Người đạo đức giả thường có vẻ ngoài rất hoàn mỹ, thường hay giúp đỡ người khác, chỉ là đằng sau hành động của họ đều có ý đồ riêng.
Người ta thường nói kẻ đạo đức giả còn đáng sợ hơn là tiểu nhân. Bởi vì tiểu nhân giống như là một con chó hung dữ đuổi theo cắn người; chúng ta có thể đề phòng, tránh né và chống trả khi cần thiết. Còn kẻ đạo đức giả lại bất chợt từ phía sau đâm tới, làm cho chúng ta không thể đề phòng. Trong “Thái căn đàm” đã đưa ra 4 đặc điểm của kẻ đạo đức giả:
Nội dung chính
1. Giúp người vì muốn nổi danh
Giúp đỡ người khác là một mỹ đức, nó không phải là thủ đoạn để truy cầu danh lợi.
Nếu giúp đỡ người khác chỉ vì danh tiếng thì sẽ mất đi ý nghĩa ban đầu. Không những thế, những người như vậy thường là bạc tình bạc nghĩa, thấy lợi quên nghĩa, ngàn vạn lần không nên kết giao.
Có câu nói, giúp người không cầu báo đáp, cầu báo đáp không phải là giúp người. Phải học được cách bao dung với người như biển lớn, tích đức dày như núi cao.
Không cầu mà tự được, chỉ có thành tâm giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi gì, bạn mới có thể thực sự tích phúc báo cho mình; giúp cho bản thân và thế hệ mai sau tránh được tai họa, gặp dữ hóa lành.
2. Làm việc thiện là vì muốn hơn người khác
Có người khi làm việc thiện mà trong tâm chỉ nghĩ đến việc đề cao địa vị của bản thân trong lòng người khác; muốn vượt qua người khác.
Làm việc thiện phải xuất phát từ nội tâm, hoặc từ niềm tin tín ngưỡng, như vậy mới có thể tạo dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Chỉ có hành thiện không cầu báo đáp thì bạn mới có thể cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc thực sự, và cuộc sống của bạn sẽ ngày càng có giá trị hơn.
Nếu bạn làm việc tốt chỉ vì mua danh cầu lợi, tích lũy danh tiếng, thì hết thảy những việc bạn làm không phải là thiện thực sự, mà đó chỉ là đạo đức giả.
3. Giữ lễ nghĩa chỉ vì muốn tỏ ra khác biệt
Hàng ngày giữ gìn lễ nghĩa chỉ vì muốn nổi bật khác người; muốn biểu hiện rằng bản thân không giống người khác. Loại người này cũng không phải là thiện lương thực sự.
Người có phẩm hạnh thực sự sẽ rất nghiêm khắc đối với bản thân; cho dù chỉ có một thân một mình thì cũng thời thời khắc khắc tự cảnh tỉnh bản thân. Người như vậy sẽ không ham thích hư vinh.
Tăng Quốc Phiên từng nói, có 3 loại người không thể làm cộng sự: “Nói thì hay làm thì dở, không nói lý lẽ, lập dị khác người”.
Những người thích lập dị khác thường thì hay có bất đồng với người khác. Ở đây không phải nói rằng họ làm gì đó sai, chỉ là trong đối nhân xử thế thì không biết cách viên dung chỉnh thể. Họ chỉ biết thể hiện cá tính của mình; như vậy nhân sinh thường sẽ không được thuận lợi.
4. Học tập vì muốn làm ‘chấn động thế giới’
Cố gắng thành tựu sự nghiệp chỉ vì muốn làm người khác kinh ngạc, làm chấn động thế giới, khiến cho người khác bội phục. Những người như vậy cũng không phải là tốt thực sự.
Một người muốn đạt được những điều lớn lao thường có ước mơ riêng của mình. Để theo đuổi ước mơ, bạn sẽ không ngừng chiến thắng chính mình, chỉ để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Có người chỉ muốn thu hút được sự chú ý của người khác. Họ không thể nào chấp nhận được việc bị coi thường, lúc nào cũng muốn được người khác công nhận. Họ đang xây dựng sự tự tin dựa trên ý kiến đánh giá của người khác.
Loại người này cũng thường hay gặp, họ thích khoe khoang, muốn trở thành tiêu điểm của mọi người, muốn được làm trung tâm của sự chú ý. Những người này dù làm bất cứ việc gì thì đều không phải là chân thành.
Danh lợi tình khiến con người ta trở thành ‘đạo đức giả’ mà không hay biết, sớm phát hiện ra và loại bỏ nó để trở thành một người thiện lương thực sự.
Theo Vision Times
Xem thêm video: