Văn hóa truyền thống

Những người mẹ kế nổi tiếng hiền đức trong lịch sử

28/04/24, 17:19
Những người mẹ kế nổi tiếng hiền đức trong lịch sử
Không phải mẹ kế nào cũng ác. Chỉ cần có trái tim người mẹ, thì con nào mẹ cũng thương (ảnh minh họa: Pinterest)

Từ xưa đến nay, hình ảnh người mẹ kế xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích, hầu như đều là phản diện và ác độc. Nhưng trong thực tế, có không ít những người mẹ kế hiền đức, lương thiện.

Trong rất nhiều chuyện cổ tích từ xưa đến nay, cả Đông phương lẫn Tây phương, chân dung người mẹ kế thường được phác họa một cách phản diện, ác độc.

Ví như trong truyện “Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn”, mẹ kế vì ghen ghét với sắc đẹp của nàng mà luôn tìm cách giết hại nàng.

mụ dì ghẻ; mẹ kế con chồng; mẹ kế thương con chồng
Trong truyện cổ tích, hình ảnh mẹ kế thường được ví như mụ phù thủy ác độc (ảnh minh họa: Facebook)

Nhưng trên thực tế, có rất nhiều người mẹ kế đức hạnh và tài giỏi. Dưới đây là những câu chuyện nổi tiếng về những người mẹ kế trong lịch sử. 

Mục Khương dùng đức cảm hóa bốn người con riêng của chồng

Trong “Hậu hán thư” có ghi chép, thời nhà Hán ở An Chúng (một quận thời nhà Hán), có một bậc đại hiền mẫu tên Mục Khương. Mục Khương vốn là vợ kế của Trình Văn Cự

Mục Khương có hai người con, vợ trước của Trình Văn Cự mất sớm, để lại bốn người con. Bốn người con riêng không chấp nhận mẹ kế, căm ghét và thường nói xấu Mục Khương.

Nhưng bà vẫn luôn dùng thái độ từ ái nhân hậu và tận tâm dưỡng dục các con. Thậm chí, bà còn cấp dưỡng cho con riêng nhiều hơn con ruột. Có người thấy bất bình cho bà, liền nói: “Bốn đứa trẻ này bất hiếu như vậy, sao bà không tách riêng chúng ra, tránh xa bọn chúng?”

Mục Khương trả lời: “Tôi muốn dùng đạo lý để dạy chúng trở thành những con người lương thiện”.

Sau này khi con cả của vợ trước là Trình Hưng lâm bệnh nặng, bà tận tụy chăm lo, tự mình săn sóc thuốc men, ăn uống, quả thực là ân tình sâu nặng. 

Suốt một thời gian dài sau đó Trình Hưng mới khỏe lại, anh liền gọi các em mình tới, nói:

“Kế mẫu đối với chúng ta nhân từ, thương yêu như vậy, mà chúng ta trước giờ không những không cảm ân lại thường oán trách, đặt điều gièm gia. Thật không khác nào cầm thú, tội lỗi thật nặng”. 

Vì thế anh dẫn theo ba người em đến ngục giam quan, kể lại ân đức của mẹ kế và xin được nhận hình phạt. Chuyện này tới tai Huyện lệnh, ông vô cùng cảm phục sự hiền đức của Mục Khương, liền khen ngợi; đồng thời tha cho bốn anh em trở về hối cải làm lại cuộc đời, thậm chí còn miễn trừ lao dịch cho nhà họ Trình. 

Từ đó về sau, Mục Khương đối với con riêng cẩn thận dạy dỗ, họ đều trở thành những bậc hiền sĩ thiện lương trong vùng. 

Người mẹ kế giàu đức hy sinh, hết lòng lo lắng cho con chồng

“Liệt nữ truyện” có ghi lại câu chuyện của một vị kế mẫu hiền đức từ thời Chiến Quốc. Bà là con gái của Mạnh Dương Thị, gả cho Mang Mão làm kế thất. Bà có ba người con, vợ trước của Mang Mão có 5 người con. Bà đối với con của chồng vô cùng tốt, nhưng chúng đều lạnh nhạt với bà. 

mụ dì ghẻ; mẹ kế con chồng; mẹ kế thương con chồng
Bà dùng đức cảm hóa con chồng, khiến một nhà hòa hợp (ảnh minh họa: Kingstone)

Có một lần, đứa con thứ ba của vợ cũ phạm phải pháp lệnh của Ngụy vương và bị kết án tử. Bà đau buồn lo lắng, chạy vạy khắp nơi, tìm đủ mọi cách để cứu con, đến nỗi thân thể gầy mòn, xơ xác.

Có người khuyên bà: “Đứa trẻ này đối xử với bà không tốt, cớ gì bà phải lao tâm khổ tứ vì chúng, để rồi thành ra bộ dạng như thế này?”

Bà kiên định nói: “Nếu đó là con ruột của tôi, cho dù chúng không yêu thương tôi, tôi vẫn sẽ gắng hết sức giúp chúng vượt qua tai họa. Vậy lẽ nào tôi lại không thể đối đãi như vậy với con riêng của chồng? Cha chúng vì thấy đám trẻ mất mẹ từ nhỏ, thiếu thốn tình cảm, nên mới lấy tôi làm kế mẫu. Tôi đảm đương vai trò một người mẹ, đương nhiên phải yêu thương bù đắp chúng như mẹ ruột.

Làm một người mẹ mà không thương yêu, lo lắng cho con của mình thì có gọi là từ ái không? Chỉ yêu thương cốt nhục của mình, mà không quan tâm con chồng thì có còn là con người đạo đức, chính nghĩa không? Không từ ái, không nhân nghĩa, làm sao có thể sống trên thế gian được? Dẫu chúng không thương yêu tôi, nhưng tôi không thể không tuân theo tiêu chuẩn đạo đức của mình được”.

Vì thế, bà tiếp tục đi khắp nơi tìm cách cứu con. Sau này, khi Ngụy An Ly Vương biết được chuyện này, đã cảm động trước lòng nhân từ và chính trực của bà, nói:”Có người mẹ hiền như này, sao có thể không cứu con của bà ấy được?” Vì vậy ông đã ra lệnh miễn tử tội cho con riêng của bà.

Từ đó, năm người con riêng đều vô cùng yêu thương, kính trọng bà, gia đình một nhà hòa hợp. Bà lấy lễ nghĩa giáo dục các con, về sau cả tám người con đều trở thành các bậc đại phu hiền sĩ của Ngụy quốc. 

Bất kể là mẹ ruột hay mẹ kế, chỉ cần họ nhận thức được trách nhiệm làm mẹ của mình, họ sẽ đối xử và giáo dục con mình một cách tử tế, không có khác biệt giữa con ruột và con riêng.

Theo Bannedbook

x