Quần áo nay mau hỏng hơn xưa?- Xu hướng quay về thời trang bền vững

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng bực bội khi phát hiện một chiếc áo vừa mới mặc vài lần đã xuất hiện lỗ thủng, phai màu hay xù lông. Những món đồ thời trang đáng lý phải dùng được nhiều năm nhưng nay thậm chí không trụ nổi qua vài lần giặt máy.
- Sự phi lý của thời trang hiện đại – đã đến lúc quay về với truyền thống
- Sang trọng kín đáo – Sự trở lại của thời trang vượt thời gian
Xã hội hiện nay dường như đã buông xuôi khái niệm chất lượng. Chúng ta đã quên mất chất lượng là gì, cảm giác của nó ra sao, quần áo tốt nên thể hiện thế nào?
Có bao giờ bạn đứng trước tủ đồ, cầm chiếc áo len từng mang lại cảm giác sang trọng, nhưng giờ trông chẳng khác gì món đồ sờn cũ bị lãng quên từ lâu trong góc tủ, và tự hỏi, liệu “kiểm soát chất lượng” có còn tồn tại?
Càng thất vọng hơn khi bạn đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho những món đồ được quảng cáo là “tay nghề cao cấp” hay “thiết yếu trong tủ quần áo” này.
Nội dung chính
Giá cả không đi đôi với chất lượng
Vấn đề này không chỉ tồn tại ở những thương hiệu giá rẻ. Ngay cả những “ông lớn” của ngành thời trang nhanh như Shein, H&M, Zara, Boohoo và Primark cũng thường xuyên bị phản ánh vì độ bền kém.
Các báo cáo từ người tiêu dùng cho thấy quần áo của họ nhanh chóng bị mất dáng, phai màu và xuống cấp sau thời gian ngắn sử dụng. Nhưng có lẽ điều khiến nhiều người bất ngờ hơn cả là: ngay cả những thương hiệu xa xỉ với mức giá vài trăm đô mỗi món cũng thường chẳng bền hơn là bao.

Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Leeds đã làm lung lay quan niệm rằng quần áo đắt tiền thì bền hơn.Trong nghiên cứu được tài trợ bởi tổ chức môi trường Hubbub và hãng bán lẻ Primark, 65 món đồ bao gồm quần jean, áo thun và áo hoodie đã được đem ra kiểm nghiệm kỹ lưỡng.
Kết quả gây bất ngờ: một chiếc quần jean nữ giá 15 bảng lại bền hơn hẳn một chiếc quần thiết kế trị giá 150 bảng. Tương tự, một chiếc áo thun nam giá chỉ 5 bảng cũng cho thấy độ bền đáng kinh ngạc.
Nghiên cứu đã chỉ ra một điều rõ ràng: giá tiền không phản ánh chính xác độ bền của quần áo. Cả hàng bình dân lẫn hàng cao cấp đều có mức độ bền rất khác nhau, cho thấy chất lượng thực tế không phụ thuộc hoàn toàn vào mức giá.
Sự suy giảm chất lượng qua thời gian
Sự sụt giảm độ bền của sản phẩm không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà phản ánh một chiến lược có chủ đích đã tồn tại từ lâu trong giới doanh nghiệp được gọi là “kế hoạch lỗi thời có chủ đích” (planned obsolescence).
Một ví dụ nổi bật trong lịch sử là liên minh Phoebus vào đầu thế kỷ 20 – bao gồm những ông lớn trong ngành bóng đèn như GE và Philips – đã thông đồng với nhau để cố tình rút ngắn tuổi thọ bóng đèn, buộc người tiêu dùng phải thay mới thường xuyên hơn.
Chuyển sang lĩnh vực công nghệ, Apple từng bị cáo buộc cố ý làm chậm các dòng iPhone cũ nhằm thúc đẩy người dùng nâng cấp lên thiết bị mới.
Ngành thời trang cũng có cách tiếp cận tương tự – kết hợp giữa sự lỗi thời về vật chất (sử dụng chất liệu kém bền) và lỗi thời tâm lý (ép người tiêu dùng chạy theo các xu hướng thay đổi liên tục).
Vải vóc rẻ tiền nhanh chóng xuống cấp, trong khi các trào lưu thời trang thay đổi chóng mặt khiến người tiêu dùng luôn có cảm giác phải làm mới tủ đồ của mình. Chiến lược này có thể giúp các công ty tăng lợi nhuận, nhưng cuối cùng người tiêu dùng lại trả nhiều hơn cho giá trị ít hơn, và Trái đất thì phải gánh chịu hậu quả.
