Nhân sinh cảm ngộ

Thiền định tác động như thế nào đến cảm xúc?

26/07/23, 16:38
Ba chìa khóa giúp quản lý cảm xúc
Thiền một phương pháp dễ thực hiện, có thể áp dụng hàng ngày để điều chỉnh cảm xúc.(ảnh: Shutterstock).

Thiền định là một trong những phương pháp có thể giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc, điều chỉnh tâm trạng và cải thiện trí thông minh cảm xúc (EI) một cách an toàn và hiệu quả.

Hồ Nãi Văn là một bác sĩ y học cổ truyền nổi tiếng quốc tế. Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn tiếp tục thăm khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân.

Bác sĩ Hồ Nãi Văn từng là một người rất nóng tính và thiếu kiên nhẫn khi trò chuyện với con trai trong mỗi bữa ăn tối. Sau một ngày làm việc vất vả ở phòng khám, ông thường dễ nổi giận vì những chuyện nhỏ nhặt. Nhưng ông nói rằng, thiền định đã giúp thay đổi tính cách của ông. Khi thường xuyên thực hành thiền định, tâm tính của ông dần trở nên bình tĩnh và ôn hòa hơn. Ông cũng ít nổi giận hơn trước. Theo ông Hồ, một trong những lợi ích khác của thiền định là giúp chúng ta ngủ ngon giấc hơn. Chính tác dụng này đã giúp cải thiện độ tập trung của ông khi làm việc vào ban ngày.

1. Thiền định tác động như thế nào đến cảm xúc?

Làm giảm những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực

Trong một nghiên cứu về thiền định, những người tham gia được yêu cầu ghi ra những suy nghĩ của họ khi xem các hình ảnh tiêu cực (ví dụ: hình ảnh một con mèo chết giữa đường). Kết quả cho thấy những người thực hành thiền định có ít suy nghĩ tiêu cực hơn.

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện tại Đại học Bang Michigan, 68 phụ nữ tham gia được chia thành hai nhóm, một nhóm nghe một bài tập thiền có hướng dẫn trong 18 phút và nhóm còn lại nghe một bài nói chuyện TED dài 18 phút về việc học ngôn ngữ.

Sau đó, những người này được cho xem một số hình ảnh trung lập hoặc tiêu cực. Kết quả cho thấy rằng buổi tập thiền giúp nhóm thứ nhất điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực tốt hơn. Phản ứng đối với những hình ảnh tiêu cực của nhóm này đã được giảm đi đáng kể.

Giúp giảm giận dữ và sợ hãi

Theo bác sĩ Hồ, thiền định có thể giúp chúng ta kiểm soát được cơn giận. Theo một nghiên cứu, chỉ cần một buổi tập thiền duy nhất cũng đã có thể làm giảm bớt sự tức giận. Điều này thể hiện qua việc duy trì nhịp thở và nhịp tim chậm hơn, đồng thời huyết áp cũng thấp hơn.

Thiền định còn có thể giúp con người giảm bớt trạng thái sợ hãi. Ví dụ, nhiều người từng mắc ung thư sợ rằng bệnh ung thư của mình sẽ tái phát trong tương lai; nỗi sợ này sẽ có những tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày, công việc và các mối quan hệ của người bệnh.

Theo một nghiên cứu tổng quan hệ thống, các phương pháp can thiệp tâm trí – cơ thể (trong đó bao gồm nhiều hình thức thiền định khác nhau) có hiệu quả trong việc làm giảm đáng kể nỗi sợ tái phát ung thư.

Gia tăng cảm giác tích cực

Trong một nghiên cứu, 25 người tham gia thực hành thiền định nhóm ba lần một tuần trong vòng bốn tuần. Mỗi buổi tập kéo dài khoảng 30 phút. Những người tham gia đã có sự gia tăng đáng kể cảm xúc tích cực, có sự cải thiện trong tương tác giữa các cá nhân và tăng khả năng thấu hiểu người khác so với những người không thực hành thiền định.

Gia tăng lòng trắc ẩn

Việc cùng nhau thực hành thiền định có thể tạo ra cảm giác kết nối cộng đồng cũng như tăng cường sự đồng cảm và lòng trắc ẩn.

Theo một nghiên cứu khác, thiền định giúp 153 người giảm bớt sự cô đơn, tăng cường tương tác xã hội và việc nảy sinh lòng trắc ẩn đối với người khác.

Trong một nghiên cứu, 210 sinh viên đại học được phân ngẫu nhiên thành ba nhóm và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau: tập thiền, nghe nhạc hoặc nghe giảng. Sau khi hoàn thành hai buổi học, 50,8% học viên trong nhóm thiền thể hiện việc sẵn lòng giúp đỡ người khác, trong khi tỷ lệ này ở nhóm nghe nhạc và nghe bài giảng chỉ có 31,2% và 31%.

