Văn hóa truyền thống

Câu chuyện chiếc áo cà sa của lục tổ Huệ Năng 

12/09/23, 07:30
Chiếc áo cà sa của lục tổ Huệ Năng 

Ngũ tổ Hoằng Nhẫn quyết định trao áo cà sa, biểu tượng của sự truyền thừa pháp môn Thiền tông cho Huệ Năng – một người còn trẻ tuổi, vốn không biết chữ, không tụng đọc kinh điển, hàng ngày chỉ biết giã gạo nấu cơm phục vụ các sư trong chùa.

Huệ Năng nhận y bát truyền thừa từ ngũ tổ, phải vội vã rời đi

Theo lịch sử Phật giáo Trung Hoa có một tu sĩ tên là Huệ Năng. Ông là tổ sư thứ sáu trong pháp môn tu luyện Thiền tông của Phật gia. Sau khi nghe bốn câu kệ, Huệ Năng đã lập tức ngộ đạo. Vào lúc đó, tổ sư Hoằng Nhẫn lấy ra chiếc áo cà sa dệt bằng tơ lụa trao cho ông.

Ngũ tổ nghiêm túc nói với Huệ Năng: “Tổ sư của chúng ta ngài Đạt Ma đã mang chiếc áo cà sa quí báu này từ nước Thiên Trúc (Ấn Độ) sang Trung Hoa. Chiếc áo không phải là Phật Pháp nhưng nó là biểu tượng cho Phật Pháp. Nó theo tổ sư Đạt Ma truyền thụ Phật Pháp xuống đến ta đã là năm đời. Áo cà sa chỉ tồn tại khi Pháp tồn tại. Hôm nay, ta truyền lại chiếc cà sa này cho con và con sẽ thay ta trở thành tổ sư thứ sáu của Thiền tông.”

Huệ Năng quỳ xuống, kính cẩn nhận lấy cà sa. Ngũ tổ nói tiếp: “Thủa ban sơ tổ Đạt Ma đến đây, vì pháp chưa phổ truyền nên phải có y bát làm biểu minh đắc pháp. Nay mọi người đều biết đến pháp là tốt, thì chiếc áo cà sa lại là đầu mối tranh giành. Vậy nên đến đời thứ sáu thì dừng lại không truyền nữa. Con nên đi xa ẩn lánh, đợi thời cơ mà hành đạo, bởi lẽ người nhận y bát, mạng như tơ mành”.

Chiếc áo cà sa của lục tổ Huệ Năng 
Huệ Năng nhận y bát từ ngũ tổ Hoằng Nhẫn (ảnh: Nguyenuoc)

Thừa lúc bình minh, Huệ Năng mang theo hành lý đơn sơ, lặng lẽ rời khỏi chùa, nhanh chân chạy về hướng Nam. Ông chạy cả ngày lẫn đêm; khi gần đến đỉnh núi Đại Dữu Lĩnh, thì phía sau đã thấy hàng trăm nhà sư vừa đuổi theo vừa la hét. Người đầu tiên nhìn thấy Huệ Năng là Trần Huệ Minh, ông ta dán mắt vào chiếc tay nải gói áo cà sa như thể nhất định phải cướp lấy được.

Lúc này, Huệ Năng đã đuối sức, thấy bản thân không thể chạy thoát, bèn đặt tay nải lên phiến đá ven đường và hô lên thật lớn:

“Áo cà sa này là biểu tượng của sự phổ truyền Phật Pháp. Tại sao mọi người lại muốn giật lấy bằng sức mạnh? Chiếm hữu áo cà sa mà không có Pháp thì cũng như có một bông hoa trong cái gương!” – Rồi ông vội lánh vào bụi cây ngay đó.

Uy lực của Phật Pháp khiến kẻ đố kỵ hoảng hốt quy phục

Huệ Minh hùng hổ đuổi tới. Ông ta mở tay nải thấy áo cà sa nên mừng rỡ nhặt lên. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, mặc cho Huệ Minh dùng sức lôi, chiếc tay nải kẹt trên tảng đá không nhúc nhích. Huệ Minh vô cùng sửng sốt và trong phút chốc ông ta thực sự đã thức tỉnh. Qua sức mạnh kỳ diệu của Phật Pháp, ông quỳ xuống cung kính:

“Hành giả! Tôi vì Pháp đến, chẳng vì y áo mà đến.”

Huệ Năng từ tốn bước ra, theo thỉnh cầu, ngài đã thuyết pháp cho Huệ Minh, sau đó đi về núi Lĩnh Nam. Về phần Huệ Minh, sau khi nghe pháp, ông cũng ngộ được một chút huyền cơ, liền quay trở xuống chân núi, nói với mọi người rằng, bản thân không tìm thấy dấu vết nào nhằm đánh lạc hướng giúp lục tổ thoát nạn.

