Danh y Tôn Tư Mạc thời nhà Đường từng nói trong “Đại y tinh thành” rằng: “Thầy thuốc không thể dùng sở trường của mình để chuyên tâm kiếm tiền; thay vào đó hãy tận lực cứu người, như vậy thì từ nơi u minh sẽ tự ban phước lành cho”.
- Ôn dịch có mắt, những người sau đây sẽ không bị mắc bệnh
- Ôn dịch hoành hành, làm sao để bảo toàn tính mạng?
Nội dung chính
Thầy thuốc dụng tâm cứu người, không được quá coi trọng tiền bạc
Trải qua nhiều thời đại, các bậc chân nhân và những người đại đức cũng từng giảng qua mối liên hệ nhân quả giữa đạo trời và y thuật. Mậu Trọng Thuần thời nhà Minh có nói trong “Chúc y ngũ tắc” rằng: “Phải siêng năng tìm cầu đạo thuật, dùng nó để cứu người. Dù có công hiệu cũng không được quá quan tâm đến tiền thù lao. Đừng đòi tiền công quá nhiều. Chớ khinh người nghèo hèn. Như vậy là tự gây dựng uy đức cho bản thân, quỷ thần cũng khen ngợi”.
Trong “Thái vi tiên quân công quá cách” có ghi chép: “Dùng thuốc và châm cứu mà cứu một người bệnh nặng thì một người tính bằng 10 công; bệnh nhẹ thì một người tính là 5 công. Nếu như được bệnh nhân hối lộ thì coi như là vô công”.
Danh y Trương Cảo triều đại Nam Tống có nói trong “Y thuyết” rằng: “Thầy thuốc phải luôn nhớ rằng: Thân bệnh tật thì ai cũng giống nhau. Khi có ai đến xin chữa trị thì phải đi ngay không được chậm trễ; hoặc là đến xin thuốc thì cũng phải nhanh chóng giao cho người ta. Chớ hỏi giá cả ra sao, đừng phân biệt giàu nghèo”.
Không cầu tiền tài mà tự có phước báo
Trương Cảo có một người đồng hương tên là Trương Ngạn Minh, “làm thầy thuốc mà không bao giờ hỏi đến tiền, có thể nói là một trong những thầy thuốc bậc nhất”. Phàm là tăng nhân, đạo sĩ, binh sĩ hoặc người nghèo khổ mà đến xin thuốc thì ông đều không lấy tiền; thậm chí còn lấy tiền và đồ trong nhà bố thí cho họ.
Đối với bệnh nhân đến xin thuốc, ông không quan tâm nó sẽ tốn bao nhiều tiền, mà chỉ muốn làm sao cho bệnh nhân chóng hồi phục. Đối với những người mắc trọng bệnh, ông đều lựa chọn những loại thuốc thượng đẳng, dùng lời an ủi bệnh nhân, trước sau không có nói tới vấn đề tiền bạc.
Một ngày nọ, trong thành phố xảy ra một trận hỏa hoạn lớn, các ngôi nhà xung quanh đều bị thiêu rụi, duy chỉ có nhà của Trương Ngạn Minh là không bị tổn hại gì. Vào một năm khác, ngôi làng của Trương Ngạn Minh bùng phát dịch bệnh nhưng ông lại không hề hấn gì. Con trai của ông là một thư sinh, về sau đã đỗ đầu trong cuộc thi Hương. Hai, ba người cháu trai của ông cũng đều là bậc anh tuấn nho nhã, là những người bao dung rộng lượng. Trương Cảo cảm khái mà nói: “Thật đúng là nhờ Thần linh phù hộ”.
Chuyên tâm kiếm tiền, bất chấp nhân nghĩa
Ở Nghi Hưng có một thầy thuốc tên là Đoàn Thừa Vụ, người này bất chấp nhân nghĩa, làm việc chỉ vì tiền. Nếu không phải là người quyền thế thì ông ta sẽ không đi cứu chữa.
Một lần, ở Bình Giang có một phú ông bị bệnh, muốn mời thầy thuốc Đoàn đến khám bệnh. Đoàn Thừa Vụ nói: “Bệnh này chỉ cần uống mấy thang thuốc là sẽ khỏi, nhưng phải đưa cho tôi 500.000 đồng”. Lúc đầu phú ông chỉ muốn trả một nửa, không ngờ thầy thuốc Đoàn lại giận dữ bỏ đi. Cuối cùng phú ông đành phải trả toàn bộ phí xem bệnh.
Chẳng bao lâu sau, người phú ông này khỏi bệnh, thầy thuốc Đoàn thu được cũng kha khá tiền, vui vẻ trở về. Trên đường về thì ngủ lại ở một nhà nghỉ ven đường, đêm hôm đó mơ thấy một người áo đỏ nói với ông ta rằng: “Thiên Đế để cho ngươi hành nghề y cứu người; ngươi lại dùng y thuật để vơ vét của cải, mưu lợi cho bản thân. Thật đúng là không còn chút lương tâm nào, bây giờ sẽ phạt đánh ngươi 20 gậy vào lưng, lấy đó để cảnh cáo”. Nói xong, liền để cho tả hữu hai bên kéo thầy thuốc Đoàn ra ngoài đánh.
