặm cũng có thể nghe được, đáng tiếc! Phàm phu không nghe theo lời ta, bây giờ âm thanh chỉ truyền không quá 40 dặm!” 

Vì vậy, bây giờ mỗi khi chuông đánh, trong khu vực Đại Bản Kiều vẫn có thể nghe thấy, nhưng khi ra khỏi Đại Bản Kiều thì không thể nghe thấy. 

Nghe nói rằng Đạo nhân này là hóa thân của Tiên sư Lỗ Ban. 

Hai tiếng chuông này, đều bởi vì những người không hiểu chuyện, tự cho là mình đúng và không có tính nhẫn nại, nên đã làm mất đi uy lực to lớn ban đầu và thu hẹp phạm vi tịnh hóa nhân tâm của chiếc chuông đồng! 

Theo Vision Times

x