Nhân sinh cảm ngộ

Quy tắc ứng xử: Đừng quá đề cao thân phận của bản thân

11/01/21, 15:54
thân phận
Đừng quá đề cao thân phận bản thân, tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình (ảnh chụp màn hình Istockphoto)

Con người thường có ‘cảm giác quyền lực’ hay ý thức về thân phận rất mạnh mẽ. Khi thời cơ đến tay thì rất khó mà giữ vững bản thân để không trở thành một người kiêu ngạo. Nhưng phải nhớ rằng, chỉ có khiêm tốn thì mới nhận được sự tôn trọng thực sự từ người khác.

Dùng thân phận đe dọa người khác

Cách đây không lâu, trên chuyến tàu cao tốc từ Phụ Dương, An Huy (Trung Quốc) đến Hợp Phì, có một người đàn ông muốn đổi chỗ ngồi với một nữ hành khách bên cạnh để sạc điện thoại di động. 

Sau khi bị đối phương từ chối, người đàn ông tức giận nói: “Cô nên nhường chỗ ngồi cho tôi, thân phận của tôi cao hơn cô nhiều! Nếu ở đơn vị của tôi, cô đã bị đuổi việc từ lâu rồi!”

Đúng là ngoài sức tưởng tượng, cư dân mạng vì vậy đã rất tò mò về danh tính của người này. Sau đó được biết người đàn ông này chỉ là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân và đã nghỉ hưu. Hai từ “Thân phận” lại trở thành chủ đề bàn tán của mọi người.

Gia Cát Lượng từng nói: “Đừng vì bản thân cao quý mà coi rẻ người khác”.

Giá trị của một người không nằm ở địa vị cao đến đâu mà nằm ở khả năng khiêm tốn khi đối xử với người khác.

Những người quá đề cao thân phận của bản thân, luôn coi mình ưu việt hơn người khác; thông thường sẽ hạ thấp người khác để nâng bản thân lên. Làm như vậy không những không nhận được sự tôn trọng của người khác mà còn gây thù chuốc oán với mọi người.

Dùng thân phận bản thân để ức hiếp người khác chỉ chứng tỏ bạn là một người yếu đuối
Dùng thân phận bản thân để ức hiếp người khác chỉ chứng tỏ bạn là một người yếu đuối (ảnh chụp màn hình Istockphoto)

Quá đề cao thân phận của bản thân sẽ tự hủy hoại chính mình

Sáng ngày 13/11/2003, Lý Chân, cựu cục trưởng cục thuế tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã bị tử hình. Đây là quan chức cấp cao nhất của tỉnh Hà Bắc phải thi hành án tử hình kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa.

Lý Chân đã được đưa lên làm cán bộ cấp cao khi còn rất trẻ, nhất thời đắc ý; ông kiêu ngạo đến mức không còn coi ai ra gì nữa.

Có lần, phó cục trưởng của một thành phố nào đó không nâng cốc chúc mừng Lý Chân; vậy là ông ta đã gọi cho cấp trên của người này, yêu cầu phải sa thải anh ta.

Lại có lần Lý Chân trong lúc đang vui đùa với 3 người phụ nữ ở trên xe ô tô thì bị cảnh sát phát hiện, ông ta quát thẳng vào mặt cảnh sát: “Gọi cục trưởng của anh đến đây!”

Câu nói “kinh điển” của Lý Chân là: “Tôi nói chuyện với anh nửa giờ đồng hồ, vậy là tôi xem trọng anh lắm đấy”.

Kiêu ngạo là khởi đầu của tai họa

Trong cuộc sống chúng ta thỉnh thoảng cũng gặp những người như Lý Chân. Họ quá đề cao thân phận của  bản thân. Họ tìm mọi cách để thể hiện địa vị và thân phận của mình; làm như vậy họ sẽ cảm thấy là mình ưu việt hơn người khác. Phong cách này thực sự là quá thấp kém.

Người xưa nói: “Thiên dục kỳ vong, tất lệnh kỳ cuồng”. Nghĩa là khi trời diệt kẻ nào thì trước tiên làm cho kẻ đó phát cuồng.

Vương Dương Minh nói: “Người thời nay ốm đau, nói chung là do kiêu ngạo. Trăm ngàn tội ác cũng đều là do tính kiêu ngạo mà ra. Kiêu ngạo thì tất nhiên cũng sẽ tự cao; không chịu thua người khác. Con cái mà cao ngạo thì sẽ bất hiếu. Em trai mà cao ngạo thì sẽ không kính nhường. Bề tôi mà cao ngạo thì sẽ không trung thành.”

Bị ám ảnh bởi thân phận là thể hiện sự thiếu hiểu biết

Kiêu ngạo chính là mầm mống của tai họa
Kiêu ngạo chính là mầm mống của tai họa (ảnh Sina)

Năm Càn Long triều đại nhà Thanh, ở Đông Bình, Sơn Tây có một vị tiến sĩ tên là Lưu Công Quán. Ông đã từng đến phương Nam để làm quan.

Tục ngữ có câu: “Tú tài phương Nam, tướng quân phương Bắc, hoàng thổ Tây An an táng Hoàng Đế”.

