Văn hóa truyền thống

Bố Đại hòa thượng: Ung dung tự tại, bình thản vui cười khắp thế gian

25/08/21, 17:54
Bố Đại hòa thượng: Ung dung tự tại, bình thản vui cười khắp thế gian
Bố Đại hòa thượng vẫn được cho là hóa thân của Phật Di Lặc (ảnh wincheer)

Bố Đại hòa thượng là một nhân vật huyền thoại vào thời Ngũ Đại. Người đời cho rằng ông chính là hóa thân của Phật Di Lặc, lúc nào cũng cười nói vui vẻ.

Truyền kỳ về Bố Đại hòa thượng

Khi bức màn kéo xuống báo hiệu kết thúc triều đại nhà Đường hoa lệ, Ngũ Đại Thập Quốc bắt đầu dắt tay nhau lên sân khấu cùng diễn màn kịch phân tranh cao thấp. Trong bối cảnh Ngũ Đại phân tranh, có một vị hòa thượng túi vải ung dung tự tại, bình thản nói cười nơi thế gian, có tấm lòng rộng lượng, nhẫn chịu được những việc khó nhẫn chịu, trở thành nhân vật huyền thoại trong thời Ngũ Đại, ông chính là Bố Đại Hòa Thượng; cũng chính là Phật Di Lặc mà mọi người thường truyền tai nhau.

Bố Đại hòa thượng còn được gọi là Trường Đinh Tử Bố Đại thiền sư. Xung quanh nguồn gốc xuất thân của ông cũng có chút kỳ bí. Tương truyền, cuối thời Đường, trên suối Long Khê vùng Phụng Hóa Minh Châu trôi đến một bó củi, trên đó có một đứa trẻ. 

Một người đàn ông trong làng Trường Đinh tên là Trương Trọng Thiên, nhìn thấy đứa bé này chân tay mập mạp, tròn vo bụ bẫm, còn không ngừng toét miệng cười ngây ngô, trong tâm vô cùng vui mừng, liền ôm đứa bé vào lòng. Lúc này mới phát hiện tấm đệm lót của đứa bé là một túi vải màu xanh. Người này liền ôm đứa bé về nhà nuôi nấng, đặt tên là “Khiết Thử”. Bởi đứa bé ấy lớn lên ở làng Trường Đinh, vậy nên đặt tên hiệu là “Trường Đinh Tử”.

Mang theo túi vải, vân du khắp nơi

Sau khi lớn lên, Khiết Thử tới một ngôi chùa và xuống tóc đi tu. Ông dùng một túi vải buộc trên đầu thiền trượng, một thân một mình vân du thiên hạ. Ông thấy vật thì xin vật, thấy đồ ăn thì xin đồ ăn. Đồ ông xin được đều cho vào trong túi vải. Vậy nên được người đời gọi là “Bố Đại hòa thượng” (hòa thượng túi vải).

Bố Đại hòa thượng là ai; Phật di lặc là ai; Phật di lặc ý nghĩa
Thường có nhiều đứa bám theo mỗi lần ông đi xin ăn (ảnh Sina)

Nghe nói, mỗi lần đi xin ăn, xung quanh ông thường có 18 đứa trẻ đi theo. Mọi người không biết những đứa trẻ này đến từ đâu, đuổi cũng không đi. Mùa hè nóng bức, Bố Đại hòa thượng tắm gội nơi khe suối, đám trẻ con này bày trò trêu đùa ông. Khi đó, có một họa sĩ họ Lục giỏi hội họa, liền phác họa hình ảnh Bố Đại hòa thượng lên trên vách tường của một ngôi chùa.

Ông đi khắp thế gian, giáo hóa chúng sinh; khi mệt mỏi tùy ý tìm một nơi để ngủ và nghỉ ngơi. Ông có một bài kệ miêu tả chân thật về việc ông vân du thiên hạ, kết nối thiện duyên:

Một bát cơm ngàn nhà
Một thân chơi nghìn dặm
Mắt đen thấy người ít
Hỏi đường tận mây xa

Nhẫn được những việc người đời không thể nhẫn

Một cư sĩ họ Trần hỏi ông, làm sao để có thể tránh rơi vào vòng xoáy thị phi nghị luận về người khác. Bố Đại hòa thượng liền đọc cho ông bài “Nhẫn nhục kệ”: “Thị phi tăng ái thế thiên đa, tử tế tư lượng nại ngã hà. Khoan khước đỗ bì thường nhẫn nhục, phóng khai ương nhật ám tiêu ma. Nhược phùng tri kỷ tu y phân, tung ngộ oan gia dã cộng hòa. Yếu sử thử tâm vô quải ngại, tự nhiên chứng đắc lục ba la”.

Đại ý là: Trên đời này quả thực thị phi, yêu ghét là rất nhiều; nhưng nghĩ kỹ lại thì có thể làm được gì? Nếu có thể mở rộng tấm lòng thì có thể nhẫn được khuất nhục; nếu như có thể buông tâm xuống được, thì có thể xua tan màn đen. Dù là đối với người tri kỷ, hay là oan gia, đều có thể chung sống hòa hợp. Trong tâm không vì yêu hận mà tổn thương và phiền não; thân tâm tự nhiên điềm đạm tự tại.

