Socrates là một triết gia người Hy Lạp cổ đại. Ông được coi là một trong những người đã sáng tạo ra nền triết học phương Tây, và là triết gia đạo đức đầu tiên của nền tư tưởng đạo đức phương Tây.
Nội dung chính
Socrates là một biểu tượng của triết học phương Tây
Ông là một nhân vật bí ẩn và không hề viết ra bất cứ điều gì. Những gì chúng ta biết về ông ngày nay đều là do các học trò của ông như Platon và Xenophon viết lại. Những mẩu đối thoại của Platon là một trong những bằng chứng toàn diện nhất về Socrates vẫn còn sót lại từ thời cổ đại.
Socrates có một sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với những triết gia sau thời kỳ cổ đại và kỷ nguyên hiện đại. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật và văn hóa đại chúng miêu tả về Socrates đã khiến ông trở thành một trong những hình tượng được biết đến rộng rãi nhất trong nền tư tưởng triết học phương Tây.
Mặc dù luôn thể hiện sự trung thành đến chết với thành bang; song việc theo đuổi đến cùng lẽ phải và đức hạnh của Socrates đã mâu thuẫn với chiều hướng chính trị và xã hội đương thời của Athena. Ông ca ngợi Sparta, chê bai Athena, trực tiếp và gián tiếp trong nhiều cuộc đối thoại.
Nhưng có lẽ hầu hết các sử liệu xác thực đều cho thấy sự đối lập của Socrates với thành bang là ở quan điểm chỉ trích xã hội và luân lý của ông. Thích bảo vệ sự nguyên trạng hơn là chấp nhận phát triển sự phi đạo đức. Trong lĩnh vực của mình, Socrates cố gắng phá vỡ quan niệm lâu đời “chân lý thuộc về kẻ mạnh” rất thông dụng ở Hy Lạp lúc bấy giờ.
Socrates tin rằng bản thân không biết gì hết
Trong tác phẩm Apologia của Platon có kể lại một câu chuyện thú vị sau: Ông Chaerephon hỏi nhà tiên tri ở Delphi rằng liệu có ai thông thái hơn Socrates; nhà tiên tri trả lời rằng không ai thông thái hơn. Socrates tin rằng nhà tiên tri đã đưa ra một nghịch lý; bởi ông tin rằng ông không biết gì cả.
Sau đó ông giải đáp bí ẩn bằng cách hỏi những người được cho là khôn ngoan ở Athena; như là chính khách, thi sĩ hay thợ thủ công nhằm bác bỏ những lời nhà tiên tri nói. Nhưng sau khi hỏi họ, Socrates đi đến kết luận: Khi một người cho rằng anh ta biết rất nhiều, thì thực ra anh ta biết rất ít hoặc không biết gì cả.
Socrates nhận ra rằng nhà tiên tri đã đúng; những người được cho là khôn ngoan nghĩ rằng họ biết nhiều trong khi thực tế thì ngược lại. Tự ông cũng biết rằng mình chả thông thái chút nào; nghịch lý thay, lại khiến ông là người khôn ngoan duy nhất; vì ông nhận thức được sự ngu dốt của mình.
Ông quyết tâm bảo vệ ý chí của mình
Nghịch lý sự khôn ngoan của Socrates đã khiến những người đứng đầu ở Athena mà ông từng tranh luận công khai cảm thấy mình trở nên ngốc nghếch; nên họ đã quay lại chống lại ông và dẫn tới việc buộc tội ông. Cuối cùng ông bị kết án tử hình bằng cách uống một ly thuốc độc. Ông có thể hoàn toàn tránh khỏi cái chết nếu thừa nhận mình sai lầm nhưng ông từ chối “ân huệ” đó bởi cho rằng sự thật còn đáng giá hơn sự sống. Sự chính trực và trí tuệ của ông đã được ca ngợi cho đến tận ngày nay.
Dưới đây là những câu nói đầy trí tuệ của ông:
Bàn về sự hiểu biết
Hiểu biết đích thực là biết rằng mình không biết gì cả.
Trí tuệ thực sự là khi chúng ta nhận ra mình hiểu biết ít như thế nào về cuộc sống, về bản thân mình và về thế giới xung quanh.
Người thông minh học từ mọi việc và mọi người; người trung bình học từ kinh nghiệm của họ. Người ngu dốt đã có tất cả câu trả lời.
Tôi không thể dạy ai điều gì cả. Tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ.
Đừng nghĩ rằng những người chân thành là người ca ngợi những lời nói và hành động của bạn, mà là những người tốt bụng chỉ ra những sai lầm của bạn.
Đôi khi bạn xây lên bức tường không phải để xa lánh mọi người; mà muốn nhìn thấy ai là người đủ quan tâm tới bạn nhất để có thể phá vỡ nó.
Chúng ta dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối; bi kịch thực sự của cuộc sống là khi con người sợ ánh sáng.
Hãy vui vẻ chào đón cái chết, và hãy biết sự thật này, không có điều xấu nào có thể xảy ra với người tốt; cả khi sống hay sau khi chết.
Vấp ngã không phải là thất bại. Thất bại là khi bạn đứng mãi ở chỗ mà mình ngã.
Lời khuyên của tôi là bạn nên kết hôn: nếu bạn lấy được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc; nếu không thì bạn sẽ trở thành triết gia.
Bàn về từ bi, đức hạnh
Đức hạnh không đến từ sự giàu có, nhưng… sự giàu có, và tất cả những điều tốt lành mà con người có… đến từ đức hạnh.
Cảnh giới cao nhất của tư duy sẽ không thể đạt tới được nếu thiếu đi yếu tố quan trọng đầu tiên là sự hiểu biết về lòng từ bi.
Sống không phải là vấn đề, vấn đề là sống sao cho đúng.
Giáo dục là việc nhen lên ngọn lửa, không phải việc lấp đầy một con tàu.
Trí tuệ lớn thảo luận về những ý tưởng; trí tuệ trung bình bàn luận về những sự kiện; còn trí tuệ non yếu chỉ nói chuyện về con người.
Người không hài lòng với những gì anh ta có; cũng sẽ không hài lòng với những gì anh ta sẽ có.
Hãy thật chậm rãi khi bắt đầu một tình bạn; nhưng một khi đã bắt đầu rồi, hãy nắm giữ thật chặt.
Đừng đối xử với người khác theo cách mà bạn biết là bạn sẽ bực mình nếu người khác cũng đối xử với bạn như vậy.