Người xưa có câu “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm”, Thần Phật từ bi luôn muốn cho con người cơ hội để hối cải; có người chỉ vì làm được một chút việc tốt mà có thể trở về từ cõi chết, sống lại để sửa chữa những sai lầm mà mình đã mắc phải.
Nội dung chính
Phú ông tham ăn, sát sinh bừa bãi
Trong năm Vũ Đức triều đại nhà Đường, ở thành Trường An có một người tên là Tô Nhân Khâm. Cha của ông là một người giàu có nhưng không nhân đức; sau khi chết đã phải chịu rất nhiều đau khổ ở âm phủ. Tô Nhân Khâm cũng giống như cha của ông; ỷ có nhiều tiền mà sinh sống rất xa hoa. Hơn nữa, vì để thỏa mãn dục vọng ăn uống mà đã sát sinh rất nhiều động vật.
Khi chưa đến 30 tuổi, Tô Nhân Khâm mắc bệnh hiểm nghèo; quanh năm phải nằm trên giường không nói được. Hằng đêm còn nằm mơ thấy có rất nhiều động vật đến đòi mạng. Đây vốn là oan hồn của những động vật bị ông giết hại, đã đi đến Diêm Vương để tố cáo ông. Diêm Vương liền mang hồn phách của ông xuống địa ngục; ở không gian này phản ánh ra chính là ông bị bệnh nặng, phải nằm dài ở trên giường.
Một ngày nọ, Tô Nhân Khâm lại mơ thấy các động vật đến đòi nợ; trong lúc sợ quá thì ngất đi. Linh hồn của ông được đưa xuống âm phủ. Diêm Vương vừa thấy ông thì trách mắng: “Ngươi bởi vì kiếp trước tu thiện tích phúc, cho nên kiếp này mới giàu có như vậy. Nhưng ngươi lại phóng túng bừa bãi; đúng là không biết nhân quả báo ứng. Chỉ vì tham ăn mà sát sinh lung tung. Bây giờ thọ mệnh của ngươi đã bị cắt giảm hết rồi”. Dứt lời, Diêm Vương phán ông bị đày xuống địa ngục; lại cho sai nha mang ông đến núi đao chịu hình phạt, để bồi hoàn lại tội nghiệp ông đã gây ra khi còn sống.
Nhờ làm một việc thiện nhỏ mà được sống lại
Tô Nhân Khâm nghe thấy vậy thì vô cùng sợ hãi; ông chợt nhớ ra lúc còn sống đã từng bỏ tiền mua một quyển Kinh Phật để cúng dường cho hòa thượng Thần Kính; mà hòa thượng Thần Kính thì đã tọa hóa rồi (tọa hóa tức là hòa thượng ngồi ngay ngắn, an nhiên mà rời khỏi thế gian). Tô Nhân Khâm nghĩ rằng đó cũng có thể coi là đã làm được một việc tốt. Vì vậy ông mới đem việc này nói với Diêm Vương, hy vọng có thể được tha thứ.
Diêm Vương chưa kịp nói gì thì ngay lập tức thấy có một mùi hương huyền bí tràn ngập khắp điện Diêm la. Một hòa thượng tay cầm cuốn Kinh Phật từ trên không trung hạ xuống. Hòa thượng tiến đến trước mặt Diêm Vương và nói: “Tôi chính là hòa thượng Thần Kính; bởi vì liên tục tụng niệm quyển Kinh Phật mà ông ấy cúng dường nên về sau mới có thể tu đắc chính quả. Tô Nhân Khâm nhờ vậy cũng đã tích được công đức. Hy vọng ngài từ bi tha cho ông ấy trở về dương gian; để cho ông ấy sửa đổi những việc làm ác và hành thiện”.
Diêm Vương quay sang hợp thập với hòa thượng Thần Kính. Nhờ có công đức này, Diêm Vương không chỉ miễn trừ tội nghiệp cho Tô Nhân Khâm, mà còn tăng thêm cho 50 năm tuổi thọ; cũng khuyên ông về sau phải chăm làm việc thiện để chuộc lại lỗi lầm.
Một người tu Phật cả nhà được hưởng lợi ích
Tô Nhân Khâm sau khi sống lại thì quả thật đã sửa đổi, chăm làm việc thiện, tích thêm công đức. Ông còn in thêm rất nhiều Kinh Phật và cúng dường cho nhiều vị sư.
