Nhân sinh cảm ngộ

Tắm cũng có “thời gian tốt nhất”, 5 thời điểm không nên tắm

17/06/23, 08:02
Tắm cũng có "thời gian tốt nhất", 5 thời điểm không nên tắm
Có những thời điểm không nên đi tắm, nếu không sẽ rất có hại cho sức khỏe (ảnh minh họa Adobestock)

Nên tắm nước nóng hay nước lạnh? Tắm trong bao lâu thì vừa đủ? Những thời điểm nào không nên đi tắm? Hãy cùng tìm hiểu một chút.

Tắm nước lạnh có tốt cho hạ nhiệt

Nếu chỉ để hạ nhiệt thì tắm nước lạnh sẽ không tốt bằng nước ấm, bởi vì tắm nước lạnh sẽ tạo cho cơ thể ảo giác về “môi trường lạnh”, khiến cơ thể sinh nhiệt nhiều hơn, giảm sự tỏa nhiệt.

Khi thời tiết nóng bức, con người dễ đổ mồ hôi, các vi mạch trên da ở trạng thái giãn nở, nếu đột ngột tắm nước lạnh sẽ kích thích các mạch máu co lại, khiến mồ hôi khó thoát ra, tim đập nhanh, nhức đầu và các triệu chứng khó chịu khác. Loại “kích thích lạnh” này là một loại gánh nặng khác cho cơ thể.

Đặc biệt là những người trung niên và cao tuổi, cũng như những người mắc bệnh tim mạch vành, huyết áp cao, hay bị trúng gió và rối loạn nhịp tim, nên cố gắng tránh tắm nước lạnh vào mùa hè.

Có phải nhiệt độ nước càng cao thì hiệu quả tắm càng tốt?

Nếu tắm nước lạnh không phải là lựa chọn tốt nhất vào mùa hè, vậy tắm nước ấm có phải là lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe? Đối với những người bị huyết áp cao, xơ cứng động mạch, bệnh tim mạch vành mà nói, tắm nước có nhiệt quá cao cũng nguy hiểm.

Tắm cũng có "thời gian tốt nhất", 5 thời điểm không nên tắm
(ảnh minh họa Adobestock)

Khi tắm bằng nước ấm, các vi mạch của toàn bộ cơ thể nở ra, một lượng lớn máu dồn lên bề mặt cơ thể, máu của các cơ quan quan trọng như tim và não tương đối giảm, có thể gây ra tai biến tim mạch và mạch máu não.

Do đó, nhiệt độ nước khi tắm không được quá cao cũng không được quá lạnh, thông thường nên khống chế ở mức 38°C đến 40°C sẽ thích hợp hơn.

5 thời điểm không thích hợp để đi tắm

1. Trước khi đi ngủ

Vừa tắm xong, cơ thể con người sẽ có chút hưng phấn, không dễ dàng đi vào giấc ngủ ngay, vì vậy không nên tắm trước khi đi ngủ. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep Medicine Reviews, tắm từ 1 đến 2 giờ trước khi đi ngủ có thể đẩy nhanh tốc độ đi vào giấc ngủ trung bình là 10 phút.

2. Sau khi uống rượu

Say rượu có thể ảnh hưởng đến cảm giác thăng bằng của cơ thể, khiến bạn dễ bị ngã trong phòng tắm trơn trượt.

3. Khi ăn no hoặc đói bụng

Sau khi ăn no, máu trong cơ thể chủ yếu tập trung ở hệ tiêu hóa, lúc này khi đi tắm, các mạch máu xung quanh giãn nở, có thể khiến tuần hoàn máu trong hệ tiêu hóa giảm tương đối, dễ dẫn đến khó tiêu.

Tắm cũng có "thời gian tốt nhất", 5 thời điểm không nên tắm
Đi tắm khi đói có thể khiến bạn bị mệt mỏi, chóng mặt (ảnh minh họa Adobestock)

Khi bụng đói, lượng đường trong máu tương đối thấp, tắm làm tăng lưu lượng máu đến các mô da và giảm lượng máu cung cấp cho não, có thể dẫn đến tai nạn như ngất xỉu.

4. Huyết áp thấp, hạ đường huyết

Khi huyết áp thấp, hạ đường huyết, hoặc người đang rất mệt mỏi mà đi tắm thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị chóng mặt, bị sốc cho thiếu oxy. Nếu như nhất định phải tắm, thì cũng không nên ở trong phòng tắm quá lâu, chú ý phòng tắm phải có lỗ thông gió thích hợp để tăng hàm lượng oxy.

5. Sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần cường độ cao

Sau khi vận động cường độ cao, quá trình tuần hoàn máu hoạt động mạnh, việc tắm ngay sẽ làm tăng gánh nặng cho tim và mạch máu, đặc biệt là không nên tắm nước lạnh.

“Thời gian tốt nhất” để tắm: Không nên quá 20 phút

“Thời gian tốt nhất” để tắm không phải là nói đến việc tắm vào buổi sáng hay buổi tối thì tốt hơn. Theo quan điểm khoa học, không có nhất định phải tắm vào lúc nào đó, nhưng không nên tắm quá lâu. Trong tình huống thông thường thì nên tắm từ 10-15 phút là đủ, cao nhất cũng không nên quá 20 phút.

Do tắm lâu thì cơ thể dễ bị mệt mỏi, dễ gây thiếu máu và dưỡng khí cho cơ tim, dẫn đến co thắt động mạch vành, tắc động mạch, thậm chí gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và có thể tử vong.

Theo Vision Times

x