Văn hóa truyền thống

Người xưa trừ bỏ dâm dục như thế nào?

22/12/23, 17:30
Người xưa trừ bỏ dâm dục như thế nào?
Người xưa rất coi trọng tu tâm đoạn dục (ảnh minh họa: Pinterest)

Phóng túng dục vọng quá độ sẽ khiến cơ thể bị suy kiệt, trí tuệ bị phong bế, vậy người xưa đã làm cách nào để trừ bỏ dâm dục?

Trừ bỏ dâm dục trong quan niệm của tôn giáo

Trong Lễ Ký giảng rằng: “Dục vọng ăn uống và dục vọng nam nữ là những ham muốn mạnh mẽ của con người”. Vì vậy, Nho giáo chủ trương lấy lễ để chế ngự dục. Kiểm soát ham muốn nam nữ và ăn uống là điều quan trọng nhất đối với các bậc thánh nhân từ xưa đến nay.

Đạo gia cũng nói rằng, có thể trừ bỏ dục vọng nam nữ cùng ăn uống, thì thọ ngang với trời. Tham lam nữ sắc không chỉ khiến thân thể hao tổn chân khí, mà còn giảm thọ giảm phúc, học vấn tầm thường. Người tu đạo không đoạn dục, thì ác nghiệp quấn thân, không thể tu thành.

Kinh Phật giảng: “Người nào hộ trì giới luật, đoạn tuyệt sắc dục, bất luận là khi đi đứng nằm ngồi, đều gặp được bảo hộ”.

Buông bỏ sắc dục; loại trừ sắc dục; tránh xa dâm dục
Phật giáo cũng giảng về các loại quả báo của tà dâm (ảnh: Hovouu)

Người xưa, ở phương diện giới sắc đoạn dục, có sự tiết chế hơn con người hiện đại. Triều Minh có một vị cư sĩ Phật giáo là Long Tuân đã viết cuốn “Thực sắc thân ngôn”, ghi lại quan điểm của người xưa về việc ăn uống và sắc dục, cùng phương pháp thực hành, khuyên bảo con người ngừng sát sinh và kiềm chế dục vọng. 

Các cao nhân thời xưa tránh xa sắc dục

Thời Tấn, ở Trường An có một vị cao tăng, thường gọi là Nguy hòa thượng. Từng có một nữ tử tự xưng là tiên nữ hạ phàm, tới xin được tá túc. Lại nói rằng: “Bởi vì cao tăng đức độ, nên thiên thượng phái tôi đến để ban thưởng và khích lệ”. Nguy hòa thượng ý chí kiên định, bất động tâm nói: “Lòng ta đã như tro tàn, không cần đến thân xác xú uế của ngươi đến thử ta”.

Nàng ta nghe xong thì bay thẳng lên trời, trước khi bay đi ngoảnh đầu lại nói: “Nước biển có thể dâng, kim cương có thể bể, nhưng tâm ý của đại hòa thượng kiên trinh bất biến”.

Thời Đường Cao Tông, ở Ôn Châu cũng có một vị cao tăng nổi tiếng tên là Vĩnh Gia. Ông nói rằng: “Chuyện tình dục, chỉ là thống khổ chứ nào phải hoan lạc. Trong thân xác xú uế chứa đầy phân, máu và mủ. Bên ngoài bôi son trát phấn, bên trong hôi thối dơ bẩn, những thứ không sạch sẽ chảy ra bên ngoài là nơi giòi bọ ở. Hãy tránh xa nó, tránh nó giống như tránh kẻ trộm. Bởi vậy người thông minh xem nó như rắn độc, thà rằng gần rắn độc còn hơn gần nữ sắc”.

Thượng Dương Tử, đạo sĩ nổi tiếng thời nhà Nguyên nói: “Dâm dục đứng đầu trong vô vàn ác nghiệp, người tu hành đầu tiên phải làm được đoạn dứt với nó”. 

Thượng Dương Tử còn nói: “Người đời thường cho rằng đoạn tuyệt dâm dục rất khó. Đây thực sự là nhận định ngu xuẩn. Người mới học đạo tu hành, hãy thử một lần ở một mình, ngủ một mình, bỏ hẳn rượu. Ban ngày thường xuyên đọc kinh sách, buổi tối bảo trì tâm thanh tịnh. Trước hoàn cảnh yên tĩnh, hết thảy suy nghĩ miên man không còn, những cản trở của ngoại ma chỉ càng khiến tín niệm thêm kiên định”.

Thiệu Quế Tử, tiến sĩ thời nhà Tống từng nói với một tăng nhân rằng: “Một người tu hành nếu dâm dục chẳng đoạn, thì linh căn chẳng kiên cố, tinh lực mỏng manh, nguyên khí suy giảm, dần dần khô kiệt, cuối cùng bỏ mạng”.

Hòa thượng trả lời: “Nếu không đoạn tuyệt dâm dục mà muốn học thiền tham ngộ, cũng giống như lấy cát nấu cơm; dù trải qua ngàn kiếp cũng chỉ có thể là cát không thể là cơm. Tuy nhiên, chuyện này phụ thuộc vào công phu tu tâm đoạn dục thế nào”.

Buông bỏ sắc dục; loại trừ sắc dục; tránh xa dâm dục
Nếu tâm không có dục niệm, thì mỹ nhân đứng trước mặt cũng chẳng động tâm (ảnh minh họa: Pinterest)

Thời Nam Tống, Tiến sĩ Uông Xương Thọ đối với dục vọng thì có thể ước chế nó, nhưng không thể duy trì lâu dài. Lục Cửu Uyên khuyên răn: “Chỉ có thể cưỡng chế bên ngoài, mà không thể tìm nguyên nhân bên trong, đó là công phu tu dưỡng không tới nơi tới chốn. Nếu trong tâm trí hiểu được điều gì là chân chính, thì cần gì phải cố gắng kìm chế? Giả sử đột nhiên có một mỹ nữ xuất hiện trước mặt, nếu như ông không có tâm yêu thích nữ sắc, thì có thể bảo trì vững chắc, chẳng cần phải dùng sức kìm chế. “

“Hãy nghiêm cẩn, thành kính tôn thờ Thần Phật, khi Thần Phật để mắt tới ông, hãy một lòng kính sợ, đừng có tâm tư nào khác”

Con người ngày nay đều đang bị dục vọng giam hãm

Sách cổ cũng nói, người ham mê nữ sắc thì trên thân có luồng khí ô uế; người tu thân dưỡng tính gặp phải thì nên tránh xa, không nên đụng đến chân khí bất thuần của họ, tránh rước tai họa vào thân. 

Người đi ngược dòng nước, nếu không tiến thì lùi. Hoàn cảnh xã hội hiện đại, thuyết tiến hóa, thuyết vô thần; đặc biệt là phong trào giải phóng tình dục đã trở thành thời thượng. Kỳ thực những thứ này không phải là khoái lạc thời thượng, mà là cầm tù con người trong đủ loại dục vọng.

Con người muốn giữ mình trong sạch không chỉ cần biết kiềm chế tình cảm, mà còn cần phải nhận thức rõ và phủ nhận những trào lưu đó. Trở về với truyền thống, đề cao truyền thống thì mới có thể tu chỉnh sai lầm, cải cách tận gốc. 

Người tu càng phải ngược dòng mà đi lên, trừ bỏ dâm dục là điều cần thiết, ở trong bùn mà chẳng ô nhiễm. 

Theo Vision Times

x