Chúng sinh căn cơ bất đồng, đối với thế gian vô thường, có người có thể ngộ ra ngay, có người lại phải chịu đủ đau khổ rồi mới tỉnh mộng trần gian.
Nội dung chính
Thế gian có 4 loại ngựa
Một ngày nọ, Đức Phật Thích Ca đang ngồi ở trong tịnh xá Trúc Lâm của thành Vương Xá; các đệ tử đi khất thực lần lượt trở về tịnh xá, người nào cũng có vẻ uy nghiêm và an hòa.
Các đệ tử lặng lẽ đi đến bên bờ ao, rửa đi những bụi đất bám ở chân. Sau đó ngồi ngay ngắn ở trên đệm ngồi, chờ đợi sự chỉ dạy của Đức Phật.
Lúc này Đức Phật mới mỉm cười nói: “Thế gian có 4 loại ngựa: Loại thứ nhất là lương mã (ngựa hiền lành), chủ nhân quàng yên ngựa cho nó, đeo hàm thiếc và dây cương. Nó một ngày có thể đi được ngàn dặm, nhanh như sao băng. Điều đáng quý hơn nữa là ngay khi chủ nhân giơ cây roi da lên, nó vừa nhìn thấy bóng cây roi thì đã biết được tâm ý của chủ nhân; biết chạy nhanh hay chậm, biết thong thả hay cấp bách, biết tiến hay lùi; hành động chuẩn xác kịp lúc, không sai chút nào. Đây có thể nói là con ngựa bậc nhất.
Loại thứ hai là hảo mã (ngựa tốt), lúc chủ nhân vung cây roi da lên, nó nhìn thấy bóng roi, nhưng không thể lập tức cảnh giác. Chờ đến khi roi chạm vào lông đuôi thì nó mới có thể hiểu được ý của chủ nhân, lúc này mới chạy vọt lên. Đây cũng có thể coi là phản ứng nhanh nhẹn. Một con ngựa tốt mạnh mẽ chạy giỏi”.
Ngựa ngốc nghếch, phải ăn roi mới chịu cất bước chân
Đức Phật nói tiếp: “Loại thứ ba là dong mã (ngựa bình thường). Bất kể chủ nhân có giơ cây roi da lên bao nhiêu lần, nó nhìn thấy bóng roi nhưng cũng không phản ứng chút nào. Thậm chí roi quất vào da lông như mưa thì nó vẫn cứ thờ ơ, phản ứng chậm chạp. Đợi đến khi chủ nhân nổi giận lên, dùng roi quất mạnh vào da thịt, lúc này con ngựa mới nhận ra, thuận theo mệnh lệnh của chủ nhân mà chạy cho nhanh. Đây là một con ngựa bình thường khá chậm chạp.
Loại thứ tư là nô mã (ngựa tồi), lúc chủ nhân giơ roi lên, nó coi như là không thấy. Khi roi quất vào da thịt thì nó vẫn không cảm thấy gì. Đến lúc chủ nhân tức giận lên, hai chân kẹp chặt lấy thiết trùy ở hai bên của yên ngựa; thoáng chốc cơn đau thấu tận xương tủy. Con ngựa lúc này như tỉnh mộng, phóng chân chạy như bay. Đây là con ngựa tồi, ngốc nghếch, ngu si”.
Chúng sinh có 4 loại căn cơ bất đồng
Đức Phật nói đến đây đột nhiên dừng lại, khẽ nhìn qua các đệ tử rồi nói tiếp: “Các đệ tử! 4 loại ngựa này giống như là 4 loại chúng sinh với căn cơ bất đồng.
Loại người thứ nhất, biết được thế gian vô thường, có sinh ly tử biệt, liền có thể sợ hãi mà cảnh giác, phấn khởi tinh tấn; nỗ lực không ngừng để trở thành một sinh mệnh hoàn toàn mới. Cũng giống như là lương mã, nhìn thấy bóng roi là đã biết chạy về phía trước; không cần đợi đến khi roi quất vào người, đợi đến khi mất mạng rồi hối hận cũng không còn kịp nữa.
Loại người thứ hai, nhìn thấy thế gian hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết; nhìn thấy sinh mệnh vô thường, sinh sinh diệt diệt; cũng có thể kịp thời nghiêm khắc với bản thân, không dám lười biếng. Giống như là hảo mã, roi mới quất vào da lông thì đã biết phải nhanh chân mà chạy về phía trước”.
Chúng sinh nên sớm tỉnh mộng trần gian
Đức Phật tiếp tục giảng giải: “Loại người thứ ba nhìn thấy người thân bạn bè trải qua sự giày vò của cái chết, nhục thân thối rữa; thấy đời người nghèo khổ khốn đốn, mắt thấy sự thống khổ của chia ly; lúc này mới bắt đầu buồn bã và sợ hãi, mới đối xử tử tế với sinh mệnh của mình. Giống như là dong mã, nếu không phải là bị roi quất cho đau đớn thì cũng không tỉnh ngộ được.
Loại người thứ tư là khi bản thân đã bị bệnh tật xâm lấn, toàn thân đau đớn, thân như ngọn đèn trước gió. Lúc này mới hối hận vì ban đầu đã không chịu nỗ lực. Giống như là nô mã, bị đau thấu tận xương tủy mới chịu chạy nhanh. Thế nhưng lúc này cũng quá muộn rồi”.
Bạn muốn là lương mã hay nô mã? Sự việc thế gian bày ra trước mắt, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng ngộ như thế nào còn tùy vào căn cơ của mỗi người.
Theo Vision Times