Hang Mạc Cao (Thiên Phật Động) là quần thể kiến trúc Phật giáo nổi tiếng thế giới. Các bức bích họa ở hang đá này thể hiện quá trình truyền bá Phật Giáo vào Trung Hoa. Đa số đều là hình tượng về tích Phật, các vị Bồ Tát, Hộ Pháp của Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Á và Trung Quốc.
Hang số 237 ở Thiên Phật động có một bức tranh vẽ hình tượng Phật hai đầu được sơn vẽ vào giữa triều nhà Đường.
Dù trải qua hơn 1000 năm lịch sử, màu sắc bức tượng vẫn vô cùng rực rỡ, sống động như thật. Điều này khiến du khách không khỏi thán phục. Không chỉ vậy, còn có một câu chuyện vô cùng cảm động về bức tượng này.
Nội dung chính
Câu chuyện cảm động về bức tranh tượng Phật hai đầu
Tấm lòng thành kính của hai người nghèo khó
Tại nước Kiện Đà La ở Ấn Độ cổ có hai người nghèo khổ nọ vô cùng kính ngưỡng Phật Pháp. Từng giây từng phút hai người luôn nghĩ giành dụm tiền. Mục đích để thực hiện lý tưởng lớn nhất cả đời mình. Đó là vẽ một bức tượng Phật để bày tỏ tấm lòng. Hai người thức khuya dậy sớm. Một người làm việc bằng hai người. Họ nhịn ăn nhịn mặc. Cuối cùng mấy năm sau, cả hai cũng tích góp tiết kiệm được một số tiền nhỏ.
Ngày nọ, hai người vui vẻ đến chùa. Họ thỉnh cầu một vị họa sĩ vẽ giúp một bức tượng Phật. Dâng số tiền bằng đôi tay run rẩy, họ nói với người họa sĩ: Thưa ngài, từ lâu chúng tôi hy vọng có thể vẽ được bức tượng Phật Tổ. Nhưng chúng tôi nghèo tới cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Mấy năm nay làm thuê được chút tiền. Cả đời này, có lẽ chúng tôi không thể tích lũy được nhiều hơn nữa. Vì vậy muốn dùng số tiền này nhờ ngài vẽ cho chúng tôi mỗi người một bức tượng Phật.
Nhìn số tiền, họa sĩ nghĩ số này còn chẳng đủ mua phẩm màu vẽ! Làm sao có thể vẽ được hai bức tượng Phật? Nhưng cảm động trước sự chân thành của họ, ông đã đồng ý.
Làm cảm động vị họa sỹ
Người họa sĩ tự bỏ tiền túi mua màu vẽ loại tốt nhất. Ông cố gắng dùng hết tài hoa của mình khắc họa bức tượng một cách thật sáng tạo độc đáo. Ông cũng cố gắng thể hiện cô đọng sự thành kính của 2 con người đáng thương vào một bức chân dung nhỏ. Với suy nghĩ này, ông cảm thấy chưa bao giờ vẽ dễ dàng như bây giờ. Hình ảnh của Đức Phật cũng chưa bao giờ chân thực sống động như vậy dưới nét bút của ông.
Người họa sĩ tập trung hết sức, vung bút vẽ vẽ, chỉ mấy hôm đã hoàn thành. Nhìn bức tượng Phật thù thắng trang nghiêm, trong lòng ôngvui sướng vô hạn. Ông không thể tin được đó là bút tích của chính mình. Có lẽ do ông một lòng vì hai người nghèo khó kia nên mới có thể vẽ ra được bức tượng Phật tinh mỹ như vậy.
Sau hơn 10 ngày, hai người nghèo đến xem tượng. Với vẻ mặt đầy tự hào, người họa sĩ chỉ vào tác phẩm của mình và nói: Người anh em, đây là bức tượng Phật mà tôi đã vẽ cho các anh. Hy vọng các anh sẽ hài lòng.
Hai người nhìn bức tranh, rồi nhìn nhau, và không nói một lời nào. Người họa sĩ thấy vậy thì giải thích: Các anh đều là những người nghèo khó. Tôi không tham tiền của các anh. Nói thật, số tiền đó không đủ mua sơn để vẽ, chứ đừng nói là tiền công. Nhưng tôi đã dốc hết tâm ý và kỹ năng của mình dung hòa vào bức tượng Phật.
Thần tích xuất hiện
Vừa dứt lời thì Thần tích xuất hiện. Bức tượng Phật phóng ra ánh sáng chói lóa. Một vầng hào quang sắc vàng xuất hiện chiếu sáng cả ngôi chùa. Càng ngạc nhiên hơn, khi tượng Phật từ từ chuyển động và tách ra thành hai vị Phật giống hệt nhau, chiếu rọi vào nhau, sắc màu kỳ diệu đến lóa mắt. Phút chốc, hai vị phật dần dần hợp lại thành một, trở thành một bức tượng Phật hai đầu vô cùng mỹ diệu và thù thắng vô song. Cả ba vội quỳ xuống đất khấu đầu đảnh lễ.
Sau đó, người họa sĩ và hai người nghèo đều quy y Phật Pháp, cùng xuất gia tu hành tại ngôi chùa này. Kể từ đó, người người từ khắp nơi đến ngôi chùa này để chiêm ngưỡng bức tượng Phật hai đầu. Khói hương nghi ngút cúng dưỡng quanh năm.
Câu chuyện có hàm ý rằng tiền cúng dường, tạc hay vẽ tượng Phật đều phải là những đồng tiền chân chính, trả bằng mồ hôi nước mắt, sức lực, tâm huyết, và sự thành kính. Như thế mới tạo thành phúc, mới tạo nên kỳ tích.
Phật Pháp là toàn năng và vô biên. Đức Phật chỉ nhìn nhân tâm, và tấm lòng thành kính đối với Phật Pháp của nhân loại. Còn đem cúng đồng tiền được tạo ra từ tội lỗi thì chắc chắn không Phật nào hóa độ.
Đôi nét về hang Mạc Cao
Hang Mạc Cao – kiệt tác kiến trúc trên vách đá
Hang Mạc Cao tọa lạc ở núi Minh Sa, cách thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc 25 km về Đông Nam.
Hang Mạc Cao là một hệ thống gồm 492 hang, dài 1600m. Nó sở hữu 45.000m2 bích họa của 10 triều đại, cất giữ hơn 50.000 bản văn thư và 2415 pho tượng, 5 nôi nhà gỗ.
Hang Mạc Cao được mệnh danh là động nghìn Phật. Bởi tại đây có rất nhiều bức bích họa hình tượng Phật, Bồ Tát, Hộ Pháp. Ghi dấu quá trình truyền bá Phật giáo vào Trung Hoa.
Hang Mạc Cao – đỉnh cao của nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc
UNESCO đưa Hang Mạc Cao vào danh sách Di sản văn hóa thế giới vào năm 1987.
Không chỉ có số lượng lớn tác phẩm về thần, phật. Các bức bích họa của hang dù trải qua hàng nghìn năm nhưng màu sắc vẫn tươi sáng, đường nét rõ ràng. Nội dung của các bức bích họa là hình tượng Thần, Phật, Bồ Tát, cũng có cả rất nhiều hình ảnh phi thiên, vũ nữ hoặc ca kỹ gảy đàn tỳ bà…
Cụm 5 tượng ở hang số 328 gồm tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, 2 vị bồ tát và 2 đệ tử Maha Ca Diếp, A Nan được đánh giá là tinh tế nhất.
Theo Visiontimes