Nhân sinh cảm ngộ

Mạng xã hội khiến cảm xúc người ta trồi sụt khi được “chú ý” hay bị “ngó lơ”

12/05/25, 15:26
Năng lượng xã hội của thanh thiếu niên bị cạn kiệt khi điện thoại hết pin
Năng lượng xã hội của thanh thiếu niên bị cạn kiệt khi điện thoại hết pin (ảnh minh họa: Epochtimes)

Khi đăng một bức ảnh hay video lên mạng xã hội, người dùng kỳ vọng nhiều vào sự chú ý của người khác, nhưng sẽ mau chóng thất vọng khi ít được quan tâm; mạng xã hội khiến cảm xúc người ta thất thường và dễ dẫn đến sự tự ti.

Những nguồn tài nguyên khan hiếm nhất trên thế giới

Không khó để bắt gặp một nhóm thanh thiếu niên tụ tập cùng nhau nhưng lại chỉ chăm chú vào điện thoại thay vì trò chuyện với nhau, hay một bạn trẻ đơn độc ngồi giữa đám đông, cúi gập người và mải mê lướt màn hình.

Theo một cuộc khảo sát của Gallup, hơn một nửa số thanh thiếu niên Mỹ dành ít nhất bốn giờ mỗi ngày cho mạng xã hội. Nếu cộng dồn, thời gian đó tương đương gần ba tháng mỗi năm. Điều này có nghĩa là họ dùng một phần tư cuộc đời trôi qua chỉ để lướt mạng xã hội.

Nếu thời gian ấy được sử dụng theo cách khác thì sao? Các nghiên cứu cho thấy cần khoảng 200 giờ để xây dựng một tình bạn thân thiết. Theo cách tính này, nếu một thiếu niên thay vì dành thời gian trên mạng xã hội mà dùng để tương tác trực tiếp ngoài đời, thì cứ mỗi 40 ngày, họ có thể kết thêm một người bạn thân mới.

Liệu mạng xã hội có thực sự đáp ứng được nhu cầu kết nối cho chúng ta? Hay nó chỉ đơn thuần là lướt qua những ảo tưởng về sự kết nối?

Năm 1971, nhà kinh tế học người Mỹ và là người đoạt giải Nobel, Herbert Simon, đã đặt ra thuật ngữ “nền kinh tế chú ý.” Ông cho rằng trong thời đại dư thừa thông tin, sự chú ý của con người đã trở thành nguồn tài nguyên khan hiếm và quý giá nhất.

Nhận định của Simon phản ánh câu ngạn ngữ cổ của Trung Hoa: “Một tấc thời gian một tấc vàng, tấc vàng chẳng mua nổi tấc thời gian”

Nếu thời gian và sự chú ý thật sự còn quý hơn cả vàng, chẳng phải các bạn trẻ nên đầu tư chúng một cách khôn ngoan hay sao?

Nghịch lý trong việc đầu tư cho tình bạn của thanh thiếu niên

Liên lạc kỹ thuật số không thể mang lại những lợi ích tương đương với một cuộc trò chuyện trực tiếp. Dữ liệu cho thấy mọi người đều nhận thức được mạng xã hội không thể thay thế hoàn toàn cho những tương tác xã hội thực sự.

Jeffrey Hall, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Kansas, ví mạng xã hội như một hoạt động thụ động – chẳng khác gì việc ngồi quan sát người khác. Ông cho biết trong một thông cáo báo chí rằng chỉ 3,5% thời gian người ta sử dụng mạng xã hội là để bình luận và trò chuyện, còn phần lớn là để lướt xem các hồ sơ cá nhân.

