Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn. Đây là câu thành ngữ được bắt nguồn từ “Hán thư – Đông Phương Sóc truyện”. Ý nói rằng nước mà sạch quá thì cá không thể nào sinh tồn được; người mà yêu cầu người khác nghiêm khắc quá thì cũng không ai có thể làm bạn.
- ‘Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời’, âu cũng chỉ là do tại nhân tâm
- Biết người biết mặt khó biết lòng, điều nhìn thấy chưa hẳn đã đúng
Nội dung chính
Nước trong quá thì không có cá, người thanh cao quá thì kẻ khác khó gần
Người thanh cao quá thì kẻ khác khó gần, Đạo cao quá người thường khó dung nạp. Vì vậy cao nhân có thể nắm được mà lại buông được; có thể hạ xuống được mà cũng có thể nâng lên được. Đôi khi biểu hiện là ở chỗ nào cũng có mặt; nhưng thoắt cái lại không thấy đâu cả.
Thành ngữ cổ có câu: “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”, kẻ tài trí giả như ngu dốt, kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ. Lão Tử cũng giảng: “Đại âm vô thanh, đại tượng vô hình”, tiếng lớn ầm ầm như không có tiếng, hình lớn hiện ra như không có hình.
Khổng Tử giảng “Ba người cùng đi tất có người là thầy ta”, chính là dạy con người phải nhìn đến chỗ khuyết thiếu của mình; thừa nhận mỗi người đều có ưu điểm và sở trường; mỗi người đều đáng giá để người khác tôn trọng và học tập. Đừng quá xét nét đối với người khác; tâm rộng lớn như biển dung nạp trăm sông, vậy thì mọi người tự nhiên sẽ tụ họp quanh ta mà không cần phải dùng đến thủ thuật đặc biệt nào cả.
Biển không chê sông nhỏ mà thành lớn, núi không chê đất thấp mà thành cao
Trong Nam Hoa Kinh có ghi lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Xưa có một bậc thầy đi chu du qua rất nhiều quốc gia. Trong quá trình này, từng có rất nhiều người tìm đến để mong được bái làm thầy mình. Trong đó có một người nước Lỗ tên gọi là Thúc Sơn Vô Chỉ. Thúc Sơn Vô Chỉ vì vi phạm pháp luật nên bị xử tội chặt một chân. Sau khi gặp đoàn xe của bậc thầy kia, anh ta một mực đi theo sau; mong muốn được bái kiến.
Sau khi Thúc Sơn Vô Chỉ được bái kiến, bậc thầy ấy nói với anh ta rằng: “Anh làm việc không cẩn thận, nên đã phạm tội bị chặt mất một chân. Cho dù hiện tại anh tìm được đến ta, nhưng không thể bù lại được tội ấy; thế thì có ích lợi gì?”
Thúc Sơn Vô Chỉ trả lời: “Tôi chỉ vì không hiểu rõ đạo lý nên mới mắc sai lầm để bị tội; bị chặt mất một chân. Hiện giờ tôi tìm đến ngài là bởi vì tôi vẫn còn có thứ cao quý hơn chân; tôi muốn bảo toàn nó. Trời không nơi nào là không che phủ, vạn vật đều được đất nâng đỡ. Tôi vốn coi ngài như là Trời Đất; nhưng nào ngờ ngài lại có thái độ như thế này”.
Nước trong quá thì không có cá, người tự cao quá thì không ai muốn gần
Bậc thầy kia nghe xong lời ấy thì vô cùng xấu hổ. Ông nói với Thúc Sơn Vô Chỉ rằng: “Ta thực sự là nông cạn, tiên sinh sao chẳng ngồi xuống; xin tiên sinh hãy nói những đạo lý mà tiên sinh biết; ta sẽ vô cùng nghiêm cẩn lắng nghe”. Nhưng Thúc Sơn Vô Chỉ chẳng để ý gì đến bậc thầy kia nữa, mà lặng lẽ bỏ đi.
Bậc thầy kia tiếc nuối nói với các đệ tử: “Hôm nay ta đã phạm phải một sai lầm lớn. Tại sao ta lại có thể căn cứ vào cái thiện ác trước đây của người ta để phán đoán người ta là người thế nào cơ chứ? Người giống như Thúc Sơn Vô Chỉ, mắc phải sai lầm bị chặt mất một chân; vậy mà vẫn nỗ lực học tập để tu sửa lỗi lầm xưa, tự trau dồi bản thân; huống chi là người chưa từng mắc sai lầm nào!”
Chừa lại đường lui cho người khác là thiện đãi bản thân mình
Mở ra cho người khác một con đường cũng là chừa lại cho mình một đường lui. Chuyện kể rằng, Sở Trang Vương một hôm cho bày yến tiệc linh đình, thết đãi các đại thần. Trong tiệc, gió lớn nổi lên bỗng thổi tắt hết đèn nến. Khi ấy, một quan viên lợi dụng đêm tối; kéo áo chọc ghẹo cung nữ của nhà vua. Người cung nữ ấy nhanh tay giật đứt giải mũ của ông này rồi tâu lên Sở Trang Vương; sau đó muốn thắp đèn nến lên, tìm xem ai là người đã chọc ghẹo mình và xử tội.
Đùa giỡn ái cơ của vua có nghĩa là làm nhục đến nhà vua. Đó là hành vi đại nghịch và coi thường đạo lý vua tôi. Nhưng Trang Vương nghĩ một lát rồi cao giọng nói to lên:
“Khoan hãy châm nến! Hôm nay trẫm muốn cho các khanh được vui vẻ sảng khoái. Không cần phải mũ áo thật chỉnh tề; mọi người hãy giật đứt hết các giải mũ thì mới vui!”.
Văn võ bá quan ngơ ngác, nhưng lệnh vua nào ai dám trái; thế là các đại thần văn võ đều giật đứt giải mũ của mình! Nhân thế, người trêu ghẹo cung nữ kia không bị lộ mặt nữa.
Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn
Hai năm sau, nước Sở đánh nhau to với nước Tấn. Qua năm trận kịch chiến, quân Sở có một võ tướng liều mình, tả xung hữu đột; không màng sống chết, luôn đi tiên phong. Quân Sở nhờ vậy thường thắng luôn. Sau này Sở Trang Vương lấy làm lạ, bèn cho gọi đến hỏi ngọn ngành.
Người ấy bèn thưa: “Thần chịu nghĩa xưa, đội ơn dày của bệ hạ đã tha cho tội khi quân. Vốn mong muốn liều chết để báo đền ân đức bệ hạ; đến nay thần mới có dịp. Thần là Tưởng Hùng, là người năm xưa trêu ghẹo cung nữ của bệ hạ trong tiệc rượu”.
Có nhiều người than rằng cảm thấy cô độc, không có ai chơi với mình. Nhưng hễ gặp gỡ bạn bè là lại bắt lỗi người khác, chỉ trích hết cái này đến cái nọ; rồi khoe khoang bản thân tài giỏi ra sao. Bạn bè có thể im lặng không nói gì nhưng họ sẽ xa lánh dần dần.
Người thiện lương như dòng suối mát lành, ai gần gũi cũng thấy dễ chịu; không nói mà tựa như nghe được bản nhạc du dương; không làm gì mà cảnh vật tự nhiên an hòa. Biển không chê sông nhỏ mà thành lớn, núi không chê đất thấp mà thành cao. “Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn”, bao dung được người khác chính là làm bản thân ngày càng trở nên vĩ đại hơn.