Tương truyền, vào thời nhà Đường có một vị cao tăng từ Thiên Trúc đã tiên tri rằng, đứa bé mới sinh được ba ngày nhà họ Vi chính là Gia Cát Lượng chuyển sinh, sau này sẽ quay lại đất Thục.
Theo cuốn “Thần tăng truyện – Tây vực tăng”, Thích Thiên Trúc (Thiên Trúc là cách người Trung Quốc xưa gọi Ấn Độ) là một vị sư vô danh. Người ta đoán ông là người Ấn Độ nên gọi ông là Thích Thiên Trúc. Diện mạo ông xấu xí, luôn mặc chiếc áo choàng màu nâu sẫm, chân mang giày da, tay cầm thiết trượng. Vị tăng này thường đi hóa duyên khắp kinh thành.
Lời tiên tri của cao tăng Thiên Trúc
Vào thời nhà Đường, có một danh tướng tên Vi Cao, cuộc đời của ông gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ.
Tương truyền, vào ngày thứ 3 sau khi được sinh ra đời, người nhà họ Vi liền mở tiệc thiết trai tăng; bỗng nhiên lúc ấy xuất hiện một vị sư không mời mà đến, ban đầu mọi người đều cảm thấy khó chịu.
Sau khi hưởng dụng đồ ăn, Vi thị lệnh cho nhũ mẫu đem đứa bé ra, thỉnh chúng tăng chúc phúc. Lúc này vị sư Thiên Trúc kia bỗng nhiên bước đến bậc thang và nói với đứa bé: “Đã lâu không gặp, ông vẫn khỏe chứ?” Chỉ thấy gương mặt đứa trẻ lộ vẻ vui mừng, mọi người đều cảm thấy rất kinh ngạc.
Vi thị nói với vị sư: “Đứa trẻ mới sinh được ba ngày, sao ngài lại nói đã lâu không gặp?”
Vị sư trả lời: “Đây không phải là điều mà thí chủ có thể hiểu được”. Vi thị cố hỏi nguyên do, vị sư lúc này mới nói:
“Đứa trẻ này chính là Gia Cát Vũ Hầu chuyển thế. Vũ Hầu từng là thừa tướng nước Thục vào cuối thời Đông Hán. Người nước Thục đã nhận được nhiều ân huệ từ ông ấy. Hiện giờ quay lại nhân gian, tương lai sẽ trở thành chủ soái của người Thục, thừa hưởng phúc báo từ đất Thục. Trước kia ta và ông ấy từng thân thiết ở Kiến Môn, nay nghe tin ông ấy chuyển sinh vào Vi gia nên tới thăm”.
Nghe những lời này, Vi thị cảm thấy vô cùng kỳ lạ, nhưng cũng lấy chữ Vũ Hầu làm tên tự cho đứa trẻ.
Danh tướng Vi Cao thời nhà Đường có phải Gia Cát Lượng chuyển sinh?
Về sau, đứa trẻ này lớn lên quả thực tài hoa hơn người, Văn võ song toàn; văn có thể an bang, võ có thể định quốc, con đường làm quan một đường thông thuận.
Năm 783, trong một cuộc binh biến ở Lũng Châu (nay là huyện Lũng, tỉnh Thiểm Tây), bằng trí tuệ kiệt xuất, Vi Cao đã xoay chuyển cục diện, giúp Hoàng đế Đường Đức Tông trốn thoát đến Phụng Thiên (nay là huyện Càn, Thiểm Tây), thuận lợi trở về Trường An.
Cũng nhờ công lao đó mà Vi Cao được phong làm Tả kim ngô vệ Tướng quân, rồi đến chức Đại tướng quân; sau lại được thụ phong làm Tiết độ sứ vùng Kiếm Nam, Tây Xuyên, trông coi vùng đất nước Thục.
Những ai am hiểu lịch sử thời Đường đều biết, đảm nhiệm chức vụ tiết độ sứ ở vùng Kiếm Nam, Tây Xuyên này không hề dễ dàng; bởi vì đất Thục có nhiều dân tộc thiểu số, dân chúng hung hãn, không ít quân đội tinh nhuệ nhà Đường đã bỏ mạng trên mảnh đất này. Nhưng với một người tinh thông binh pháp như Vi Cao, ông đã phân tích chính xác tình hình thế cục ở Kiếm Nam sau khi nhậm chức. Tùy theo quân địch khác nhau mà đưa ra các phương thức đối phó khác nhau, hiệu quả vô cùng tốt.
Vi Cao không chỉ văn võ toàn tài, mà còn có duyên với Phật gia. Ông cả đời kính Phật, thậm chí nỗ lực không ngừng để thi công bức tượng Phật bằng đá lớn nhất trên thế giới ở Lạc Sơn.
Ông tìm kiếm, tuyển chọn các thợ thủ công, trải qua mấy chục năm kiên trì bền bỉ, cuối cùng vào năm 803, bức tượng mới hoàn thiện.
Đáng tiếc là ít ai biết được công trình vĩ đại này do Vi Cao kế tục hoàn thành, càng không biết được ông chính là Gia Cát Lượng chuyển thế.
Câu chuyện Gia Cát Lượng chuyển sinh vào thời Đường cũng được ghi lại trong cổ thư “Tuyên Thất Chí”.
Nhìn lại cuộc đời Vi Cao, dưới thời nhà Đường ông làm tới chức Thái úy kiêm Trung Thư lệnh, sống ở đất Thục tổng cộng 18 năm, hoàn toàn tương ứng với lời vị tăng người Thiên Trúc đã tiên tri.
Theo Visiontimes