Nhân sinh cảm ngộ

5 định luật cuộc sống giúp bạn nhẹ nhàng

13/01/21, 16:31
định luật
Cuộc sống không phải lúc nào cũng là nắm giữ, đôi khi còn phải học cách buông bỏ (ảnh chụp màn hình Istockphoto)

Ai cũng muốn một cuộc sống nhẹ nhàng như dòng sông êm đềm. Nhưng đường đời trắc trở, sóng to gió lớn, không mấy khi gặp được việc như ý. Có những điều trong cuộc sống vốn đã trở thành định luật. Nếu bạn có thể nắm vững được nó thì đường đời cũng trở nên dễ dàng hơn.

1. Định luật cân đối

Thế giới luôn duy trì sự cân bằng theo cách tinh tế và độc đáo của nó. 

Ví dụ như “Bảo toàn đau khổ”. Những khó khăn mà mỗi người cần phải chịu đựng cả đời sẽ không tự nhiên mất đi; nó cũng không phải là vô cớ mà phát sinh. Bạn càng chọn cách né tránh hiện tại thì bạn sẽ càng phải hy sinh nhiều hơn để đối phó với nó trong tương lai.

Một biểu hiện khác của định luật cân bằng là: Khi có một phương diện nào đó không đủ thì sẽ có một phương diện tương ứng bị dư ra.

Ví dụ, nếu bạn không có đủ kiến thức thì bạn sẽ lo lắng nhiều hơn. Giống như một câu nói của Dương Giáng: “Vấn đề của bạn là suy nghĩ quá nhiều nhưng lại đọc sách quá ít”.

Lại có câu “Trí bất túc tắc đa nghi” (nhận thức không đủ thì lo nghĩ nhiều). Khi một người thiếu nhận thức thì anh ta sẽ nghi ngờ rất nhiều thứ; lúc nào cũng chần chừ không tiến về phía trước được.

Còn có câu “Độ bất túc tắc đa oán” (độ lượng không đủ thì hay oán trách). Khi cuộc sống một người không được đầy đủ thì nhìn đâu cũng thấy bất công. Lâu dần sẽ sinh ra tâm oán hận, bất mãn, suốt ngày than thở.

Cuộc sống này luôn công bằng. Mỗi khi bạn muốn có một thứ gì đó thì bạn cũng phải bỏ ra công sức tương ứng để đạt được nó. 

2. Định luật tương xứng

"Tri túc thường lạc", chỉ có biết đủ thì cuộc sống mới luôn tươi vui
“Tri túc thường lạc”, chỉ có biết đủ thì cuộc sống mới luôn tươi vui (ảnh chụp màn hình Istockphoto)

Mỗi người chỉ có thể nhận được những thứ phù hợp với bản thân mình. Nếu nhận nhiều hơn những thứ bản thân xứng đáng được nhận thì nhất định sẽ xảy ra tai họa.

Ví dụ như: danh tiếng một người không thể vượt quá tài năng vốn có; tài phú không thể vượt quá công đức; địa vị không thể lớn hơn cống hiến; chức vị không thể lớn hơn năng lực.

Trong Chu dịch – Hệ Từ Hạ có nói: “Đức bất phối vị, tất hữu tai ương”. Nghĩa là Đức không tương xứng với địa vị thì sẽ có tai ương. 

Đức mỏng mà địa vị cao, trí tuệ kém mà mưu việc lớn; năng lực nhỏ mà đảm nhiệm trọng trách lớn, thì nhất định sẽ không thể bền vững. Mỗi người chỉ có thể hưởng thụ những gì phù hợp với bản thân mình.

Cách tốt nhất để có được thứ gì đó là làm cho bản thân trở nên xứng đáng với nó thông qua nỗ lực của bản thân.

3. Định luật quan tâm

Có lần Khổng Tử giảng cho Nhan Hồi một đạo lý: Trong một canh bạc thì quyết định thắng bại không phải là kỹ xảo, cũng không phải là vận khí; mà là thứ mà anh mang ra để đánh cược.

Tại sao lại như vậy? Có người lấy mái ngói ra để đặt cược. Anh ta có thể đặt cược thoải mái. Bởi vì anh ta không quan tâm đến mái ngói, nên không việc gì phải vội.

Có người lấy lưỡi câu đắt đỏ ra để đặt cược. Anh ta sẽ nơm nớp lo sợ và tay chân run rẩy khi đánh bạc. 

Có người lại lấy vàng ra để đặt cược. Vậy thì mặc dù chưa đánh bạc nhưng thần chí đã hỗn loạn rồi. Bởi vì anh ta quá quan tâm đến được và mất. 

Có nhiều người làm việc không tốt bởi vì họ nắm mọi thứ trong tay quá chặt; hoặc luôn nhìn chằm chằm vào mục tiêu và không thể buông bỏ nó. Vì vậy họ lúc nào cũng sợ hãi và rụt rè.

Hầu hết các thất bại trên thế giới là nằm ở hai chữ “Quan tâm“. Nếu một người có thể buông bỏ những gánh nặng ở trong tâm thì rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa.

4. Quy luật dự phòng

Điều đáng sợ không phải là sự thay đổi đột ngột mà là sau khi thay đổi thì không còn lựa chọn nào khác
Điều đáng sợ không phải là sự thay đổi đột ngột mà là sau khi thay đổi thì không còn lựa chọn nào khác (ảnh chụp màn hình Istockphoto).

Khi lập trình viên lập trình thì phải có một bản sao lưu. Trong trường hợp ổ cứng bị hỏng hoặc mất mã, nếu không có bản sao lưu thì tổn thất sẽ rất nặng nề. 

Điều này cũng đúng trong cuộc sống. Nếu bạn chỉ có một lựa chọn và khi cánh cửa đó đóng lại thì bạn sẽ như con thú bị vây hãm trong lồng.

Một triết gia phương Tây từng nói: “Hãy học cách cắt móng tay bằng tay trái; vì không phải lúc nào tay phải của bạn cũng hoạt động được”.

Đây là quy luật dự phòng: Một người có tư duy rõ ràng thì lúc nào cũng chuẩn bị nhiều giải pháp và không bao giờ bị dồn đến đường cùng.

Ai cũng mong năm tháng êm đềm, nhưng thực tế thường là sóng to gió lớn. Điều đáng sợ không phải là sự thay đổi đột ngột, mà là sau khi thay đổi thì không còn lựa chọn nào khác.

5. Quy luật Cabe

Cabe, cựu chủ tịch AT&T đưa ra một ý kiến cho nhân viên: Đôi khi từ bỏ còn có ý nghĩa hơn là chiến đấu; và đó là chìa khóa của sự đổi mới.

Nếu bạn không có một chút nhiệt huyết nào, mà lại cứ loay hoay ở những công việc không đâu vào đâu; hao tổn tâm sức. Đây không phải là cố chấp mà là ngu ngốc.

Khi sai đường mà biết dừng lại thì cũng là một loại tiến lên. Tìm hiểu kỹ năng mà bạn giỏi và hiểu rõ năng lực của mình. Chỉ khi chọn đúng hướng thì bạn mới có thể nhìn thấy hy vọng.

Einstein từng nói: “Nếu bạn cho tôi một giờ để giải đáp về vấn đề sinh tử của tôi, tôi sẽ dành ra 55 phút để hiểu xem câu hỏi đang muốn nói cái gì. Một khi đã hiểu rõ là nó đề cập đến cái gì thì chỉ cần 5 phút là đủ để trả lời câu hỏi”.

Theo Aboluowang

x