Nếu chỉ dùng một từ để khái quát về Tam gia thì đó có thể là: Nho gia kính, Đạo gia tĩnh, Phật gia tịnh. Chúng ta hãy thử phân tích về Tam gia theo hướng này.
- Biết che giấu tài năng mới là người trí tuệ
- 6 quy tắc ứng xử cao minh: Giàu sang quý ở nhân từ, nghèo khổ hay ở khí phách
Nho gia kính
Kính có 3 hàm nghĩa. Thứ nhất là nội tâm luôn kính sợ. Khổng Tử nói: “Quân tử có ba nỗi sợ: Sợ Thiên mệnh, sợ đại nhân và sợ lời của Thánh nhân.” Nếu một người mất đi tấm lòng cung kính và không còn biết kiêng nể điều gì, thì chỉ tự mình chuốc lấy hoạ mà thôi. Còn những người có tâm kính sợ, tuân thủ các quy tắc thì sẽ không bao giờ vượt qua ranh giới đạo đức.
Họ kính trọng trời đất, kính trọng hoàng đế và các bậc thầy, kính trọng bản thân, hiểu rõ được đạo lý, biết những gì nên làm và những gì không nên làm. Nếu theo cách này, họ có thể ước thúc hành động, tiết chế lời nói, kiểm soát ham muốn của mình và hành sự một cách đoan chính, như vậy mới có thể đi được càng xa hơn và thuận lợi hơn.
Thứ hai là đối xử với người khác bằng sự khiêm tốn và tôn kính. Mạnh Tử nói: “Kính nhân giả, nhân hằng kính chi”, có nghĩa mình kính người ta thì người ta kính lại mình.
Khi ở địa vị cao, không nên kiêu ngạo, không cuồng vọng mà hãy đối xử bình đẳng với mọi người. Khi ở địa vị thấp, không cảm thấy tự ti thấp kém, không tâng bốc nịnh nọt và đối xử với mọi người một cách ung dung thản nhiên. Tôn trọng kẻ yếu là từ bi và thiện lương; tôn trọng kẻ mạnh là trí tuệ và có tầm nhìn. Trong cuộc sống, hãy luôn giữ thái độ khiêm tốn và tôn kính, chỉ khi đó bạn mới được nhiều người biết đến và gặp nhiều may mắn.
Thứ ba là phải nghiêm túc và tôn kính mọi thứ. Tuân Tử nói: “Thành công của tất cả mọi việc đều nhờ vào sự tôn kính”.
Dù năng lực của bạn có mạnh mẽ đến đâu, dù bạn có tài năng to lớn đến mấy, bạn vẫn có thể vì sơ suất mà chịu nhận thất bại. Vì vậy, ở bất kỳ thời điểm nào, thái độ và nhân phẩm luôn là điều quan trọng nhất. Dù việc lớn hay nhỏ, con đường dẫn đến thành công chính là giữ vững tấm lòng tôn kính và thực hiện mọi việc một cách nghiêm túc.
Đạo gia tĩnh
Trong “Thanh Tĩnh kinh” có nói: “Nhân năng thường thanh tĩnh, Thiên địa tất giai quy“, có nghĩa là khi một người có thể thanh tĩnh thì trời đất đều sẽ quy về. Tĩnh là một loại trí tuệ, một loại cảnh giới, cũng là phong cảnh đẹp nhất trên đường đời.
Khi nội tâm chúng ta thanh tĩnh, không bị vướng vào tình cảm, không bị rối loạn trong tâm trí, thì suy nghĩ của chúng ta sẽ tự nhiên rõ ràng thông suốt và mọi thứ sẽ trở nên thuận lợi suôn sẻ.
Có một câu chuyện như sau: Vào lúc hoàng hôn, một người thợ mộc và người học việc của anh đang cưa gỗ trên một cái bục cao. Vô tình, dây đồng hồ của anh bị đứt và rơi vào phoi bào. Chiếc đồng hồ này vô cùng đắt tiền, người thợ mộc rất lo lắng đứng ngồi không yên, vì vậy anh vội vã tìm kiếm cùng với những người học việc của mình.
Mãi cho đến khi trời tối, họ vẫn không tìm thấy được gì. Người thợ mộc chán nản nói rằng họ sẽ tìm lại vào ngày mai. Nhưng không lâu sau, đứa con trai út của anh chạy đến và nói: “Cha ơi, con tìm thấy chiếc đồng hồ rồi”. Người thợ mộc lấy làm lạ bèn hỏi: “Nhiều người lớn đốt lồng đèn đi tìm cả buổi mà không thấy, làm sao một đứa trẻ lại tìm ra được?”