Nói cách khác, mạng xã hội đã tạo nên một nghịch lý trong cách con người đầu tư vào tình bạn – khi mọi người tưởng rằng mình đang quản lý các mối quan hệ hiệu quả, vì có thể giữ liên lạc với nhiều người hơn mà không cần tốn quá nhiều công sức. Tuy nhiên, nhà kinh tế học và tác giả Umair Haque gọi hiện tượng này là “lạm phát quan hệ” – tức là khi số lượng tương tác càng nhiều thì giá trị của từng mối quan hệ lại càng giảm.

người trẻ; các bạn trẻ; thanh niên
Tâm trạng của các bạn trẻ phụ thuộc vào mức độ tương tác trên mạng xã hội (ảnh minh họa: Ebay)

Giáo sư Bernard Crespi, chuyên ngành sinh học tiến hóa tại Đại học Simon Fraser (SFU), chia sẻ với tờ The Epoch Times rằng, những hệ thống cộng hưởng trong não vốn giúp con người kết nối cảm xúc với nhau khi gặp gỡ trực tiếp, chúng không thể phát huy hiệu quả khi tương tác qua mạng. Ví dụ, các nơ-ron gương – loại tế bào thần kinh đóng vai trò trong việc tạo ra sự thấu cảm sẽ hoạt động yếu hơn trong các tương tác trực tuyến. 

Ví dụ, một cô gái tuổi teen có thể dành hàng giờ để trang điểm, chọn trang phục, chụp và chỉnh sửa ảnh của chính mình, rồi hồi hộp chờ đợi phản ứng từ bạn bè sau khi đăng ảnh lên mạng. Nếu không nhận được nhiều lượt thích hay bình luận, cô ấy có thể cảm thấy bị chối bỏ. Cùng lúc đó, cô lại lặng lẽ dành thời gian xem trang cá nhân của những cô gái khác, so sánh ngoại hình của mình với những bức ảnh đã được chỉnh sửa kỹ lưỡng – điều này dễ dẫn đến sự tự ti và giảm lòng tự trọng.

Theo Nancy Yang, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Simon Fraser (SFU) và là tác giả chính của nghiên cứu, hình thức tương tác trực tuyến là một dạng “tiến hóa bất thường”.

Cô chia sẻ với tờ The Epoch Times rằng, không giống như hình thức tương tác trực tiếp – vốn là cách con người kết nối với nhau trong phần lớn chiều dài lịch sử. Mạng xã hội đã làm suy giảm khả năng tự điều chỉnh hành vi xã hội và hình thành nhận thức về bản thân dựa trên phản hồi từ người khác.

Trong giao tiếp truyền thống, ánh mắt đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng sự kết nối và cảm giác thân mật giữa con người, nhưng yếu tố này lại hoàn toàn bị đánh mất trên mạng xã hội.Thay vào đó, thành công trong môi trường internet phụ thuộc vào khả năng tưởng tượng xã hội, hay “cái nhìn tưởng tượng”.

Những người sáng tạo nội dung phải dự đoán hướng nhìn từ “đôi mắt ảo” của khán giả – điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “giao tiếp bằng mắt ảo” và trình bày trước ống kính sao cho người xem tưởng tượng thấy mình đang được kết nối trực tiếp. 

Yang cho rằng không gian ảo tạo nên những môi trường mà con người không chỉ bị tách biệt về mặt thể chất với người khác; mà còn có nguy cơ mất kết nối với chính bản thân mình, trở thành một “điểm cô lập” trong mạng lưới, chỉ được gắn kết với thế giới bằng chính trí tưởng tượng của mình.

Crespi, người có bằng tiến sĩ tại Đại học Michigan (Ann Arbor) và là tác giả thứ hai của nghiên cứu cho biết, con người có tính xã hội cao; chúng ta thường xuyên nghĩ về người khác khi hợp tác hoặc cạnh tranh. Qua quá trình phát triển, con người đã trở nên đặc biệt nhạy cảm với các cơ hội cũng như các mối đe dọa trong đời sống xã hội.

Ông cho biết, những người chưa hình thành đầy đủ nhận thức về bản thân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những cạm bẫy của thế giới trực tuyến. Họ thường thiếu đi các mối quan hệ xã hội ý nghĩa ngoài đời thực, nên tìm đến internet như một cách để tạo dựng, củng cố và duy trì cái tôi – dù bằng những phương thức có vẻ thiếu chân thực.

“Không nghi ngờ gì rằng điều này đã tác động đến não bộ đang trong quá trình phát triển,” Crespi nhận định.

