Chuyện chỉ có 1 nhưng lại suy diễn ra thành 10, người khác không có ý gì nhưng bạn lại để tâm lo lắng, bạn có đang vướng phải tình trạng này không?
- Những cạm bẫy của tư duy đen trắng và cách thoát khỏi thói quen này
- Đặt mình vào vị trí người khác là cách giải quyết mâu thuẫn tốt nhất
Khi lãnh đạo phê bình một vấn đề nào đó trong cuộc họp, bạn liền vô thức mà nghĩ rằng đang ám chỉ mình, rồi cảm thấy bất an lo lắng.
Đôi khi bạn bè trả lời tin nhắn trễ, bạn liền cho rằng họ cố ý lạnh nhạt, bởi vậy mà cảm thấy mất mát.
Khi đồng nghiệp đăng bài trên mạng xã hội, bạn luôn cảm thấy câu nào đó là nhắm vào mình, từ đó cứ buồn bực không vui.
Chỉ một câu nói, một hành động hay thậm chí một biểu cảm của người khác, bạn liền lập tức suy diễn ra hàng chục khả năng. Điều này không chỉ dễ dẫn đến hiểu lầm trong các mối quan hệ mà còn khiến bản thân rơi vào vòng xoáy dằn vặt nội tâm.
Những gì bạn suy diễn chỉ là giả tưởng do chính bạn tạo ra
Nhà tâm lý học Tưởng Lương đã đưa ra một khái niệm: Thoát khỏi kịch bản.
Mỗi người chúng ta đều có một kịch bản riêng và thường có thói quen dùng nhận thức của mình để phân tích người khác. Nếu quá đắm chìm trong đó, ta sẽ không thể nhìn thấy thế giới thực sự.
Nhiều khi, những lo lắng bất an trong đầu chúng ta chẳng qua chỉ là những giả tưởng do chính chúng ta tạo ra. Thực tế, không ai có thời gian để chú ý đến bạn đâu.
Khi giao tiếp với người khác, không cần phân tích đối phương quá mức. Càng suy đoán nhiều thì càng mệt mỏi; càng nghĩ sâu chỉ càng thêm dằn vặt.
Trong truyện ngắn “Cái chết của một viên chức”, Chekhov đã khắc họa hình ảnh một viên chức nhỏ vô cùng nhạy cảm. Trong lúc xem kịch, anh ta chỉ vô tình hắt hơi, khiến nước bọt bắn lên đầu vị tướng, liền sợ đến mức mặt cắt không còn giọt máu, vội vàng xin lỗi.

Nhưng vị tướng kia không hề để ý, chỉ phất tay một cái rồi tiếp tục xem kịch. Tuy nhiên, viên chức nhỏ lại cho rằng động tác phất tay tưởng chừng như vô ý đó thực chất đang thể hiện sự bất mãn với mình. Thế là anh ta càng chân thành xin lỗi hơn.
Vị tướng cảm thấy bất lực, bèn nói với anh ta: “Ôi trời, hãy ngồi yên đi! Để tôi xem kịch nào!”
Viên chức nhỏ càng hoảng sợ hơn, càng chắc chắn rằng vị tướng đã nổi giận với mình.Trong ba ngày sau đó, anh ta liên tục xin lỗi vị tướng.
Mãi đến lần thứ sáu, vị tướng bị anh ta làm phiền đến mức không chịu nổi, bực bội nói: “Ôi trời, đủ rồi! Tôi đã quên chuyện đó từ lâu, sao anh cứ nói mãi không dứt!”
Thế nhưng, anh ta lại suy diễn: “Ông ấy nói đã quên rồi, nhưng trong mắt vẫn ánh lên một tia giận dữ kìa!”
Thế là, viên chức nhỏ bị chính sự suy diễn của mình dọa cho sợ chết khiếp.
Sự nhạy cảm giống như một con dao hai lưỡi, vừa mang lại khả năng cảm nhận tinh tế, vừa khiến người ta dễ bị tổn thương, rơi vào vòng xoáy tự chối bỏ bản thân và hao tổn tinh thần.
Nhà văn Matsuura Yataro từng nói: “Cái gọi là hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống chẳng qua chỉ là xiềng xích do chính bạn tạo ra bằng những suy nghĩ vẩn vơ.”
Những phiền muộn trong giao tiếp xã hội của chúng ta phần lớn bắt nguồn từ sự nhạy cảm quá mức và suy diễn thái quá.
Rất nhiều chuyện vốn dĩ không hề phức tạp, nhưng chúng ta lại tự bổ sung hàng loạt chi tiết, thêm vào vô số suy đoán, đến mức sự thật bị bóp méo hoàn toàn. Điều đó chẳng mang lại lợi ích gì ngoài việc khiến bản thân kiệt quệ tinh thần.
Đừng tự biên tự diễn, thực ra bạn chẳng có nhiều khán giả đến vậy
Siêu mẫu Trung Quốc trẻ nhất trong lịch sử Victoria’s Secret – Trần Du, khi mới bắt đầu sải bước trên sàn catwalk, từng bị một đồng nghiệp người Pháp vô cớ nói trước mặt rằng:
“Ồ! Đùi của bạn trông giống như đùi của một vận động viên vậy.”
Trần Du không hiểu ý tứ của câu nói đó, suy nghĩ phân tích hồi lâu, đặc biệt là giọng điệu phóng đại của đồng nghiệp, cuối cùng tin rằng đó là lời chế giễu đôi chân to của mình.