Phật di lặc hạ thế; Phật di lặc ra đời; Phật di lặc có thật không
Gặp chuyện gì cũng có thể vui cười bỏ qua (ảnh Kknews)

Tiết lộ cho người đời biết ông chính hóa thân của Phật Di Lặc

Dù tu hành độc lập, nhưng Bố Đại hòa thượng được nhiều người có trí huệ và kiến giải cao siêu vô cùng tôn trọng. Ngày nọ, có người sau khi mời ông dùng cơm chay, đã thỉnh mời ông ở lại nhà; cung kính đối đãi như đệ tử đối với sư phụ. 

Sáng sớm hôm sau, ông viết một bài kệ trên cổng nhà, nói bản thân mình là một vị Phật, những người thế gian không ai biết; bức tượng Phật này không được chạm khắc hay nặn bằng đất sét, cũng không thể vẽ ra được và không thể bị đánh cắp. Tâm ông thanh tịnh trong sáng như nhật nguyệt trên trời; mặc dù là một thân thể người, nhưng có thể phân thân thành hàng trăm tỷ người. 

Ngày 3 tháng 3 năm thứ hai Trinh Minh thời Hậu Lương (năm 916), trước khi viên tịch, hòa thượng Bố Đại ngồi trên bàn thạch gần nơi mái chùa Nhạc Lâm và ngâm bài kệ:

“Di Lặc, Chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức”

Dịch thơ:

“Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân trăm ngàn ức
Thời thời trước người đời
Người đời tự chẳng biết”

Đọc lời kệ xong, an nhiên viên tịch.

Lúc này mọi người mới vỡ lẽ, thì ra hòa thượng Bố Đại là hóa thân của Phật Di Lặc. Bởi vậy người dân vùng Chiết Giang liền lấy hình tượng của ông, mời thợ vẽ họa lại hình ảnh ấy, để lúc nào cũng có thể thắp hương lễ bái.

Phật di lặc và ông địa; Phật di lặc và thần tài; Phật di lặc truyền thuyết
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Phi Lai đối diện chùa Linh Ẩn (ảnh Wikipedia)

Khiêm tốn, nhẫn chịu, bầu trời hiện ra trước mắt

Hình ảnh hòa thượng Bố Đại vác chiếc túi vải hành tẩu nhân gian, dường như đang muốn nhắc nhở thế nhân, hãy đem mọi phiền não của thế gian cho vào túi vải, buông bỏ hết mọi ân oán trong lòng, thì sẽ thu được vô lượng phúc đức dùng mãi không cạn.

Hòa thượng Bố Đại nói với nông phu rằng: “Tay cầm mạ non gieo phúc điền, cúi đầu liền thấy trời trong nước”. Ông đã dùng lời hết sức giản dị rõ ràng nói với người đời, những ai hay vui vẻ bố thí, thì có thể không ngừng gieo cấy ruộng phúc của mình. Khi bạn cúi đầu, nhẫn chịu được khí tức trong lòng; lại có thể ngay trong khoảnh khắc cúi đầu đó, nhìn thấy bầu trời rộng lớn hiện ra trong nước. Thì ra bầu trời cao như không với tới được kia, chính ở ngay trong mắt chúng ta! Vậy nên, hòa thượng Bố Đại nói: “Lùi về sau hóa ra lại chính là tiến về phía trước”.

Năm đầu niên hiệu Nguyên Phù (năm 1098), đời Bắc Tống, Tống Triết Tông phong cho hòa thượng Bố Đại là “Định Ứng đại sư”. Năm 3 niên hiệu Sùng Ninh (năm 1104), sư trụ trì chùa Nhạc Lâm quyên tiền xây đền các, xây tượng Phật Di Lặc ở bên trong chùa, Tống Huy Tông ban tên đền các này là “Sùng Ninh”. 

Trên đỉnh núi Phi Lai đối diện chùa Linh Ẩn, Hàng Châu, có hơn 300 tượng hình điêu khắc phân bố trong các hang đá từ thời Ngũ Đại đến nay; một bức tượng lớn nhất trong đó chính là tượng của Phật Di Lặc, phỏng theo hình tượng nguyên mẫu của hòa thượng Bố Đại.

Ung dung tự tại, vui cười khắp thế gian

Bố Đại hòa thượng: Ung dung tự tại, bình thản vui cười khắp thế gian
Bức tranh “Thập tử náo Di Lặc đồ” (ảnh EpochTimes)

Một bức tranh có tên “Thập Tử Náo Di Lặc Đồ” (bức tranh mười đứa trẻ trêu đùa Đức Di Lặc) vào thời Minh mạt Thanh sơ, chỉ thấy Di Lặc trong tranh vẽ vóc dáng béo mập, phanh ngực lộ bụng, miệng cười sảng khoái. Nhìn thấy tay phải của ông cầm chắc Phật châu, ngồi dựa vào túi vải. Mười đứa trẻ xung quanh thần thái khác nhau, phá phách tinh nghịch. Đám trẻ hoặc là bám lên trên vai của Di Lặc, hoặc là nắm kéo tai ông, hoặc là giật lấy cây thiền trượng, hoặc là giằng lấy chuỗi Phật châu. Sự quấy phá của đám trẻ và tấm lòng từ bi nhẫn nại của Ngài, khiến cho bức tranh sống động như thật vậy.

Phật Di Lặc rộng lượng bao dung, nhẫn chịu được những việc khó nhẫn, dứt hết bao nhiêu ưu phiền của thế gian; tràn đầy niềm vui, cười một cái hóa giải bao nhiêu thị phi ân oán từ xưa đến nay. 

Tấm lòng từ bi, khoan dung rộng lớn dung nạp cả trời đất của Bố Đại hòa thượng, phải chăng khiến bạn nhìn thấy cũng vui cười một tiếng?

Theo Secret China

x