Ngày hôm sau, Đoàn Thừa Vụ tỉnh dậy, chợt cảm thấy lưng đau đớn. Ông nhờ người khác đến xem thử thì thấy đúng là lưng có rất nhiều vết tích bị đánh. Sau đó, ông về nhà không được mấy ngày thì qua đời.
Lợi và sắc là điều đại kỵ của thầy thuốc
Trong tiếng Hán thì chữ Lợi – 利 có một cây Đao – 刀 ở bên phải; chữ Sắc – 色 thì trên đầu cũng treo một cây Đao – 刀. Có thể thấy, lợi và sắc đều là những y đức cần phải tuân theo nghiêm ngặt, đây là điều đại kỵ của những người hành nghề y. Người được Thiên thượng giao phó cho hành nghề y, nếu không vì tiền bạc mà thay đổi, không bị sắc dục dụ dỗ, như vậy thì mới được Thần linh bảo hộ.
Vào thời nhà Tống, Lý Thị, vợ của ấp thừa (tên chức quan) Hòa Đình, Nghi Châu, bị bệnh nguy kịch, may nhờ lương y Nhiếp Tòng Chí ở địa phương khám và chữa bệnh nên đã qua khỏi. Lý Thị dung mạo xinh đẹp nhưng lại vô cùng dâm đãng, nàng nhìn thấy Nhiếp Tòng Chí tướng mạo anh tuấn thì rất vừa ý; bởi vậy muốn dụ dỗ ông. Một ngày, ấp thừa đi qua quận khác, Lý Thị liền thừa cơ giả bộ bị bệnh, mời Nhiếp Tòng Chí đến khám bệnh.
Ông vừa đến thì Lý Thị nói: “Tôi suýt nữa là thành ma rồi; nhờ có ông mà được hồi sinh. Ông có ơn cứu mệnh đối với tôi, dùng thế gian vạn vật cũng không đủ để báo đáp; giờ tôi nguyện lấy tấm thân này để đền đáp ông”. Nhiếp Tòng Chí nghe xong sợ hãi bỏ chạy ra ngoài.
Đến tối, Lý Thị lại trang điểm thật đẹp và đi tìm Nhiếp Tòng Chí; trong lúc hai người xô đẩy thì Nhiếp Tòng Chí xé rách tay áo của chính mình và bỏ chạy ra ngoài. Hơn nữa, ông cũng giữ kín như bưng, chưa từng kể chuyện này ra cho người khác nghe.
Mắt Thần như điện, việc thiện ác nhìn rõ không sai
Hơn một năm sau, Hoàng Tịnh Quốc, một viên quan ở Nghi Châu bị bệnh đến bất tỉnh nhân sự; trong lúc mơ màng thì được đưa đến âm phủ. Lúc đi đến bờ sông thì thấy cai ngục đang mổ bụng một vị phu nhân; đem ruột của nàng ta lôi ra để rửa. Có một vị tăng nhân ở bên cạnh nói với Hoàng Tịnh Quốc rằng:
“Đây là vợ của một vị quan nào đó, cô ta muốn tư thông với thầy thuốc Nhiếp; nhưng do Nhiếp tiên sinh là một bậc chí sĩ nên không đồng ý. Vốn là thọ mệnh của ông ta chỉ có 60 năm, nhưng bởi vì việc này mà được kéo dài thêm 12 năm nữa; hơn nữa con cháu ông ta qua các đời về sau đều sẽ có người làm quan. Về phần vị phu nhân dâm đãng này, cô ta sẽ mất đi cũng tương đương với những gì mà Nhiếp tiên sinh đắc được. Quan coi ngục tẩy rửa ruột của vị phu nhân này; chính là đang loại trừ đi cái tính dâm tà của nàng ta”.
Giữ trọn y đức, được phúc báo về sau
Hoàng Tịnh Quốc và Nhiếp Tòng Chí xưa nay qua lại thân thiết; khi bệnh tình của ông ổn rồi thì liền đi thăm hỏi Nhiếp Tòng Chí; cũng thử hỏi ông là có đúng đã gặp một vị phu nhân như vậy hay không. Nhiếp Tòng Chí nghe xong giật mình hỏi: “Việc này chỉ có tôi và vị phu nhân đó biết; ông làm sao mà lại biết được?” Hoàng Tịnh Quốc mới đem chuyện dưới âm phủ kể lại cho Nhiếp Tòng Chí nghe.
Về sau Nhiếp Tòng Chí quả nhiên có một đứa con thi đỗ. Cháu của ông cũng rất có hoài bão; trong năm Thiệu Hưng triều đại Nam Tống, đã làm tới chức huyện thừa của Lạc Huyện, Hán Trung.
Theo Epoch Times