Liệu giải mã giấc mơ có thể giúp giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống thực tế? Nhiều người đã tìm được gợi ý thông qua các giấc mơ.
Nội dung chính
Ý nghĩa ẩn giấu của giấc mơ
Các nhà triết học Socrates, Descartes, và các nhà tâm lý học Freud, Carl Jung đã từng nói, giấc mơ phản ánh tiềm ý thức và tự ngã chân thực của con người. Nhưng điều này liệu có đúng không? Hay nó thuần túy chỉ là những hoạt động vô thức kích hoạt nơ-ron thần kinh?
Diane Villiers, tác giả cuốn sách “the Dream Journey Guide” (Hướng dẫn hành trình giấc mơ) cho biết, hầu hết các giấc mơ đều có mục đích và liên quan đến cuộc sống của chúng ta trong vòng 24 đến 48 giờ. Nó không chỉ kết nối trực tiếp giữa chúng ta và tự ngã bên trong, mà còn cung cấp những thông tin mới nhất và những kiến giải độc đáo. Nó còn có thể giúp chỉ đạo cho cuộc sống hàng ngày và hỗ trợ phát triển tương lai.
Giải mã giấc mơ giúp phát huy khả năng tiềm ẩn bên trong
Villiers cho rằng, giấc mơ giống như một nhà trị liệu tâm lý cá nhân. Nó có thể giúp bạn nhận ra ưu khuyết điểm của bản thân, tôn trọng Thần tính và sự thánh khiết bên trong; chính là nhận thức tự ngã và tiếp nhận tự ngã. Nó còn có thể giúp bạn phát huy khả năng tiềm ẩn bên trong; nó giúp phá vỡ những thói quen sai lầm và khắc phục những khuyết điểm của bản thân.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Cá tính và tâm lý xã hội” (the Journal of Personality and Social Psychology) vào tháng 2/2009, nhà tâm lý học Carey K. Morewedge đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với những người từ các nhóm văn hóa khác nhau. Kết quả cho thấy rằng, giấc mơ đúng là phản ánh những ưu tư và tư tưởng bị ẩn giấu trong cuộc sống hiện thực. Hơn nữa rất nhiều giấc mơ đã đưa ra các ý tưởng, mà nếu so với những suy nghĩ lúc tỉnh táo thì lại mang nhiều ý nghĩa hơn.
Giấc mơ ảnh hưởng đến hành vi
Để tìm hiểu xem giấc mơ ảnh hưởng như thế nào đến hành vi lúc thanh tỉnh, các nhà tâm lý học đã khảo sát những người đi làm ở Boston (Mỹ); đưa ra cho họ một số yêu cầu vào đêm trước chuyến bay: 1. Cố ý nghĩ đến tình huống máy bay bị rơi; 2. Nghe đến nguy cơ phần tử khủng bố sẽ cướp máy bay; 3. Nghe đến việc máy bay sắp cất cánh thì bị rơi; còn một nhóm người cuối cùng thì thực sự mơ thấy máy bay bị rơi.
Kết quả cho thấy, việc mơ thấy máy bay rơi hay nghe nói đến việc máy bay rơi đều gây ra mức độ lo lắng tương tự như nhau. Những người sau khi mơ thấy máy bay bị rơi thì rất có thể sẽ thay đổi kế hoạch di chuyển bằng máy bay của họ.
Giấc mơ giúp giải quyết vấn đề
Nhà tâm lý học Carl Jung cho rằng, giấc mơ phản ánh những ưu tư và vấn đề mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống thực tế. Bằng cách giải mã giấc mơ, có thể giúp chúng ta giải quyết những vấn đề trong thực tế.
Deirdre Barrett, một nhà tâm lý học hành vi tại trường Y Harvard, người đã nghiên cứu giấc mơ hơn 10 năm, tin rằng giấc mơ giống như những suy nghĩ của chúng ta lúc đang thức; có một vài tạp niệm tầm thường lặp đi lặp lại, nhưng cũng có những suy nghĩ sâu sắc và có ý nghĩa.
Tiến sĩ Barrett chỉ ra rằng, đã có nhiều trải nghiệm thú vị về những giấc mơ giúp con người giải quyết vấn đề. Trong đó có hai người từng đoạt giải Nobel khẳng định rằng, tư duy đột phá của họ đến từ chính giấc mơ của họ.
Giấc mơ đưa ra gợi ý cho cuộc sống hiện thực
Otto Loewi, người từng đoạt giải Nobel nói rằng, ông đã sử dụng các phương pháp thí nghiệm do giấc mơ cung cấp để chứng minh rằng sự dẫn truyền thần kinh là thông qua các chất hóa học chứ không phải là các electron. Tướng quân George S. Patton trong thế chiến II cũng từng công khai nói rằng, ông đã hoàn thành kế hoạch tác chiến ở trong mơ.
Trong một nghiên cứu của tiến sĩ Barrett, bà đã yêu cầu các sinh viên tập trung vào bài tập ở trường hoặc các vấn đề cá nhân trước khi đi ngủ. Sau khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, họ sẽ lập tức viết ra những giấc mơ của mình vào cuốn sổ. Sau một tuần, người ta phát hiện ra rằng, một nửa sinh viên mơ về các vấn đề; trong khi nửa còn lại mơ về giải pháp cho các vấn đề.
Đừng quá lệ thuộc vào giấc mơ
Các nhà khoa học Đức đã chỉ ra rằng, con người bắt đầu mơ từ khi mới sinh ra. Giấc ngủ một đêm thường bao gồm 4 hoặc 5 lần mơ, chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ. Trong đó chỉ có 40% giấc mơ là thật, 60% còn lại là vô nghĩa.
Vì vậy bạn cũng không cần phải quá lo lắng khi gặp những giấc mơ kỳ lạ; cũng như không thể hoàn toàn lấy giấc mơ làm chuẩn mực để thực hiện mọi việc. Có những sự việc dù có là thật, nhưng đó là những gì đã xảy ra trong quá khứ; hoặc trong một chiều không gian nào đó.
Vì vậy khi giải mã giấc mơ phải dùng lý trí để suy xét xem mình nên làm gì.
Theo Epoch Times