Đứa trẻ nói rằng: “Sau khi cha đi, trong sân rất yên tĩnh, con nghe thấy tiếng tích tắc của kim đồng hồ, thế là con tìm thấy nó”.
Nhiều khi chúng ta càng lo lắng, càng nóng lòng muốn đạt được kết quả, nhưng mọi việc lại luôn phản tác dụng, càng không như mình mong muốn. Thay vì khó chịu và cáu kỉnh, tốt hơn hết bạn nên tĩnh tâm lại, gạt bỏ những tạp niệm và rắc rối không cần thiết đó đi. Khi sự việc xảy ra, hãy tĩnh tâm để phân biệt đúng sai, bình tĩnh ứng phó, trầm tĩnh để suy xét, thì bạn mới có thể gạt bỏ sương mù và nhìn thấy lối ra.
Làm thế nào để giữ được nội tâm thanh tĩnh? Chỉ có cách bỏ đi tư dục (dục vọng cá nhân), bỏ đi những ý nghĩ không tốt. Nếu đạt được đến mức độ ấy thì trí tuệ tự nhiên được khai thông. Ngược lại, nếu ngày đêm sốt sắng, lo lắng được mất hay sợ tổn thất lợi ích của cá nhân thì “Đạo” cũng tự rời xa. Chỉ có tĩnh tâm làm việc mới đạt được tới mức “quên mình”, mới có thể chân chính lĩnh ngộ được những điều thần bí trong đó.
Phật gia tịnh
“Quảng Vận” giải thích: “Tịnh nghĩa là không dơ bẩn”. Tịnh của Phật giáo là nhìn thấu nhân duyên, trong lòng không vướng bụi trần, bản tính thanh tịnh. Một người như vậy, bất kể đi đến đâu hay gặp phải tình huống nào thì đều có một “cõi tịnh thổ” trong trái tim của mình.
Ngày xưa đã từng có một lão hòa thượng cùng với một tiểu hòa thượng đi xuống núi dạo chơi. Khi họ đến bờ sông, dòng chảy rất mạnh vì trời vừa mới mưa xong. Lúc này, bên bờ sông có một cô gái xinh đẹp, nét mặt buồn bã, cô gái không dám qua sông một mình. Lão hòa thượng liền chủ động bước tới hỏi xem cô có cần giúp đỡ gì không, sau khi cô gái đồng ý, lão hòa thượng đã cõng cô qua sông.
Sau khi qua sông, cô gái vẫy tay chào tạm biệt để bày tỏ lòng biết ơn, còn hai thầy trò tiếp tục lên đường. Tiểu hòa thượng lấy làm khó hiểu, một lúc sau mới hỏi: “Thầy đã dạy chúng con giới sắc, sao thầy còn muốn cõng cô gái qua sông?”. Lão hòa thượng ngạc nhiên, dường như đã quên chuyện vừa xảy ra, sau đó mỉm cười nói: “Ta đã buông cô gái xuống bờ sông rồi, con còn chưa buông cô ấy xuống nữa hay sao?”.
Trong lòng lão hòa thượng, chuyện này căn bản không đáng nhắc tới, chẳng qua là làm một việc thiện mà thôi. Nhưng tiểu hòa thượng nghĩ mãi trên suốt đường đi, mê muội cả con đường, vẫn không buông bỏ được, là bởi vì tâm vẫn không thanh tịnh!
Trong kinh Phật có viết: “Một niệm tâm thanh tịnh, hoa sen nở khắp nơi, một hoa một miền tịnh thổ, một miền tịnh thổ một Như Lai”.
Tâm bất động thì gió cũng chẳng thể lay. Một người có nội tâm thanh tịnh thì sẽ sống những ngày tháng bình yên, không nhiễm bụi trần, như hoa nở khắp nơi. Trong đời người, ngoại cảnh càng rối rắm, phức tạp thì tâm càng phải thanh tịnh, vô tư.
Đừng bị vọng tưởng lay động, đừng bị ngoại cảnh mê hoặc, chỉ khi trong lòng hiểu rõ bản tính của mình, bạn mới có thể an nhiên tự tại, tùy tâm hành sự. Người có trái tim thuần khiết như nước tự nhiên sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn.
Theo 360doc