Văn hóa truyền thống

Vị tăng nghiêm khắc tu khẩu, chỉ phá lệ nói chuyện với quan thanh liêm

04/12/21, 16:38
Vị tăng nghiêm khắc tu khẩu, chỉ phá lệ nói chuyện với quan thanh liêm
Nhà Phật rất chú trọng việc tu khẩu (ảnh minh họa Adobestock)

Tu Phật có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, đều chú trọng vào tu thân, tu khẩu, tu ý. Có pháp môn đặc biệt coi trọng tu khẩu, thậm chí ngậm miệng không nói.

Vị tăng ngậm miệng không nói

Trước chùa Thánh Thủy ở huyện Nội Giang bỗng nhiên xuất hiện một vị hòa thượng, mọi người không biết ông là người ở đâu đến. Ông ngồi trên bậc thềm ở ngoài cửa chùa, đầu đội nón vải rách, quần áo vá víu, không ăn cơm, không nói chuyện; 3 ngày 3 đêm như vậy mà không nhúc nhích một chút nào.

Chùa Thánh Thủy nằm trong một khu rừng rậm rộng lớn, có hơn 100 hòa thượng tu tập ở đây. Các hòa thượng nhìn thấy hành vi kỳ dị của ông thì liền bẩm báo cho trưởng lão. Trưởng lão bước ra nhìn thấy như vậy thì cho rằng vị tăng kỳ dị này đến là có nguyên nhân. Vì vậy mới mời ông vào chùa, vậy là ông đi vào; mang cho ông thức ăn thì ông ăn. 

Trưởng lão chọn một căn phòng nhỏ, và để cho ông ở trong đó. Vị mặc tăng (vị tăng im lặng không nói) thường mấy ngày không ăn gì, nhưng khi ăn thì có thể ăn lượng cơm bằng mấy người ăn. Cùng ông nói chuyện thì ông cũng có thể hiểu được ý tứ, nhưng chỉ cười mà không trả lời. Lúc nào ông cũng đội một cái mũ rách và mặc quần áo tả tơi bất chấp mùa hè nóng bức. Tuy nhiên khi đứng gần ông thì lại không thấy có mùi hôi khó chịu nào.

Tu khẩu là gì; Tu khẩu đức; Tu khẩu ngữ
Ngôi chùa trong rừng bỗng xuất hiện một vị tăng không nói lời nào (ảnh minh họa Adobestock)

Có nhiều hành động kỳ lạ

Sống ở đó được 1 năm, trưởng lão thấy trên tóc của ông có nhiều chấy nên nói với ông: “Sao ông không cạo tóc?” Ông cười gật đầu đồng ý. Vì vậy ông đã cạo sạch tóc của mình. Trưởng lão cũng không cần dùng giới cấm để ước thúc ông, cứ để cho ông tùy ý. Các hòa thượng cũng không trách móc gì ông.

Cuộc sống trong chùa rất khó khăn, với hàng trăm mẫu ruộng được trồng trọt mà không có người làm thuê. Các công việc như nhóm lửa, nấu nướng, chẻ củi, gánh nước đều do các hòa thượng làm. Một hôm trưởng lão nói với các hòa thượng rằng: “Sáng sớm ngày mai mọi người sẽ vào trong núi để đốn củi”.

Các hòa thượng tuân mệnh đi vào trong núi, đến nơi chỉ thấy các cành cây nhỏ trước và sau núi đều đã bị đốn hạ và xếp thành một hàng; chỉ chờ các hòa thượng đến mang về. Các hòa thượng cảm thấy rất kinh ngạc; lại nghe thấy ở giữa sườn núi, có tiếng rìu đinh đang. Mọi người đi tới xem thử thì thấy vị mặc tăng đang mồ hôi nhễ nhại mà vung rìu chặt củi. Ông nhìn thấy mọi người đến thì cũng không nói gì mà rời đi. Các hòa thượng vậy là gánh cúi trên lưng mang về, gánh cả một ngày mới xong.

