Lời nhắn của bác sĩ sáng lập bệnh viện: “Có bệnh cầu vái tứ phương, nếu đã cùng đường còn có Khí Công”
“Đời người ai cũng sống một lần, cũng có ít nhất một câu chuyện đáng để kể, để tâm đắc. Và tôi cũng có câu chuyện tâm đắc nhất của mình; xin chia sẻ bằng những gì chân thành, truyền thống nhất”.
Lời tòa soạn: Đó là những lời mộc mạc mà anh Nguyễn Văn Lĩnh – Bác sĩ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tâm A, bệnh viện Đa khoa Hồng Hà, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) mở đầu cho câu chuyện vào một ngày đầu năm 2022. Câu chuyện xoay quanh trải nghiệm của anh – một bác sĩ từng hơn 10 năm làm bệnh nhân; và những lời nhắn thiết tha muốn gửi gắm tới những người bệnh cùng đường: “Mọi người hãy tìm hiểu một môn khí công tu luyện”.
“Làm bệnh nhân trước khi thành bác sĩ”
Tôi sinh ra ở xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh; nhà có hai anh em, nhưng bố mẹ thì nhiều vất vả. Trong nhà lắm khi gạo chẳng có, rương chứa toàn khoai với củ; nhất là vào đợt cuối năm thì càng đói.
Khoảng năm lớp 3, tôi thấy cuộc sống sao mà khổ thế! Thế là tôi bắt đầu kiếm sống. Ngoài chạy mót khắp cánh đồng Thuận Lộc, tôi tập tành buôn lá chuối, buôn hàng xáo cùng mẹ. Lớp 5, tôi đi ra bán nước, bán kem ở chợ Hồng Lĩnh; một thời gian thấy thu nhập kém, tôi ra bến xe làm.
Hồi ấy bến xe ở Việt Nam là tụ điểm của nghiện hút, xì ke; những người “bạn chợ” của tôi ở bến xe Hồng Lĩnh hồi đầu những năm 1990 ấy, có nhiều người dính vào nghiện ngập, giờ đã chết. Phức tạp như thế, nhưng mà kiếm tiền được. Năm lớp 7 “doanh thu thăng hoa” nhất, tôi thành lao động chính trong nhà, kiếm tiền còn nhiều hơn bố mẹ. Nhưng đến năm lớp 8 thì buôn bán đuối dần. Tôi buôn kẹo ế ẩm, phải ăn hết; đã cụt vốn lại còn… tăng cân.
Lên lớp 10, nhờ có người bạn kéo đi học nên tôi tiến bộ nhanh. Nhưng việc kiếm tiền thì tôi không bỏ; phần vì thích, phần vì nhà tôi vẫn nghèo khó quá. Mẹ tôi khi ấy thất nghiệp, nên tôi bàn với bà, hay là hai mẹ con nấu bánh chưng. Cứ 5 giờ sáng tôi đi giao hàng, bán chịu khắp nơi. Một tháng, tôi nghỉ học 3 ngày đi thu nợ, nhưng vẫn là học sinh giỏi.
Những năm cuối cấp 3, tôi đặt mục tiêu mình cần học giỏi, đỗ đại học. Hồi những năm 1990, kiểu ôn thi đại học theo bộ đề thi còn thịnh hành lắm. Say sưa giải bộ đề, kết quả là năm 1998, tôi thi đỗ 4 trường. Tôi chọn đại học Y Thái Bình vì chi phí ở đó thấp.
Mang theo mấy bộ quần áo cũ, thuê căn phòng trọ giá 30 nghìn một tháng vừa bước vào là chân đã chạm giường; tôi nhập học với khát vọng lớn. Tâm cầu danh thôi thúc tôi học cật lực. Ví dụ, hồi đó sinh viên Y khoa được đăng ký chọn tiếng Anh hoặc tiếng Pháp; nhưng tôi đăng ký học cùng lúc cả hai.
Song số phận bắt tôi phải làm bệnh nhân trước khi thành bác sĩ. Sau một thời gian hăng hái, tôi thấy mình không còn năng lực học nữa. Chính xác là năm 1999, tôi bắt đầu bị bệnh. Bệnh này chẳng giống ai, ban đêm trằn trọc không ngủ được, ban ngày mệt mỏi, đau đầu, chán ăn mất hết sức sống. Sau này tôi biết đây là chứng tâm căn suy nhược – một chứng bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại.
Khi đó, tôi được đưa đi khám khắp đại học Y Thái Bình, nhưng chỉ đỡ lúc uống thuốc, còn sau lại đâu vào đấy. Dùng thuốc tây dai dẳng khoảng một năm, tôi chuyển sang uống thuốc bắc rồi cả thuốc nam nữa vẫn không đỡ. Đang lúc thất vọng vì học làm bác sĩ mà bệnh của mình còn không chữa được thì có người mách “thử gặp thầy bùa xem sao”. Kết quả sau lần dại dột đặt niềm tin vào ông thầy cúng, tôi có thêm 32 vết sẹo cháy trên cơ thể (tương đương với bỏng độ 3).
