Văn hóa truyền thống

Tìm hiểu chữ “Ái” để biết quan niệm về tình yêu của người xưa

26/08/23, 07:37
Khái niệm tình yêu của người xưa
Tình yêu rất cần sự chân thành và biết ơn (ảnh minh họa Tanling)

Quan niệm về tình yêu của người xưa có gì khác so với thời nay? Hãy bắt đầu tìm hiểu từ chữ “Ái” – 愛 để có thể hiểu rõ hơn.

Chữ “Ái”

Chữ “Ái” – 愛 (tình yêu thương) trong “Thuyết văn giải tự” có một trái tim to lớn ở giữa, một bàn tay ở bên dưới, và một người phía trên đang há to miệng, như thể đang cẩn thận từng li từng tí để nắm giữ và nhẹ nhàng nâng trái tim để dâng tặng cho người phía trước! 

Bởi vì bên trong có một trái tim lớn như vậy nên cơ thể trở nên mềm mại, tròn trịa và hơi nặng nề, quả là một gánh nặng ngọt ngào! 

Quan niệm về tình yêu chân chính; Quan niệm về tình yêu thời hiện đại; Quan niệm về tình yêu của giới trẻ hiện nay
Chữ “Ái” – 愛 trong thuyết văn giải tự (ảnh: Soundofhope)

Chữ “Ái” trong kim văn càng thêm ý nghĩa, đó là một người nâng trái tim lên cao, bước đi chậm rãi tiến lên, dường như rất sợ nếu không cẩn thận, trái tim sẽ tan vỡ! 

Khái niệm tình yêu của người xưa
Chữ “Ái” trong kim văn (ảnh: Soundofhope)

Đúng vậy, “tình yêu”, quan trọng nhất chính là trái tim. Để biết được tình yêu chân thành đến mức nào chính là xem trái tim trong sáng thuần khiết đến mức nào. 

Tình yêu xuất phát từ sự chân thành của trái tim

Vào thời Chiến Quốc, có một nam nhân tuấn tú tên là Trâu Kỵ, là tể tướng của Tề Uy Vương, cao 1m84, tướng mạo anh tuấn, cử chỉ nhẹ nhàng tự nhiên. Một ngày nọ, ông nghe nói ở phía bắc thành có một chàng trai khôi ngô tên là Từ Công, hơn nữa, danh tiếng anh tuấn còn vang xa hơn ông, nên ông không kiềm được bèn hỏi những người xung quanh. 

Khái niệm tình yêu của người xưa
(ảnh minh họa Soundofhope)

Trâu Kỵ: “Các vị đã bao giờ gặp Từ Công ở phía bắc thành chưa? Anh ta và ta thì ai anh tuấn hơn?”

Người vợ trả lời: “Tướng công, đương nhiên là chàng anh tuấn hơn rồi.” 

Trâu Kỵ còn có chút lo lắng, liền hỏi một vị khách khác tình cờ tới thăm. 

Vị khách liền nói: “Tất nhiên là ngài anh tuấn hơn rồi.” 

Trâu Kỵ lúc này đã tràn đầy tự tin. Vài ngày sau, Từ Công tình cờ có việc đến thăm ông, Trâu Kỵ nhìn Từ Công thầm nghĩ: “Trời ơi, người này quá anh tuấn, quả là tướng mạo phi phàm xuất chúng”.

Lúc đó, ông mới nhận ra rằng vợ, thê thiếp và khách đều đã lừa dối mình. Từ sự việc này khiến ông lý giải sâu sắc được sự chân thành. Thế nên, ông đã vào cung gặp Tề Uy Vương, kể cho Tề Uy Vương về sự việc này và nói: “Vợ thần nói thần anh tuấn vì thiên vị thần, thê thiếp sợ thần nên nàng nói thần anh tuấn, khách của thần bởi vì có chỗ cầu cạnh thần nên nói thần anh tuấn. Bởi vậy, thần hoàn toàn bị che mắt. Bây giờ, những thê thiếp bên cạnh bệ hạ đều yêu mến thiên vị bệ hạ, các đại thần đều kính sợ bệ hạ, vô số dân chúng đều thỉnh cầu bệ hạ, bệ hạ thử nghĩ xem bệ hạ đã bị lừa dối sâu sắc đến mức nào!” 