 Tập thiền có thể giúp chúng ta gia tăng trí thông minh cảm xúc
Các học viên Pháp Luân Công đang tĩnh toạ bài công pháp số 5 của Pháp Luân Công (ảnh: ĐF)

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng chỉ cần một bài tập thiền ngắn cũng đã có thể làm tăng ý định giúp đỡ người khác.

Tăng lòng tự trọng

Theo Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần, lòng tự trọng thấp có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần. Thiền định có thể giúp chúng ta trở nên tự tin và có lòng tự trọng cao hơn thông qua việc rèn luyện để tâm trí trở nên bình tĩnh và minh mẫn hơn.

Ngoài ra, khi có lòng trắc ẩn đối với người khác, chúng ta cũng sẽ có lòng trắc ẩn đối chính mình. Điều này xảy ra khi chúng ta có thể tự nhận thức về bản thân khi thực hành thiền định, do đó có thể hiểu và chấp nhận bản thân mình nhiều hơn.

2. Thiền định giúp cải thiện các rối loạn cảm xúc

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ ước tính có khoảng 21,4% người Mỹ trưởng thành có ít nhất một giai đoạn rối loạn cảm xúc trong suốt cuộc đời.

Thiền định đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng của một số rối loạn cảm xúc.

Theo một nghiên cứu, thiền định có thể giúp các học sinh có biểu hiện rối loạn cảm xúc/hành vi tăng khả năng điều chỉnh cảm xúc. Nghiên cứu được thực hiện tại một trường học khép kín dành cho thanh thiếu niên mắc các vấn đề về cảm xúc như rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc và rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD).

Thực hành chánh niệm trong đó bao gồm cả thiền định được tích hợp vào các hoạt động hàng ngày của nhóm sinh viên này trong vòng sáu tuần. Sau đó, các sinh viên này đã trở nên lạc quan hơn, dễ thích nghi và có khả năng tập trung tốt hơn, đồng thời tăng cảm giác tự tin vào năng lực bản thân. Những phản ứng cảm xúc tiêu cực của nhóm sinh viên cũng giảm đi đáng kể.

Một số sinh viên bày tỏ mong muốn được tiếp tục các bài tập chánh niệm này trong suốt thời gian học.

Rối loạn cảm xúc

Rối loạn cảm xúc là một bệnh lý về cảm xúc gây ra những đau khổ đáng kể về mặt lâm sàng, cản trở chức năng xã hội của bệnh nhân. Các triệu chứng rối loạn cảm xúc gồm có tình trạng hoạt động quá mức, hành vi hung hăng hoặc thu rút xã hội, hành vi phá hoại tài sản, phát tiết những cơn tức giận và khó khăn trong việc học tập.

Một nghiên cứu cho thấy thiền định có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát các hành vi không phù hợp hay gây hại về mặt xã hội ở những học sinh tiểu học bị rối loạn cảm xúc và có các vấn đề về hành vi. Năm sinh viên đã tham gia chương trình thực hành thiền chánh niệm kéo dài 10 tuần này và 80 phần trăm (bốn) người trong số này đã giảm khả năng không tuân thủ điều trị sau khi hoàn thành khóa thiền.

Ngoài ra, các em cũng có thể nhận thức và chú ý đến cảm xúc của mình hơn. Điều này giúp hạn chế các hành vi không phù hợp như gây hấn với người khác hoặc các hành vi tự gây thương tích.

Trầm cảm theo mùa (SAD)

Trầm cảm theo mùa là một dạng trầm cảm thường liên quan đến việc số giờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ít hơn trong những tháng mùa thu và mùa đông. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng có thể xuất hiện vào mùa xuân và mùa hè.

Thiền định có thể kích hoạt tuyến tùng, giải phóng melatonin, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm. Thiền cũng có thể làm tăng nồng độ serotonin, hỗ trợ quá trình điều trị SAD.

Hiện tại, các phương pháp điều trị SAD hiệu quả nhất gồm có liệu pháp nhận thức hành vi, thuốc chống trầm cảm và liệu pháp ánh sáng.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT) là một liệu pháp tâm lý liên quan đến thiền định có hiệu quả cao hơn so với liệu pháp ánh sáng trong việc ngăn ngừa các giai đoạn SAD. Trong nghiên cứu này, 65% người tham gia nhóm sử dụng phương pháp MBCT có giai đoạn trầm cảm vào mùa đông so với tỷ lệ 78% trong nhóm điều trị tiêu chuẩn (TAU – như liệu pháp ánh sáng).

Thiền định tác động như thế nào đến cảm xúc?
Ngày càng có nhiều người quan tâm đến thiền định (ảnh: Nguyện Ước).

Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát được thực hiện ở một số quốc gia nói tiếng Đức, một số viện điều trị tâm thần khuyến cáo sử dụng thiền định là một phương pháp điều trị thay thế để dự phòng cho những bệnh nhân SAD.

