Cuộc đời tu hành của Đức Phật Milarepa thật khiến xúc động lòng người; tín tâm kiên định của ngài là tấm gương sáng cho người đời sau học hỏi.
Nội dung chính
Vì lòng oán thù mà trở thành kẻ sát nhân
Phật Milarepa (Mật Lặc Nhật Ba) (1052-1135) là thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật. Ngài được người Tây Tạng tôn xưng là “Tuyết Sơn Chi Quang”, tức ánh sáng của núi tuyết. Chúng Phật Bồ Tát phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành, nhưng Phật Milarepa lại chỉ cần một đời là thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy.
Câu chuyện tu luyện gian khổ của Phật Milarepa, theo như Bất Động Như Lai (Phật phương Đông trong các vị Phật ngũ phương) nói thì là: “Hi hữu nhất, vĩ đại nhất, động lòng người nhất”. Ngài Milarepa từ kẻ sát nhân ai cũng ghê sợ, đã hối cải và tìm đến chính pháp để tu hành, quá trình tu luyện lại vượt qua trùng trùng khổ nạn, ý chí kiên định của ngài thật khiến người khác cảm phục không thôi!
Ngài Milarepa sinh năm 1052 trong một gia đình giàu có ở xứ tuyết Tây Tạng. Cha của ngài vì quá vui mừng khi có con trai nên đã đặt tên cho ngài là Văn Hỉ. 4 năm sau mẹ ngài lại sinh thêm một người con gái đặt tên là Tỳ Đạt. Ngài và em gái đã có những năm tháng rất hạnh phúc, luôn được mặc những tơ lụa đẹp nhất, trên tóc đeo rất nhiều châu báu, những người ra vào trong nhà đều là những người có tiền có thế, người hầu có rất nhiều.
Nhưng khoảng thời gian tốt đẹp đó chẳng kéo dài lâu, cha của ngài qua đời khi ngài mới 7 tuổi, và kéo theo đó là những chuỗi ngày đau khổ. Trước khi cha ngài mất, ông đã đọc di chúc và giao toàn bộ tài sản cho con trưởng thừa kế (tức Văn Hỉ), đồng thời nhờ cô và bác “chiếu cố” cho mẹ con Văn Hỉ, vì Văn Hỉ lúc đó còn nhỏ.
Ai ngờ, cô và bác của ngài nổi lòng tham và trở mặt, họ tự chia nhau hết tài sản của cha ngài, với danh nghĩa là “giữ hộ”, và không để cho mẹ con ngài chút gì, sau đó còn bắt mẹ con ngài đi làm việc cho họ. Mùa hè nóng bức thì bác bảo đi làm ruộng; mùa đông rét buốt thì cô kêu đi dệt lông cừu; đồ ăn là những thứ dành cho chó; làm những việc của trâu ngựa; mặc những bộ quần áo lam lũ không thể tả. Tất bật sớm tối không có chút thời gian rảnh nào. Làm việc quá độ khiến chân tay đều nứt nẻ chảy máu, nước da đều trở nên xám xịt, người gầy gò chỉ còn da bọc xương.
Lúc đó người trong thôn đều nói rằng: “Cướp sản nghiệp của người khác, lại còn muốn chủ nhân trước kia làm chó canh cửa, thiên hạ quả thật có loại việc bất bình này ư!”
Khi ngài được 15 tuổi, mẹ của ngài liền mời những người đã từng chứng kiến cha ngài đọc di chúc tới, và muốn cô bác trả lại tài sản cho Văn Hỉ, vì lúc này Văn Hỉ đã trưởng thành rồi, không cần cô bác “giữ hộ” nữa.
Nhưng cô và bác không còn chút liêm sỉ nào, nói rằng tài sản đó để nuôi mẹ con Văn Hỉ tới nay cũng là đủ hết rồi; xong xấu hổ quá hóa giận, còn thách thức là không muốn trả, để xem mẹ con Văn Hỉ làm được gì.
