Rất nhiều trẻ em có thể nhớ lại tiền kiếp và miêu tả một cách sống động những gì đã trải qua ở kiếp sống đó. Tuy nhiên cha mẹ thường cho rằng những câu chuyện tiền kiếp đó chỉ là trí tưởng tượng của trẻ.
Nội dung chính
Liệu pháp hồi quy tiền kiếp
Hồi quy tiền kiếp (past life regression) hay còn gọi là liệu pháp tiền kiếp, một kỹ thuật thôi miên được giới thiệu bởi một nhà trị liệu nổi tiếng hơn ba mươi năm trước và ngày càng được dùng rộng rãi.
Ngày càng có nhiều người thông qua phương pháp hồi quy tiền kiếp mà biết được đời trước của mình. Đặc biệt là trẻ em, chúng thường dễ dàng tiến nhập vào trạng thái thôi miên hơn người lớn, hơn nữa những trải nghiệm mà chúng miêu tả rất khó để phủ nhận tính chân thực, bởi vì những điều này không phải là điều mà trẻ con có thể hiểu biết đến được, hơn nữa chúng cũng không có những suy nghĩ nói dối để khoe khoang hay trục lợi như người lớn.
Liệu pháp tiền kiếp (past life therapy) phát triển bằng cách áp dụng các phương pháp hồi quy tiền kiếp vào thực hành lâm sàng. Do có tác dụng chữa bệnh kỳ diệu đối với một số căn bệnh lạ nên nó đã nhanh chóng nâng cao vị thế của mình trong lĩnh vực y học.
Ví dụ như những nỗi đau vô hình, những sợ hãi sâu thẳm và những tổn thương ẩn giấu trong tiềm thức của con người; đều là những vấn đề nằm ngoài phạm vi của y học. Liệu pháp này không những có thể chữa trị hiệu quả nhiều căn bệnh, mà có lúc còn kỳ diệu như một phép màu.
Carol Bowman đã miêu tả chi tiết lại trải nghiệm hồi quy tiền kiếp, cùng quá trình chữa khỏi chứng ám ảnh sợ hãi một cách thần kỳ của hai đứa con bà là Chase và Sarah trong cuốn sách Children’s Past Lives (Tiền kiếp của những đứa trẻ).
Đây là cuốn sách đầu tiên về luân hồi sử dụng kinh nghiệm cá nhân của chính con cái tác giả làm ví dụ thực tế.
Câu chuyện tiền kiếp của những đứa trẻ
Chứng ám ảnh sợ hãi đến từ kiếp trước
Trong sách, tác giả miêu tả sinh động câu chuyện về cậu con trai út Chase. Khi Chase mới 5 tuổi, vào ngày Quốc Khánh, khi thấy pháo hoa bắn lên cùng với tiếng pháo nổ, cậu bé đột nhiên hoảng hốt khóc lớn, chỉ khi về tới nhà và cách xa những tiếng pháo nổ thì Chase mới dần bình tĩnh lại.
Không lâu sau đó lại xảy ra một sự việc tương tự, khi Chase đang nghịch nước bên hồ bơi thì nghe thấy tiếng nổ lớn, chứng sợ hãi ám ảnh của cậu bé lại bộc phát.
Một lần tình cờ, Carol Bowman đã nhờ bạn mình thử dùng phương pháp thôi miên hồi quy để điều trị chứng bệnh này cho Chase.
Trong khi thôi miên, Chase trở về một kiếp sống của mình, cậu bé kể rằng bản thân là một người lính trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, đang núp sau những tảng đá để bắn về phía quân địch, xung quanh là cảnh khói lửa, bom đạn mịt mù. Lúc đó, cổ tay phải của Chase đã bị trúng đạn, vết thương không ngừng chảy máu,…
Lời kể của Chase rất sống động, giống như cậu bé đang ở đó vậy, một đứa trẻ 5 tuổi không thể nào có được loại trải nghiệm này. Điều đáng kinh ngạc nhất là, phần bị thương ở cổ tay phải được Chase mô tả, chính là chỗ mà cậu bé đã bị chứng phát ban dai dẳng từ khi mới chào đời. Bởi Chase thường gãi cho tới khi chảy máu nên Carol phải quấn băng xung quanh cổ tay cậu bé.
Nhưng kể từ khi nhớ được tiền kiếp từng là một người lính, vài ngày sau, vết phát ban hoàn toàn biến mất, ngay cả chứng sợ hãi cũng không còn, hơn nữa về sau không hề tái phát trở lại.
Nỗi sợ hãi với lửa và ký ức đau thương
Khác với chứng sợ tiếng nổ của Chase, con gái Sarah của Carol lại mắc chứng sợ lửa cực độ; đặc biệt mỗi khi nhìn thấy cảnh cháy nhà trên tivi cô bé liền òa khóc không ngừng.
Khi đó Sarah mới 9 tuổi, trong lúc thôi miên hồi quy, cô bé miêu tả bản thân là một cô bé khoảng 11-12 tuổi, bị mắc kẹt trong một căn phòng đang cháy lớn. Cô bé cố gắng tìm kiếm cha mẹ giữa khói lửa nhưng không thấy, cuối cùng bị ngọn lửa thiêu rụi trong đau đớn và tuyệt vọng.
Một lúc sau, Sarah cảm thấy bản thân phiêu đãng bay lên phía trên mái nhà, nhìn xuống phía dưới là ngôi nhà chìm trong lửa, cha mẹ đang ôm ngực gào khóc thảm thiết. Thấy cảnh người thân bi thương tột độ, khiến cô bé rất cảm động, cũng không còn cảm giác oán hận cha mẹ vì đã không cứu mình. Trải qua lần thôi miên này, chứng sợ lửa của Sarah cũng tan thành mây khói.
Ở phần 2 của cuốn sách “Tiền kiếp của những đứa trẻ”, còn có “hướng dẫn ứng dụng ký ức tiền kiếp cho trẻ “. Tác giả cũng hướng dẫn cha mẹ cách phát hiện dấu hiệu tiền kiếp của trẻ, và cách phân biệt ký ức tiền kiếp với trí tưởng tượng của trẻ. Carol còn tổng kết ra 4 dấu hiệu quan trọng và nêu ví dụ cụ thể.
Cuốn sách còn hướng dẫn cha mẹ cách xử lý khi những đứa trẻ tự kỷ bắt đầu kể về sự việc trong tiền kiếp, làm thế nào để giúp trẻ, giao lưu, trao đổi.
Theo Visiontimes