Người xưa thường dùng câu “đức cao vọng trọng” để chỉ những người có đạo đức và phẩm chất cao thượng, được mọi người kính trọng, lưu danh thiên cổ.
Vậy tại sao không phải là “quyền cao vọng trọng”, “tiền nhiều vọng trọng”, “tài cao vọng trọng”, mà lại là “đức cao vọng trọng”? Tất nhiên, điều này có mối quan hệ sâu sắc với văn hóa truyền thống coi trọng đạo đức, chỉ khi con người có đạo đức cao thượng thì mới thực sự có được danh tiếng và sự kính trọng của mọi người.
Đức – “德” là gì?
Thuyết văn giải tự viết rằng: “Đức, thăng dã. Tòng xích”. Ý tứ là là đạo đức, tâm tính của con người nhờ làm việc tốt mà được thăng hoa, đề lên tầng thứ cao.
Thuyết văn giải tự còn viết: “Xích, tiểu bộ dã, tượng nhân hĩnh tam chúc tương liên dã.” Xích – “彳” giống như là 3 đoạn bàn chân, bắp chân, đùi của người liên kết lại với nhau, ý tứ là bước nhỏ. Bước nhỏ này không phải là chạy, nhảy hay giậm chân tại chỗ, mà là tiến lên từng bước từng bước một.
Bên phải chữ Đức – “德” gồm có “十目一心” (thập mục nhất tâm) cấu thành, Thập -十 đại biểu cho toàn bộ phương vị, Mục -目 là con mắt, Nhất – 一 nghĩa là trời, Tâm – 心 là lòng người. Đôi mắt toàn năng của Ông Trời đang nhìn vào tấm lòng và hành vi của con người xem có phù hợp với quy luật của trời đất hay không, đây chính là ý nghĩa của Đức – “德”.
Tại sao nói là “đức cao vọng trọng”?
Nếu hành vi của một người tuân theo quy luật của vũ trụ, người đó sẽ có thể tích đức. Người có đức nhiều thì có phẩm chất đạo đức và tài trí hơn người, đương nhiên sẽ được mọi người kính trọng và danh tiếng vang xa.
Trong lịch sử có biết bao nhân vật, anh hùng có tầm ảnh hưởng trong các triều đại trước đây, nhưng chỉ những người có đạo đức cao thượng mới thực sự được kính trọng, để lại tiếng thơm muôn đời, được người đời sau noi theo. Chẳng hạn như Khổng Tử dựa theo năng khiếu mà dạy học trò, Gia Cát Lượng cúc cung tận tụy, Quan Vũ trung nghĩa song toàn, Phạm Trọng Yêm lo cho nước cho dân, Nhạc Phi tận trung báo quốc, v.v.
Tuy nhiên, Khổng Tử lưu lạc khắp nơi, trải qua biết bao gian khổ để truyền giảng học thuyết Nho gia; Gia Cát Lượng mất trước khi hoàn thành đại nghiệp; Quan Vũ thất bại phải chạy về Mạch Thành; Phạm Trọng Yêm nhiều lần bị hãm hại và giáng chức; Nhạc Phi chưa hoàn thành được tâm nguyện thì đã bị hại chết tại đình Phong Ba. Sở dĩ những nhân vật này có thể lưu danh muôn đời, không phải vì họ có những thành tựu vĩ đại, công lao vang đội, mà bởi vì họ là những người đạo đức cao thượng, có tấm lòng bao dung, rộng lượng, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng giữ được chí hướng và nguyên tắc của bản thân.
Có thể thấy, “đức cao” là một yếu tố then chốt để được mọi người kính trọng. Không có đạo đức cao đẹp, mà chỉ có danh tiếng đơn thuần thì đó chỉ là tiền bạc, quyền lực và tài năng phù phiếm bên ngoài, hữu danh vô thực mà thôi.
Câu chuyện về Phú Bật
Phú Bật thời Bắc Tống là một tấm gương điển hình về “đức cao vọng trọng”. Tư Mã Quang từng ca ngợi ông trong “Từ nhân đối tiểu điện trát tử” là: “Thần thầm nghĩ, Phú Bật là phụ thần (ý chỉ tể tướng) qua 3 triều đại, đức cao vọng trọng”.
Phú Bật bước vào con đường làm quan lúc 26 tuổi. Ông liên tiếp giữ chức Tể tướng của 3 triều đại Nhân Tông, Anh Tông và Thần Tông, đồng thời trở thành danh thần được thiên tử nể trọng và được bách quan kính trọng ngưỡng mộ.
Năm Khánh Lịch thứ 2 thời Nhân Tông (năm 1042), nước Khiết Đan ở phương bắc đóng quân ở biên giới, triều đình ra lệnh cho Phú Bật đến doanh trại địch để đàm phán. Phú Bật không màng an nguy của bản thân mà khẳng khái nhậm chức.
Ông được cử đi sứ 2 lần, lần đầu tiên đi nhậm chức, con gái ông bị bệnh và qua đời. Lần thứ 2 trên đường đi ông lại nghe tin con trai út đã chào đời, nhưng ông cũng không về nhà để thăm con được. Sau khi trở về nước, triều đình khen ngợi công trạng của ông, ông đều khiêm nhường khước từ hết lần này đến lần khác.
Phú Bật là người cẩn trọng và hòa nhã, ngay cả sau khi trở thành Tể tướng, ông cũng không bao giờ kiêu ngạo. Cho dù quan viên cấp dưới hay thường dân đến thăm, ông đều đối xử với họ như nhau. Vậy nên Tư Mã Quang khen ông là người “đức cao vọng trọng”.
Theo Vision Times