Cắt giảm chi phí, rút ngắn quy trình sản xuất
Sự suy giảm chất lượng quần áo phần lớn bắt nguồn từ việc các hãng liên tục cắt giảm chi phí sản xuất. Để giữ giá bán thấp hoặc tăng lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất đã tiết kiệm vật liệu và rút ngắn quy trình sản xuất.
Trước đây, việc tạo ra một sản phẩm thời trang mới là cả một quá trình công phu, bao gồm việc vẽ bản thiết kế bằng tay một cách tỉ mỉ, kết hợp với nhiều lần thử mẫu để đảm bảo độ vừa vặn hoàn hảo. Mỗi phiên bản thử nghiệm có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng, trước khi được thông qua để sản xuất hàng loạt.
Tuy nhiên, như nghiên cứu của Glock và Kunz đã chỉ ra, các thương hiệu thời trang nhanh đã rút ngắn quy trình sản xuất bằng cách lược bỏ nhiều bước then chốt. Việc cắt giảm số lần thử mẫu khiến trang phục dễ bị sai lệch về dáng hoặc nhanh chóng xuống cấp. Công đoạn điều chỉnh khi thực hiện vội vàng cũng thường dẫn đến tình trạng sai số giữa các kích cỡ, khiến quần áo thiếu đồng đều.
Do những thương hiệu này không thu được lợi ích tài chính từ việc nâng cao độ bền sản phẩm, vòng lặp sản xuất kém chất lượng vẫn tiếp tục tồn tại. Việc hiểu rõ quy trình này sẽ giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin để đưa ra yêu cầu chính đáng về những sản phẩm chất lượng cao hơn.
Không chỉ riêng thời trang
Xu hướng “trả nhiều hơn nhưng nhận lại ít hơn” không dừng lại ở ngành may mặc. Hãy nhìn sang ngành ô tô: Mercedes-Benz từng được xem là biểu tượng cho độ bền, với một số dòng xe có thể chạy tới cả triệu dặm. Thế nhưng ngày nay, dù vẫn có giá cao cấp, nhiều mẫu xe sang lại không bền bằng các thương hiệu phổ thông như Toyota hay Honda. Điều này khiến ta phải đặt ra một câu hỏi cốt lõi: Tại sao chúng ta phải chi nhiều tiền hơn, nhưng lại nhận về ít giá trị hơn?
Chính hành vi tiêu dùng của chúng ta đang tiếp tay cho vấn đề này. Nhiều người sở hữu đến cả chục đôi giày đen gần như giống nhau – họ ưu tiên số lượng thay vì độ bền. Việc chạy theo các chương trình giảm giá và xu hướng nhất thời đang tiếp tay cho một ngành công nghiệp coi trọng doanh số hơn là chất lượng sản phẩm.
Trớ trêu thay, việc mua sắm thường xuyên như vậy lại khiến chúng ta tốn kém nhiều hơn về lâu dài, so với khi đầu tư vào một vài món đồ cơ bản, được làm tốt và bền bỉ theo thời gian.
Tia hy vọng le lói
Mọi chuyện chưa hẳn đã là vô vọng. Thỉnh thoảng, vẫn có những món đồ may mặc tốt vượt ngoài mong đợi và đôi khi lại đến từ những thương hiệu không ai ngờ tới. Ví dụ: một chiếc quần du lịch giá chỉ 16 đô (thuộc thương hiệu Member’s Mark của hệ thống Sam’s Club) vẫn giữ nguyên màu sắc, kiểu dáng và độ bền chắc sau hàng chục lần giặt. Nếu một thương hiệu giá rẻ trong siêu thị có thể làm được như vậy, thì điều gì đang ngăn cản các thương hiệu cao cấp?
Đối với những ai đang tìm kiếm sự ổn định và chất lượng bền lâu, Shen Yun Dancer là một lựa chọn đầy hấp dẫn. Ban đầu được thiết kế riêng cho các nghệ sĩ hàng đầu của đoàn nghệ thuật Thần Vận (Shen Yun Performing Arts), trang phục của họ kết hợp vẻ đẹp cổ điển vượt thời gian với độ bền ấn tượng. Vải may được làm từ cotton Pima cao cấp pha sợi cellulose, giúp giữ dáng tốt và thấm hút mồ hôi hiệu quả.