Mẹ con ngài khóc nức nở mà không biết làm cách nào lấy lại tài sản. Mẹ ngài không thể nhẫn nhịn thêm được nữa, đã nói ngài đi học phép tru (giết), chú thuật, phép tạo mưa đá, để về giết hết 9 đời con cháu của cô bác và cả những người hàng xóm đã đối xử tệ bạc với mẹ con ngài. Thế là ngài đã lên đường đi tìm thầy để học chú thuật.
Sau hơn 1 năm học chú thuật, ngày hôm đó, ngài ở trong một căn pháp đường đọc chú thuật, đến ngày thứ 14 thì Hộ thệ Tam Muội Gia Thần (thần hộ pháp của Mật giáo) xuất hiện và cầm trong tay 35 cái đầu người và quả tim, nói rằng việc mà ngài Milarepa bảo làm đã xong rồi. Đến ngày thứ 20 thì Thần hộ pháp lại nói là người đáng giết còn 2 người nữa, đó chính là cô và bác của ngài. Tuy nhiên ngài nói rằng: “Để bọn họ còn sống trên đời để chứng kiến, xem xem báo ứng của mình, xin hãy tha cho họ!”
Sự linh nghiệm của chú thuật này diễn ra như thế nào? Ở quê nhà của ngài Milarepa, hôm đó là ngày tổ chức lễ cưới cho con trai cả của người bác, đã mời rất nhiều khách khứa đến ăn uống. Trong tiệc có hơn 30 người lúc trước đã giúp cô và bác bắt nạt mẹ con ngài. Bỗng đâu căn nhà ầm ầm đổ sụp xuống, tiếng kêu khóc vang lên khắp nơi. Con của bác, tân lang và hơn ba mươi người khác đều bị đè chết.
Em gái Tỳ Đạt của ngài thấy cảnh này mới chạy về nói mẫu thân. Mẹ ngài chạy đến xem thì vui mừng khôn xiết, liền xé một miếng vải trên bộ quần áo lam lũ, buộc vào một cây gậy dài, vừa vẫy cái cờ vải rách vừa chạy ra ngoài hô lớn:
“Mọi người nhìn xem! Ông trời ơi! Lạt ma ơi! Tam bảo ơi! Xin hãy nhận lấy cung dưỡng! Hàng xóm láng giềng ơi!… Các vị xem đi! Cô mẫu bá phụ đó từng thách thức người nhiều thì đánh một trận, người ít thì đi làm chú thuật với chúng ta đi. Các vị xem, hiện nay thế nào? Hiện giờ Văn Hỉ chỉ làm có một chút xíu chú thuật, mà còn lợi hại hơn cả đánh một trận lớn. Các người xem đi! Người ở bên trên, tài sản ở giữa, và súc vật ở dưới! Ta sống đến hôm nay chưa chết, có thể nhìn thấy con ta diễn ra một màn kịch, Bạch Trang Nghiêm Mẫu ta thật vui mừng muốn chết! Ha ha ha ha! Cả đời này của ta chưa bao giờ sướng thế này! Các vị xem đi! Các vị xem đi!”
Cô bác và những người trong làng nghe được lời này thì muốn tìm giết mẹ ngài, nhưng lại sợ ngài trả thù tiếp nên nghĩ cách để giết ngài trước. Mẹ ngài lại viết thư cho ngài nói rằng muốn ngài làm mưa đá để phá hủy hết mùa màng của dân làng.
Ngài bí mật đi về thôn, lập một pháp đàn ở thượng lưu con suối trước thôn và bắt đầu làm phép, tụng các lời chú. Lúc đó trời đang trong xanh thì bỗng đùn lên một đám mây đen, trong chốc lát biến thành một khối mây lớn, ánh chớp sáng lòe, tiếng sấm vang rền. Một lát sau mưa đá đổ xuống, một trận dứt rồi lại một trận tiếp, lúa mạch của dân làng bị đập tan nát không còn một hạt nào. Sau đó lũ trên núi tràn xuống, cuốn sạch đi những hạt lúa mạch đó, không còn lại chút gì. Dân làng thấy lúa mạch bị cuốn trôi thì khóc la rất thảm thiết. Từ đó dân làng cũng không dám nghĩ tới chuyện làm hại mẹ con ngài nữa.
