Trong cuốn sách Nữ giới, Ban Chiêu đã chỉ ra rằng “cung kính nhu thuận” là lễ nghĩa quan trọng nhất của người phụ nữ.
Người xưa có câu “lễ tiết dân tâm”, nghĩa là lễ giáo có thể dùng để tiết chế tâm của con người. Thời xưa, Trung Hoa là đất nước lễ nghi bậc nhất thế giới, được các nước khác ngưỡng mộ thán phục, còn phái người đến học tập. Hiện tại lễ nghĩa, lễ giáo của rất nhiều quốc gia châu Á phần lớn đều là học tập từ Trung Quốc.
Nội dung chính
Vài nét về Ban Chiêu và cuốn sách “Nữ giới” nổi tiếng
Ban Chiêu, tự Huệ Ban, là nữ sử học gia, đồng thời là nhà văn thời Đông Hán. Bà xuất thân trong gia đình học vấn uyên bác. Cha của Ban Chiêu là Ban Bưu, đại văn hào thời Đông Hán. Anh trai cả là Ban Cố, người biên soạn sách Tiền Hán thư. Ban Chiêu lấy chồng năm 14 tuổi. Chồng bà là Tào Thế Thúc, qua đời sớm. Bà ở vậy thủ tiết, dạy con trai Tào Cốc thành người.
Ban Chiêu là người phụ nữ tài năng lỗi lạc. Bà thường được truyền vào Hoàng cung dạy kinh sử cho Hoàng hậu, Quý phi, hay cung nhân.
Năm 70 tuổi, bà viết cuốn sách Nữ giới, dùng phương pháp huấn dụ (lời dạy bảo, khuyên nhủ của bề trên) để đưa ra những quy tắc đạo đức cho người phụ nữ trong lập thân, xử thể. Cuốn sách có ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử, đã trở thành sách giáo dục vỡ lòng cho người nữ qua các triều đại Trung Quốc.
Cuốn sách nhỏ, chỉ hơn 1800 chữ, có 7 chương tương ứng với 7 phương diện đức hạnh của người phụ nữ, gồm ti nhược, phu phụ, kính thuận, phụ hạnh, khúc tòng, hòa thúc muội và chuyên tâm.
Trong 7 chương của Nữ giới, Ban Chiêu nhắc đến “cung kính nhu thuận” đầu tiên. Bà chỉ ra đó là hành vi chuẩn tắc quan trọng nhất của phụ nữ, cũng là sự bảo vệ lớn nhất của phụ nữ.
Cung kính nhu thuận là lễ nghĩa trọng yếu của người phụ nữ
Ban Chiêu viết: “Làm phụ nữ thì phải khiêm hạ, nhẫn nhường, đối với người cung kính. Khi gặp việc tốt thì luôn nhường người lên trước, mình lui lại phía sau. Dù bản thân làm điều tốt cũng không được khoe khoang tự mãn, còn làm việc sai thì không được thoái thác trách nhiệm. Hàm dưỡng đức nhẫn nhục, không tranh biện với người. Thường giữ tâm kính sợ, dè dặt cẩn thận. Nếu có thể thực hành không mỏi những việc trên thì đã tận đạo nghĩa ti nhược, khiêm nhường rồi vậy.”
Bà cũng viết: “Người nam thuộc tính dương, người nữ thuộc tính âm. Hai tính âm-dương không đồng nhau, thế nên phẩm hạnh giữa nam và nữ có sự khác biệt. Dương lấy cương làm đức tính của nó. Âm lấy nhu là tướng dụng của mình. Người nam lấy cương cường làm quý, người nữ lấy nhu thuận làm mỹ đức. Thế nên, tục ngữ có câu: ‘Sanh con trai mạnh mẽ như sói, mà sợ nó nhút nhát nhu nhược. Sanh con gái gan nhỏ như chuột mà sợ nó hung dữ như hổ‘.
Đạo tu thân của người nữ không gì hơn chữ ‘kính’. Có thể chung sống với người cang cường mà không xung đột, được lợi ích dài lâu, không gì hơn thực hành chữ ‘thuận’. Thế nên nói rằng: ‘Dùng Lễ để hộ vệ chính mình, kính và thuận là hành vi chuẩn tắc quan trọng nhất của phụ nữ, cũng là sự bảo vệ lớn nhất của phụ nữ‘.”
