Văn hóa truyền thống

3 phong tục truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ của Việt Nam

01/06/22, 18:08
Những món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ của Việt Nam
Những món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ của Việt Nam (ảnh: thethaovanhoa).

Sau Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống giàu ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay.

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Tết Đoan Ngọ là cái Tết chung tại một số nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan. Tuy nhiên ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn mang những ý nghĩa khác biệt.

Ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ

“Đoan” có nghĩa mở đầu, có thể hiểu là mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm. “Ngọ” chỉ giờ Ngọ, tức thời khắc nóng nhất trong ngày (khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều). Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Vì theo lý luận y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể con người vào ngày Đoan Ngọ đều lên đến cực đại.

Trong văn hóa Trung Quốc, Tết Đoan Ngọ là dịp để tưởng nhớ vị trung thần Khuất Nguyên. Đối với người dân Hàn Quốc, Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, sau khi thu hoạch mùa trước và bắt đầu cấy lúa. Đây là lúc người dân Hàn cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại.

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ gọi là ngày “Tết diệt sâu bọ”. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) là lúc chuyển mùa. Sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Do vậy, cần “giết sâu bọ” để chuẩn bị cho một mùa màng bội thu.

Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Hôm ấy, người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó…”.

Truyền thuyết ngày Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam

Theo truyền thuyết kể lại, một ngày sau khi thu hoạch, nông dân ăn mừng vì trúng mùa. Nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này. Bỗng nhiên, có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: “Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng. Mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng“.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”. Có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Những phong tục truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ

Theo truyền thống, người dân Việt Nam ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ. Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu. Gia đình thì làm lễ cúng tổ tiên và Thổ công. Lễ vật cúng là hoa quả, bánh tro (bánh gio), rượu nếp – đặc sản của văn minh lúa nước. Do 5/5 là ngày Hạ chí (cực nóng) nên đồ ăn đều là đồ nguội, lạnh mang tính hàn. Hoa quả được chọn có hình tròn như vải, mận (miền Nam gọi là mận bắc), hạt sen (làm chè). Thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11 giờ đến 13 giờ.

Ngoài phong tục ăn những món đặc trưng, chúng ta cũng có tục đi hái lá thuốc và tắm nước lá trong ngày này.

1. Tết Đoan Ngọ ăn món gì theo vùng miền? 

Tại miền Bắc, mọi người thường ăn rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm. Theo quan niệm, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại. Chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên. Con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát, nhất là rượu nếp để loại bỏ chúng. Đặc biệt, nếu thưởng thức món rượu này vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy thì càng hiệu nghiệm.

Rượu nếp cẩm là món ăn phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ
Rượu nếp cẩm là món ăn phổ biến trong ngày Tết diệt sâu bọ (ảnh: Khochoc.tv).

Tết Đoan ngọ có thể nói là thời điểm nóng nhất trong năm, dương khí cực thịnh. Cơ thể con người cũng theo đó mà phát nhiệt. Do đó, người xưa đã tìm đến các món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ giúp cơ thể điều hoà cân bằng âm dương, bảo vệ sức khoẻ.

Vì vậy, ngoài cơm rượu và hoa quả dùng để “diệt sâu bọ” thì có thể ăn bánh tro hay chè hạt sen, chè đỗ đen vào ngày Tết Đoan Ngọ để thanh nhiệt, trừ nắng nóng. Một số nơi như Huế có tập tục ăn chè kê. Người miền Trung thì chế biến các món ăn từ thịt vịt do vịt có vị ngọt, tính hàn.

Người dân miền Nam có tập tục ăn bánh trôi nước trong ngày Tết diệt sâu bọ
Người dân miền Nam có tập tục ăn bánh trôi nước trong ngày Tết Đoan Ngọ (ảnh: Internet).

Đối với người miền Nam, chè trôi nước là món ăn không thể thiếu vào ngày tết Đoan Ngọ. Những viên chè làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn kèm với nước cốt dừa mang lại cảm giác thanh mát, thơm ngon.

2. Tục đi hái lá thuốc

Một số thảo mộc có công dụng chữa bệnh và tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, vào giờ Ngọ ngày Đoan ngọ được tin là thời khắc dược tính đạt mức cao nhất. Những loại lá thuốc được thu hái nhiều nhất trong ngày này là trà xanh, ngải cứu, đinh lăng, lá mua, ích mẫu, tía tô, kinh giới, bồ công anh, sen, lá vối, lạc tiên, lá đơn đỏ… tuỳ thuộc vào từng địa phương.

Các loại lá được mang phơi khô và gọi với cái tên ‘lá mồng năm’. Người dân quan niệm lá mồng năm có tác dụng tốt đối với các bệnh ngứa ngoài da, bệnh đường ruột. Khi bị bệnh thì mang sắc lá để uống hoặc có thể dùng như trà giải khát hàng ngày.

Tập tục hái lá mồng năm vào dịp Tết Đoan Ngọ được duy trì từ xưa tới nay.
Bà Nguyễn Thị Lịch (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) làm nghề hái lá mùng 5 đã hơn 50 năm cho biết, từ nhỏ bà đã theo mẹ đi hái lá, rồi làm cho đến giờ. Bình thường bà làm đủ việc. Nhưng cứ đến dịp mùng 5 lại gác tất cả rồi lao đi tìm lá. Một số loại dễ trồng thì bà thu thập về trồng đầy vườn. Còn các loại khó trồng thì phải tìm kiếm ở các vùng bụi rậm hoặc lên rừng, núi mới có. “Nghề này tuy vất vả nhưng mình làm riết rồi lại nghiện. Cứ đến mùng 5 là nhất định phải hái lá bán. Nó cũng như một phong tục dân gian cha truyền con nối đời đời; một nét đẹp dân gian mỗi năm lại có vào mùng 5/5 của xứ Quảng mình”, bà Lịch chia sẻ (ảnh: Vietnamnet).

3. Tục tắm nước lá

Tục tắm nước lá thường xuất hiện ở các làng quê nông thôn Việt Nam và Trung Quốc. Người dân thường đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre; rồi lấy ra pha tắm để tẩy trừ ‘sâu bọ’ và phòng bệnh. Mùa nóng lại tắm nước ấm có lá thơm, mồ hôi toát ra; cảm giác khoan khoái dễ chịu; tinh thần phấn chấn; có thể trị được cảm mạo.

Tại Việt Nam, một số nơi còn tắm biển lúc chính Ngọ (đúng 12 giờ trưa). Đó gọi là ‘tắm mồng năm’ để gột rửa hết thảy vật chất xấu quanh cơ thể, diệt trừ ‘sâu bọ’.

Tắm mồng năm trong ngày Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam
Tắm mồng năm trong ngày Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam (ảnh chụp màn hình Dân trí).

Lời kết

Phong tục của Tết Đoan Ngọ phản ánh quan niệm “Thiên – Nhân hợp nhất”. Bề mặt là những món ăn đặc trưng, tập tục hái thuốc, tắm lá. Đằng sau là đạo dưỡng sinh âm dương ngũ hành; con người tùy thuận theo sự biến hóa của trời đất.

“Tháng tư đong đậu nấu chè, ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm” – đó là câu ca dao truyền miệng bao đời của người dân Việt Nam ta.

Đến ngày 5/5 năm nay, chúng ta lại cùng nhắc nhau về nội hàm của nét văn hoá truyền thống được cha truyền con nối từ xưa – ngày Tết Đoan Ngọ.

Xem thêm:

x