Nhân tướng học là có thể đoán biết được tương lai hay tính cách của một người thông qua diện mạo bề ngoài của họ. Hình tướng bên ngoài bao gồm tiếng nói, sắc diện và hình thể; chỉ cần một chi tiết nhỏ cũng tiết lộ rất nhiều điều về một người.
- Tâm sinh tướng, làm thế nào để có ngoại hình đẹp và vận mệnh tốt?
- Quỷ Cốc Tử: Ba kiểu người nhất định không có phúc khí
Nội dung chính
Tướng anh hùng trong nhân tướng học
Sách “Tướng mệnh khảo luận” của tác giả Vũ Tài Lục có bàn về tướng của anh hùng và tướng ác nhân khá thú vị và dễ hiểu. Cho rằng tướng anh hùng là quý nhất và thế gian hiếm gặp.
Tướng anh hùng thể hiện ở hai mắt và hòa khí trong người. Mắt đen sáng mà có hào khí thì mới là anh hùng. Tướng mắt sáng thì có thể thông minh hơn người nhưng không có hào khí thì thông minh dễ thành học lỏm và mãi phải chạy theo hầu hạ người khác.
Hào khí chính là muốn nói khí tiết trong sạch và chí lớn vươn xa. Mà cái hào khí này thì phải nhìn vào ngôn từ lỗi lạc, âm thanh đầm ấm, phong thái điềm đạm thì mới biết được.
Hình tượng anh hùng hoàn hảo như thế thì có lẽ nhân gian khó gặp, khó tưởng tượng; vì vậy mà sách “Nhân Luân Thống Phú” đã thử đưa ra 3 hình tướng anh hùng:
Loại thứ nhất
Mắt sáng phóng thần quang. Loại này đa số hình dài vuông vắn, người tròn rất ít, nhưng da thịt phải chắc chắn khỏe mạnh. Trong cư xử hàng ngày thì không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn; không phân biệt bạn mới hay bạn cũ; đối xử với ai cũng chân thành. Sống đầy nghĩa khí mà không bị mê hoặc bởi những lời xu nịnh. Một khi đã quyết làm gì thì sẽ làm cho tới cùng; một lời nói ra nặng tựa ngàn cân.
Hình tượng điển hình cho loại thứ nhất là Trương Lương – một trong những quân sư kiệt xuất của nhà Hán; ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà được người đời xưng tụng là ‘Hán sơ tam kiệt’ (3 anh hùng hào kiệt của nhà Hán).
Loại thứ hai
Ánh mắt thâm trầm, tướng mạo quật cường. Việc gì chưa quyết thì thường trầm tư suy nghĩ thật chín chắn. Không bị động tâm bởi lời khen chê của người đời. Ý chí mạnh mẽ. Có thể nhẫn được những việc mà người bình thường không thể nhẫn. Dám đảm đương gánh vác và chịu trách nhiệm. Là người dũng cảm hào sảng, toát lên khí độ phi phàm. Vì chí lớn nên thường phải chịu khổ. Hình tướng bên ngoài phần lớn là gầy và dài; khí sắc xanh trắng như thiếu máu, nhìn có vẻ khổ cực phong sương.
Hình tượng điển hình cho loại thứ hai là Hàn Tín – danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch; có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm. Hàn Tín cũng lưu lại câu chuyện nổi tiếng về việc ‘chịu nhục chui háng’, thể hiện tâm đại nhẫn của ông; ông quả thực là người có thể nhẫn được những việc mà người bình thường không thể nhẫn được.
Loại thứ ba
Lông mày rộng, mắt lớn, thần thái cương nghị, thân hình vạm vỡ; bề ngoài hơi thô nên không khéo léo, cái gì cũng thẳng tuột như ruột ngựa. Tư tưởng đơn giản, ghét rườm rà văn vở; không thích bị câu thúc gò bó; ghét mọi quy củ của thế tục. Là người có nghĩa khí, sẵn sàng lao vào lửa đao để bảo vệ ý chí của mình.
