Dân gian lưu truyền rất nhiều điển tích về các bậc hiền sĩ giữ lòng chính trực, cự tuyệt mọi cám dỗ, phúc báo cho con cháu nhiều đời sau.
Cổ ngữ có câu: “Nhân gian tư ngữ, thiên văn nhược lôi”. Nghĩa là con người nơi thế gian dẫu chỉ nói nhỏ thì thầm, thì Ông Trời vẫn nghe được rõ ràng như sấm.
Kỳ thực, thời xưa có rất nhiều người ngay từ trong lời nói, hành vi vẫn luôn giữ sự chính trực. Dẫu chẳng để tâm, nhưng Thần linh vẫn luôn âm thầm ghi chép lại; phúc báo tới con cháu nhiều đời sau.
Những điển tích về phương diện này, dân gian lưu truyền thật không ít. Ví như câu chuyện về đại học sĩ “Tào Nãi không thể” thời Chính Đức Minh Vũ Tông. Trạng nguyên Đường Cao từng nói rằng: “Cửa sổ giấy bị rách thì dễ sửa, nhưng âm đức bị tổn hại thì rất khó vãn hồi, sửa chữa” (thời xưa người ta thường dán cửa sổ bằng giấy, nên rất dễ bị thủng hoặc rách).
Triệu Bỉnh Trung đắc phúc báo từ người cha chính trực, thiện lương
Vào thời nhà Minh, có một vị Trạng Nguyên tên Triệu Bỉnh Trung, cha là Triệu Hi làm quan phó ở huyện.
Lúc Triệu Hi còn trẻ, đương thời có một vị Chỉ Huy Sứ bị người ta hãm hại; phải chịu cảnh hàm oan nơi ngục tối. Ông đã dốc hết sức mình tìm cách giải oan và cứu người đó thoát cảnh tù đày. Sau này vì muốn báo đáp đại ơn của Triệu Hi, vị Chỉ Huy Sứ kia muốn mang con gái gả cho Triệu Hi làm tiểu thiếp. Tuy nhiên, ông liên tục xua tay nói: “Không được”. Dù vị kia có nói thế nào, ông vẫn kiên quyết từ chối.
Năm Vạn Lịch thứ 26 triều Minh (1598, năm Mậu Tuất), Triệu Bỉnh Trung lên kinh dự thi. Trên đường đi có một người chặn kiệu lại và nói: “Không được! Không được! Người này sẽ là Trạng Nguyên”, nói như vậy vài lần rồi biến mất. Kết quả, thực sự kỳ thi đó Triệu Bỉnh Trung đã đỗ Trạng nguyên.
Ông trở về quê nhà, bèn mang câu chuyện kỳ lạ này nói cho phụ thân nghe. Triệu Hi cảm khái nói: “Chuyện đã xảy ra hơn hai mươi năm rồi, cha chưa từng nói cho bất kỳ ai. Thật không ngờ bây giờ Thần minh lại nói cho con”.
Giấc mộng lạ của người bạn đồng hương
Triều Thanh, ở Hồ Châu có một người tên Diêu Văn Điền. Năm đó, ông cùng một người đồng hương lên kinh dự thi. Bạn của ông trong một lần nằm mộng, thấy mình đi đến một điện phủ, có tiếng người nói to: “Trạng Nguyên đâu ra đây!”
Lúc này cánh cửa mở ra, có hai người mặc áo đỏ, tay cầm hai lá cờ vàng; mỗi lá cờ ghi một dòng chữ: “Lòng người dịch muội” và “Thiên lý nan khi”. Khi tỉnh lại, người bạn không hiểu được ý tứ trong giấc mơ. Đợi khi quan phủ công bố kết quả thi, thì Diêu Văn Điền đứng đầu bảng vàng. Người bạn kia liền đem giấc mộng kể lại cho ông nghe. Ông cẩn thận suy nghĩ rồi nói: “Đây đúng là lời mà bậc tiền bối nhà tôi từng nói”.
Tổ tiên cự tuyệt nhận hối lộ, hậu thế đắc phúc báo
Thì ra, cao tổ (cha của ông cố) của Diêu Văn Điền từng làm quan xử án ở Hoàn Giang. Lúc đó, có hai phạm nhân bị người ta hãm hại, vu oan, thậm chí còn bị phán tử hình. Sau khi điều tra kỹ càng, biết được họ bị hàm oan, ông bèn hạ lệnh thả ra. Lúc này, đột nhiên có người dâng lên hai nghìn lượng bạc để hối lộ; muốn ông phải xử tội chết cho cho hai người kia.
Ông liền cự tuyệt và nói: “Nhân tâm dịch muội, thiên lý nan khi. Vi liễu đắc đáo ngân tử nhi uổng sát vô cô chi nhân, thiên lí bất dung”. (Nghĩa là con người mê muội có thể qua mắt được, nhưng lý trời sao có thể lừa dối. Vì tiền mà giết người vô tội thì đạo trời không tha).
Có rất nhiều điển cố về sự quân tử chính trực, cự tuyệt mọi cám dỗ của cổ nhân, vẫn luôn được lưu truyền trong dân gian, mãi cho tới ngày nay.
Theo NTD