Được mọi người gọi là ‘Tiên’

Lại thêm 1 năm nữa trôi qua, từ xuân sang hạ không có mưa, ruộng khô cạn hết; mạ non đã dài hơn một thước mà vẫn chưa được mang đi cấy, mọi người đều rất lo lắng. Có một ngày, bỗng nhiên nhìn thấy vị mặc tăng nhổ mạ của chùa lên, kết thành bó rồi để lại trên ruộng. Mạ của chùa gần như đã bị ông nhổ lên hết.

Ai cũng trách ông, ông liền lặng lẽ bỏ đi. Đêm hôm đó trời mưa to, bởi vì vị mặc tăng đã nhổ mạ lên từ trước để mọi người phải cấy lúa luôn. Kết quả là thu hoạch bội thu. 

Tu thân khẩu ý; Tịnh khẩu là gì; Tu tịnh khẩu
Vị tăng có thể dự đoán trước được trời mưa (ảnh minh họa Adobestock)

Kể từ khi ông hiển lộ ra những việc làm kỳ lạ của mình, mọi người càng chú ý đến ông hơn. Có khi ông nằm ngủ ở giữa núi rừng, mưa ướt áo rách nhưng ông vẫn bình an vô sự. Có lần ông ăn bã đậu sống, khoai môn nướng mới chín một nửa… Những việc làm của ông đều là ngoài sức tưởng tượng của người khác. Mọi người nghe nói về sự kỳ dị của ông thì đều kéo đến xem ông hình dung ra sao; mọi người đều gọi ông là ‘Tiên’.

Coi thường danh vọng, vật chất

Có vị huyện lệnh cũng muốn gặp ông, nhiều lần mời ông đến mà ông không đi. Huyện lệnh còn chuẩn bị sẵn áo mũ để gửi tặng ông nhưng ông cũng không để ý tới.

Một hôm có người thủ hạ đột nhiên báo cáo: “Hòa thượng đến rồi!” Chỉ thấy hòa thượng ngẩng đầu, ưỡn ngực, đi từ ngoài sảnh vào, không coi ai ra gì. Mắt ông nhìn tấm bảng, đôi câu đối, dường như là rất hiểu văn tự. Huyện lệnh vội vàng đi ra hành lễ, ông không đáp lễ. Huyện lệnh lại cùng ông nói chuyện, ông cũng không nói lại. Huyện lệnh lấy quần áo tặng cho ông, ông cũng không lấy. 

Huyện lệnh thấy vậy liền cưỡng ép mặc áo cho ông, ông liền đi ra ngoài. Ông đi ra khỏi nha huyện thì liền cởi áo đó ra và ném xuống đất. Mọi người túm tụm lại xem thì ông đã nhanh chóng rời đi.

Vài năm sau, quần áo và mũ của ông bị rách, trưởng lão nhiều lần nói ông đổi áo mới nhưng ông không trả lời. Ông tự mình đến ruộng bông, nhặt những bông già bị hỏng, chất thành đống trong góc phòng. Sau đó dùng thiết bị bằng tre tự chế mà dệt vải; đan thành một tấm vải dài. Ông dùng vải đó may thành áo để mặc. Bất kể xuân hạ thu đông ông đều mặc nó; mấy năm sau người ta cũng không thấy ông cởi nó ra.

Tu tập là gì; Thân khẩu ý là gì; Thân khẩu ý nghiệp
Có nhiều hành vi kỳ lạ, coi thường danh lợi (ảnh minh họa Adobestock)

Phá lệ nói chuyện với quan thanh liêm

Lúc bấy giờ có một ông lão tên là Hồng Thành Đỉnh, ông là một vị quan lớn của Tứ Xuyên; người ta gọi ông là Hồng lão. Ông là người phúc hậu và thanh liêm. Tuổi già sau khi về hưu thì ông đi du lịch khắp nơi. Ông đã gặp được rất nhiều kỳ nhân và các cao tăng. 