Tuy nhiên lúc này ngài lại sinh tâm hối hận về những việc mình đã làm, cảm thấy chán chường, ngài muốn tìm chính Pháp để tu, thường thường ban ngày không muốn ăn, ban đêm không muốn ngủ, lúc đi thì muốn ngồi, lúc ngồi lại muốn đi…
Qua nhiều người giới thiệu, cuối cùng ngài quyết định đi tìm dịch kinh đại sư Mã Nhĩ Ba (Marpa) – đệ tử thân truyền của Đại hành giả Ấn Độ Na Nặc Ba – để học Phật Pháp. Cuộc đời ngài tới đây lại bước sang một giai đoạn khác, gian khổ hơn, nhưng cũng hạnh phúc hơn.
Tín tâm kiên định, không sinh tà kiến
Người tu luyện muốn đạt được thành tựu thì nhất định phải tin tưởng vào vị thầy của mình, nếu tín tâm không đủ thì sẽ nảy sinh nghi ngờ, sinh ra tà kiến, vậy thì cũng không thể tu luyện cho đến cùng được. Ngài Milarepa vì đã tạo nghiệp sát sinh rất lớn, nên sư phụ Mã Nhĩ Ba của ngài đã đưa ra rất nhiều thử thách để ngài có thể tiêu bớt đi khối nghiệp lực này; là một người bình thường thì chắc từ sớm đã từ bỏ, nhưng ngài Milarepa rất kiên định và không sinh ra một chút tà kiến nào với sư phụ của mình, điều này quả thực là hiếm ai có thể làm được.
Ngài Milarepa đến chỗ thượng sư Mã Nhĩ Ba một thời gian nhưng vẫn chưa được thượng sư truyền Pháp cho, tìm hết cách này đến cách khác để trì hoãn. Một ngày nọ thượng sư nói: “Thân thể con rất khỏe mạnh, ta muốn con làm cho ta một thạch thất để cất trữ kinh thư. Thạch thất làm xong, ta sẽ truyền Pháp cho con”.
Nhưng căn nhà này muốn xây dựng cũng không phải đơn giản, ngài Milarepa phải tự mình mang vác đá, vật liệu lên mỏm núi phía Đông để làm. Tuy nhiên vất vả làm được một nửa thì thượng sư lại nói là lúc trước tính chưa kỹ, cần phải xây ở chỗ khác. Ngài lại phải gỡ hết ra và vác vật liệu xuống núi và qua mỏm núi phía Tây để xây dựng.
Làm nhà rất tốn công vì chỉ có một mình ngài làm, vật liệu đều phải tự mình cõng từ chân núi cách mấy dặm lên đỉnh núi, thật sự là khổ không thể tả. Nhưng khi vừa làm được một nửa thì thượng sư lại nói cái nhà này xem ra vẫn chưa đúng, cần phải xây dựng ở mỏm núi phía Bắc mới được.
Ngài Milarepa lại hì hục tháo dỡ rồi chuyển lên mỏm núi phía Bắc. Nhưng vừa làm được 1/3 thì thượng sư lại đến và hỏi là tại sao ngài lại dựng nhà ở đây? Thượng sư tỏ ra như quên sạch và không nhớ trước đó mình đã nói gì.
Ngài không còn cách nào khác, lại đành phải dỡ căn nhà đó đi và chuyển vật liệu xuống dưới núi. Vì phải cõng đá và làm việc khổ cực trong thời gian dài nên lưng ngài bị chà sát thành mấy vết thương; vết thương liền thành sẹo rồi lại bị chà sát vỡ ra, cứ lặp đi lặp lại như vậy, thống khổ khó chịu nổi.
