Nhân sinh cảm ngộ

Cha mẹ mắc phải 2 điều cấm kỵ này thì con cái khó có tương lai tốt đẹp

20/08/23, 07:19
Cha mẹ mắc phải 2 điều đại kỵ này thì con cái khó có tương lai
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái (ảnh minh họa novakid)

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, cha mẹ nên tránh mắc những điều cấm kỵ để con cái có tương lai tươi sáng.

Trong “Tam Tự Kinh” có câu: “Nuôi dưỡng mà không dạy là lỗi của người cha”. Làm bậc cha mẹ nếu chỉ nuôi dưỡng con cái, đáp ứng cho con nhu cầu vật chất mà lại bỏ qua không dạy bảo, uốn nắn con cái thì đó là lỗi của cha mẹ.

Người xưa đã sớm nhận ra rằng cha mẹ là người quan trọng nhất chịu trách nhiệm giáo dục con cái. Mà sự thịnh suy của một gia đình được quyết định bởi việc các thế hệ tương lai có triển vọng hay không. 

Muốn con cái mình trở thành người như thế nào, trước hết cha mẹ phải trở thành người như thế đó. Bởi vì, trong nhiều trường hợp, mọi hành động, lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ in sâu vào tâm trí của con cái. 

Sự hưng suy của một gia đình phụ thuộc vào từng chi tiết nhỏ, gia đình nào phạm phải 2 điều cấm kỵ dưới đây thì cần phải lưu ý: 

1. Điều cấm kỵ 1: Lạnh nhạt với người thân, tất nhiên sẽ không có con cháu hiếu thảo

Những người khắc nghiệt với người lớn tuổi và thân thích thì đời sau sẽ khó có con cháu vinh hiển.

Cha mẹ mắc phải 2 điều đại kỵ này thì con cái khó có tương lai
Hiếu kính với cha mẹ và trưởng bối trong nhà là nền tảng giáo dục con cái (ảnh minh họa Mucwomen)

Từng có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: 

Có một gia đình 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Bà nội đã già, không đi lại được nữa, cha mẹ trẻ cảm thấy bà là gánh nặng nên quyết định vứt bỏ bà vào trong núi.

Một đêm nọ, họ gọi con trai đến, cùng nhau đặt bà vào một chiếc giỏ trúc lớn và khiêng vào núi. 

Khi họ định để bà lại một mình, con trai họ ở bên cạnh nói: “Cha mẹ đã để bà nội ở trên núi rồi, đừng vứt cái giỏ trúc lớn này đi”. 

Cha mẹ cảm thấy rất kỳ lạ và hỏi con trai: “Tại sao con lại muốn mang cái giỏ trúc này về nhà?” 

Người con đáp: “Chờ khi cha mẹ về già, con cũng sẽ dùng cái giỏ lớn này khiêng cha mẹ vào núi ạ”.

Con cái sẽ bắt chước hành vi của cha mẹ, khi bạn là bậc cha mẹ hiếu thảo với người lớn tuổi, con cái của bạn cũng sẽ trở nên ngoan ngoãn lễ phép, con sẽ học cách bạn hiếu thảo với người lớn tuổi để tôn trọng bạn. 

Ngược lại, bản thân cha mẹ có lòng dạ hẹp hòi, không có tình thương với người thân, người lớn tuổi thì làm sao có thể nuôi dạy được những đứa con hiếu thảo? 

Nếu cứ tiếp tục như vậy, đừng nói đến sự hưng thịnh của gia đình, chỉ sợ đối mặt với phải trái đúng sai, con cái sẽ không phân biệt được thiện ác. Chúng sẽ dễ đi theo con đường sai lầm vì những ham muốn ích kỷ, và cuối cùng làm hại người khác và chính mình. 

2. Điều cấm kỵ 2: Không tôn sư trọng đạo thì con cái khó có thể thành tài

Giáo viên là người duy nhất tràn đầy kỳ vọng và yêu thương đối với chúng ta trên đời này, ngoại trừ cha mẹ. 

làm sao con cái có tương lai rộng mở; những công việc có tương lai
Người càng tu dưỡng, càng tôn sư trọng đạo thì tương lai càng rộng mở (ảnh minh họa Baothainguyen)

Con người càng tu dưỡng, càng thành đạt trong sự nghiệp, càng có tương lai xán lạn thì càng tôn sư trọng đạo.

Có câu nói: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”. Hòn ngọc thô kia, nếu không trải qua quá trình mài giũa, sẽ không thể trở thành một món đồ quý giá, cũng giống như con người không học hỏi, không nếm trải khó khăn thì không thể thấu hiểu đạo lý trong cuộc đời.

Đối với trẻ em, phần lớn thời gian ở trường là dành cho giáo viên và các bạn cùng lớp.

Nếu cha mẹ không tôn trọng giáo viên, hoặc cha mẹ không tôn trọng giáo viên đã từng dạy dỗ mình, thì làm sao có thể dạy trẻ cách để tôn trọng giáo viên, nỗ lực học tập?

Hơn nữa, trong quá trình trưởng thành của con cái, giáo viên là người bồi dưỡng, khuyến khích giúp con cái có thể phát triển tài năng của bản thân. Nếu không có sự chỉ đạo của thầy cô, đứa trẻ rất khó để trở thành nhân tài, hoàn thiện nhân cách đạo đức.

Một học trò dù ngốc đến đâu, chỉ cần còn có tâm kính sợ với thầy cô, hiếu kính với cha mẹ thì không khó để thay đổi. Ngược lại, nếu một học trò phớt lờ, không xem trọng cha mẹ, thầy cô thì nội tâm của đứa trẻ đã không còn ước thúc gì nữa, như vậy thì không còn cách nào để uốn nắn được.

Một điều ác nhỏ không thay đổi cuối cùng sẽ trở thành một điều ác lớn. Nếu không tích lũy từng chút việc thiện thì đại đức khó thành. Những phẩm chất tốt đẹp không phải là đứa trẻ sinh ra đã có sẵn, mà trong cuộc sống dần dần hình thành từ những cử chỉ, lời nói và việc làm của cha mẹ. Do đó, hãy chú ý đến những chi tiết này để trở thành tấm gương cho con cái noi theo.

Theo Aboluowang

x