Người quân tử cao quý như ngọc, không phô trương ưu điểm mà che giấu khuyết điểm, cũng không bởi chỉ vì khuyết điểm mà che mất đi ưu điểm.
- Quân tử như ngọc quý, ôn hòa mà sáng suốt
- Bạn có là người quân tử không? 8 phẩm chất của người quân tử
Tại sao người quân tử lại coi trọng ngọc mà coi nhẹ đá?
Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Tại sao người quân tử lại coi trọng ngọc mà coi nhẹ đá? Có phải nguyên nhân bởi vì ngọc ít nên đắt, đá đẹp nhiều nên rẻ chăng?”
Khổng Tử đáp rằng: “Chẳng phải vì ngọc hiếm mà quý, cũng không phải đá nhiều mà coi thường. Xưa nay, quân tử đều ví phẩm đức của mình với ngọc.” Ông cũng giải thích rõ hơn rằng: “Tì vết không che được ánh ngọc, ánh ngọc cũng không che được tì vết, là trung thực vậy”. Chính là có ý: Khuyết điểm không che lấp được ưu điểm, ưu điểm cũng không che lấp được khuyết điểm, rất giống với phẩm chất của một người quân tử chân chính.
Ngọc vốn dĩ có tính chất trong suốt, cho nên có thể nhìn thấy rõ các khuyết điểm bên trong ngọc. Nhưng ngọc sẽ không vì có khuyết điểm mà không còn là ngọc nữa, nó vẫn sáng bóng và mỹ hảo. Đây chính là ý nghĩa “khuyết điểm không che lấp được ưu điểm”.
Đồng thời, cho dù ngọc sáng bóng và mỹ hảo thì khuyết điểm của nó vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng, đó là bởi vì ngọc không che giấu khuyết điểm của mình. Cũng giống như bậc quân tử trung thực, thẳng thắn vô tư, không lừa người dối mình. Nói thẳng ra là bậc quân tử sẽ không giả vờ, bản thân người quân tử sẽ thể hiện đúng bản chất và con người của họ.
Người quân tử không che giấu sai lầm của mình
Tử Cống nói: “Sai lầm của người quân tử giống như nhật thực và nguyệt thực. Có sai lầm thì ai cũng nhìn thấy, khi sửa lỗi thì mọi người đều nể phục”. Người quân tử sẽ không che đậy sai lầm của bản thân. Giống như mặt trời và mặt trăng xuất hiện trên bầu trời, mọi người tự nhiên sẽ thấy rõ. Nhưng khi người quân tử nhận ra lỗi lầm của mình, thì họ sẽ lập tức sửa sai. Người quân tử vẫn giữ được khí tiết hiên ngang, bất khuất, tỏa sáng như mặt trời và mặt trăng khiến mọi người đều kính trọng và nể phục.
Khổng Tử nói: “Ta thật may mắn, chỉ mắc chút sai lầm thì có người phát hiện chỉ ra cho”. Khổng Tử là một hiền triết nổi tiếng, nhưng khi đối mặt với những lời chỉ trích của người khác, ông vẫn giữ được thái độ vui vẻ, cố gắng sửa chữa lỗi lầm của mình. Người có thái độ như vậy mới có thể trở thành một viên ngọc không tì vết.
Người quân tử coi trọng sửa chữa lỗi lầm
Nếu một người luôn nhấn mạnh ưu điểm của bản thân, chỉ thể hiện sự xuất chúng trước mặt người khác, thậm chí còn sử dụng sự xuất sắc của mình để che đậy khuyết điểm của bản thân, người như vậy làm sao có thể được coi là một người quân tử có tu dưỡng?
Nếu dùng những thứ mỹ hảo để che đậy khuyết điểm thì khuyết điểm vĩnh viễn sẽ không bao giờ biến mất. Đối với khuyết điểm, sai trái của bản thân mà có thể sửa chữa được thì mọi người mới có thể kính trọng và ngưỡng mộ.
Kỳ thực trong cuộc sống, không có ai không phạm phải sai lầm, điều quan trọng chính là có thể kịp thời sửa đổi. Một người nếu biết sai trái mà không sửa, còn cố tình che giấu thì không chỉ không bảo vệ được sự tôn nghiêm của bản thân, mà còn khiến người khác xem thường.
Phẩm đức của người quân tử được ví như ngọc, ôn hòa sáng suốt, ngay chính cương trực mà không che giấu khuyết điểm.
Theo Bannedbook