Nhưng thượng sư Mã Nhĩ Ba vẫn cho khổ như thế là chưa đủ, thượng sư đem truyện ký khổ hạnh của thượng sư Na Nặc Ba kể cho ngài nghe. Ngài nghe xong thì cảm động rơi nước mắt, lòng nảy ra một tín tâm kiên định. Trong lòng thề rằng: “Tất cả những lời thượng sư nói, ta phải nghe theo. Tất cả những khổ hạnh, ta đều phải vượt qua.”
Sau đó mấy ngày, thượng sư lại yêu cầu ngài làm một căn nhà hình vuông 10 tầng ở một nơi hiểm yếu mà người trong dòng tộc cấm làm nhà, hứa là làm xong sẽ truyền khẩu quyết cho. Thế là ngài lại bắt đầu xây dựng cái lô cốt hình vuông này.
Khi làm gần xong thì thượng sư lại nói là tạm thời không cần làm nữa, mà chuyển sang làm một cái khách điếm lớn có hình dạng như thành lầu. Trăm đắng ngàn cay, khó khăn lắm ngài mới làm xong được khách điếm. Lúc đó lưng bị chà xát vỡ một miếng lớn, mọc mụn nhọt trên lưng. Cái nhọt này có 3 ngòi mủ, thịt thối kèm máu tươi, nát như một đống bùn.
Nhưng thượng sư vẫn chưa chịu truyền Pháp cho, yêu cầu ngài làm nốt cái lô cốt mới được. Ngài lại nhẫn chịu đau đớn mà tiếp tục chuyển vật liệu lên núi để làm.
Thượng sư thấy ngài đối với tất cả những lời thượng sư nói đều cẩn thận thực hiện. Thượng sư biết ngài là đại trượng phu không gì lay chuyển nổi, “nan hành năng hành” (khó làm vẫn cứ làm bằng được), thực sự khiến cho thượng sư cảm động và khen ngợi. Ở chỗ không có người, thượng sư cũng rơi lệ rất nhiều.
Xây xong căn nhà đó, thượng sư lại muốn ngài xây một căn nhà 3 tầng khác. Lúc này, ngài sinh tâm chán nản và muốn bỏ đi. Ngài tìm đến sư mẫu và nói: “Con rất nhớ mẹ con, thượng sư lại không chịu truyền Pháp cho con. Ngài vẫn muốn con xây nhà xong mới truyền Pháp, nhưng đợi đến khi xây nhà xong, Ngài lại quyết định không truyền nữa, còn đánh, còn mắng con. Con quyết định sẽ về quê, mong thượng sư và sư mẫu hai vị bình an vô sự, bách sự cát tường”.
Sư mẫu trước giờ vẫn đối xử với ngài rất tốt, thường xuyên lén mang đồ ăn và thuốc thang cho ngài, cũng trách thượng sư là sao không sớm truyền Pháp cho ngài. Thấy ngài định bỏ đi, sư mẫu nói: “Con nói không sai. Ta nhất định sẽ giúp con tìm một vị thượng sư thật tốt. Nga Ba lạt ma là đại đồ đệ của thượng sư. Ông ấy đã đắc được khẩu quyết. Ta sẽ nghĩ cách gửi con đến học Pháp chỗ Nga Ba lạt ma, con đừng vội làm chi, tạm thời cứ ở đây vài ngày”.
Sư mẫu đã chuẩn bị một bức thư giả (đóng trộm con dấu của thượng sư) và thân trang nghiêm của đại sư Na Nặc Ba (đồ trang sức dùng trên người của thượng sư) cùng viên đá hồng ngọc, đưa cho ngài mang đi làm vật cúng dường Nga Ba lạt ma.
Quả nhiên khi tìm đến chỗ Nga Ba lạt ma, ngài đã được nhận làm đồ đệ và được truyền Pháp cho. Nhưng vì không được thượng sư Mã Nhĩ Ba đóng dấu cho phép, cho nên mặc dù ngài đã nỗ lực tu tập mà vẫn không hiệu nghiệm.
