Khang Hy là vị hoàng đế lỗi lạc nhất của triều đại nhà Thanh, vì khiến thị vệ mất mạng mà đã ban bố “chiếu kỷ tội” và viết ra 8 chữ lưu danh thiên cổ.
- Cha mẹ thông thái: Phương pháp Hoàng đế Khang Hy dạy con cháu học tập
- Quy tắc cai quản đất nước của Hoàng đế Khang Hy
Khang Hy là vị hoàng đế đã thiết lập thời đại thịnh trị kéo dài 134 năm của nhà Thanh. Ông lên ngôi năm 8 tuổi, đến năm 14 tuổi thì tự mình chấp chính. Trong 61 năm trị vì, ông đã dẹp loạn Tam Phiên, chinh phục Cát Nhĩ Đan ở phía tây, thiết lập nên bản đồ lãnh thổ của nhà Thanh.
Ông là người văn võ song toàn, có công mở mang bờ cõi, đặt nền móng vững chắc cho thời đại Khang Càn thịnh thế sau này. Ông được đánh giá là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc và được xưng tụng là Khang Hy Đại đế. Tuy nhiên, vị hoàng đế nhà Thanh “tài trí mưu lược” này từng ban bố “chiếu kỷ tội” (tự trách mình) vì cái chết của một thị vệ. Rốt cuộc chuyện này là vì sao?
Khang Hy đánh cờ cùng thị vệ Nhân Phúc
Vào năm Khang Hy thứ 37, lúc đó Khang Hy 45 tuổi, ông đã dẫn đầu các hoàng tử và đại thần đi săn ở bãi săn hoàng thất – Bãi săn Mộc Lan. Trong lúc đi săn, hoàng đế Khang Hy đột nhiên thích chơi cờ. Bởi vì, các đại thần chơi cờ với Khang Hy thường không thể hiện bản lĩnh thực của mình và sẽ lặng lẽ tránh chơi cờ với Khang Hy.
Khang Hy biết rõ thủ hạ của mình như vậy, ông hy vọng có người có thể đọ tài cao thấp với mình. Vì vậy, Khang Hy liền hạ chỉ, ai đánh cờ thắng được ông sẽ được ban thưởng trăm lượng vàng, quan thăng lên 3 cấp.
Hoàng lệnh vừa ban ra, không ai dám tiến lên đánh cờ với Khang Hy, cho đến khi một người thị vệ tên là Nhân Phúc bước ra, nguyện ý so tài với hoàng đế. Khang Hy thấy vậy vô cùng kinh ngạc bèn hỏi Nhân Phúc: “Ngươi là thị vệ cũng biết chơi cờ sao?”. Nhân Phúc điềm tĩnh đáp: “Bẩm báo hoàng thượng, vi thần thuở nhỏ đã học đánh cờ, cũng có nhiều tâm đắc, nên muốn đánh thử cùng Hoàng thượng”.
Thế là, Nhân Phúc và Khang Hy bắt đầu chơi cờ. Hai bên đấu với nhau mới được vài phút, Khang Hy đã nhận ra trình độ chơi cờ của đối phương rất xuất sắc. Mỗi nước đi đều thể hiện thế công kích mãnh liệt khiến Hoàng đế không khỏi nhíu mày nhìn cục diện khó lường trước mắt. Các đại thần đứng một bên sợ hãi quan sát hai bên đánh cờ, trong tâm thầm nghĩ không ngờ chỉ một thị vệ cũng dám “đánh bại” Khang Hy.
Khang Hy lên núi săn bắn mà quên mất lời hứa với thị vệ
Thái giám bên cạnh thấy Khang Hy sắp thua ván cờ, nên vội vàng lên tiếng giải vây, nhắc nhở Khang Hy trên núi xuất hiện cọp. Khang Hy mặc dù đột nhiên muốn đánh cờ, nhưng cũng không quên bản thân đang dẫn theo đám người đi săn! Vì vậy, ông nhanh chóng đứng dậy và dặn dò Nhân Phúc: “Ta đi săn trước, ngươi chờ một chút, trở về ta cùng ngươi đánh xong ván cờ này!”. Nhân Phúc nghe xong, chỉ có thể chờ đợi bên bàn cờ.
Khang Hy lên núi săn bắn không thấy cọp, nhưng việc săn được nhiều hoẵng, thỏ rừng cũng khiến Khang Hy đắm chìm vào tận hưởng việc săn bắn, hoàn toàn quên mất còn có thị vệ đang đợi mình quay lại để đánh cờ.
Khang Hy hơn 10 ngày sau mới nghĩ đến Nhân Phúc, muốn triệu kiến Nhân Phúc để cùng mình chơi một ván cờ lần nữa. Không ngờ, thái giám bẩm báo rằng Nhân Phúc đã chết. Hóa ra sau khi Khang Hy đi săn, Nhân Phúc đã lặng lẽ chờ đợi bên bàn cờ cho đến khi sinh mệnh kết thúc.
Khang Hy tự trách, ban bố “chiếu kỷ tội” và viết 8 chữ lưu danh thiên cổ
Sau khi Khang Hy biết tin về cái chết của thị vệ, ông đã vô cùng hối hận, sau đó đích thân ban bố “chiếu kỷ tội”. Khang Hy cũng nói ra 8 chữ lưu danh thiên cổ: “Quân nhi vô tín, hà dĩ vi quân”, có nghĩa là “Quân vương mà không có tín thì làm sao xứng làm quân vương”.
Vậy là ngay cả Khang Hy là quân vương của một đất nước cũng không thể xem nhẹ sự thành tín. Nếu không, ông không chỉ bị thần dân chất vấn, khinh thường, mà thậm chí có thể phải đối mặt với nguy cơ mất nước trong tương lai.
Đồng thời, 8 chữ lưu danh thiên cổ của Hoàng đế Khang Hy cũng là lời nhắc nhở cho hậu thế nguyên tắc làm người quan trọng, chính là sự thành tín.
Theo Vision Times