Văn hóa truyền thống

Quy tắc hay và hữu ích về các giá trị đạo đức trong gia đình

02/04/23, 07:46
Quy tắc trau dồi các giá trị đạo đức trong gia đình
Quy tắc trau dồi các giá trị đạo đức trong gia đình (ảnh: Twitter)

Giáo dục và nâng cao các giá trị đạo đức trong gia đình được coi là vấn đề hết sức quan trọng đối với mỗi người. Bởi vì gia đình là nền tảng của xã hội, là cái gốc của sự bình an, thịnh vượng. 

Dưới đây là một số đoạn trích trong cuốn sách “Our Deportment, or the Manners, Conduct, and Dress of Refined Society” (tạm dịch: Cách cư xử của chúng ta, hay cách cư xử, đạo đức, và cách ăn mặc trong một xã hội tinh tế) của John H. Young A.M., xuất bản năm 1881. Hy vọng có thể giúp mọi người tham khảo về cách dạy dỗ con cái trong gia đình.

Kết quả tốt đẹp từ sự giáo dục trong gia đình

Không nơi nào mang lại giá trị giáo dục tốt hơn gia đình. Gia đình là nơi được tôi luyện bằng tình yêu thương và nuôi dưỡng bởi sự chân thành.

Một quý cô thanh lịch sẽ không ngừng tuân thủ những quy tắc lịch sự trong cách cư xử với các thành viên trong gia đình và mọi người. 

Một quý ông thực thụ cũng sẽ có trách nhiệm trong phép lịch sự và tử tế khi giao tiếp với mọi người xung quanh.

Trong khi đó, những đứa trẻ chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ những tấm gương như vậy khi ở nhà. Theo đó, chúng sẽ học được cách kính trọng với người lớn, quan tâm bạn bè cùng trang lứa, và thậm chí có thể nhẫn nại với người nhỏ hơn.

Sức ảnh hưởng từ sự gương mẫu

Hãy nhớ cuốn sách đầu tiên mà trẻ đọc được chính là tấm gương của cha mẹ chúng – cách mà họ hành xử hằng ngày. Nếu cha mẹ không chú ý điều này, thì dẫu cha mẹ đã hết lời giáo dục trẻ con đường đúng đắn, chúng vẫn vô thức đi theo con đường sai lầm. 

Tuổi thơ của trẻ giống như một tấm gương, thu nhận và phản chiếu những hình ảnh xung quanh nó. Hãy nhớ rằng một hành vi vô đạo đức, một lời nói phỉ báng hay tục tĩu dù nhỏ của người lớn, cũng tác động lên trái tim của trẻ giống như một tia nước bẩn bắn lên tấm sắt sáng bóng, làm nó hoen gỉ mà không có cách nào khôi phục lại.

Bồi dưỡng trẻ trong giai đoạn mười năm đầu đời là một cơ hội vàng không bao giờ quay trở lại. Đó là giai đoạn gieo mầm, kết quả thu hoạch sau này ra sao phụ thuộc hoàn toàn vào giai đoạn này.

Sức ảnh hưởng từ sách

Bậc cha mẹ cần đánh giá đúng mức độ quan trọng của việc đọc sách trong giai đoạn thiết lập thói quen và sở thích của trẻ.

Giá trị đạo đức là gì; Giá trị đạo đức của con người; Giá trị đạo đức truyền thống; Giá trị đạo đức
Hãy tìm cho con những cuốn sách vừa thu hút, thú vị, vừa mang tính giáo dục (ảnh: Vnexpess)

Hãy tìm cho con những cuốn sách vừa thu hút, thú vị vừa mang tính giáo dục, để con đọc trong những năm đầu đời, trước khi tâm trí chúng bị thấm nhuần trong những lời dạy độc hại của những cuốn sách tồi và tiểu thuyết giật gân. 

Những cuốn sách độc hại sẽ âm thầm ngấm vào tâm trí trẻ, sự ảnh hưởng này còn kinh khủng hơn nhiều so với việc chơi cùng những đứa bạn xấu. Người mẹ hãy biến những cuốn sách hay thành bạn đồng hành cho con mình, trò chuyện với con về những bài học đạo đức, nội hàm trí tuệ mà sách chứa đựng. 