Chuyện làm thư giả này về sau cũng bị thượng sư phát hiện ra, thượng sư đã rất tức giận, cả Nga Ba lạt ma và sư mẫu cũng bị la mắng. Ngài Milarepa buồn rầu nói: “Nghiệp chướng của con quá nặng, thượng sư và sư mẫu đều phải chịu khổ vì con thế này. Đời này kiếp này con chẳng thể tu Pháp thành tựu, chi bằng tự sát còn hơn!”
Nói xong ngài bèn rút ra một con dao nhỏ định tự sát. Nga Ba lạt ma ôm chặt lấy ngài, nước mắt tuôn rơi mà rằng: “Trên đời không có tội nào lớn hơn tự sát. Trong Hiển Giáo cũng nói rằng: Không có tội nào nặng hơn tự chặt đứt sinh mệnh của mình. Con phải suy nghĩ cho thật kỹ, mà buông bỏ ý niệm tự sát này! Thượng sư có lẽ cũng sẽ truyền Pháp cho con, dẫu không truyền thì cũng không sao, cầu Pháp ở chỗ lạt ma khác cũng được.”
Lúc đó, thượng sư Mã Nhĩ Ba quả thực không thể trì hoãn việc truyền Pháp thêm được nữa, mới gọi ngài Milarepa và mọi người vào rồi nói:
“Theo những việc đã qua mà nói, chúng ta ai cũng không sai. Ta vì muốn thanh tịnh đi tội nghiệp của Đại Lực (thượng sư gọi ngài Milarepa là Đại Lực), do vậy cố ý để cho cậu ấy khổ hành, lại bảo Đại Lực sửa nhà ở, như vậy thuận theo đạo thanh tịnh mà thanh trừ đi nghiệp lực kia; hiện giờ đã hoàn thành rồi, do vậy ta không hề sai.
Dakmema (tên của sư mẫu) là một nữ nhân, tâm địa quá mềm yếu, quá từ bi, khó trách bà ấy, nhưng làm giả ấn tín, thì lại là làm một việc sai lớn. Nga Ba cũng không sai, nhưng trước hết phải trả lại cho ta thân trang nghiêm và ngọc thạch, sau này ta sẽ lại đưa cho. Còn về Đại Lực, cậu ấy vì nóng lòng cầu Pháp, dùng hết tất cả các biện pháp để đắc Pháp, cũng thực sự khó trách”.
Ngài nói thêm:
“Thêm nữa, đứa con trai Đại Lực này của ta, nếu có thể chịu chín lần đại thống khổ, đại giày vò, thì cậu ấy sẽ không còn phải chịu ‘hậu hữu’ (tức là không phải tiếp tục lục đạo luân hồi); không chỉ như vậy, còn có thể có cơ hội tu thành Phật. Hiện giờ không thể được như vậy, còn có một chút nghiệp lực còn dư lại, ở đây duyên cớ hoàn toàn là do tâm đàn bà mềm yếu của Dakmema.
Nói là như vậy, nhưng một phần lớn nghiệp lực của cậu ấy đều đã căn bản được thanh trừ trong chín lần đại khổ hành và vô số lần tiểu khổ hành rồi. Từ nay về sau, ta cần gia trì, truyền quán đỉnh và khẩu quyết cho cậu ấy, truyền thụ cho cậu ấy những tâm yếu khẩu quyết bí mật nhất của ta, còn phải cho cậu ấy một cái vốn tu hành, giúp cho cậu ấy tất cả trợ duyên tu hành, khiến cậu ấy có thể tu hành cho tốt. Đại Lực! Con hiện giờ có thể thật sự vui mừng rồi!”
Tu hành ngày đêm không dám buông lơi
Sau đó thượng sư đã nhiều lần quán đỉnh và truyền Pháp cho ngài Milarepa, ngài bước trên con đường tu chính pháp kể từ đó.
Dưới sự hướng dẫn của thượng sư, ngài vào trong hang động để tu định ngày đêm không biết mệt mỏi, và cũng chứng ngộ được rất nhiều điều. Thượng sư liên tục truyền các khẩu quyết cao hơn cho ngài, và cuối cùng là truyền cho khẩu quyết cao nhất của pháp môn, vốn chỉ truyền cho đệ tử chân truyền. Sau đó ngài phải rời đi và liên tục tu luyện trong các hang động khác nhau.
