Văn hóa truyền thống

Khổng Tử: Chớ vì quần áo thô sơ, ăn uống đạm bạc mà xấu hổ

02/07/25, 16:41
Khổng Tử: Chớ vì quần áo thô sơ, ăn uống đạm bạc mà xấu hổ
Chớ vì quần áo thô sơ, ăn uống đạm bạc mà xấu hổ (ảnh minh họa: Epochtimes)

Khổng Tử giảng: “Sĩ chí vu đạo, nhi sỉ ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị dã.” Nghĩa là, kẻ sĩ lập chí học Đạo mà lại xấu hổ vì áo quần thô sơ, ăn uống đạm bạc thì không đủ tư cách để cùng bàn luận đạo lý.

Khổng Tử giảng cái chí của kẻ sĩ

Có rất nhiều người tìm đến Khổng Tử để cầu học, phần lớn trong số họ là các nhân sĩ mong muốn bước vào con đường quan lộ. Tuy nhiên, mục đích dạy học của Khổng Tử không phải là để giúp họ cầu danh, đạt chức vị, mà là để họ hiểu đạo và thực hành đạo. Nếu vì học mà được làm quan, thì cũng là để mượn chức quan mà hành đạo, chứ không phải vì mưu cầu cuộc sống giàu sang tôn quý mà làm quan. Vì vậy, ai đến học với  Khổng Tử, thì điều đầu tiên ông dạy chính là nuôi chí theo đạo, tức là lấy đạo làm gốc trong tâm.

Khổng Tử; Khổng Phu Tử; Khổng Khâu
Khổng Tử có rất nhiều học trò (ảnh minh họa: Zhihu)

Trong thiên đầu tiên của Luận Ngữ (Học nhi), Khổng Tử từng nói: “Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an.” Nhiều học trò của ông đều ôm chí lớn, không màng đến chuyện áo cơm. Ví như Khổng Tử từng nói Tử Lộ là người “mặc áo cũ rách, đứng cạnh những người mặc áo lông chồn, lông cáo mà không hề cảm thấy xấu hổ”.

Đây mới chính là biểu hiện thật sự của bậc “sĩ chí vu đạo”. Người mà tuy có chí với đạo, nhưng lại thích ăn ngon mặc đẹp, xấu hổ với nghèo khổ thô sơ – thì cái chí theo đạo ấy không thực sự kiên định. 

Chương này hàm chứa ý nghĩa rất sâu sắc. Chúng ta hãy cùng xem một câu chuyện.

Hồng Thừa Trù là một trọng thần vào cuối thời nhà Minh, một nhân tài xuất chúng. Ông từng dẫn quân kháng Thanh, nhưng thất bại trong trận chiến ở Tùng Sơn và bị bắt.

Theo ghi chép trong Thanh Sử Cảo, vua nhà Thanh có ý định thu dùng Hồng Thừa Trù, bèn sai Phạm Văn Trình đi khuyên hàng. Lúc đầu, Hồng Thừa Trù tức giận mắng chửi. Phạm Văn Trình vẫn từ tốn nói chuyện thế sự kim cổ cùng ông. Đương lúc trò chuyện, có đám bụi trên xà nhà rớt vào áo Thừa Trù, ông liền lấy tay phủi bụi đi. 

Thấy vậy, Văn Trình vội quay về tâu với vua: “Hồng Thừa Trù chắc chắn sẽ không chọn cái chết, đến chiếc áo ông ta còn tiếc, huống gì là thân mình.” 

Vua Thanh liền đích thân đến thăm, cởi áo lông mình đang mặc khoác lên người Hồng Thừa Trù và hỏi: “Tiên sinh không lạnh sao?” 

Hồng Thừa Trù im lặng nhìn hồi lâu, than rằng: “Quả là bậc chân mệnh thiên tử của thiên hạ”, rồi khấu đầu xin hàng.

Vào thời khắc sống chết, vậy mà Hồng Thừa Trù vẫn còn bận tâm đến việc áo mình có bụi hay không, có thể thấy ý chí ông ta ắt không vững chắc. Cộng thêm một vài yếu tố khác, việc ông đầu hàng nhà Thanh là điều không thể tránh khỏi.

Có thể thấy rằng, bậc sĩ có chí theo đạo mà lại xấu hổ vì cái ăn, cái mặc thô sơ – thì đến lúc then chốt rất có thể không giữ được khí tiết. 

Chính khí của Văn Thiên Tường 

Chúng ta hãy xem một ví dụ ngược lại. Văn Thiên Tường – tể tướng thời Nam Tống lúc mất nước, bị giam ở ngục Đại Đô nhà Nguyên suốt ba năm vẫn không đầu hàng.

Khổng Tử; Khổng Phu Tử; Khổng Khâu
Văn Thiên Tường lấy chính khí của mình mà địch lại bảy khí ô trược nơi ngục tù (ảnh minh họa: Lishi)

Trong phần tựa bài “Chính khí ca”, ông viết:

“Ta bị giam trong một căn nhà đất rộng tám thước, sâu bốn tầm (1 tầm = 8 thước). Mùa hè, đủ loại khí tụ lại: nước mưa tràn từ bốn phía làm nổi cả giường và bàn – là thủy khí; bùn trong nhà không có ánh nắng, bốc mùi thối – là thổ khí ; trời nắng gắt, các lối thông gió ở khắp nơi lại bị bịt kín – là nhật khí; dưới hiên có người đốt củi nấu ăn – là hỏa khí; kho chứa lương thực bị hư hỏng, bốc mùi nấm mốc– là mễ khí (mễ nghĩa là gạo); người giam đông đúc, mùi mồ hôi tanh tưởi – là nhân khí; lại thêm phân, nước tiểu, xác chết, chuột chết – khắp nơi toàn là uế khí.

Bảy thứ khí ấy trộn lại sinh ôn dịch, ít ai không nhiễm bệnh. Mà ta thì thể chất yếu kém, sống lay lắt trong hoàn cảnh ấy, đến nay đã hai năm, may mà không có bệnh gì, hẳn là nhờ có điều gì đó nuôi dưỡng nên mới được như vậy. Nhưng cũng nào biết được cái gì đã dưỡng nuôi ta chứ?”

Từ Văn Thiên Tường, chúng ta mới hiểu được thực sự thế nào là cái chí lập đạo của kẻ sĩ mà Khổng Tử giảng. Trong cảnh lao tù, đối mặt với cái chết, ông vẫn giữ trọn khí tiết, không khuất phục.

Theo Epochtimes

·

x