Tâm đố kỵ sẽ làm cho người ta luôn muốn hơn người khác, hoặc vui mừng khi thấy người khác gặp chuyện xấu.
Nội dung chính
Tâm đố kỵ làm tiêu tan hết phúc báo
Trong cuốn “Văn xương đế quân âm chất văn quảng nghĩa” của cư sĩ Chu An Sỹ thời nhà Thanh có chép lại một câu chuyện như sau:
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở nước Tống có một vị đại phu tên là Tưởng Viện. Ông có 10 người con nhưng bất hạnh là cả 10 người này đều có tật: Đứa thì lưng gù, đứa thì tập tễnh, đứa thì chân tay co rút, đứa thì thọt chân, đứa thì tai điếc, đứa thì mù mắt, đứa thì câm; lại có đứa mắc bệnh tâm thần, còn một đứa thì chết trong ngục. Dường như mọi điều bất hạnh trên thế gian đều dồn vào hết 10 đứa trẻ nhà Tưởng Viện.
Công Minh Tử Cao nhìn thấy cảnh này mới hỏi Tưởng Viện: “Đại phu, bình thường ngài có phạm phải việc gì không? Sao trong nhà lại xảy ra tai họa như thế này?”.
Tưởng Viện suy nghĩ rồi đáp: “Bình thường tôi không có hành vi bất hảo nào cả, duy chỉ có tật là hay đố kỵ với người khác. Người giỏi hơn tôi thì tôi đố kỵ với họ; người lấy lòng tôi thì tôi thích họ; nghe thấy ai làm việc thiện thì tôi sinh tâm hoài nghi; nghe thấy ai làm việc ác thì tôi tin chắc như đinh đóng cột; nhìn thấy người khác đắc được thứ gì thì tôi cảm thấy như mình bị mất đi thứ đó; nhìn thấy người khác mất thứ gì thì tôi cảm thấy như mình đắc được thứ đó”.
Kịp thời sửa đổi, con cái tự hết bệnh
Tử Cao nghe xong thở dài mà nói rằng: “Tâm thái và hành vi của đại phu như vậy, có lẽ sẽ dẫn tới họa diệt môn; lẽ nào ác báo chỉ chừng này thôi sao?”
Tưởng Viện nghe thấy vậy thì trong lòng hoảng sợ. Tử Cao mới khuyên ông rằng: “Mặc dù Thiên Thượng cao xa, nhưng soi xét không sai lệch chút nào. Nếu có thể ăn năn hối lỗi sửa chữa sai lầm, nắm vững tương lai; vậy thì có thể chuyển họa thành phúc. Bây giờ thay đổi vẫn còn chưa muộn”.
Từ đó về sau Tưởng Viện luôn cảnh tỉnh bản thân, suy xét lại những việc làm và suy nghĩ của mình. Những năm sau đó, các chứng bệnh lạ của các con ông đều dần dần mà khỏi.
Tường Viện đã không nghiêm khắc với các suy nghĩ trong tâm của mình. Ông còn tự nhận rằng “không có hành vi bất hảo nào cả”; như vậy là đủ thấy ông chưa coi trọng việc này, cho rằng suy nghĩ tật đố với người khác thì cũng không có gì là nghiêm trọng. Cũng may mắn là ông được Tử Cao nhắc nhở nên mới kịp thời sửa chữa.
Vui với cái vui của người khác, thương cảm trước mất mát của người khác
Nói về tâm đố kỵ thì trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy triều Thanh từng viết rằng: “Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng; khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được; vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác”.
Người hay đố kỵ cũng bởi không hiểu được một điều rằng: “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu”, nghĩa là trong mệnh có cái gì thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh nếu đã không có thì đừng có cưỡng cầu. Người xưa tin vào định số, vì vậy chỉ cần sống lương thiện, mọi thứ đều đã được ông trời sắp đặt. Người tật đố cũng bởi không tin vào số mệnh, họ tin rằng đời người muốn có được gì thì phải tự mình giành lấy; cho rằng mình có thể tự quyết định được vận mệnh của mình.
Tâm đố kỵ nhất định phải bỏ
Trần Kế Đình, một nhà tư tưởng thời nhà Minh có nói rằng, một người đàn ông có hai sự sỉ nhục lớn, đó là khoe khoang những bộ quần áo của mình và bao che những thiếu sót của bản thân. Ông cũng nói rằng, một người đàn ông có hai tật xấu, đó là đố kỵ với năng lực của người khác và lan truyền sự kém cỏi của người khác.
Muốn xem nhẹ được tâm đố kỵ thì có lẽ trước tiên hãy rèn cho bản thân tính khiêm tốn. Triết gia Vương Dương Minh thời nhà Minh có nói rằng: “Sự thống khổ của con người là vì sự ngạo mạn của họ. Sự ngạo mạn gây ra tâm lý tự mãn. Tâm tự mãn ngăn cản họ cúi mình trước người khác”.
Người có tâm đố kỵ sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, lúc nào cũng phải nghĩ hơn thua với người khác, tâm này nhất định phải bỏ càng sớm càng tốt.
Tổng hợp