Nhân sinh cảm ngộ

Bình đẳng chưa hẳn đã là điều hay bởi tự nhiên vốn dĩ cân bằng

02/04/21, 07:48
Bình đẳng chưa hẳn đã là điều hay
Bình đảng và công bằng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau (ảnh croakey)

Bình đẳng và công bằng là hai khái niệm khác nhau. Lẽ thường tình, mỗi khi quá vất vả chúng ta thường trách rằng cuộc sống thật bất công, và muốn đứng lên đòi quyền bình đẳng, yêu cầu trách nhiệm từ những người xung quanh mình như đồng nghiệp, người thân trong gia đình, chồng/vợ… Nhưng như thế liệu có đúng không?

Bình đẳng nam nữ

Người xưa giảng phụ nữ phải tuân thủ tam tòng, tứ đức: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà phải theo cha, đi lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con), “công – dung – ngôn – hạnh”; người quân tử phải có đủ 5 đức tính, được gọi là ngũ thường: “nhân – lễ – nghĩa – trí – tín”. Mỗi người sinh ra trên đời có địa vị khác nhau, nghĩa vụ khác nhau.

Từ ngàn xưa, nam giới luôn đại diện cho phái mạnh, cũng là người phải đảm đương những trọng trách lớn của quốc gia, dòng tộc và gia đình. Nữ giới tượng trưng cho phái yếu, họ sẽ là người quán xuyến hết thảy mọi việc trong gia đình. Sứ mệnh khác nhau khiến cho người nam và người nữ có mối quan hệ gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau.

Thời nay nam nữ bình đẳng và có thể làm những việc giống như nhau. Phụ nữ không cần sự bảo vệ của nam giới vì họ mạnh mẽ và tự chủ hơn phụ nữ ngày xưa rất nhiều. Nam giới bây giờ cũng có thể nấu ăn, dọn dẹp và làm tốt những công việc vốn thuộc về phụ nữ; họ cũng không nhất thiết phải có một người phụ nữ ở bên cạnh nữa. Phải chăng vì thế mà ngày nay người ta đến với nhau chỉ bởi dục vọng, và rồi ly hôn thật dễ dàng? Tôi tự hỏi bình đẳng nam nữ đem lại tự do hay tan vỡ, mất mát?

Bình đẳng đang đặt ra nhiều thách thức

Ngày nay người ta trở nên tự do quá mức; vấn đề bình đẳng, dân chủ đang đặt ra rất nhiều thách thức cho thế giới, và nước Mỹ là một điển hình trong số đó. Thử nói riêng về giáo dục, nhiều người có thể chê bai lối giáo dục quá khắc nghiệt của phương Đông. Nhưng nhìn lại cách giáo dục quá tự do của phương Tây thì cũng chưa hẳn là điều hay. 

Một giảng viên đại học ở Mỹ nói rằng trong lớp của ông có sinh viên thậm chí viết tiếng Anh còn sai chính tả và ngữ pháp. Điều này cũng là do lối giáo dục quá tự do ở Mỹ; trẻ em có thể tự học ở nhà (Home schooling) mà không cần đến trường lớp. Mà dù có đến lớp thì mỗi tiểu bang, mỗi vùng lại có chương trình giảng dạy riêng, nên kiến thức nhiều khi chênh lệch nhau rất lớn; từ đó mới dẫn tới việc kỳ lạ ở trên. 

Mối quan hệ giữa thầy trò, cha mẹ con cái cũng vì ‘bình đẳng’ mà có rất nhiều vấn đề. Trẻ em ở các nước phương Tây do được cho phép tự lập từ rất sớm nên nhiều em gần như thiếu yếu tố giáo dục cơ bản từ gia đình; sống rất bản năng. 

Bình đẳng chưa hẳn đã là điều hay
Giáo dục quá tự do ở phương Tây chưa hẳn đã là điều hay (ảnh FMT)

Tôn ti trật tự đang ngày càng được ‘san bằng’

Ở Việt Nam dường như cũng đang học tập phương thức giáo dục này; không để cho thầy cô có quá nhiều quyền uy với học trò; cô mà đánh trò quá tay thì rất có thể bị kiện. Đương nhiên những trường hợp thầy cô không kiểm soát được bản thân mà hành xử quá phận thì cũng đáng bị lên án; nhưng nhiều thầy cô vì sợ mà không dám quản học sinh quá nghiêm khắc nữa; dần dần trở nên không còn ‘giáo dục’ nữa.