Yang ví việc dùng internet để thỏa mãn nhu cầu xã hội giống như ăn bắp rang để chữa đói – nó có thể là “thức ăn”, nhưng không thể cung cấp dưỡng chất như một bữa ăn thực sự.

Khi thanh thiếu niên tiếp tục “ăn vặt” bằng những tương tác kỹ thuật số, cảm giác thèm muốn vẫn cứ lớn dần trong khi cơn đói thì vẫn còn nguyên.

Nền kinh tế cảm xúc của mạng xã hội

Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển mà con người đặc biệt nhạy cảm với sự đồng thuận hay bác bỏ từ bạn bè cùng trang lứa. Một nghiên cứu do nhóm các nhà tâm lý học tại Đại học Amsterdam thực hiện vào năm 2024 cho thấy: so với người lớn, thanh thiếu niên phản ứng mạnh mẽ hơn trước những phản hồi xã hội, điển hình là số lượt thích và thường họ điều chỉnh hành vi đăng bài của mình theo mức độ tương tác nhận được.

người trẻ; các bạn trẻ; thanh niên
Sơ đồ minh họa sự nhạy cảm của thanh thiếu niên trên mạng xã hội (ảnh minh họa: Epochtimes)

Ngoài ra, khi những người tham gia đăng ảnh trên một nền tảng mô phỏng giống Instagram, tâm trạng của thanh thiếu niên bị tác động mạnh bởi sự sụt giảm số lượt thích nhiều hơn so với người lớn. Điều này cho thấy việc sử dụng mạng xã hội ở thanh thiếu niên chịu sự chi phối bởi cảm xúc nhiều hơn.

Một nghiên cứu dài hạn được công bố trên Frontiers in Digital Health cho thấy điều gây tổn hại nhiều nhất cho tình bạn của các bạn trẻ không phải là áp lực phải luôn trực tuyến hay phải phản hồi ngay lập tức, mà là thứ các nhà nghiên cứu gọi là “bẫy kết nối” – một cảm giác hụt hẫng và tổn thương khi tin nhắn của họ bị phớt lờ, hay còn gọi là “nỗi thất vọng”.

Đó là còn chưa tính đến yếu tố hình ảnh, nghiên cứu cho thấy rằng ảnh và video được xem như những “khoản đầu tư” có mức độ kỳ vọng cao hơn, đòi hỏi sự hồi đáp tương xứng, khiến cảm giác thất vọng càng trở nên rõ rệt hơn. Khi thanh thiếu niên chia sẻ một hình ảnh được chọn lọc kỹ lưỡng, về bản chất, họ đang đầu tư nhiều cảm xúc hơn và kỳ vọng nhận lại một sự công nhận tương xứng từ người khác.

Các phát hiện cho thấy, rằng họ không buồn vì công sức đã bỏ ra, mà buồn vì không nhận được kết quả như kỳ vọng. Họ đăng bài với mong đợi sẽ nhận được “lợi tức” từ những tương tác, và khi điều đó không xảy ra thì mâu thuẫn dễ dàng phát sinh.

Một cuộc thử nghiệm không thể kiểm soát

“Mạng xã hội thực chất chỉ là một cuộc thử nghiệm rất lớn mà hiện tại hầu như không có nhóm đối chứng” Crespi nói. “Chúng ta buộc phải sống chung với nó theo cách tốt nhất có thể.”

Theo Yang, “Kỹ năng giao tiếp cũng giống như học nhảy, dù bạn có xem bao nhiêu video hướng dẫn đi nữa, nhưng sẽ không bao giờ giống với việc thực sự nhảy. Bởi lẽ, tổng thể luôn mang nhiều giá trị hơn là tập hợp các phần riêng lẻ.”

Dù mạng xã hội là một công cụ hữu ích, nhưng Nancy Yang khuyên các bạn thanh thiếu niên hãy sử dụng nó một cách điều độ. “Ra ngoài và chạm vào cỏ đi”, cô nói đùa để nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc trò chuyện trực tiếp trong việc xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa.

Theo The Epoch Times

x