Ở Tây An có rất nhiều lăng mộ và rất nhiều Hoàng đế đã được chôn cất ở đây. Người phương Bắc thân hình cao lớn, có nhiều tướng lĩnh chinh chiến. Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, vùng Giang Nam có phong cảnh đẹp, kinh tế phát triển vượt xa phương Bắc; đồng thời văn hóa thịnh vượng; vì vậy mà có rất nhiều học giả.

Cũng nhờ thế mà các học giả miền Nam chắc chắn có nhiều ưu thế so với người miền Bắc; và họ thường cười nhạo những người miền Bắc.

Ngay sau khi Lưu Công Quán đến Giang Nam, nhân sĩ Giang Nam hợp mưu dán ở trên cửa của quan nha một câu đối: “Giang Nam thiên sơn thiên thủy thiên tài tử” (Giang Nam có nghìn núi, nghìn sông, nghìn tài tử)

Sau khi đọc xong, Lưu Công Quán bình tĩnh mà viết tiếp vế dưới: “Sơn Đông nhất sơn nhất thủy nhất thánh nhân” (Sơn Đông có một ngọn núi, một con sông và một vị thánh nhân).

Các nhân sĩ Giang Nam sau khi đọc được thì “chấn động tâm can”, á khẩu không nói được lời nào.

Một ngọn núi là chỉ núi Thái Sơn; một con sông là chỉ sông Hoàng Hà; một vị thánh nhân là chỉ Khổng Tử. Và đương nhiên là phương Nam không thể có được những thứ này. 

Tôn trọng người khác thực chất là tôn trọng chính mình

Tác giả Lưu Tử Hân nói rằng: “Yếu đuối và ngu dốt không phải là trở ngại cho sự sống còn, mà đó là sự kiêu ngạo”.

Trên thực tế, mức độ tu dưỡng của một người thường không được quyết định bởi thái độ của người đó đối với cấp trên, giới quyền quý hay bạn bè; mà là bởi sự tôn trọng của người đó dành cho những người có địa vị thấp hơn mình.

Bắt nạt một người yếu hơn mình thì thật là dễ. Nhưng những người thực sự mạnh mẽ sẽ không bao giờ dựa vào thân phận của mình mà đe dọa người khác. Bởi vì họ biết rằng: Tôn trọng người khác thực chất là tôn trọng chính mình.

Cao quý thực sự chính là khiêm tốn

khiêm tốn mới là cao quý thực sự
khiêm tốn mới là cao quý thực sự (ảnh 360kuai)

Khi Hoàng đế Gia Khánh triều đại nhà Thanh còn là thái tử, có một lần vì ham chơi mà đã chọc giận lão sư Lưu Thống Huân. Lưu Thống Huân khiển trách ông một trận, phạt ông phải quỳ ở trong sân để học bài.

Vua Càn Long tình cờ đi ngang qua và nhìn thấy, trong lòng không khỏi tức giận. Ông đỡ con trai đứng dậy, cao giọng nói: “Đứng lên đi, ta đọc sách là thiên tử; mà không đọc sách thì cũng là thiên tử thôi!”

Lưu Thống Huân thấy Hoàng thượng cưng chiều con một cách mù quáng; phóng túng cho con bỏ học; bỏ qua hết mọi quy tắc; ông mới lên tiếng tranh luận: “Đọc sách là thiên tử của vua Nghiêu vua Thuấn; không đọc sách là thiên tử của vua Kiệt vua Trụ. Quân chủ anh minh thì tuyệt sẽ không ngang ngược với thầy mà bỏ học”.

Vua Càn Long nghe xong thì bình tĩnh suy xét, cảm thấy lời nói của Lưu Thống Huân có lý. Ông liền nói Gia Khánh quỳ xuống, và lệnh cho phải nghiêm chỉnh nghe theo lời thầy; chăm chỉ học hành.

Thân phận của vua Càn Long là gì? Là Hoàng đế của một đất nước! Lưu Thống Huân trong lúc nóng vội mà chống đối vua; chắc hẳn trong lòng cũng cảm thấy bất an. Tuy nhiên vua Càn Long cũng là một minh quân; chẳng những không trách tội mà còn liên tục khen ngợi và đề bạt Lưu Thống Huân. Vua Càn Long nói rằng, Lưu Thống Huân là “một bề tôi mẫn cán, kiên nghị, cương trực suốt đời”.

Trên không kiêu ngạo, dưới không tự ti

Những người hay tự đề cao thân phận của mình cũng không phải là do họ có lợi thế về dung mạo, tri thức, gia tộc, tài phú, địa vị, thành tựu hay quyền lực; mà đó là do họ quá thiển cận và thiếu lòng nhân ái.

Trên không kiêu ngạo, dưới không tự ti. Mỗi người đều là độc nhất trên thế giới này, và mỗi người đều có một sứ mệnh khác nhau. Dù là ở vị trí hay chức vụ nào thì chỉ cần làm thật tốt là được rồi; không cần phải tỏ ra kiêu ngạo, vì đó đã là an bài dành cho mỗi người.

Theo Aboluowang

x