Vì vậy, cô lặng lẽ giữ khoảng cách với người đồng nghiệp ấy, thậm chí bắt đầu ép bản thân giảm cân, liên tục điều chỉnh dáng đi và thay đổi phong cách của mình.
Nhưng càng như vậy, cô càng cảm thấy kết quả không được như trước. Cho đến một lần, khi cô tình cờ nghe thấy cô đồng nghiệp người Pháp kia khen ngợi đôi chân tuyệt đẹp của cô với người khác trong nhà vệ sinh, cô mới hiểu ra, hóa ra ngay từ đầu người ta đã chân thành khen ngợi mình.
Thực ra, ngay từ đầu Trần Du đã rất thích người đồng nghiệp thẳng thắn này, nhưng chính vì suy diễn của bản thân mà mối quan hệ giữa hai người luôn xa cách.
Cô quyết định từ nay sẽ không suy diễn quá mức lời nói của người khác nữa, nếu có thắc mắc, cô sẽ hỏi thẳng ngay lập tức. Từ đó trở đi, trạng thái tinh thần của cô ngày càng tốt hơn, các mối quan hệ cũng trở nên suôn sẻ hơn.
Việc quá để tâm đến lời nói và hành vi của người khác, cố gắng phân tích mọi suy nghĩ và động cơ của họ, cuối cùng chỉ mang lại những hệ quả tiêu cực:
Thứ nhất, biến những chuyện đơn giản trở thành phức tạp, tự dựng lên ngày càng nhiều “đối thủ giả tưởng” cho bản thân.
Thứ hai, tự làm trầm trọng hóa vấn đề của bản thân, phóng đại quá mức những sai lầm và thất bại của chính mình.
Nhà văn Milan Kundera từng nói: “Giao bản thân cho ánh mắt của người khác phán xét chính là nguồn cơn của bất an và ngờ vực.”

Quá để tâm đến suy nghĩ của người khác chỉ khiến ta do dự, chần chừ và không thể tiến về phía trước.
Khi ta giảm âm thanh bên ngoài xuống mức nhỏ nhất, tập trung vào những gì bản thân thật sự mong muốn, ta mới có thể sống thoải mái theo nhịp điệu của chính mình và bước đi một cách vững vàng, thanh thản.
Đại học Cornell (Mỹ) từng thực hiện một thí nghiệm, những người tham gia được yêu cầu mặc áo phông có in hình khuôn mặt một minh tinh theo phong cách biếm họa, sau đó bước vào một căn phòng đầy sinh viên.
Họ cảm thấy vô cùng xấu hổ, nghĩ rằng tất cả những người có mặt đều sẽ chú ý đến bộ trang phục kỳ lạ của mình. Họ cho rằng những tiếng thì thầm của người khác là đang bàn tán về mình, rằng cử chỉ của người khác là đang chỉ trỏ, đánh giá mình.
Thế nhưng, theo khảo sát, chỉ có 23% số người thực sự để ý đến họ. Thực tế là, ai cũng có cuộc sống riêng để bận rộn. Quá để tâm đến ánh mắt của người khác chỉ khiến ta dần đánh mất chính mình.
Nhà tâm lý học Vũ Chí Hồng từng kể một câu chuyện về một cô gái nhạy cảm, tinh tế.
Khi báo cáo công việc, cô nhận thấy sếp khẽ nhíu mày khi xem bảng số liệu, liền bất an suy đoán: “Có phải mình đã không làm tốt?” Vì vậy, cô lo lắng cả buổi sáng, mãi cho đến chiều khi sếp khen cô trước nhóm mới thôi.
Sau khi đi công tác bên ngoài trở về công ty, cô thấy đồng nghiệp đang uống trà sữa cùng nhau, lập tức cảm thấy như mình bị cô lập. Từ đó, cô bắt đầu tự trách, nghĩ rằng mình đã làm gì không tốt, thậm chí còn buồn bã thở dài: “Đúng là mọi người không thích mình rồi.” Không ngờ sau khi tan làm, đồng nghiệp lại rủ cô đi ăn lẩu – món cô thích nhất.
Một lần nọ, tiền bối đã giúp đỡ cô đi công tác xa, nhắn tin nhờ cô chỉnh lại định dạng của một tập tin. Nhưng cô không để ý nên một lúc lâu sau mới thấy tin nhắn, liền lo lắng xin lỗi, nhưng tiền bối chỉ nói: “Không sao, không cần nữa.”
Câu nói đó càng khiến cô cảm thấy có lỗi hơn. Sau khi cúp máy, cô cứ mãi nghĩ rằng liệu tiền bối có thất vọng về mình không. Nghĩ một hồi lâu, cuối cùng cô nhắn một tin dài hàng trăm chữ để giải thích và xin lỗi. Tiền bối chỉ còn cách nghiêm túc đáp lại rằng: “cô thật sự không cần nghĩ quá nhiều”.
Nếu một người không thể kiểm soát được suy nghĩ của mình, họ sẽ rơi vào vòng xoáy tiêu hao tinh thần vô tận và đánh mất sức mạnh làm chủ cuộc sống.
Vậy nên, đừng suy diễn nhiều quá, gặp người thì tùy duyên, gặp chuyện thì tùy tâm, có như vậy mới có thể sống bình thản, thong dong, đón nhận được – mất một cách nhẹ nhàng, thản đãng.
Theo Aboluowang