Nhân sinh cảm ngộ

Điều gì quan trọng khi dâng lễ bái Phật, cúng Thần linh?

09/02/21, 16:00
Điều gì quan trọng khi dâng lễ bái Phật
Thần Phật chỉ xét nhân tâm chứ không nhìn hình thức (ảnh chụp màn hình Istockphoto).

Có phải lời nguyện cầu nào cũng sẽ thành sự thực? Có phải cứ mâm cao cỗ đầy dâng lễ bái Phật thì sẽ được gia hộ? Chúng ta vẫn biết thực tế không phải vậy, đôi khi còn ngược lại. Bởi Thần Phật chỉ nhìn nhân tâm, không nhìn tài vật hay hình thức biểu hiện bên ngoài. Vậy điều gì quan trọng nhất khi lễ bái Thần linh? Người như thế nào mới được Thần Phật gia hộ?

Chuyện bà lão nghèo dâng đèn bái Phật

Chuyện kể rằng, một thời Đức Phật ở nước La Duyệt Kỳ tại núi Kỳ Xà Quật. Lúc bấy giờ vua A Xà Thế thỉnh Đức Phật dự lễ trai tăng trong hoàng cung.

Sau khi thọ trai, Đức Phật trở về tịnh xá Kỳ Hoàn, vua bèn hỏi Kỳ Bà rằng: “Ta thỉnh Phật thọ trai xong, nay không biết nên làm gì?”

Kỳ Bà nói: “Ngài nên đem nhiều đèn đến để cúng dường Phật”. Nghe vậy, nhà vua liền sai chở một trăm thùng dầu về tịnh xá Kỳ Hoàn.

Trong vùng có một bà lão nhà rất nghèo, bà có tâm chí thành muốn cúng dường Đức Phật mà không có tiền. Thấy vua A Xà Thế làm công đức, bà rất lấy làm cảm kích. Bà xin được 2 đồng tiền, liền mang đi mua dầu.

Chủ hàng hỏi: “Bà nghèo khổ thế, xin được hai đồng tiền, sao không mua đồ ăn mà lại mua dầu?”.

Bà lão đáp rằng: “Tôi nghe nói để gặp được Đức Phật là rất khó, vạn kiếp mới được một lần. Tôi nay may mắn được sinh vào thời Đức Phật truyền Pháp, mà chưa có dịp cúng dường. Ngày nay tôi thấy nhà vua làm việc đại công đức, tôi tuy cùng khổ cũng muốn cúng dường ngọn đèn để làm căn bản cho đời sau”.

Lúc bấy giờ người chủ quán cảm phục chí nguyện của bà lão, liền đong cho thêm 3 đồng tiền thành được 5 đồng tiền dầu. Bà đến trước Đức Phật thắp đèn lên, tự nghĩ dầu thắp không quá nửa đêm là sẽ cạn.

Bà lão nghèo dâng đèn cúng dường Đức Phật
Bà lão nghèo dâng đèn cúng dường Đức Phật (ảnh chụp màn hình Istockphoto).

Một lòng thành kính Đức Phật

Bà phát nguyện rằng: “Con không có gì cúng dâng Phật, ngoại trừ cây đèn nhỏ này. Nhưng do sự cúng dường này, mong cho con đời sau có trí tuệ. Mong cho con giải thoát thế nhân hữu tình ra khỏi bóng tối ngu si. Mong cho con tịnh hóa tất cả những xú uế chướng ngại của họ, và đưa họ đến giải thoát.”

Đêm ấy tất cả các ngọn đèn của nhà vua cúng dường có ngọn tắt, có ngọn đỏ, tuy có người săn sóc nhưng không được chu toàn. Riêng ngọn đèn của bà lão thì chiếu sáng hơn các ngọn đèn khác; suốt đêm không tắt, dầu lại không hao.

Đến lúc bình minh, ngọn đèn của bà lão vẫn tiếp tục cháy. Khi tôn giả Mục Kiền Liên đi thâu lại những cây đèn, trông thấy ngọn đèn nhỏ còn cháy sáng; đầy dầu và bấc vẫn mới. Ngài nghĩ: “Không lý gì để cho cây đèn này vẫn cháy vào ban ngày”, nên đã thổi tắt nó; nhưng ngọn đèn không tắt. Ngài lấy tay bóp, lấy y phục chụp lên mà nó vẫn tiếp tục cháy sáng.

Tâm sáng trong cũng như ngọn đèn bất diệt

Đức Phật đã quan sát việc này từ đầu, Ngài nói: “Mục Kiền Liên, có phải Thầy muốn dập tắt ngọn đèn ấy không? Thầy không làm được đâu. Cho dù Thầy đem nước của bốn biển tưới lên cây đèn này, nó vẫn không tắt được. Vì cây đèn này đã được đốt lên để dâng cúng với tất cả niềm sùng kính, và với tâm trí thanh tịnh. Chính động cơ ấy đã làm cho nó có công đức vô lượng.”

Khi Đức Phật nói lời này thì bà lão đi đến chỗ Ngài. Đức Phật thọ ký cho bà trong tương lai sẽ thành Phật.

Vua A Xà Thế nghe chuyện liền hỏi Kỳ Bà rằng: “Ta làm công đức rộng lớn như vậy mà Đức Phật không thọ ký cho ta thành Phật; còn bà lão kia chỉ thắp một ngọn đèn mà được thọ ký là cớ làm sao?”