Tề Uy Vương lập tức ra lệnh mở rộng ngôn luận, bất kể địa vị, ai có thể đưa ra lời khuyên sẽ được khen thưởng. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có vô số người trình lên những lời can gián, Tề Uy Vương cũng là vị vua biết nghe lời phải, rất nhanh Tề quốc liền trở nên lớn mạnh.

Trong câu chuyện này, có thể thấy Trâu Kỵ đối với Tề Uy Vương thực sự vô tư vô ngã, hoàn toàn nghĩ cho Tề Uy Vương, thậm chí còn nói ra những điều đáng xấu hổ của bản thân và khuyên nhủ Tề Uy Vương một cách chân thành.

Tình cảm vợ chồng quan trọng ở ân nghĩa

Vào thời Xuân Thu, Yến Anh là một vị tể tướng tài năng đức hạnh, nhưng ông sống giản dị và khiêm tốn. Một ngày nọ, Tề Cảnh Công đến nhà ông làm khách và thấy người phụ nữ dâng trà vừa già vừa xấu xí, không kìm được bèn hỏi Yến Anh: “Đây là vợ khanh à? Sao lại vừa già vừa xấu như vậy!”

Yến Anh đáp lại: “Đúng vậy, đây là vợ của thần”

Tề Cảnh Công nói: “Ta có một cô con gái trẻ tuổi xinh đẹp, ta sẽ gả nó cho khanh!”

Yến Anh sợ hãi từ chối: “Vợ thần tuy đã già và xấu xí, nhưng chúng thần đã ở với nhau rất lâu rồi. Nàng cũng từng trẻ trung xinh đẹp, lúc đó nàng đã giao phó cả cuộc đời cho thần, rồi dần dần già đi và xấu xí. Bây giờ nếu thần chấp nhận ý tốt của bệ hạ thì chẳng phải thần đã cô phụ sự phó thác của nàng rồi sao?” 

Chẳng phải tình yêu chân thành của Yến Anh dành cho vợ của mình đã không hề thay đổi sao?

Khái niệm tình yêu; khái niệm tình yêu hiện đại
Tình yêu trong hôn nhân người xưa chú trọng ở ân nghĩa (ảnh minh họa Cnculture)

Tình yêu giữa vợ chồng gọi là “ân ái” – “恩愛 “, chữ “Ân” trong giáp cốt văn thể hiện một người dang tay chân, nằm thư thái trên chiếu tạo thành hình chữ Đại – 大 , bên dưới có trái tim đầy đặn nâng đỡ như một chiếc nệm mềm mại. Đó là cử chỉ của sự hết lòng tin tưởng và nương tựa.

“Thuyết văn giải tự” có viết: “Ân, huệ dã” (ân cũng có nghĩa là huệ). Huệ được giải thích là “nhân dã” (cũng là nhân từ). Nói cách khác, “Ân” chính là xuất phát từ lòng tốt của người khác, mà lòng tốt này đến từ sự thiện lương thuần phác nhất, người nhận cũng biết ơn và toàn tâm nương tựa. 

Tình yêu vợ chồng không dựa trên sự thỏa mãn dục vọng, sắc đẹp mà là sự trân trọng lẫn nhau và lòng biết ơn vô hạn đối với bạn đời. 

Tình yêu có nhiều cấp độ khác nhau: Ngưu Lang liều mình đuổi theo lên trên trời là tình cảm chân thành, Chức Nữ nhẫn chịu buông bỏ hạnh phúc trở về Thiên đình là tình cảm chân thành đối với muôn dân trăm họ; Hằng năm, hai người lại gặp nhau qua cầu Ô Thước, trải qua hàng ngàn năm vẫn không thay đổi. Câu chuyện cũng nhắc nhở những người có duyên đến được với nhau rằng cần phải trân trọng tình yêu và hôn nhân của mình.

Theo Sound of Hope

x