Những giáo dục cần gieo trồng cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ

Sự vâng lời

Hãy dạy con cái biết vâng lời, nếu muốn những lời khuyên răn của bạn phát huy tối đa hiệu quả. Sự quản lý và kiểm soát có chừng mực trong gia đình là sự che chở và bảo hộ tuyệt vời đối với con cái. Con cái không nghe lời, ngỗ nghịch là nguồn cơn của mọi tệ nạn trong xã hội. Không có sự đau đớn và thiệt hại nào lớn hơn một đứa trẻ không được quản lý và giáo dục tốt.

Rèn luyện lòng can đảm

Lòng can đảm sẽ được trau dồi cho con, khi chúng tuân theo bất cứ thứ gì bạn nói và làm, những sự thật và lẽ phải, mà không bị ảnh hưởng bởi quan điểm của người khác.

Có lẽ điều này khó thực hiện, nhưng mỗi bà mẹ có thể tìm những tấm gương về lòng dũng cảm, sự can đảm có thể thấy từ người khác, khen ngợi và đánh giá cao điều đó, từ đó kích thích sự phát triển đức tính này trong tâm hồn con trẻ.

Tinh thần dũng cảm là một đức tính đáng quý, người có đức tính này có khả năng hành động độc lập mà vẫn hòa hợp với quan điểm của người khác. Họ biết ước thúc mình theo các nguyên tắc đúng đắn, chính trực và nhân ái. 

Học cách chia sẻ và nhường nhịn

Một trong những nguyên tắc tuyệt vời nhất của nhân sinh, đó là có thể sẵn sàng chia sẻ và nhường nhịn người khác. Có thể bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, với bất kỳ ai từ cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc thầy cô, bè bạn,…

giá trị tinh thần; giáo dục đạo đức; giáo dục con cái
Dạy con sống chia sẻ, nhường nhịn (ảnh minh họa: Ophub)

Tất nhiên đã liên quan đến nguyên tắc, thì cần phải vững vàng, điều này đòi hỏi vận dụng bài học từ sự can đảm.

Nuôi dưỡng lòng tự trọng

Trách nhiệm của người mẹ là bảo vệ con cái khỏi những cạm bẫy xung quanh chúng. Chẳng hạn như những tính xấu, sự đố kỵ, tự phụ, hám lợi và những điều xấu xa khác, bằng cách khoác lên mình bộ áo giáp “tự trọng”. Điều này sẽ giúp con biết giữ mình trong sạch, không bị ô nhiễm trước những cám dỗ và hư hỏng có thể gặp phải trên đường đời.

Lòng tự trọng này là một thứ gì đó mạnh mẽ hơn sự tự lập, cao hơn sự kiêu ngạo. Nó mang năng lượng tự chủ mạnh mẽ cho tâm hồn, không ngừng cảnh giác bản thân trước cám dỗ. Đó là sự kết hợp giữa bổn phận và danh dự. Nó giống như một chiếc áo giáp, tuy không thể che chắn những nỗi buồn, nhưng có thể thanh lọc, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực tấn công từ mọi phía và tiếp thêm sinh lực.

Giáo dục tín ngưỡng

Chúng ta nên nhớ rằng mọi phước lành trong cuộc sống của chúng ta, mọi niềm vui và mọi hy vọng chiếu rọi trên con đường của chúng ta, đều bắt nguồn từ các tôn giáo.

Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, trong những nhận thức đầu đời, nên được gieo trồng và lưu trữ những giá trị về tâm linh, sự thật về tôn giáo. Giáo dục tín ngưỡng càng sớm, khi lớn lên chúng sẽ không thể nhớ được đâu là thời điểm bắt đầu, sẽ giống như là tự nhiên, là thiên bẩm, là nguyên tắc hợp nhất với bản thể. 