Người phụ nữ cung kính nhu thuận như thế nào?
Ban Chiêu giải thích thêm “Kính không có gì khác ngoài việc giữ được bền lâu, thuận không có gì khác ngoài việc có thể khoan dụ. Thế nào là giữ được bền lâu? Chính là biết dừng lại, biết đủ, biết đủ thường vui, an với bổn phận. Thế nào là khoan dụ? Chính là biết khoan dung, cung kính, khiêm hạ.”
Như vậy, cái gốc của phẩm chất cung kính nhu thuận là hạ thấp cái tôi, luôn nghĩ đến người trước, ta sau. Vì đặt mình sau người khác, nên khi mâu thuẫn phát sinh, người phụ nữ có thể nhẫn nhường; không làm tổn thương đối phương, giữ được hòa khí trong nhà. Vì hiểu bổn phận của mình mà người phụ nữ chịu thương chịu khó, thường xuyên gánh vác trách nhiệm; nhưng không tự mãn về những gì mình đã làm được, mà ngược lại, chỉ sợ bản thân làm chưa đủ tốt.
Cung kính, nhu thuận không phải là yếu đuối. Để có thể giữ mình khiêm hạ, nhẫn nhục, phải là người có nội tâm thâm hậu. Nếu như ở trước mặt một người đang đùng đùng nổi giận mà người phụ nữ vẫn có thể bình tĩnh mềm yếu, cư xử hợp tình hợp lý, thì đó chính là lấy nhu chế cương.
Mối quan hệ “thuận” với chồng, bố mẹ chồng, anh chị em chồng
Ban Chiêu chỉ ra trong Nữ giới rằng người phụ nữ nhất định cần được lòng chồng, thuận theo bố mẹ chồng, hòa hợp với anh chị em chồng.
Bà viết “Mẹ chồng cho điều này là không tốt, bạn cảm thấy điều này tốt, bạn vẫn nên nghe theo mẹ chồng. Mẹ chồng cho là tốt, bạn cảm thấy không tốt, bạn càng phải thuận theo mẹ chồng mà đi làm; nhất định không được xung đột, tranh biện đúng sai, đây chính là khúc tòng vậy. Cho nên sách ‘Nữ Hiến’ có câu: ‘Con dâu vâng theo mệnh lệnh của cha mẹ chồng như bóng đi sát theo hình, như tiếng vọng gắn liền với âm thanh thì đâu có lý nào không có được sự yêu thương của cha mẹ chồng cơ chứ?’”.
Người xưa chú trọng “dĩ hòa vi quý”. Đối với anh chị em chồng lại càng cẩn thận trong cư xử để có thể đạt đến điểm này.
Ban Chiêu viết rằng “Phụ nữ có được tình yêu của chồng là do được cha mẹ chồng yêu thương. Cha mẹ chồng yêu thương là do được em trai, em gái của chồng yêu mến. Từ đó suy ra, sự vinh hay nhục của chính mình là do em trai, em gái của chồng mà nên; vì vậy không được để mất lòng em trai, em gái của chồng. Người thông thường không biết rằng không được để mất lòng em trai em gái của chồng; họ không chung sống hòa thuận với các em của chồng mà vẫn mong được lòng cha mẹ chồng, đây là việc hồ đồ lắm vậy. “
Phụ nữ ngày nay đã xa rời phẩm chất cung kính nhu thuận?
Người phụ nữ ngày nay, vì ảnh hưởng của quan niệm sai lệch “người không vì mình, trời tru đất diệt”, đã đặt cái tôi của mình lên cao. Đó là nguyên nhân căn bản dẫn đến những mâu thuẫn xung đột với chồng, cha mẹ chồng, cũng như anh chị em chồng. Hơn nữa, khi chạy theo tiền bạc và quyền thế, vì mưu cầu một cuộc sống sung túc, họ đã không thể biết điểm dừng, không biết đủ. Nếu cuộc sống không như ý liền sinh ra phàn nàn, oán trách, trong tâm bất bình.