Rối loạn điều hòa khí sắc (DMDD)

Rối loạn điều hòa khí sắc là tình trạng cáu kỉnh mạn tính và dai dẳng cũng như có những cơn nóng nảy bộc phát thường xuyên và dữ dội ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Rối loạn này phổ biến ở những người mắc chứng Tăng động giảm chú ý (ADHA).

MBCT và các bài tập chánh niệm là một phương pháp hiệu quả và an toàn để điều trị cho những thanh thiếu niên có tình trạng rối loạn điều hòa khí sắc.

Trong một nghiên cứu, một số bệnh nhân ADHD tham gia các buổi tập thiền hàng tuần, mỗi buổi kéo dài khoảng hai tiếng rưỡi trong thời gian tám tuần. Các bệnh nhân cho biết họ có thể tập trung tốt hơn và các triệu chứng rối loạn điều hòa khí sắc cũng được cải thiện đáng kể.

Bệnh rối loạn trầm cảm dai dẳng

Rối loạn trầm cảm dai dẳng là bệnh trầm cảm mạn tính đặc trưng bởi tình trạng trầm cảm ở mức độ nhẹ nhưng kéo dài dai dẳng.

Trong một nghiên cứu, 50 bệnh nhân rối loạn trầm cảm dai dẳng được chia thành hai nhóm: một nhóm được điều trị với 8 buổi MBCT (có các bài tập thiền) kết hợp với thuốc và một nhóm chỉ sử dụng thuốc. Sau khi kết thúc thời gian theo dõi, thang điểm trầm cảm của nhóm sử dụng phương pháp MBCT giảm đáng kể và khả năng điều chỉnh cảm xúc của các bệnh nhân trong nhóm này cũng cải thiện tốt hơn so với nhóm còn lại.

Các dạng rối loạn cảm xúc khác như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và rối loạn lo âu cũng có thể cải thiện khi thực hành thiền định.

3. Tập thiền có thể giúp chúng ta gia tăng trí thông minh cảm xúc

Thiền định còn có khả năng giúp cải thiện trí thông minh cảm xúc hay trí tuệ cảm xúc của chúng ta. Theo một nghiên cứu tổng quan hệ thống trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng, trí thông minh cảm xúc là khả năng kiểm soát và quản lý cảm xúc của một người cũng như khả năng hiểu và ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác. Chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) còn là một thông số cho thấy khả năng tự thấu hiểu cảm xúc của chính mình.

Theo nghiên cứu này, phương pháp thiền chánh niệm có thể thúc đẩy trí thông minh cảm xúc của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, từ đó làm tăng sự hài lòng với công việc, tăng khả năng tiếp tục duy trì công việc cao hơn, đồng thời cũng giúp việc chăm sóc bệnh nhân được thực hiện tốt hơn.

Thiền định có thể giúp tăng cường trí thông minh cảm xúc của chúng ta ở nhiều phương diện. Đó là:

Kiểm soát cảm xúc

Khi nói một người có “chỉ số EQ thấp”, có thể bạn đang muốn nói rằng người này gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc (ví dụ: người này dễ cáu gắt).

Như đã thảo luận ở trên, thiền định là một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta điều chỉnh cảm xúc. Khi thực hành thiền, chúng ta sẽ có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày với một tâm trí điềm tĩnh và thanh thản hơn. Đồng thời thiền định còn làm giảm trạng thái căng thẳng, qua đó làm giảm đi những cơn tức giận.

Thấu hiểu cảm xúc của chính mình

Cùng với việc thực hành thiền định, dần dần chúng ta sẽ phát triển khả năng tự nhận thức bản thân một cách tự nhiên. Đó là khả năng nhận ra và hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của chính mình. Trong khi thiền định, chúng ta đang dành thời gian và không gian để ngăn chặn tất cả những ảnh hưởng từ bên ngoài, đồng thời tập trung vào tâm trí của chính mình.

Khi chúng ta có thể tự nhận thức, chúng ta sẽ dễ dàng điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ của mình hơn. Do đó, thiền định sẽ giúp chúng ta bình tĩnh hơn, có thể dễ dàng nhận ra và cải thiện trí thông minh cảm xúc của chính mình.

Thấu hiểu cảm xúc của người khác

Thiền định còn có thể giúp làm tăng khả năng hòa nhập xã hội với lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và vị tha đối với bản thân và những người khác.

Khi chúng ta có lòng trắc ẩn và quan tâm đến người khác, chúng ta sẽ nhận ra được những rung cảm, năng lượng, ngôn ngữ cơ thể, những tín hiệu xã hội và nét mặt của người khác chính xác hơn. Do đó, chúng ta sẽ có thể thấu hiểu cảm xúc của người khác tốt hơn.

Theo Ntdvn.net

x