Là một phụ huynh có hai cậu con trai (10 và 14 tuổi) thường xuyên mặc các trang phục này để tập múa, tôi có thể khẳng định rằng chúng cực kỳ bền, giặt nhiều lần cũng không hư hỏng, và luôn duy trì được chất lượng sau thời gian dài sử dụng.
Chất liệu tạo nên sự khác biệt
Không phải loại vải nào cũng giống nhau. Những sợi tự nhiên như len, cotton, da hay lụa nếu được xử lý đúng cách thường bền hơn so với sợi tổng hợp. Tuy nhiên, ngay cả trong cùng một loại vải như cotton, chất lượng cũng có thể rất khác biệt.
Theo báo cáo từ SANVT (2023), cotton chất lượng cao thường có sợi dài hơn, chắc hơn, mịn hơn và mật độ dệt dày hơn. Nhờ vậy, loại cotton này chống xù lông, giãn vải và phai màu tốt hơn nhiều so với cotton giá rẻ thông thường.
Người tiêu dùng cần thật sự tỉnh táo – không phải loại cotton nào cũng giống nhau về chất lượng. Dù sợi tổng hợp vẫn có những ứng dụng nhất định, nhưng một sản phẩm giá cao thì cũng phải mang lại chất lượng tương xứng, chứ không thể chỉ là lớp vỏ quảng cáo hào nhoáng hay một cái tên thời trang đắt đỏ.
Nhưng người tiêu dùng nắm giữ sức mạnh thực sự. Khi một món đồ nhanh chóng xuống cấp, đừng chỉ âm thầm vứt đi, hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn. Viết đánh giá, nói với bạn bè, và đừng quên ghi nhận những sản phẩm hiếm hoi thực sự bền tốt. Việc tôn vinh chất lượng là cách gửi đi một thông điệp rõ ràng mà các nhà sản xuất không thể bỏ qua: Độ bền và chất lượng mới là điều đáng giá thật sự.
Hiện tại đang có một cơ hội thị trường rõ rệt dành cho những thương hiệu thật sự cam kết với chất lượng ổn định. Họ không cần phải chạy theo thiết kế dị biệt hay các chiêu trò thời thượng, chỉ cần mang lại những món đồ cơ bản như áo sơ mi, quần dài hay áo len mà người dùng có thể tin tưởng dùng lâu dài. Những công ty biết cách xây dựng danh tiếng dựa trên giá trị bền vững sẽ có khả năng thu hút lượng khách hàng trung thành trong một thị trường đang khát khao sự tin cậy hơn bao giờ hết.
Làm sao để nhận biết một sản phẩm thật sự chất lượng?
Đáng tiếc, điều đó không thể hiện qua mức giá hay những quảng cáo hào nhoáng. Chất lượng thật sự chỉ có thể chứng minh qua thời gian khi món đồ được mặc đi mặc lại suốt nhiều năm, giặt nhiều lần và sử dụng mỗi ngày mà vẫn bền chắc, không hư hỏng.
Việc yêu cầu chất lượng không phải là hoài niệm về “thời xưa đẹp đẽ”. Mà là để giành lại quyền được sử dụng những sản phẩm tử tế, được làm tốt và thật sự phục vụ nhu cầu cuộc sống. Chất lượng không phải là điều lỗi thời; đó là một tiêu chuẩn mà chúng ta có thể, và nên đòi hỏi.
Ở nhiều khía cạnh, việc đòi hỏi quần áo bền không chỉ là chuyện thời trang mà là cuộc đấu tranh để giành lại quyền lực tiêu dùng của chúng ta. Đó là cách chúng ta từ chối chấp nhận những sản phẩm chóng hỏng nhưng lại có giá cao. Các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi khi chúng ta lên tiếng, chia sẻ trải nghiệm thật và lựa chọn mua sắm một cách có trách nhiệm.
Hãy quan sát kỹ từng đường chỉ, đọc các đánh giá và đừng ngần ngại chia sẻ về những món đồ thực sự bền.
Chất lượng thật không cần đến người nổi tiếng chứng thực, nó tự khẳng định giá trị qua từng lần mặc, từng lần giặt. Và đó mới chính là thời trang xứng đáng để bạn bỏ tiền ra mua.
Theo Visiontimes