Ngài đã tu luyện tinh tấn đến mức nào? Lúc tu luyện ở động đá Hộ Mã Bạch và bị hết thức ăn, ngài định xuống núi xin một chút thức ăn để tiếp tục tu khổ hạnh, nhưng khi đi ra ngoài cửa động và thấy có cây tầm gai dại xanh mướt, ngài vui mừng thầm nghĩ: “Thế này thì chẳng cần xuống núi nữa, có thể ăn cây tầm gai ở đây rồi”. Từ đó về sau ngài ăn cây tầm gai để sống qua ngày và tiếp tục tu hành. Ngài không đi hóa duyên vì sợ lãng phí thời gian, thời thời khắc khắc chỉ muốn dành để tu luyện.
Sau đó rất lâu, quần áo bên ngoài của ngài cũng rách nát hết. Lại thêm chỉ ăn mỗi cây tầm gai nên người chỉ còn mỗi da bọc xương, tóc và lỗ chân lông cũng đều chuyển thành màu xanh. Có nhóm thợ săn đi qua hang động nhìn thấy ngài còn tưởng là quỷ, vì nhìn quá đáng sợ. Khi biết ngài đang tu hành trong hang động, họ thương cảm mà nói:
“Ông ăn mặc thật chẳng ra làm sao, chẳng giống cuộc sống của con người chút nào! Dù ông có đi làm công cho người ta thì chí ít cũng được ăn no mặc ấm. Chao ôi, thế gian này không tìm nổi một người vừa nghèo khổ, vừa đáng thương như ông”.
Ngài nói với họ:
“Xin các anh đừng nói vậy, ta là người thù thắng khó gặp nhất trong con người. Ta đã gặp đại dịch sư Mã Nhĩ Ba, đắc được câu chú lập thân thành Phật, sống trong vùng núi tịch lặng không người, buông bỏ những mong nghĩ trong đời này, tu hành thiền định, thành tựu tam muội, danh, tiếng, kính trọng, quần áo, ăn uống, tài sản, lợi ích không thể động đến tâm của ta. Do vậy ta đã buông bỏ được hết thảy phiền não nơi thế gian. Trên thế gian không có ai xứng là nam tử hán đại trượng phu giống như ta.
Các anh mặc dù lớn lên ở vùng đất Phật Pháp thịnh vượng, nhưng đừng nói tu hành, ngay cả tâm ý nghe Pháp cũng không có, cả đời này của các anh chỉ bận rộn phạm tội làm điều ác, chỉ e xuống địa ngục không lâu, chỉ e thời gian không còn nhiều nữa. Các anh mới là những người đáng thương nhất, nghèo khổ nhất trên thế gian. Nội tâm của ta thường xuyên vui vẻ, yên định.”
Sau một thời gian nỗ lực tu hành, cuối cùng ngài đã có thể đả khai các nút kết của tiểu mạch trên thân, sau đó lại đả khai các nút kết của trung mạch, sản sinh ra cảm giác hoan lạc, minh mẫn, vô niệm.
Lại tiếp tục tu luyện, ngài dần dần cảm thấy thân thể có thể biến hóa tùy ý, có thể bay lên không trung và triển hiện các loại thần thông. Ban đêm trong mộng có thể du hành đến đỉnh thế giới, có thể đập tan sông hồ, có thể hóa thành hàng trăm nghìn hóa thân, đến vùng đất của chư Phật để nghe Pháp, thuyết pháp cho vô lượng chúng sinh. Thân thể ngài có thể vào nước, lửa, có được các loại thần thông không thể tưởng tượng được.
Về sau ngài đã dùng các phương tiện bất khả tư nghị khiến cho vô lượng chúng sinh thượng căn, trung căn, hạ căn có duyên được thành tựu giải thoát. Người thượng căn có được đại thành tựu, người trung căn đắc đạo, người hạ căn cũng phát tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát hạnh. Với người không có căn cơ cũng gieo các hạt giống thiện pháp, khiến cho người, trời vui vẻ.
