Nhân sinh cảm ngộ

Tâm chẳng mong cầu, tự nhiên đạt được

30/11/22, 17:26
Tâm chẳng mong cầu, tự nhiên đạt được
Nhân sinh như mộng, hà tất phải làm khổ chính mình vì những truy cầu, chấp niệm (ảnh minh hoa: Pinterest)

Nhân sinh vốn không khổ, là con người tự khổ bởi quá nhiều ham muốn. Tâm vốn không mệt, mệt mỏi là do ôm giữ quá nhiều thứ mà không buông. Nắm càng chặt, mất càng nhiều; càng truy cầu càng khó đạt được, tâm chẳng mong cầu, tự nhiên có.

Người xưa thường nói, đời là bể khổ, hết thảy thống khổ đều do chấp niệm. Lục tổ Huệ Năng có bốn câu kệ nổi tiếng:

“Bồ Đề vốn không cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Nào chỗ bám trần ai”.

Vạn sự thế gian, hết thảy đều chỉ là một màn huyễn cảnh, trong huyễn cảnh ấy, người ta vì vô số những chấp niệm sai lầm của mình mà tự làm bản thân thống khổ và phiền não.

Tâm chẳng mong cầu, giấc ngủ cũng bình yên

Trong “Thế thuyết tân ngữ” có một câu chuyện xưa kể rằng: Hứa Tảo và Cố Hòa, hai người đều làm việc dưới trướng Thừa tướng Vương Đạo và rất được trọng dụng. Mỗi lần tham gia du nhạc yến tiệc, đều mang theo hai người họ. Hai người biểu hiện cũng không có gì khác biệt, đều vô cùng xuất sắc và ưu tú.

Duy chỉ có một lần, họ cùng tới phủ Thừa tướng tham gia yến hội, vô cùng vui vẻ. Buổi tối, Vương Đạo liền sắp xếp cho hai người ngủ lại trong phủ. 

Tuy nhiên, Cố Hòa lại trăn trở cả đêm không ngủ, ngược lại Hứa Tảo vừa lên giường đã ngáy lớn.

Sau này Vương Đạo thở dài nói: “Xem ra ngủ ở phủ nhà ta không dễ mà ngủ được”.

Hai người đều ngủ lại phủ thừa tướng, nhưng Cố Hòa lại trằn trọc khó ngủ, bởi vì trong tâm anh ta có chấp niệm, sợ vì sơ suất mà thất lễ, đắc tội làm thừa tướng mất vui; sẽ khiến bản thân mất đi thứ gì đó, ảnh hưởng công danh sự nghiệp.

Còn Hứa Tảo, tâm vô sở cầu, vô ưu vô lo, bình yên đi vào giấc ngủ, kỳ thực lại có hậu. Chẳng những được sống vui vẻ từng ngày, mà công danh sự nghiệp cũng hiển vinh.

Truy cầu là căn nguyên của mọi thống khổ trên đời

Trong “Thái Căn Đàm” có câu rằng: “Gió đưa cành trúc la đà, gió đi rồi trúc chẳng lưu thanh; nhạn vượt hồ băng, nhưng hồ không lưu ảnh. Quân tử duyên đến thì tâm khởi, duyên rời lòng cũng hóa hư không”.

tâm vô sở cầu; không cầu mà tự đắc; vô sở cầu nhi tự đắc
Đừng mãi ôm giữ những khổ não, đừng giam mình trong những đau khổ vô nghĩa (ảnh minh họa: Saostar)

Vạn vật tùy duyên mà khởi diệt, đến rồi lại đi, bất luận là lâu dài hay ngắn ngủi, khổ đau hay khoái lạc, tất cả rồi cũng hóa hư không.

Thế nhân mê muội, truy cầu đủ thứ, tham lam vô độ, lại không biết rằng truy cầu là khổ, là căn nguyên của mọi thống khổ trên đời. 

Nhân sinh ngắn ngủi, hà tất phải cuốn mình vào những phiền não, ảo vọng mỗi ngày. Cuộc sống vốn không dễ dàng, chúng ta nhất định phải sống thật vui vẻ, những thứ không thuộc về mình thì đừng cố chấp, những gì đã mất thì quên đi. 

Đừng mãi ôm giữ những khổ não, đừng giam mình trong những đau khổ vô nghĩa. Thay đổi cách sống, thay đổi cách nhìn về thế giới này, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. 

Trong Đạo Đức Kinh có câu: “Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không triệu hồi mà tự đến, bình thản khéo sắp đặt mọi việc”.

Cái gì cần nắm thì hãy nắm, cái gì cần buông thì cứ buông

Có một vị giáo sư già, ngày nào cũng chèo thuyền ra hồ đánh cá đến lúc mặt trời lặn mới về; thu hoạch nhiều nhất cũng chỉ được hai con cá nhỏ dài hai ba tấc, rất ít khi câu được cá lớn. Thế nhưng mỗi ngày sau khi trở về ông ta đều vui vẻ hài lòng, không có chút buồn rầu gì.

Bởi tâm không có quá nhiều truy cầu, với ông cảm giác vui vẻ chính là câu cá, chứ không phải là số cá câu được. Vậy nên cá lớn hay nhỏ với ông không quan trọng, tâm tình thật là ung dung. 

tâm vô sở cầu; không cầu mà tự đắc; vô sở cầu nhi tự đắc
Câu cá mới là thú vui, chứ không phải vui vì cá lớn hay nhỏ (ảnh minh họa: Sohu)

Từng có câu nói như thế này: “Khi bạn nắm bàn tay lại, bên trong không có gì; nhưng khi bạn mở bàn tay ra, cả thế giới đều trong tay bạn”.

Sự đời thường là như vậy, cố gắng theo đuổi lại chẳng được, tâm không mong không cầu lại tự có. 

Nhiều khi chúng ta không hạnh phúc là bởi cầu quá nhiều mà được lại quá ít, sở dĩ phiền lòng là do sự thỏa mãn luôn không đủ.

Trong mệnh có thì ắt sẽ có, mệnh không có thì cưỡng cầu cũng không được. Trạng thái tốt nhất của con người chính là không cưỡng cầu, không lấy thứ không thuộc về mình.

Con người sống trên đời, bước chân trên đại địa, thì cứ thuận theo theo tự nhiên mà sống. Mọi sự trần gian nên xem nhẹ một chút, quan hệ giữa người với người không cần quá nặng lòng, được mất thành bại chẳng so đo. Tâm chẳng mong cầu thì lòng nhẹ hóa hư không, tâm biết đủ mới cảm thụ được hạnh phúc chân thực.

Theo Kknews

x