Hình tượng điển hình cho loại thứ ba là Hạng Vũ – một tướng quân nổi tiếng, có công trong việc lật đổ nhà Tần. Hạng Vũ thân hình cao lớn, có sức khỏe nâng được cả cái đỉnh nặng nghìn cân, chí khí hơn người.
Tướng ác nhân trong nhân tướng học
‘Nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm’, không giống như anh hùng xưa nay hiếm; ác nhân dường như là dễ gặp hơn, mà càng về sau này lại càng nhiều. Ác nhân cũng có nhiều loại, có loại vỗ ngực xưng tên, có loại thâm tàng bất lộ. Mà kẻ ác nhất lại là kẻ có vẻ ngoài nhã nhặn nhất, chính là muốn dùng vẻ ngoài khiêm cung để che đậy tâm địa rắn rết. Sách nhân tướng học có ghi lại một vài hình tướng về ác nhân như sau:
– Đứng đằng sau gáy trông thấy hàm, hàm gồ lên và bạnh ra ngoài.
– Đi chân nhón lên không đụng tới đất.
– Mắt đục như mắt cá.
– Hình giống con heo.
– Mắt như mắt gà, tròn, trợn trừng, lơ láo.
– Đầu thật lớn mà mắt lại nhỏ.
– Mũi gẫy gồ lên ba khúc, hoặc lồi lõm ba khúc.
Nhân tướng học dễ tìm hiểu nhưng khó giỏi
Lưu ý với bạn đọc là các đặc điểm ở trên cũng chỉ có thể dùng để tham khảo. Vì nhân tướng học cũng yêu cầu phải có cái nhìn tổng quát; việc này phụ thuộc khá nhiều vào khả năng của nhà tướng học.
Ngay như Viên Thiên Cang là bậc thầy tướng số và nhà tiên tri nổi tiếng sống vào triều đại nhà Đường; vậy mà có lúc ông coi tướng cũng bị sai. Chuyện kể rằng Lý Kiều là người có tài thi phú, nhưng anh em nhà họ Lý thường chết yểu.
Mẹ của Lý Kiều mới nhờ Viên Thiên Cang coi tướng hộ cho con mình. Ông nói: “Lý Kiều tinh thần tuy thanh khiết nhưng khí đoản sợ không thọ”.
Người mẹ nghe vậy lo lắng lắm, nhưng Lý Kiều lại chẳng coi lời đó là đúng. Người mẹ nài nỉ Viên Thiên Cang coi kỹ hơn và tìm cách hóa giải cho con. Cang nể tình ở lại nhà và quan sát mấy ngày.
Một đêm nọ, khi Lý Kiều đã ngủ say, Viên Thiên Cang thử nghe nhưng không hề thấy tiếng Lý Kiều thở; sờ vào tay chân thì vẫn thấy nóng ấm bình thường. Thấy lạ, ông để tay vào tai thì thấy hơi thở chui ra khỏi lỗ tai. Viên Thiên Cang giật mình tỉnh ngộ, biết là mình đã coi sai.
Sáng hôm sau ông nói với người mẹ rằng: “Lý Kiều có quý tướng, sau này sẽ hiển đạt; vì Kiều ngủ yên tĩnh như con rùa. Tuy nhiên Kiều sẽ không bao giờ giàu.”
Sau này quả nhiên Kiều làm quan to ở triều đình; bản tính lại thanh liêm nên nhà cửa lúc nào thanh bạch giản dị.
Tướng tùy tâm sinh
Tuy nhân tướng học có thể đoán định được vận mệnh, nhưng người xưa cũng nói “tướng tùy tâm sinh”, một người dù có tướng xấu thì vẫn có thể cải biến được vận mệnh nếu biết tu dưỡng tâm tính.
Ngược lại, một người có quý tướng nhưng lại phóng túng bản thân, chuyên làm những việc trái luân thường đạo lý thì rồi đường đời cũng bị ảnh hưởng; đáng giàu sang nhưng lại bần hàn; đáng danh vọng nhưng lại sa cơ lỡ vận.