Bao Công thanh liêm chính trực và đã để lại rất nhiều giai thoại, trong đó có một điển cố nổi tiếng là “Bao Công không lấy một cái nghiên mực quay về”.
Nội dung chính
Tiến cống nghiên mực Đoan Khê
Năm Khang Định đầu tiên thời Tống Nhân Tông, Bao Chửng (còn gọi là Bao Công) được điều đến Đoan Châu làm quan. Ông đến làm quan không lâu thì nghe nói quan lại ở địa phương đã nhiều lần mượn việc tiến cống nghiên mực Đoan Khê (một loại nghiên mực nổi tiếng) để bóc lột nhân dân; việc này làm cho thợ làm nghiên mực khổ sở vô cùng.
Vì muốn làm rõ việc này, nên vào một ngày nọ, Bao Công đã cố tình mặc áo thường dân và hẹn với một nhân sĩ ở địa phương tên là Từ Nhạc Thiên đi đến thôn Hoàng Cương – nơi đứng đầu về làm nghiên mực, để tìm hiểu rõ hơn về tình huống làm nghiên mực ở địa phương.
Họ đi vào trong thôn thì nghe thấy âm thanh leng keng phát ra từ một cái lều cỏ. Đến gần quan sát, thì thấy một nhóm 4, 5 người đang làm nghiên mực; họ tập trung tinh thần đục phôi nghiên mực, khắc hoa văn. Bao Công nhìn liếc qua, chỉ thấy lều cỏ tả tơi, không chịu nổi mưa gió; những người làm nghiên mực quần áo rách rưới, xanh xao vàng vọt.
Bên cạnh thấy có một lão nghệ nhân đang thở dài, oán trách quan phủ muốn có nhiều nghiên mực nhưng lại trả quá ít tiền. Có nghệ nhân trẻ tuổi còn mắng quan phủ không có lương tâm; mặc kệ sống chết của những người làm nghiên mực. Bao Công cứ lặng lẽ ghi nhớ từng lời nói của họ.
Bao Công thanh liêm chính trực
Về lại nha môn, Bao Công lập tức phái Bao Hưng đi tìm thư lại Trương Khảo Văn – người chuyên xử lý việc tiến cống nghiên mực. Trương Khảo Văn này đã làm thư lại được 10 năm, chuyên dùng nghiên mực Đoan Khê để biếu quan trên, tranh thủ lấy lòng thượng cấp.
Ông ta nghe Bao Công hỏi về việc nghiên mực Đoan Khê thì lập tức mặt mày hớn hở. Trương Khảo Văn cho rằng Bao Công cùng với người tiền nhiệm của ông thì cũng giống như nhau; vì vậy liền dâng tặng một cái nghiên mực chất lượng tốt, còn nịnh bợ mà nói rằng: “Việc tiến cống nghiên mực năm nay tôi đã chuẩn bị xong rồi. Đại nhân mà có cần dùng thi tôi cũng có chuẩn bị trước rồi. Khối nghiên mực này đại nhân cứ nhận lấy, số còn lại tôi sẽ lần lượt dâng lên”.
Bao Công nghe xong, trong lòng đã hiểu rõ. Vốn theo quy định ở trên, Đoan Châu mỗi năm phải tiến cống 10 khối nghiên mực; nhưng quan địa phương lại tự ý tăng số lượng khối nghiên mực lên. Đây chính là bóc lột những người làm nghiên mực và kiếm lợi riêng.
Bao Công càng nghĩ càng giận, sắc mặt tái xanh. Ông cầm khối nghiên mực Trương Khảo Văn dâng lên ném phịch xuống đất một cái. Trương Khảo Văn lập tức sợ hãi toát mồ hôi lạnh. Lúc này mới biết được Bao Thanh Thiên công chính nghiêm minh; vì vậy mà quỳ rạp dưới đất dập đầu xin tha tội.