“Điều kỳ diệu đến tưởng như rất tình cờ”
Sau sự cố nhớ đời vì liệu pháp Đông – Tây Y kết hợp… cúng ấy, tôi dùng thuốc cẩn trọng hơn; và tìm hiểu các môn luyện tập như Yoga, Thái Cực quyền. Tập những môn này, người có khỏe hơn, nhưng trong lòng tôi vẫn thấy trống rỗng; vì đó vẫn chỉ là tập động tác mà không tìm thấy tâm pháp.
Năm 2004, tôi ra trường, rồi làm bác sĩ siêu âm. Một lần, lên Hà Nội học nâng cao nghiệp vụ, tôi thấy rất nhiều bà con xứ Nghệ, cứ 5, 7 người dìu dắt một người đi khám. Họ đến bệnh viện 108, Bạch Mai, Việt Đức… với hy vọng tìm được người quen, gặp một bác sĩ tận tình giúp đỡ. Có những người, chỉ mong được khám cho thật kỹ xem có bị ung thư không để gia đình biết đường lo liệu.
Tôi quan sát, thấy buồn, và nhận ra trách nhiệm của mình là phải làm tốt việc chuyên môn. Từ đó, tôi xác định đã khám chữa bệnh là phải làm đến nơi đến chốn; cố gắng không để bà con phải chuyển tuyến, đi ra ngoài tỉnh. Tôi cũng chú ý hơn để khi đối xử với người bệnh cần phải mang suy nghĩ thiện lương, trước hết vì người bệnh; đối đãi chân thành với họ.
Năm 2008, tôi lập gia đình; rồi năm 2010, xin nghỉ việc ra ngoài lập phòng khám, sau đó thành lập bệnh viện. Lúc mới ra ngoài điều trị, nhận thấy các nhóm bệnh mãn tính, xương khớp, rối loạn chức năng… nếu kê các đơn thuốc tây, điều trị ngắn ngày thì kém hiệu quả; nhưng dài ngày thì rất có hại, biến chứng đủ kiểu. Tôi quay lại với suy nghĩ bệnh nhân có thể kết hợp chữa bằng Yoga, Khí công… vừa tăng cường sức khỏe, mà đỡ tốn chi phí điều trị, thuốc men cho họ.
Trong khi đang loay hoay tìm liệu pháp cho người bệnh, thì một ngày vào năm 2012, tôi tìm ra điều kỳ diệu. Biểu hiện ra thì rất tình cờ. Hôm đó, tôi đang có việc về pháp lý, lên mạng gõ từ Pháp Luật; vậy mà gõ sao dòng chữ nhảy ra cụm từ Pháp Luân Công. Trên màn hình xuất hiện một vị thầy mặc một bộ đồ màu vàng, dáng vẻ điềm tĩnh từ bi dạy tập khí công theo nguyên lý vũ trụ Chân – Thiện – Nhẫn. Nhìn 5 bài công pháp cuốn hút quá, thế là tôi tập theo.
Là bác sĩ, biết lắng nghe cơ thể mình, tôi thấy càng tập Pháp Luân Công thì thể trạng, tinh thần của mình càng tốt. Vậy là tôi chia sẻ với các bệnh nhân, là ngoài thuốc tây, các bác hãy tìm hiểu về Pháp Luân Công, coi như là có thêm một phương án cải thiện sức khỏe mà không phải dùng thuốc.
Nhưng cũng đáng tiếc vì quãng thời gian đầu biết đến Pháp Luân Công tôi chỉ chú trọng đến luyện động tác. Một phần khi đó tôi mới khởi nghiệp, áp lực duy trì, phát triển cơ sở y tế là rất lớn. Tâm tôi vẫn còn chạy theo các chỉ số, doanh thu, lợi ích được mất. Một phần nữa vì những hiểu biết trước đây của tôi về việc “tu” đã hình thành quan niệm cố hữu; như một bức tường ngăn tôi tiếp thu nhận thức chân chính về tu luyện.
Ví dụ, hồi đó tôi nghĩ rằng, người đi tu nếu không chán đời thì cũng phải thất tình, gặp biến cố lớn lao nào đó. Nếu không, thì ai tự nhiên đi tu? Mà đã đi tu thì nhất định phải lên chùa, hay ít ra cũng lên núi như trong… phim kiếm hiệp. Thế nên mới có chuyện mà nghĩ lại giờ thấy rất buồn cười: Tôi hay lên mái nhà, leo tới ngọn Hồng Lĩnh, hay vào chùa (tất nhiên là chỉ đứng men men phía ngoài bởi sợ… sư thầy đuổi) để tập. Hồi đó, tôi nghĩ luyện công là cần như thế đó. Và tôi cũng không thực sự ý thức được là Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) chính là môn pháp chân chính có thể tu giữa đời thường.