Lòng từ bi quảng đại của ngài như thiên không, ánh sáng Phật Pháp như mặt trời đang lên, khiến vô lượng chúng sinh trừ được nỗi khổ ác đạo, thoát khỏi trói buộc luân hồi; đối với vô lượng chúng sinh trong bể khổ, sự nghiệp ân đức của ngài thực sự không thể nào tưởng tượng nổi.
Cúng dường tốt nhất là như thế nào?
Cúng dường phải chăng càng nhiều càng tốt, càng nhiều càng thể hiện được tấm lòng thành kính? Thượng sư Mã Nhĩ Ba từng nói với ngài Milarepa rằng: “Ta đối với cúng dường tài vật, vốn không hề để ý đến. Con hãy lấy việc tu hành tinh tấn làm vật cúng dường, đó mới là thứ ta thực sự vui thích. Con phải nỗ lực tinh tấn, kiến lập thành tựu kỳ tích.”
Cúng dường tốt nhất là như thế nào? Thượng sư lại nói thêm: “Nếu đắc được thành tựu, đó chính là cúng dường cho thượng sư, là báo ân với sư mẫu, là lợi ích cho chúng sinh. Ngoài cuối cùng thành Phật ra, bất cứ việc gì cũng không được tính là cúng dường cao nhất, báo ân cuối cùng và sự nghiệp lợi ích cho mọi người chân thực. Nếu không có thành tựu, cho dù trường thọ trăm tuổi, thì chẳng qua cũng chỉ là sống làm thêm một chút tội ác mà thôi. Do đó con phải bỏ hết thảy tham dục và quyến luyến cõi hồng trần trong đời này. Chớ giao du với những người chỉ chăm chăm các việc thế tục, chớ nói chuyện vô bổ, phải một lòng nỗ lực tu hành.”
Về sau, ngài Milarepa trong một lần nhận được cúng dường đã thầm nghĩ: “Cúng dường rất nhiều tài sản cho vị pháp sư có cuộc sống an nhàn và sung túc trên thế gian cũng không thể tích nhiều công đức bằng cúng dường một bát cơm cho người tu hành chân chính, thế nhân người dệt hoa trên gấm thì nhiều mà người đưa than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi thì ít, thật là đáng tiếc!”
Người đi chùa cúng dường ngày nay phải chăng trong tâm cũng đang cầu Pháp, cũng muốn trí tuệ được khai mở để sống cuộc đời tỉnh thức? Hay là trong tâm liên tục cầu đắc được danh, lợi, tình ở thế gian? Ngài Milarepa đã từng nói với các đệ tử:
“Lại có một số người học Phật chỉ có rất ít phúc đức, vì nghe danh cung kính ta đời này, bề ngoài là làm Phật sự, làm công đức, trên thực tế, họ cúng thí tiền trăm thì trong lòng lại muốn thu hồi tiền nghìn. Những người thế tục hành thiện vì tham cầu quả báo này, cũng giống như đem thuốc độc trộn với rượu ngon mà uống. Do đó, các con không nên vì cung kính nghe danh đời này mà uống thuốc độc ‘háo danh’ đó. Những việc bề ngoài biểu hiện là Phật Pháp, nhưng thực tế lại là việc thế gian pháp đó, các con đều phải triệt để vứt bỏ, một lòng tinh tấn, tu hành Phật Pháp thuần tịnh mới được”.
Hy vọng chúng ta có thể thông qua câu chuyện tu hành của Phật Milarepa mà khởi lên tín tâm vào Thần Phật, từ đó mà cũng xuất ra tâm muốn tu luyện thoát khổ. Thượng sư Mã Nhĩ Ba từng nói: “Những người đã có được thân người mà không thể gặp được chính Pháp, mới là thực sự đáng buồn nhất”; thân người khó được, nếu có được rồi mà lại không tìm được pháp môn chân chính để tu hành thì cũng thực sự là đáng tiếc!
Theo Minh Huệ