Chấn chỉnh việc quan lại tham ô
Bao Công lại để cho Trương Khảo Văn nói rõ ra tình huống cống nạp nghiên mực trong mấy năm qua. Trương Khảo Văn không dám giấu diếm, liền liệt kê ra những tham quan, nhân sĩ vô đức, đã mượn việc tiến cống nghiên mực mà tham ô, vơ vét tài sản; làm tăng thêm biết bao gánh nặng cho người làm nghiên mực.
Bao Công nhắm vào tệ nạn này mà đưa ra một cáo thị, cảnh báo giới quan viên, nhân sĩ, không được tùy tiện gia tăng số nghiên mực tiến cống; không được ăn chia tiền công của những người làm nghiên mực. Cáo thị này đã phản ánh đúng tâm nguyện của quần chúng; những bậc nhân sĩ có đạo đức cũng hết sức ủng hộ. Qua việc này thì uy danh của Bao Thanh Thiên lại còn truyền xa hơn nữa.
‘Bao Công không lấy một cái nghiên mực quay về’
Tương truyền lúc Bao Công rời chức vụ, nam nữ già trẻ lớn bé thành Đoan Châu đều đến bến sông để tiễn ông. Có một số người nổi tiếng, thân sĩ, đã mang ít đồ vật đến tặng Bao Công nhưng đều bị ông từ chối.
Thuyền của quan trong tiếng reo hò tán dương xuôi theo phía Tây mà đi; không lâu sau thì đã đến Linh Dương Hiệp. Vốn là trời trong nắng ấm, nắng ráo sáng sủa, nhưng thuyền qua Linh Dương Hiệp thì lại biến đổi bất ngờ, mây đen cuồn cuộn kéo đến, sóng đục dâng lên từng lớp.
Bao Công cảm thấy sự việc kỳ lạ, trong tâm nghĩ hay là đám thủ hạ đã nhận hối lộ và đang giấu ở trên thuyền. Ông lập tức lệnh cho Bao Hưng đưa gia nhân đến tra hỏi. Thư đồng tùy tùng của ông đột nhiên quỳ xuống nói:
“Đại nhân, có một chuyện mà tiểu nhân quên bẩm báo. Trước khi đi khỏi Đoan Châu, nhân sĩ Từ Nhạc Thiên đã đặc biệt tặng cho đại nhân một cái nghiên mực Đoan Khê. Bởi vì tiểu nhân cho rằng đây chỉ là việc nhỏ, nên không có bẩm báo; đã lén thay đại nhân mà thu nhận, hiện đang để ở trong thuyền”.
Bao Công thanh liêm chính trực để lại tiếng thơm muôn đời sau
Bao Công nghe xong lập tức sai thư đồng mang cái nghiên mực đó ra. Khối nghiên mực Đoan Khê này được bao bên ngoài bằng vải màu vàng; thân của nghiên mực được trạm trổ long phượng, mắt chim sáo xanh biếc óng ánh, quả nhiên là một cái nghiên mực tuyệt hảo. Nhưng Bao Công cầm lấy cái nghiên mực đó, cũng không thèm nhìn qua, tiện tay ném luôn xuống sông.
Kể ra cũng kỳ lạ, nghiên mực rơi xuống sông thì lập tức gió êm sóng lặng, mây rẽ ra lộ ánh mặt trời. Sau khi thuyền rời đi không lâu thì tại chỗ nghiên mực bị ném xuống có nổi lên một đám đất bồi. Tấm vải vàng bọc nghiên mực thuận theo dòng mà trôi đi, sau này tạo thành một bãi cát.
Nghe nói “Nghiên Châu” (cồn nghiên mực) và “Hoàng Bố Sa” (bãi cát vải vàng) của thị trấn Quảng Lợi đã được hình thành như vậy. Trong “Tống Sử – Bao Chửng truyện” đã ghi lại chuyện Bao Công “Không lấy một cái nghiên mực quay về”.
Bao Công thanh liêm chính trực, ngay thẳng vô tư, không tham dù chỉ một chút lợi nhỏ, để lại tiếng thơm muôn đời.
Theo Epoch Times