Vậy làm thế nào cung kính nhu thuận? Người phụ nữ chỉ có cách ngược dòng “xã hội kim tiền”; lấy mục tiêu tu dưỡng tâm tính làm trọng; tìm về văn hóa truyền thống tốt đẹp làm chuẩn mực cho mình. Khi không ngừng phát hiện và gột rửa các tư tâm dơ bẩn; dần dần tâm đạt đến độ thuần tịnh, vị tha; thì người phụ nữ dù giữ quyền cao chức trọng cũng sẽ cung kính nhu thuận; nhờ đó gia đình yên bề vững chắc.
Người xưa nói: “Đức nhân có xa ta không? Chỉ cần khởi tâm muốn làm điều nhân thì sẽ có nhân thôi”. Như vậy, người phụ nữ muốn cung kính nhu thuận, chỉ cần chân thật dụng tâm là có thể làm được.
Hậu quả khi vợ chồng thiếu cung kính nhu thuận
Trong Nữ giới viết rằng: “Vợ chồng chung sống với nhau dưới một mái nhà, lâu ngày chầy tháng sự thân mật đùa giỡn thái quá sẽ trở thành tâm khinh mạn. Đã sanh tâm khinh mạn thì ngôn ngữ sẽ thành bất kính. Khi lời nói đã bất kính thì hành vi sẽ phóng túng. Hành vi một khi đã phóng túng thì nào tránh khỏi việc xúc phạm chồng. Đây đều do không biết lẽ chừng mực, không biết tri túc an phận, phóng túng do nết cang cường mà ra.
Sự tình có cong có thẳng, lời nói có đúng có sai. Vì để tranh mình đúng, người sai mà hai bên phát sinh tranh cãi, từ tranh cãi sẽ sinh ra phẫn nộ. Đây là do người nữ không biết kính thuận, khiêm hạ mà nên. Tâm khinh mạn, xúc phạm chồng nếu như không tiết chế ắt dẫn đến việc nhiếc móc, trách cứ. Nếu nhiếc móc, trách cứ không thể khống chế được lòng phẫn nộ thì sẽ dùng đến roi, đến gậy.
Đạo vợ chồng vốn dĩ dùng lễ nghĩa mà chung sống hòa thuận, dùng ân nghĩa mà hòa hợp thân ái. Nếu như dùng đến roi gậy mà đối đãi nhau thì còn chi là lễ nghĩa nữa! Lời nhiếc móc đã thốt ra thì còn gì là ân ái nữa đâu! Nếu không còn lễ nghĩa và ân tình thì vợ chồng ắt sẽ phân ly.”
Ban Chiêu phân tích thấu tình đạt lý. Bà đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến vợ chồng tranh cãi là do người nữ không biết kính thuận, khiêm hạ. Khi người vợ khinh mạn, xúc phạm chồng thì đã quá rời xa lễ nghĩa trọng yếu mà một người phụ nữ cần có.
Lời kết
Trong Hán tự, chữ An 安 gồm bộ miên (mái nhà) ở trên, bộ nữ (người phụ nữ) ở dưới. Hình tượng trong giáp cốt văn được khắc họa bên ngoài là mái nhà; bên trong có một cô gái đang quỳ. Hàm ý chính là khi người phụ nữ hạ mình cung kính nhu thuận, gia đình sẽ luôn an ổn.
Theo văn hóa truyền thống, người phụ nữ được ví như phong thủy của gia đình. Khi người phụ nữ không cung kính nhu thuận mà tỏ ra mạnh mẽ và khinh mạn, gia đình sẽ trường kỳ lục đục căng thẳng. Nếu để mâu thuẫn tích tụ thì dẫn đến thân nhân xa cách ly tán; tổn hại không thể vãn hồi.
Người phụ nữ còn được ví von như nước, nước nuôi dưỡng vạn vật; vạn vật sinh trưởng nhờ nước. Nước chảy về chỗ thấp, gặp phải chướng ngại vật biết tự động rẽ tránh, không đối đầu. Bởi vì không đối đầu nên nước không bị tổn thương. Hơn nữa, nước chảy đá mòn, nhu thuận có thể khắc cương cường. Ban Chiêu viết rằng “Khiêm hạ là cái gốc của đức hạnh, thuận là hành vi chuẩn tắc của phụ nữ.“
Vì vậy, phụ nữ biết hạ mình chỗ thấp sẽ nâng gia đình lên. Một người phụ nữ biết cung kính nhu thuận là ngọn nguồn của gia đình ấm êm, hạnh phúc.
Xem thêm