“Mấy lời xin gửi gắm bệnh nhân“
Sau 10 năm biết đến Pháp Luân Công, mấy năm gần đây, khi chuyển nhà ra thành phố Vinh, môi trường mới đã giúp tôi học Pháp nhiều hơn. Tôi chú trọng hơn vào tu luyện tâm tính, như Đại Pháp yêu cầu. Có nhiều vấn đề trước đây không nhận thức tới, nay tôi đã thực hành được.
Ví dụ như chứng bệnh tâm căn suy nhược, dù đã bớt sau năm 2009, nhưng vẫn còn những di chứng như mất ngủ kéo dài. Đến mãi sau này, khi đã thành lập Bệnh viện có hàng trăm nhân viên y tế, nhưng tôi – người đứng đầu bệnh viện vẫn phải âm thầm chịu đựng chứng bệnh này. Nó cũng như các triệu chứng tiêu cực về sức khỏe khác chỉ chấm dứt hoàn toàn khi tôi thực sự tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Tâm tính tôi cũng thay đổi; tính xấu như nóng giận, ích kỷ, tranh giành lợi ích… cũng được giảm nhiều. Có những tâm xấu mà trước khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi không nhận thức ra, nhưng nay đã buông bỏ nhẹ nhàng. Tôi và các y bác sĩ trong bệnh viện đa khoa Hồng Hà chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn để phục vụ bệnh nhân và được bà con tin tưởng.
Người nhà tôi cũng được hưởng lợi ích từ Pháp Luân Đại Pháp. Mẹ tôi từ hồi 30 tuổi gặp hết bệnh này đến bệnh kia, rồi kinh tế khó khăn khiến bà lúc nào cũng rầu rĩ, ngại giao tiếp. Từ ngày tôi hướng dẫn mẹ tu luyện thì sức khỏe và tinh thần của bà rất tốt; mẹ tươi tắn, trẻ trung hẳn. Các con tôi cũng vui vẻ đọc sách Đại Pháp và học luyện công.
Với những người bệnh, khi có duyên gặp gỡ, tôi đều chia sẻ rằng, các bác hãy tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp. Trên phòng điều trị của bệnh viện, tôi cũng để lại lời nhắn: “Có bệnh cầu vái tứ phương, nếu đã cùng đường còn có Khí Công”, cùng tên, số điện thoại của tôi để chia sẻ với những ai muốn tìm đến môn khí công Phật gia này.
Có thể có người thắc mắc, tại sao người đứng đầu một bệnh viện chẩn trị theo Tây y mà lại khuyên người bệnh đi tìm hiểu khí công. Nếu ai cũng học khí công thì còn ai đến Bệnh viện của ông mà chữa nữa, như thế còn mở bệnh viện làm gì; vậy có phải là mâu thuẫn?
Thực ra tôi thấy không mâu thuẫn. Bởi trong cuốn sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Đại Pháp), Sư Phụ của chúng tôi đã giảng đại ý rằng: Khí công không thể thay thế bệnh viện, nó là những Pháp lý siêu thường. Vậy nên có bệnh thì mọi người vẫn cần đến bệnh viện để chữa trị. Các phương pháp khám chữa ở bệnh viện vẫn có tác dụng. Nhưng nếu đã “cùng đường” và mang tâm muốn tu luyện thì mọi người hãy nhớ đến còn có Pháp Luân Đại Pháp.
Và việc tu luyện Pháp Luân Công cũng không phức tạp, khó khăn, đòi hỏi trình độ cao như mọi người nghĩ đâu! Chính tôi cũng đã có sự trải nghiệm về việc này. Hồi đầu khi đọc sách Đại Pháp, tôi tự tin dùng các kiến thức khoa học hiện đại để đối chiếu, lý giải những điều viết trong sách, rốt cuộc chẳng lý giải được gì. Trong khi bên cạnh mình, có những bác chỉ học đến tiểu học, trung học nhưng tu luyện rất tốt; chẳng những bệnh nan y khỏi hết mà tâm tính cũng tốt hẳn lên. Bởi lẽ, Pháp Luân Công thực sự là môn tu luyện Phật gia hàm chứa rất nhiều điều huyền diệu, chỉ nhìn vào tâm người muốn tu luyện mà không phân biệt sang – hèn, trình độ cao hay thấp. Chỉ cần có tâm tu luyện và biết rằng Chân – Thiện – Nhẫn là tốt, thì dẫu là người bệnh cùng đường, tôi tin rằng chúng ta vẫn còn cơ hội thấy được điều tâm đắc nhất của cuộc đời mình.