Lúc đó ông đang ở tại quan thự (nơi quan làm việc) thì nghe nói có vị hòa thượng không tầm thường; vì vậy ông liền đi đến thăm hỏi. Lúc đến nơi thì vị mặc tăng đã tránh đi. Trưởng lão thay mặt đi tìm, nhưng mà tìm mãi cũng không thấy. Lại chờ mấy ngày sau, cũng vẫn không gặp được, lúc này Hồng lão mới trở về. 

Mấy tháng sau, Hồng lão lại đến thăm vị mặc tăng, nhưng vẫn không gặp được. Hồng lão tự trách mình vô duyên. Lúc đang than thở nuối tiếc thì bỗng nhiên có người nói rằng vị mặc tăng đã trở về và đang ở trong nhà bếp ăn cơm. Hồng lão và trưởng lão cùng đi gặp ông.

Đến nơi chỉ thấy vị mặc tăng bưng chén cơm ăn; vừa và cơm vừa gắp rau ăn rất ngon miệng. Chờ ông ăn xong, Hồng lão liền tiến đến thi lễ. Vị mặc tăng liền trợn mắt nhìn Hồng lão; một lúc lâu sau mới lấy một cái gáo bằng gỗ đi pha trà. Nước trà gần đầy, ông liền lấy ngón tay nhón lấy 2 lá trà đưa cho Hồng lão và nói: “Dùng trà”. Từ lúc vị hòa thượng này vào chùa đến nay, đây là lần đầu tiên thấy ông mở miệng nói 2 chữ ‘dùng trà’, còn tuyệt đối chưa thấy nói một câu nào.

Dự đoán được tương lai

Hồng lão lấy hai tay nhận lấy trà, bỏ vào trong miệng nhai thì thấy không có mùi vị gì kỳ lạ. Hòa thượng sau đó đi vào trong phòng sách, ngồi xổm ở trên một cái bàn tre, cầm bút chấm vào mực và viết liền mấy chục nét; nhìn thì giống như là chữ nhưng lại không phải là chữ. Tuy nhiên trông có vẻ ông rất tinh thông thư pháp. 

Lúc đó trời đang hạn hán, Hồng lão mới hỏi ông: “Đại tiên, ngày nào mới có mưa, có thể nói trước cho tôi biết được không?” Hòa thượng lập tức lấy bút vẽ ra 3 nét, sau đó liền rời đi. Hồng lão đi theo ông thì thấy ông đi vào đám cỏ rậm rạp sau vườn. Hồng lão muốn đi theo vào trong đó nhưng trưởng lão kéo lại nên ông mới thôi. 

3 ngày sau quả nhiên trời mưa lớn. Hồng lão chờ mấy ngày sau lại đi đến thăm vị mặc tăng, nhưng không gặp được và phải trở về. Có người nói: Bởi vì Hồng lão làm quan liêm khiết, chăm lo cho dân, cho nên vị mặc tăng mới phá lệ mà nói chuyện với ông và mời ông uống trà. 

Vị tăng nghiêm khắc tu khẩu, chỉ phá lệ nói chuyện với quan thanh liêm
Vị mặc tăng chỉ phá lệ một lần để nói chuyện với quan thanh liêm (ảnh minh họa Adobestock)

Vị tăng nghiêm khắc tu khẩu

Nghe nói sau khi trưởng lão mất thì vị mặc tăng còn sống thêm mười mấy năm nữa, nhưng cũng không mở miệng nói câu nào. Chỉ là trước lúc lâm chung thì ông có viết một bài kệ:

“Thiên địa trung không nhật nguyệt minh, hà nhân bất hướng thử trung sinh?
Nhi kim tát thủ tây quy khứ, miễn đắc tha nê đái thủy hành.”

Tạm dịch:

Trong khoảng thiên địa nhật nguyệt sáng, ai mà không sinh ở nơi này?
Mà nay buông tay trở về Tây, tránh cho một cuộc lắm dông dài.

Vị mặc tăng đối với thời gian của bản thân thì rất rõ ràng, biết trước lúc nào mình phải rời đi, nghiêm khắc tu khẩu cho đến phút cuối cùng. 

Theo Epoch Times

x