Tư thế ngủ “đầu hàng” có thể là tín hiệu cảnh báo về sức khỏe

Nhiều người có thói quen giơ tay qua đầu khi ngủ vì cảm thấy tư thế này dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học thì tư thế ngủ này có thể là dấu hiệu của hai vấn đề sức khỏe.
Ưu và nhược điểm của tư thế ngủ “đầu hàng”
Việc giơ hai tay qua đầu khi ngủ là tư thế thường thấy ở trẻ sơ sinh, vì phản xạ “đấu kiếm” này giúp trẻ giữ thăng bằng. Tuy nhiên, nếu người lớn thường xuyên ngủ với tư thế này, thì rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp vấn đề.

1. Vấn đề vai – cổ
Ngồi lâu dễ khiến vùng vai và cổ bị cứng, cơ nâng vai trở nên căng thẳng, từ đó dẫn đến tình trạng mỏi mãn tính. Khi ngủ, giơ tay lên có thể làm dịu cảm giác khó chịu, giống như vươn vai để thả lỏng cơ bắp, từ đó giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
2. Vấn đề hô hấp
Nếu cơ hoành không hoạt động hiệu quả, não bộ sẽ điều khiển bạn giơ tay để mở rộng lồng ngực và chuyển sang thở bằng ngực nhằm hỗ trợ việc đưa oxy vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, rất có thể đó là dấu hiệu của vấn đề hô hấp và bạn nên đi khám kịp thời.
5 tác hại của tư thế ngủ kiểu “đầu hàng” đối với cơ thể
Tư thế ngủ này không chỉ phản ánh các vấn đề hiện tại, mà nếu duy trì trong thời gian dài, còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
1. Ảnh hưởng đến tuần hoàn máu ở chi trên
Việc giơ tay trong thời gian dài có thể gây cản trở tuần hoàn máu, dẫn đến tê tay, thậm chí mất cảm giác.
2. Gây viêm quanh khớp vai
Việc giơ tay khi ngủ làm tăng áp lực lên vùng vai, chèn ép khoảng trống dưới mỏm vai, dễ dẫn đến tổn thương mãn tính và làm tăng nguy cơ viêm quanh khớp vai.
3. Gây viêm thực quản trào ngược
Giơ tay khi ngủ làm tăng áp lực trong ổ bụng, có thể khiến axit dạ dày bị trào ngược. Nếu kéo dài, tình trạng này dễ gây viêm thực quản trào ngược, đặc biệt người lớn tuổi và phụ nữ mang thai cần hết sức lưu ý.
4. Ảnh hưởng đến sức khỏe tim phổi
Hô hấp bằng ngực có hiệu quả thấp và lượng trao đổi khí ít. Nếu thiếu oxy kéo dài, chức năng tim phổi sẽ suy giảm, khiến tim và phổi phải chịu thêm nhiều áp lực.
5. Ảnh hưởng đến vóc dáng
Cơ vai bị căng kéo dài có thể dẫn đến co rút, lâu dần gây gù lưng hoặc cổ bị rút ngắn, làm biến dạng tư thế cơ thể.
Làm thế nào để không còn ngủ theo tư thế “đầu hàng”?
Trước hết, hãy xác định nguyên nhân gây ra tư thế ngủ này. Nếu là do vấn đề vai – cổ, bạn nên tránh ngồi quá lâu: cứ mỗi 30 phút nên đứng dậy vận động nhẹ, duỗi cơ giãn gân. Sau giờ làm, có thể dành 20 phút tập các bài thể dục đơn giản để giúp cơ thể thư giãn.
Nếu nguyên nhân là do hô hấp, bạn có thể thử áp dụng một số phương pháp sau:
Nằm trên giường, kê cao hai chân vừa phải để thư giãn cơ thể. Đặt hai tay lên ngực và rốn, thở bằng mũi. Khi hít vào bằng mũi, cảm nhận bụng và phần dưới ngực nhẹ nhàng nâng lên. Thở ra chậm rãi, buông lỏng cơ thể, để bụng từ từ xẹp xuống. Mỗi lượt thực hiện 5–8 lần, làm từ 3 lượt trở lên.
Tư thế ngủ nào tốt cho sức khỏe?
Nằm ngửa và nằm nghiêng được đánh giá là tư thế ngủ có lợi cho sức khỏe. Mỗi tư thế đều có ưu và nhược điểm riêng, bạn nên lựa chọn sao cho phù hợp với tình trạng cơ thể của mình.
1. Nằm nghiêng
Ưu điểm: Giúp thư giãn cột sống bị căng cứng, giảm ngáy và hạn chế trào ngược axit dạ dày. Phụ nữ mang thai được khuyến khích nằm nghiêng bên trái (có thể kẹp gối giữa hai chân) để cải thiện lưu lượng máu đến tử cung và thai nhi, đồng thời giảm áp lực lên gan. Với những người bị suy tim sung huyết, nằm nghiêng bên phải có thể giúp giảm tình trạng khó thở và các triệu chứng liên quan.

Nhược điểm: Áp lực khi nằm nghiêng có thể dẫn đến nếp nhăn trên mặt.
2. Nằm ngửa
Ưu điểm: Tư thế này hỗ trợ tốt cho cột sống thắt lưng và vùng cổ – rất phù hợp với những người thường xuyên bị đau mỏi vai gáy (như dân văn phòng). Tránh hình thành nếp nhăn rãnh mũi – má do áp lực lên mặt trong lúc ngủ, đồng thời giảm áp lực lên vùng ngực và các cơ quan nội tạng.
Nhược điểm: Tư thế này dễ gây ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ, và không phù hợp với những người bị trào ngược dạ dày.
Việc thay đổi tư thế ngủ không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Hãy kiên trì điều chỉnh từng bước, vì một giấc ngủ lành mạnh và sức khỏe lâu dài của chính bạn.
Theo Visiontimes