Một đêm nọ, Tô Nhân Khâm nằm mơ thấy người cha quá cố nói với ông rằng: “Cha ở dưới địa ngục chịu muôn vàn khổ cực; bởi vì con tu hành Phật Pháp, tích được công đức, nên hôm nay cha mới có thể được giải thoát và lên thiên giới. Con nếu như đem một trăm mẫu ruộng cúng dường cho chùa thì công đức sẽ còn truyền đến mãi về sau cho con cháu”. Tô Nhân Khâm làm theo như lời cha nói; ông cũng chú ý tu tập tinh tấn hơn nữa.
Viên quan thích săn bắn
Vào thời nhà Tống cũng có một câu chuyện tương tự như của Tô Nhân Khâm. Vào thời đó có một huyện úy tên là Vương Địch Công. Vương Địch Công rất thích săn bắn, bởi vậy đã giết chết rất nhiều động vật. Mà vợ của ông lại rất tín Phật; phản đối việc sát sinh; hàng ngày đều tụng niệm Kinh Phật ở trong nhà.
Một ngày nọ, vợ của Vương Địch Công đang đọc Kinh thì thấy chồng đi săn trở về. Nàng cố gắng thuyết phục, mong chồng cùng đọc Kinh Phật với mình, hy vọng có thể gieo cho chồng một chút thiện căn.
Thấy vợ cứ thuyết phục mãi, Vương Địch Công cũng chịu đọc Kinh Phật cùng vợ. Nhưng đọc được một chút là Vương Địch Công đã thấy mất kiên nhẫn. Có khi đọc Kinh Phật còn chưa hết được một chương thì Vương Địch Công đã lại đứng dậy đi vào bếp để xử lý số thú đã săn được.
Nhờ tụng Kinh Phật mà được sống lại
Cuộc sống cứ như vậy trôi đi, thoáng chốc đã 5 năm. Một ngày nọ, Vương Địch Công đột nhiên bị trúng gió, uống thuốc cũng không có hiệu quả; chỉ có thể nằm ở trên giường; nhiều năm trôi qua mà cũng không hết.
Một ngày nọ, Vương Địch Công thấy có hai sứ giả của âm phủ tới bắt ông. Ở dương gian thì thấy là ông đã tắt thở rồi; chỉ là lồng ngực vẫn cảm thấy có chút hơi ấm.
Vương Địch Công bị mang đến trước mặt Diêm Vương, Diêm Vương lớn tiếng trách mắng: “Người là mệnh quan triều đình, cũng đã có phúc báo rồi; vốn là nên tu thiện tích đức, tăng thêm phúc báo. Nhưng ngươi lại thích sát sinh. Phúc lộc của ngươi bởi vậy mà bị cắt giảm hết”. Dứt lời, Diêm Vương lệnh cho sai nha đánh nhập ông xuống nồi nước sôi ở địa ngục; để cho ông ở trong nồi nước sôi mà hoàn trả tội nghiệp.
Sau khi sai nha đọc qua sổ sinh tử thì nói với Diêm Vương, người này tuy có nghiệp sát sinh, nhưng lúc còn sống có nghe lời khuyên của vợ mà tụng Kinh Phật; công đức tuy chỉ có một trang giấy, nhưng so với việc ác đã làm thì lại có giá trị hơn; đủ điều kiện để được miễn tội; có thể cho trở về dương gian.
Thần Phật từ bi luôn cấp cơ hội cho con người sửa chữa sai lầm
Diêm Vương vì vậy lệnh cho sai nha múc một gáo sôi ở trong nồi và tưới lên lưng của Vương Địch Công; rồi cho ông ta trở về dương gian. Vương Địch Công sau khi sống lại thì thấy ở sau lưng có một vết loét dài và bị mưng mủ, khắp cả người hôi thối, đau nhức không thể chịu được; nhưng lại không có thuốc gì có thể chữa được.
Vương Địch Công nhờ vợ đứng trước tượng Phật phát nguyện thay cho mình: “Từ nay về sau không sát sinh nữa. Sau khi bệnh khỏi thì sẽ tự tay sao chép Kinh Phật, cả đời ăn chay”.
Đêm hôm sau, Vương Địch Công mơ thấy một vị tăng nhân, dùng tay xoa lên lưng ông 3 lần. Sau khi trời sáng, phát hiện các vết mủ trên lưng đều đã biến mất; không để lại một chút dấu vết nào. Vương Địch Công và vợ từ đó trở về sau vô cùng tôn kính Thần Phật.
Tài liệu tham khảo: “Kim cương kinh cảm ứng lục”.
Theo Epoch Times