Nhân sinh cảm ngộ

6 quy tắc ứng xử cao minh: Giàu sang quý ở nhân từ, nghèo khổ hay ở khí phách

05/07/21, 11:24
đạo nhẫn
"Nhẫn" thực chất là "có thể chịu đựng", là tố chất, bản sự của một người, là thể hiện của năng lực tinh thần và thể chất của một người. (ảnh Adobe Stock)

Dù trong hoàn cảnh nào cũng đều có thể chính trực đường hoàng, như hoa sen trong bùn nhơ, mang lại niềm tin và vẻ đẹp cho đời. Dưới đây là 6 quy tắc ứng xử cao minh, giúp bạn có những lựa chọn đúng đắn trong đối nhân xử thế.

1. Hành thiện quý ở lòng hiếu thuận, tu thân cần phải thận trọng khi chỉ có một mình

Ở trên thế gian này, việc gì cũng có thể chờ đợi, duy chỉ có hiếu thuận là không thể chờ được. Hiếu thuận song thân là việc thiện to lớn nhất. Khiến cha mẹ vui mừng gọi là hiếu thuận, khiến chúng sinh vui mừng gọi là hành thiện. Hiếu thuận là không khiến cho cha mẹ đau lòng, không khiến cha mẹ thất vọng; làm sao để cha mẹ luôn vui mừng và hài lòng, đây mới là hiếu thuận thực sự. 

Tu thân cần phải thận trọng nhất là khi chỉ có một mình, ở ngoài sáng cũng như ở trong tối, khi ở trước mặt mọi người hay khi chỉ có một mình thì hành vi trước sau như một, không thay đổi, như vậy mới gọi là bậc quân tử. Người xưa thường có thói quen mỗi ngày tự xét mình ba lần. Những lúc không có ai, thì dù là chuyện nhỏ nhặt cũng phải thận trọng như bước đi trên băng mỏng, như đứng trước vực sâu; trước sau không phóng túng bản thân, không vượt quá khuôn phép.

2. Quy tắc ứng xử: Nhân phẩm quý ở chính trực, tâm địa hay ở phúc hậu

Quy tắc ứng xử nơi công cộng; Quy tắc ứng xử trong công ty; Quy tắc ứng xử là gì
Người phúc hậu sẽ khiến cho người khác cảm thấy tin tưởng, an lòng (ảnh Adobe Stock)

Nhân phẩm lấy chính trực làm gốc. Chính trực là nền tảng làm người, là rường cột để sinh tồn, cũng là căn bản của đối nhân xử thế. Phẩm hạnh đoan trang, nhân cách ngay thẳng; làm người cần phải chính trực, làm việc cần phải nghiêm túc đường hoàng. “Cây ngay không sợ chết đứng, chân ngay không sợ giày lệch”, người mà chính trực, tâm địa sẽ được bình an. 

Người phúc hậu thì luôn khiêm tốn và tự cho mình nhỏ bé. Duy chỉ có như vậy thì lòng người mới cao thượng, tâm tính con người mới ôn hòa nhã nhặn. Người phúc hậu, thông suốt độ lượng, xem trọng nghĩa khí, giữ vững chữ tín. Người phúc hậu sẽ khiến cho người khác cảm thấy tin tưởng, an lòng, cũng khiến người ta cảm động; ấm áp như chăn đắp vào mùa đông, dễ chịu như gió mát vào mùa hè.

3. Đối đãi với người quý ở sự thẳng thắn chân thành, đối nhân xử thế hay ở chỗ khiêm tốn hòa nhã

Người quân tử lòng dạ thoáng đãng, kẻ tiểu nhân khúm núm rụt rè. Chân thành đối đãi với người sẽ khiến chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không; hơn nữa sẽ được người khác tôn trọng, giúp mọi việc đều thuận lợi hanh thông. 

Khiêm tốn là một loại năng lực, nước sâu chảy chậm, người sang nói tiếng nhẹ nhàng. Khiêm tốn hòa nhã thì lòng cũng không vướng bận, nói chuyện tự nhiên vui tươi mà được mọi người yêu mến. Khiêm tốn cũng là một loại tu dưỡng, tự hạ thấp mình mà lại được người khác nâng lên, tự nhiên cao quý mà không cần nhọc sức khoe khoang.

Quy tắc ứng xử của viên chức; Nguyên tắc ứng xử với đồng nghiệp; Nguyên tắc ứng xử với cấp trên
Trong giao tiếp cần nhất là sự chân thành (ảnh Adobe Stock)

4. Quy tắc ứng xử: Làm người quý ở thiện tâm, làm việc hay ở hết lòng hết dạ

Thiện tâm như nước, có thể làm dịu tấm lòng, tĩnh lặng tâm hồn. Thiện tâm như mặt trời, có thể chiếu sáng nhân tâm, khiến tình thương nảy nở sinh sôi. Thiện tâm như mặt trăng, mang lại hy vọng trong đêm tối. Thiện tâm như bảng chỉ đường, giúp con người khỏi lạc bước trong trần thế u mê. 

Dù là làm việc gì cũng phải hết lòng hết dạ. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nếu làm việc gì cũng đều có thủy có chung, gắng sức hết mình, chắc chắn sẽ giảm thiểu được những điều tiếc nuối, mà lại còn được ông Trời phù hộ.

5. Nói năng quý ở khiêm tốn hòa nhã, cử chỉ hay ở thận trọng vững vàng

Nói năng khiêm tốn hòa nhã thì sẽ dễ xử thế, hành vi khiêm tốn thì sẽ dễ làm người. Khiêm tốn chính là “gặp nhau nơi đường hẹp, nghiêng người để dễ đi chung”. Đất kia nhờ biết hạ mình mà thành biển cả, người nhờ biết hạ mình mà thành bậc Đế vương. Cao quý mà không khoe khoang, giỏi giang mà không phô diễn, đây mới là cảnh giới chí cao của đời người.

Cử chỉ thận trọng vững vàng, có trước có sau, tiến lùi có khuôn phép, vừa giúp cho hành động ngay chính, không phóng túng bản thân, vừa được người khác tôn trọng tin tưởng. Trong đối nhân xử thế cần phải giữ khoảng cách nhất định, gần gũi quá sẽ dễ thất lễ, xa xôi quá sẽ dễ mất bạn.

Nguyên tắc ứng xử trong công ty; Nguyên tắc ứng xử công sở; Nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp
Giỏi giang mà không khoe khoang, tự nhiên sẽ được mọi người tôn trọng (ảnh Adobe Stock)

6. Quy tắc ứng xử: Giàu sang quý ở nhân từ, nghèo khổ hay ở khí phách

Người xưa nói: “Vi phú đương nhân” (giàu mà có nhân đức), người càng giàu lại càng phải chú trọng lòng nhân từ, vì giàu sang phú quý cũng là từ phúc phận mà ra. Nếu không biết làm việc thiện giúp đỡ người khác thì giàu sang đến mấy cũng chỉ một đời là hết, không để lại được gì cho con cháu, như thế là không có hậu. Giàu ở của cải, nhưng sang lại ở tâm hồn, người có lòng nhân từ mới là cao quý thực sự. 

Người nghèo hay ở khí phách, nghèo mà không hèn, dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ vững ý chí của mình. Làm người chỉ cần có chí khí, có mục tiêu theo đuổi, dốc lòng thực hiện thì nhất định cũng có thể hoàn thành được ước mơ của mình. Người có ý chí thì trong tuyệt vọng vẫn có thể tìm thấy con đường; trong đêm tối vẫn nhìn thấy ánh sáng buổi bình mình.

Theo DKN

x