Tôi nhớ câu chuyện về rót trà, bình trà phải nâng cao hơn cái ly thì mới có thể rót trà vào ly; nếu đặt bình trà ngang bằng với cái ly thì nước trà không thể chảy vào ly được. Sự giáo dục cũng vậy, nếu không có sự kính trọng thầy cô; con cái không tôn trọng cha mẹ thì cũng không thể nào tiếp thu được sự giáo dục gì cả.

Trở lại về vấn đề bình đẳng nam nữ thì cũng tương tự như vậy; vợ không tôn trọng chồng, chồng không bảo vệ vợ thì gia đình làm sao có thể yên ấm được. Bất kỳ là trong môi trường hay hoàn cảnh nào thì cũng cần phải có tôn ti trật tự; có trên có dưới; nếu không mọi thứ sẽ không thể tồn tại lâu dài được.

Thế giới ngày nay gần như sôi sục lên vì ‘bình đẳng’; nhưng thử nhìn lại kể từ khi bắt đầu phong trào nữ quyền, thế giới có thật sự là yên bình và hạnh phúc hơn trước đó không? 

Áp phích tuyên truyền chiến tranh " Chúng ta có thể làm được! " từ năm 1943 đã được tái sử dụng như một biểu tượng của phong trào nữ quyền trong những năm 1980
Biểu tượng của phong trào nữ quyền trong những năm 1980 (ảnh Wiki)

Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng

Nhiều người nhập nhằng giữa bình đẳng và công bằng, cho rằng bình đẳng mới công bằng; nhưng hai cái này lại hoàn toàn khác nhau. Thực ra cuộc sống này vẫn luôn rất công bằng; Sự công bằng ấy được đảm bảo bởi quy luật nhân quả, thiện ác hữu báo.

Có người nói ‘ác hữu ác báo’ thường dễ thấy, nhưng ‘thiện hữu thiện báo’ lại hiếm hoi vô cùng. Có người còn nói “tôi sao có đức mà vô phước, cuộc sống sao cứ mãi lận đận thế này”. Nếu bạn có tìm hiểu về Phật Pháp và tin vào luân hồi thì sẽ không khó hiểu nữa. Bởi nghiệp thiện, nghiệp ác được mang theo từ đời này sang đời khác; chứ không phải chỉ tính trong những năm tháng của kiếp này.

Bình đẳng chưa hẳn đã là điều hay

Luật nhân quả luôn công bằng
Luật nhân quả luôn công bằng (ảnh Freepressjournal)

Bình đẳng không nhất định sẽ mang lại hạnh phúc; vì mỗi người đến với cõi đời này đều có sứ mệnh riêng nên công việc chúng ta phải đảm nhận là không giống nhau. Mỗi người chỉ quan tâm làm tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của chính mình thì nhất định sẽ nhận được thiện báo, phúc thọ và sự an yên trong tâm hồn.

Cuộc sống còn công bằng ở chỗ, nó ban cho mỗi người cơ hội được học; được nghe về Phật Pháp, về Đức tin. Dù sống ở đâu, trong tầng lớp, địa vị nào, ai ai cũng từng được nghe về Phật, về Thiên Chúa, về những vị Thần khai sáng vũ trụ và những Pháp lý dẫn dắt con người sống không lệch khỏi quỹ đạo của lương tri và nhân tính. 

Dù trong hoàn cảnh nào, ai cũng được chọn sống một cách chân thành, lương thiện, bao dung. Cuộc đời mỗi người đều có được, có mất, có thăng, có trầm, đều là thiện ác hữu báo. Mỗi người được chọn con đường của chính mình, cũng là tự chọn tương lai cho chính mình; bởi cuộc sống là nối tiếp từ kiếp này sang kiếp khác.

x