Kỳ Bà đáp rằng: “Ngài cúng đèn tuy nhiều mà tâm không chuyên nhất; không bằng được tâm thuận thành, tôn kính tuyệt đối của bà lão kia đối với Đức Phật”.

Hàng vạn ngọn đèn cũng không bằng một ngọn đèn nhỏ được thắp bởi lòng tôn kính tuyệt đối
Hàng vạn ngọn đèn cũng không bằng một ngọn đèn nhỏ được thắp bởi lòng tôn kính tuyệt đối (ảnh: Tinh Hoa).

Thần Phật chỉ xét nhân tâm, không nhìn hình thức

Như chúng ta đã biết, trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào rừng tu khổ hạnh, Ngài là Thái tử Tất Đạt Đa, con trai vua Tịnh Phạn. Chốn cung vàng điện ngọc không thể mang cho Ngài niềm vui trọn vẹn; đau khổ của người dân và sinh lão bệnh tử của vạn vật khiến Ngài luôn trăn trở và cũng là lý do thúc đẩy Ngài ra đi tìm đạo giải thoát. 

Ngài đã từ bỏ cuộc sống xa hoa và danh vọng để đi tìm chân lý. Chỉ những người chân tâm cầu đạo mới có thể quy y theo Ngài. Vậy lẽ nào ngày nay con người không cầu đạo, chỉ muốn sống sung sướng, liền trưng mâm dọn cỗ, hoặc bỏ chút tiền cúng dường công đức thì có thể đắc phúc báo rồi sao? Chỉ e là phúc báo không đắc được mà còn đắc tội; bởi vì dám dùng vật chất của con người để ‘mua’ lấy từ bi của Thần Phật.

Thần Phật độ nhân chỉ xét nhân tâm, không phân giai cấp, màu da, không nhìn hình thức; càng không xét đến tiền tài danh vọng của người cầu cúng. Phật Pháp vô biên, càng tìm hiểu càng thấy mình nhỏ bé giữa biển từ bi bao la của Thần Phật. Tìm hiểu nhiều về Phật Pháp, con người có thể tự mình đánh thức thiện tâm; tiếp cận chân lý và sẽ biết được mình nên làm gì, cần làm gì.

Hàng vạn ngọn đèn cũng không bằng một ngọn đèn nhỏ được thắp bởi lòng tôn kính tuyệt đối. Những mâm cỗ dẫu không mấy linh đình vẫn sẽ cảm động Thần linh nếu cái tâm người dâng cỗ đầy ắp lòng thành kính.

Chuyện cúng bái lễ Phật ngày nay

Ngày nay còn mấy ai cầu Phật để xin một con đường giải thoát?
Ngày nay còn mấy ai cầu Phật để xin một con đường giải thoát? (ảnh: Tinh Hoa).

Ngày nay đi chùa bái Phật thử hỏi còn mấy ai cầu xin Phật một con đường tu luyện để giải thoát?

Người xưa bái Phật cầu kinh, ngày nay con người bái Phật để cầu tình duyên, cầu tài lộc, cầu thăng quan tiến chức, cầu con trai nối dõi… Người vô sự nhất cũng cầu sức khoẻ, bình yên cho bản thân và gia đình. 

Trước nơi chánh điện trang nghiêm thần thánh, mấy ai còn tin rằng mọi chuyện trên đời đều do duyên nợ và nhân quả; tin vào thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo; chứ không phải chỉ buông lời cầu nguyện rồi đợi chờ may mắn tìm đến, đợi chờ phúc lành Thần Phật ban cho. 

Cúng Thần linh ngày nay chỉ còn là thông lệ, đến ngày nào thì cúng vị Thần nào; mâm cỗ gồm những gì, văn khấn đọc ra sao… Ai ai cũng làm răm rắp theo khuôn mẫu. Nhưng “cúng để làm gì”, “Thần linh có thật hay không” mấy ai còn biết rõ?

Tấm lòng thành kính phải xuất phát từ bên trong

Đi đôi với thành công và thất bại là tự hào và ca thán. Trước mọi thành bại của cuộc đời, chúng ta thường được chứng kiến những cung bậc cảm xúc thăng trầm muôn màu muôn vẻ, nhưng có vài điểm chung:

Những người thành tựu thắng lợi sẽ hào hứng thuyết về năng lực của bản thân. Nhưng trong số họ, có mấy ai nhớ đến việc cảm ơn Thần Phật vì sự gia hộ của các Ngài?

Những người thất bại thường ca thán số phận; thậm chí lớn tiếng trách Trời vì sao không công bằng với họ. Có mấy ai nghĩ rằng có lẽ công việc mình làm chưa đủ tốt; hay mình đã làm điều gì sai trái nên đã mất đi sự gia hộ của Thần Phật?

Tấm lòng thành kính phải xuất phát từ sâu bên trong chứ không phải ở hình thức bên ngoài. ‘Trên đầu ba thước có Thần linh’, Thần Phật luôn nhìn thấu mọi việc trên thế gian; chúng ta không nên cứ mãi tự lừa mình dối người, mong cầu những thứ hữu vi rồi cũng tan biến như bong bóng xà phòng; chỉ có sự chân thành mới cảm động được trời đất và được Thần Phật gia hộ; không cầu mà tự đắc.

x