Tránh xa những tác động tiêu cực

Tác hại của sự lười biếng

Nếu bạn muốn bảo vệ con cái mình khỏi ảnh hưởng tai hại của tính lười biếng và tất cả những khuynh hướng tiêu cực, thì bạn cần phải có một kế hoạch nghiêm túc, một tinh thần tích cực, đầy năng lượng và nhiệt huyết.

Sự nghiêm túc và chăm chỉ mài dũa nên tài năng, còn lười biếng sẽ ăn mòn trí tuệ, và khiến bản thân bị trì độn.

Chăm chỉ sẽ khiến chúng ta ngày càng vươn lên cao, càng lười biếng thì càng chìm sâu xuống đáy. Lười biếng sinh ra bất mãn, đố kỵ và ganh ghét, trong khi lao động lại nâng cao tinh thần và nhân cách.

Nếu muốn một tương lai hạnh phúc cho con, hãy trau dồi thói quen tư duy, suy nghĩ, sẽ khiến chúng luôn bận rộn với điều gì đó hữu ích hoặc có lợi, ngăn cản chúng mắc phải thói quen lười biếng. 

Có câu nói rằng, người nào sống mà không làm được điều gì có ích cho xã hội, không làm cho ai được hạnh phúc, là họ đang sống một cuộc đời đầy ích kỷ- một cuộc đời tội lỗi. Vì một cuộc sống ích kỷ chính là một cuộc sống tội lỗi.

Không có nơi nào có chỗ cho sự lười biếng. Làm việc vừa là nghĩa vụ, vừa là sự cần thiết cơ bản của con người, và theo sau nó luôn là một phần thưởng xứng đáng. Cha mẹ có bổn phận khích lệ và nuôi dưỡng tinh thần lao động cho con ngay từ khi còn nhỏ.

Sự bắt bẻ và càu nhàu

Lịch sự giống như chất xúc tác cần thiết để trục xoay của cuộc sống có thể trơn tru hơn. 

Thói quen bắt lỗi và hay càu nhàu của một số người là một điều cực kỳ khó chịu, và theo thời gian, tới một lúc nào đó nó sẽ làm xáo trộn sự điềm tĩnh và khí chất dịu dàng của bạn.

giá trị tinh thần; giáo dục đạo đức; giáo dục con cái
Không ngừng bắt lỗi, càm ràm và cố chấp với cái sai, thì dẫu thứ không thực sự sai cũng thành sai (ảnh minh họa: Dailymail)

Chỉ vì một chút phiền toái, lo lắng và bất hạnh mà khiến cuộc sống trở thành gánh nặng. Chỉ vì một vài thiếu sót nhỏ không đáng mà chúng ta liên tục giày vò bản thân và mọi người xung quanh. Không ngừng bắt lỗi, càm ràm và cố chấp với cái sai, thì dẫu thứ không thực sự sai cũng thành sai.

Không nên vạch áo cho người xem lưng

Bất kể mâu thuẫn nào trong gia đình cũng không nên tiết lộ ra ngoài. Những người hay nói xấu gia đình mình cũng thường bị xã hội lên án, dù là lý do gì cũng đều không chính đáng cho việc này. Các thành viên trong gia đình thù hận lẫn nhau là một điều vô cùng xấu hổ và bất hạnh.

Xung đột về lợi ích 

Xung đột về lợi ích là nguyên nhân dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong gia đình. Chúa dạy rằng: “Anh em phải coi chừng, phải biết giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”. Vậy nên, hạn chế hoặc không kinh doanh, buôn bán với những người thân thiết gần gũi, đặc biệt là những mối quan hệ trong gia đình. 

Trong kinh doanh đàn ông có khả năng rất thực tế. Thói quen thực tế này sẽ dễ khiến người thân cho rằng bạn có động cơ vị kỷ. Điều này dễ phá vỡ vỏ bọc tình yêu trong gia đình. 

Giáo dục luôn là một vấn đề cấp thiết nhưng đầy khó khăn trở ngại. Việc tôn vinh các giá trị đạo đức, giáo dục con cái từ trong gia đình sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho xã hội.

Theo Epochtimes

x