Chiếc áo cà sa của lục tổ Huệ Năng 
Các nhà sư đốt đuốc lên chùa tìm Huệ Năng (ảnh minh hoạ: Tayduky)

Lục tổ Huệ Năng dừng chân tại chùa Bảo Lâm và tá túc ở đây. Nhưng chỉ vài tháng sau, vào một đêm tối, những người đồng tu đã tìm đến. Họ vừa gõ cửa chùa vừa la lớn:

“Đồ nhãi ranh Huệ Năng, mau đưa cà sa cho chúng ta, nếu không chúng ta sẽ không khách khí.”

Một lần nữa, Huệ Năng lại gói hành lý chạy trốn. Ông chạy lên một ngọn đồi sau chùa. Khi lên đỉnh đồi, ngoảnh lại, ông nhìn thấy đoàn đuốc dài, giống như một con rắn đang luồn lách lên đồi. Huệ Năng thấm mệt nên trốn vào khe nứt của vách đá, cho đến khi ngửi thấy mùi khói bốc lên nồng nặc thì vươn đầu ra, trước mắt ông cả ngọn đồi đã trở thành một biển lửa.

Hoá ra, đám tu sĩ với tâm đố kỵ sục sạo khắp ngọn đồi không tìm thấy Huệ Năng, đâm ra giận dữ, châm lửa đốt cả ngọn đồi với ý nghĩ Huệ Năng không thể trốn mãi trên đó.

Áo cà sa bảo hộ người tu luyện chân chính

Gặp cảnh nguy hiểm, nhưng điều Huệ Năng lo lắng là chiếc áo cà sa ngũ tổ đã tin tưởng giao phó. Đang lúng túng chợt ông nhớ lại cảnh Huệ Minh khoẻ mạnh mà không thể cầm tấm áo quý báu lên; ông thiết nghĩ, đây là pháp bảo, lửa làm sao có thể đốt cháy nó. Đám lửa lan đến càng lúc càng gần hơn, lục tổ khoan thai khoác chiếc áo cà sa lên mình rồi bình thản ngồi xuống nhắm mắt lại thiền định.

Chiếc áo cà sa của lục tổ Huệ Năng 
(ảnh tổng hợp trên Internet)

Trong giấy lát, Huệ Năng cảm thấy toàn thân chìm xuống dưới, xung quanh như được bao bởi một trường năng lượng kỳ diệu tách ông khỏi khung cảnh hỗn độn hiện tại. Chẳng mấy chốc, đồi cây cháy rụi, khói đậm tan dần và mọi thứ tĩnh mịch trở lại.

Khoảng 2 canh giờ nữa trôi qua, Huệ Năng thức tỉnh bởi một luồng sáng chiếu mạnh vào mắt. Khi ông mở mắt ra thì mặt trời đã lên qua đỉnh núi. Cây cối tan thành tro bụi. Huệ Năng nhìn lại mình thì thấy áo cà sa vẫn lấp lánh không bị hư hại, chỉ có một lớp bụi mỏng phủ bên trên.

Lúc chuẩn bị rời đi, Huệ Năng vô tình nhìn vào phiến đá nơi ông đã ngồi đêm qua và sửng sốt khi thấy 2 dấu ấn sâu xuống từ đầu gối của mình. Ông ghé mắt nhìn gần hơn và nhận ra những nếp gấp của áo cà sa được in rõ trên dấu ấn. Huệ Năng lại một lần nữa nghiệm ra sức mạnh phi thường của Phật Pháp. Sau đó ông quay trở lại Tào Khê.

Về sau, những đệ tử của ông đã đem phiến đá này về chùa của họ để thờ tự và tỏ lòng ngưỡng mộ. Họ gọi hòn đá này là “hòn đá nơi trú ẩn của sự nguy hiểm.”

“Thiền tông giống như một bông hoa chỉ nở hoa sáu lần”

Trước khi qua đời, Huệ Năng đã nhắc lại lời ngũ tổ cho đệ tử của mình rằng, Tổ sư thiền tông đầu tiên- ngài Đạt Ma đã để lại thông điệp: “Phổ truyền Phật Pháp là để cứu độ chúng sinh. Thiền tông giống như một bông hoa chỉ nở hoa sáu lần. Pháp đã truyền xuống sáu đời từ tổ sư Đạt Ma truyền xuống đến Huệ Năng. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã nói với ta ngưng truyền áo cà sa, bởi vì nó chỉ gây ra sự tranh đấu”.

Huệ Năng
Nhục thân và cà sa của lục tổ Thiền tông được thờ tại chùa Hoa Nam- Quảng Đông- Trung Quốc (ảnh: phatgiao)

Lục tổ Huệ Năng viên tịch, để lại nhục thân bất hoại. Hàng đệ tử của ông tuân theo di nguyện của lục tổ. Họ mặc chiếc áo cà sa đó cho ông để thờ tự cả tổ sư và Pháp bảo.

Theo Chánh Kiến

x