Nhân sinh cảm ngộ

Có được thì cũng tốt, mà không có đôi khi lại còn tốt hơn

27/03/21, 11:25
Nước trong quá thì không có cá người không ngoan quá thì không có bạn
Nước trong quá thì không có cá người không ngoan quá thì không có bạn (ảnh Adobe Stock)

Chúng ta thường ra điều kiện với ‘hạnh phúc’, khi nào được như thế này thế kia rồi sẽ hạnh phúc; nhưng khi có được rồi thì chúng ta lại tiếp tục ra điều kiện mới. Hạnh phúc là thứ xa vời đến vậy chăng?

Bức tranh triệu đô của tổ tiên để lại

Một ông cụ người Nhật lấy ra một bức tranh được truyền từ đời tổ tiên cho người ta định giá. Ông nói rằng bức tranh này là báu vật được truyền lại từ đời ông nội của ông với giá 7 triệu đô la; ông luôn phải lo lắng đến việc cất giữ và bảo quản nó. 

Sau khi xem xét thật kỹ lưỡng, vị chuyên gia mới nhận định đây chỉ là một bức tranh nổi tiếng được chép lại; vì vậy giá của nó chỉ tầm khoảng 100 đô la mà thôi. Nghĩ rằng chủ nhân bức tranh sẽ rất buồn, vị chuyên gia mới hỏi: “Ông thất vọng lắm phải không?”.

Ngờ đâu cụ ông người Nhật lại nói: “Ôi! Vậy thì tốt rồi. Tôi không dám treo nó lên vì sợ mất trộm. Bây giờ tôi có thể thoải mái trưng bày nó trong phòng khách để ngắm nhìn rồi”. Mấy người bạn già của ông ở đó cũng hài hước nói: “Mất một cái gì đó còn thoải mái hơn là nắm giữ nó”.

Đừng tìm kiếm đâu xa, hạnh phúc luôn ở bên bạn
Đừng tìm kiếm đâu xa, hạnh phúc luôn ở bên bạn (ảnh Adobe Stock)

‘Người nông thôn sống tốt hơn chúng ta rất nhiều’

Lại có một câu chuyện khác, có một nhà triệu phú đã gửi con trai của ông đến một ngôi làng nghèo để cậu bé có thể cảm nhận được nỗi khổ của sự nghèo đói. Sau một tháng trở về, cậu bé lại tỏ ra rất vui vẻ; người cha thấy rất ngạc nhiên mới hỏi: “Chắc là con đã nhận ra, không phải ai cũng sống trong điều kiện tốt như chúng ta”.

Cậu bé trả lời: “Không đâu cha, họ sống tốt hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta chỉ có ánh đèn vào buổi tối nhưng họ có nguyên một bầu trời đầy sao; chúng ta phải mua thức ăn nhưng họ có thể tự nuôi trồng được mọi thứ; vườn của chúng ta nhỏ xíu, còn của họ thì rộng thênh thang;

Chúng ta suốt ngày phải nghe tiếng còi ô tô, tiếng ồn ào phố thị, còn họ thì nghe được âm thanh từ thiên nhiên; chúng ta phải mệt mỏi làm việc, còn họ thì vừa ca hát vừa làm; chúng ta phải chăm sóc cho người làm thuê của chúng ta, còn họ chỉ phải lo cho chính bản thân mình;

Chúng ta ngồi trong máy lạnh, còn họ hưởng thụ bóng mát dưới cây; chúng ta sợ người khác sẽ đột nhập vào nhà ăn trộm, nhưng họ thì không phải lo lắng gì cả; chúng ta lo lắng vì an toàn thực phẩm, còn họ có thể ăn uống thoải mái không phải lo nghĩ gì;

Con cảm ơn cha đã cho con thấy được giá trị của cuộc sống này; cho con thấy được chúng ta đầy đủ nhưng lại thiếu thốn ra sao”.

Mải miết tìm kiếm hạnh phúc nhưng nó luôn ở bên bạn

Đừng để người khác định nghĩa hạnh phúc thay cho bạn
Đừng để người khác định nghĩa hạnh phúc thay cho bạn (ảnh Adobe Stock)

Người cha nghe xong thì đứng ngây người không biết nói gì; từ lâu ông đã sống như thế này và không biết là còn có một thế giới hoàn toàn khác như thế. Ông đã tự giam mình nơi phồn hoa và coi đó là giá trị phải đạt đến của một con người; nhưng đứa con ngây thơ của ông đã cho ông thấy thế nào là hạnh phúc thực sự.

Có một nghịch lý trong cuộc sống, khi chúng ta chưa có gì thì khát khao để có nó cho bằng được; đến khi có được rồi thì lại lo lắng sợ mất, lại phải suy nghĩ làm sao để giữ được nó lâu dài. Tâm cứ vội vã chạy về phía trước, không khi nào được yên ổn; toàn thân mệt mỏi rã rời nhưng lại cứ nghĩ mình đã thành công.

Nhiều tỷ phú khi nằm trên giường bệnh rồi mới cảm thấy bất lực, tiền bạc danh vọng tới lúc này mới thấy thật vô nghĩa; chết rồi cũng không thể mang theo được gì nữa. 

Nhiều người phải tán gia bại sản rồi mới nhìn lại bản thân mình, mới biết điều gì là quan trọng trong cuộc sống này; lúc đó mới buông được tâm truy cầu không ngừng nghỉ.

Có được thì cũng tốt, mà không có đôi khi lại còn tốt hơn

Chúng ta thường nghĩ nắm giữ để hạnh phúc; nhưng đôi khi buông bỏ lại mang đến hạnh phúc còn lớn hơn. Như ông cụ người Nhật ở trên, nắm giữ bức tranh của tổ tiên bao nhiêu năm trời; nhưng đổi lại chỉ là sự lo lắng; khi biết nó có giá rất rẻ thì ông lại cảm thấy thoải mái hơn.

Ở đây cũng không phải khuyên chúng ta buông bỏ tài sản, hay đều về làm nông dân mà không kinh doanh buôn bán chi nữa; chỉ là chúng ta hãy biết lắng nghe hơn tiếng nói nội tâm của bản thân; hãy xem bản thân chúng ta thực sự cần thứ gì; đừng cố chạy theo điều gì đó mà mình đang tự huyễn hoặc mình rằng điều ấy là quan trọng. Và cũng đừng để người khác định nghĩa hạnh phúc của ta thay cho chính ta.

Theo Chánh Kiến

x