Chữ “Thần” như con dấu đóng nổi trên vách đá ở núi Thạch Bi tại Thanh Hoá. Không ai rõ ký tự này được tạc khi nào và bằng cách nào.
Chữ “Thần” tạc tinh tế trên vách đá
Ngọn núi Thạch Bi thuộc xã Nga Thiện (Nga Sơn, Thanh Hóa) đứng sừng sững bên dòng sông Hoạt hiền hòa. Khung cảnh núi non vốn không có gì đặc sắc. Chỗ đáng để người ta nhắc đến là trên vách núi dựng đứng đó, có tạc chữ “神” lớn chừng chiếc chiếu.
Ông Mai Văn Thuần – chủ trang trại dưới chân núi Thạch Bi cho biết, người dân nơi đây không ai biết chữ Thần đó có từ bao giờ; vợ chồng ông từng chèo đò đưa nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu về nó. Có một cái hang nhỏ xuyên thẳng từ chân núi lên đỉnh núi, nhưng không có ngách nào vươn ra nơi có chữ Thần.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Bảo, sông Hoạt chảy qua chân núi Thạch Bi hiện nay là dấu tích dòng chảy của cửa biển Thần Phù xưa kia. Như vậy, có thể khẳng định, trước đây vùng này mênh mông nước, cho nên giả thuyết dựng thang, làm giá để đứng mà tạc khắc chữ là không khả thi.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, người xưa ngồi trên thuyền tranh thủ thuỷ triều lên mà tạc chữ. Một số khác lại nói, có thể họ thả dây từ trên đỉnh núi xuống để thi công. Tuy nhiên, không có phương án nào thuyết phục. Bởi, chữ Thần đó thiện nghệ mượt mà như nét vẽ; nếu đục đẽo, chạm khắc thì đảm bảo người đó phải là một nghệ nhân biết quy luật viết chữ Hán và có nhiều kinh nghiệm về điêu khắc đá.
Núi Thạch Bi và cửa Thần Phù được người dân địa phương coi như “vùng đất của thần linh”, ít ai dám lui tới. Trước đây từng có nguồn tin, quanh chữ Thần cổ tồn tại kho báu, song chưa ai tìm được.
Ông Mai Đình Thân, cán bộ xã Nga Thiện cũng chia sẻ: “Ở đây ai cũng nắm rõ câu chuyện có hai cha con người vùng Nga Điền từng mang dụng cụ, bắc thang định tìm cách đục phá chữ Thần, sau đó trở về nhà và ốm chết…”, theo Vnexpress.
Tương truyền về nguồn gốc chữ Thần
Sách Đại Nam nhất thống chí , phần tỉnh Thanh Hóa, quyển thượng, của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: “Núi Thạch Bi ở phường Mỹ Quan, Tống Sơn, non liền bến nước, móng đá thuyền chui. Trên vách đá có một chữ Thần viết bằng nét son tươi thắm, tương truyền vua Lê Thánh Tông ngự đề chữ đó”. Tuy nhiên, có sách sử chép, vào năm Tân Mão 1771, chúa Trịnh Sâm đi ngang qua vùng đất này, thấy cảnh núi non hùng vĩ đã sai người cho khắc chữ trên núi.
Quả trứng ngỗng mang dòng chữ: “Vương, Thần đã đến rồi”
Tại Trung Quốc, người ta cũng tìm được chữ Thần vô cùng thần bí. Chữ Thần này không được khắc trên vách đá, nó là 1 trong 5 chữ được in nổi trên một quả trứng ngỗng.
Vào tháng 4 năm 2001, một tài xế xe tải nghỉ hưu ở tỉnh Hắc Long Giang tên là Lưu Học Thuận đã phát hiện con ngỗng cái nhà mình sinh ra một quả trứng kỳ lạ. Trên quả trứng có hiện rõ 5 dòng 神 已 来 到“Thần Dĩ Lai Đáo” (tức Thần đã đến rồi) xếp vòng quanh quả trứng và chữ 王 “vương” (tức là vua) ở dưới đáy quả trứng.
Tin tức về quả trứng ngỗng mang thông điệp “thần đã đến rồi” nhanh chóng được lan truyền. Nhiều người tò mò tìm đến nhà ông Lưu để được tận mắt xem quả trứng. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc, đã ban hành lệnh cấm: không ai được phép tuyên truyền thông tin liên quan đến quả trứng. Đồng thời, đài truyền hình Trung Quốc loan báo rằng: quả trứng này chỉ đơn thuần là một tin đồn.
Bẵng đi một thời gian, chủ đề quả trứng kỳ lạ một lần nữa lại xuất hiện. Một phụ nữ Trung Quốc lấy tên là Châu Tinh Liên đã gửi hình chụp quả trứng đến tờ báo The Epoch Times và nhờ họ tìm tung tích của nó. Vì trước đó, ngày 5/8/2005 tờ báo uy tín này đã đăng một bản tin về quả trứng.
Xoay quanh quả trứng cũng có vô số điều bí ẩn đã xảy ra. Đầu tiên phải kể đến câu chuyện của bà Cao Trung Cầm, vợ ông Lưu, chủ nhân quả trứng. Bà là người tin Thần Phật, một hôm có người đến và nói với bà rằng: “vị Thần bà chờ đợi bấy lâu đã đến thế gian rồi”. Bà Cao bán tín bán nghi, bà tự hỏi, vị Thần nào sắp đến?
Vài hôm sau đó, con ngỗng cái nhà bà sinh ra quả trứng ứng nghiệm với lời báo. Điều đó khiến bà vô cùng kinh ngạc.
Có nguồn tin cho rằng, sau khi chính phủ Trung Quốc ban lệnh cấm, người ta đã chuyển quả trứng sang một tỉnh phía nam Trung Quốc. Họ hút ruột của quả trứng và cho vào một chiếc hộp để bảo quản phần vỏ được nguyên vẹn. Người ta quay phim về quả trứng rồi lưu trữ vào một chiếc đĩa CD.
Từng có một nhà sưu tập trả giá 100.000 nhân dân tệ (tương đương với 340 triệu VND) để mua lại quả trứng. Tuy nhiên, người sở hữu đã từ chối bán. Thay vào đó, anh ta trao lại quả trứng cho một người sắp sang Mỹ và nhờ người này trao lại nó cho tờ báo The Epoch Times. Nhưng quả trứng chưa kịp đưa đến Epoch Times thì người này đã mất liên lạc. Quả trứng cũng thất lạc luôn từ đó.
Quả trứng thần ký này có thật hay không? Vì sao chính phủ Trung Quốc lại quan tâm đến quả trứng này như vậy? Vì sao những người liên quan đến quả trứng, cũng lần lượt bị mất tích một cách đáng ngờ?
Những câu chuyện trên có thể muốn nhắc nhở chúng ta rằng Thần luôn tồn tại, cho dù mắt thường của chúng ta không nhìn thấy.
Nguồn: Tổng hợp